Trước đây, nói đến những tên tuổi lớn ở thế kỉ XVIII, người ta thường nhắc đến Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Bùi Huy Bích,…chứ ít nhắc đến Nguyễn Huy Oánh. Tuy nhiên, gần đây, nhờ công sức khảo sát, sưu tầm, biên dịch, thẩm định của các nhà nghiên cứu, tên tuổi Nguyễn Huy Oánh ngày một sáng rõ, có tiếng vang. Càng ngày, khi đọc kĩ hơn vào các tư liệu về Nguyễn Huy Oánh cũng như những trước tác của ông, chúng ta càng nhận rõ ở ông tầm vóc một nhà bác học, một nhà văn hoá lớn. Làm nên tầm vóc nhà bác học, nhà văn hóa đó là nhiều nhân cách: nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà địa lí học, nhà luân lí học, nhà y học, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thơ... Không có tham vọng dựng lại toàn bộ “chân dung văn hóa” Nguyễn Huy Oánh, bài viết của chúng tôi chỉ tập trung khắc hoạ một nét của bức chân dung đó: Nguyễn Huy Oánh - nhà ngoại giao.
1. Ngoại giao với Trung Quốc
Ngoại giao với Trung Quốc là công việc thường xuyên, hàng đầu đối với các sứ thần Việt Nam xưa. Ở từng giai đoạn, từng thời điểm tuy có những nhiệm vụ, những sứ mệnh đặc thù nhưng tựu trung không nằm ngoài 2 mục tiêu: Duy trì sự hòa hiếu có lợi cho triều đại, dân tộc và bảo vệ chủ quyền, danh dự đất nước (cương vực, quốc thể) trước phong kiến phương Bắc. Đây là vinh dự đồng thời là trách nhiệm nặng nề cho những người được lựa chọn.
Theo tư liệu hiện còn, sự nghiệp ngoại giao với Trung Quốc của Nguyễn Huy Oánh bắt đầu phát lộ từ năm 1758. Đây là năm nước ta chuẩn bị một sứ bộ sang nhà Thanh vào đầu năm 1760. Theo Bắc sứ thông lục của Lê Quý Đôn, ban đầu có 6 người được đề cử vào các vị trí Chánh sứ và Phó sứ. Ở vị trí Chánh sứ có hai người được đề cử: một là, Trần Danh Lâm, giữ chức Phụng sai Nghệ An Đốc thị, Lễ bộ Hữu thị lang, tước Du Lĩnh hầu, đỗ khoa Tân Hợi (1731), 54 tuổi; hai là, Trần Huy Mật, giữ chức Bồi tụng kiêm Lễ bộ Hữu thị lang, tước Bái Xuyên hầu, đỗ khoa Bính Thìn (1736), 49 tuổi. Vị trí Phó sứ có 4 người được đề cử: một là, Nguyễn Huy Oánh(() Bắc sứ thông lục, bản dịch của Trịnh Ngữ (Ngô Thế Long hiệu đính), tài liệu viết tay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu Bt.19 và Bt.85, phiên là Nguyễn Huy Bảo. Đối chiếu với nguyên bản A.179, chúng tôi sửa lại là Nguyễn Huy Oánh.), Đông các Đại học sĩ, Thự Sơn Nam xứ Tham chính, đỗ khoa Mậu Thìn (1748), 45 tuổi; hai là, Trần Trọng Đống, Tự khanh, Hành thiêm Đô ngự sử, đỗ khoa Bính Thìn (1736); ba là, Lê Quý Đôn, Thiêm sai Tri binh phiên, Hàn lâm viện Thị giảng, đỗ khoa Nhâm Thân (1752) 33 tuổi; bốn là Trịnh Xuân Chú, Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Thanh Hoa Tham chính, đỗ khoa Mậu Thìn (1748), 55 tuổi. Cuối cùng, ba người đã được lựa chọn: Lê Huy Mật (Chánh sứ), Lê Quý Đôn (Giáp phó sứ), Trịnh Xuân Chú (Ất phó sứ). Tuy không được chọn đi sứ lần này nhưng việc đề cử đó cũng đã cho thấy, uy tín của Nguyễn Huy Oánh đã được chú ý. Và ngay sau đó không lâu, uy tín đó lại một lần nữa được khẳng định với việc ông được cử ra đón tiếp sứ nhà Thanh sang nước ta. Theo Đại Việt sử kí tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Bắc sứ thông lục, năm 1761 sau khi đoàn sứ bộ Việt Nam lên đường về nước, đoàn sứ bộ nhà Thanh do Hàn lâm thị độc Đức Bảo, Đại lí thiếu khanh Cố Nhữ Tu sang An Nam để sách phong vua Lê Hiển Tông làm An Nam quốc vương đồng thời làm lễ dụ tế vua Lê Ý Tông. Trong phái đoàn được cử ra đón tiếp sứ bộ nhà Thanh có Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Huy Oánh,… Để xứng với vai trò này, Nguyễn Huy Oánh được xét tăng 3 cấp. Về việc này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục bình luận như sau: “Lúc ấy nhân trong nước thái bình, Trịnh Doanh muốn phô trương nhân tài nước ta đông đúc, phần nhiều sai bầy tôi văn học như bọn Ngô Thì Sĩ giao thiệp ứng đối về việc giấy tờ. Bọn Thì Sĩ là người học hỏi sâu rộng, nên sứ thần nhà Thanh rất khen ngợi, kính trọng”(() Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, H, 1998.). Đây là những bước chuẩn bị rất quan trọng để đến năm Giáp Thân (1764), Nguyễn Huy Oánh chính thức được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh theo định lệ tuế cống(() Nhân đây xin cải chính thông tin cho rằng, Nguyễn Huy Oánh đã đi sứ 2 lần; thực ra là chỉ có 1 lần (năm 1765 – 1766), còn trước đó là cómặt trong phái đoàn đón tiếp sứ thần Trung Quốc (1761). ). Cùng đi với ông có hai phó sứ là Lê Doãn Thân và Nguyễn Thưởng (Đại Việt sử kí tục biên). Sứ bộ xuất phát ngày mùng 9 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766), vượt qua ải Nam Quan (Lạng Sơn), đến Yên Kinh vào tháng Mười hai năm đó. Tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767), sứ bộ lên đường trở về nước, tháng Mười một năm đó về đến Thăng Long hoàn thành chuyến đi sứ.
Trong chuyến đi sứ này, Nguyễn Huy Oánh và sứ bộ phải giao thiệp với rất nhiều nhân vật quan lại nhà Thanh từ trung ương đến địa phương. Nhờ tài năng ứng đối và uy tín của mình, Nguyễn Huy Oánh đã chiếm được nhiều cảm tình của họ. Ông được các đại thần nhà Thanh rất có danh vọng thời bấy giờ trọng vọng như: Đông các Đại học sĩ Phó Hằng tặng câu đối, Tổng đốc Giang Nam Cao Tấn tặng cho cái bảng đề tên hiệu của ông là Lựu Trai v.v… Vinh dự và trân trọng nhất là ông được nhà Thanh khen tặng 4 chữ “Đẩu Nam tuấn dự” (Bậc tuấn kiệt trời Nam). Tất cả những điều đó được lưu lại trong những bài thơ tặng đáp trên đường đi sứ (Hoàng hoa tặng đáp phụ lục): Tặng Bạn tống Lí Đĩnh Quang, Tặng Thái Bình phủ Chánh đường Sà Khắc Đàn, Tặng Giang đạo đài Lí Thiên Bội, Tống Quế Bình huyện Chánh đường Ngô Chí Quản, Tống Ngô Châu Giáo thụ, Tống Chiêu Bình huyện Chánh đường Triệu Phó Kỉ, Tạ Giang Nam Tổng đốc Cao Tấn huệ Lựu Trai bảng, Tạ Tuần phủ Tống Bang Tuy, Tạ Bố chánh sứ Thục Bảo, Tạ Án sát sứ Viên Thủ Đồng, Tạ Diêm đạo Chu Thăng Hằng, Tặng Linh Xuyên huyện Chánh đường Dương Đức Lân, Tặng Nhạc Lộc giáo chủ Vương Văn Thanh, Tạ Trường Sa Tuần phủ Thường quân, Tặng Di Châu Chánh đường Lưu Tập, Tặng Đề đốc Hải Yến, Thượng trình tống Khâm sai Lang trung Lương Cách, Tạ Các lão Phó Hằng huệ đối liễn, v.v… (chép trong Thạc Đình di cảo). Trong những bài thơ này, Nguyễn Huy Oánh luôn tỏ ra mềm mỏng, trịnh trọng để tạo một mối hoà hiếu, thuận lợi trong quan hệ giữa hai nước nhưng cũng không quên nêu rõ những quan điểm có tính nguyên tắc về mặt chủ quyền, lãnh thổ cũng như danh dự quốc gia khiến cho các quan lại Trung Hoa phải nể trọng. Ngoài thơ thù đáp, Nguyễn Huy Oánh cũng làm nhiều bài thơ khác, trong đó có một số bài được cho khắc vào vách đá ở nhiều danh lam thắng cảnh của Trung Quốc trên suốt hành trình đi sứ của mình như: Đề thạch bích, Đề Phục Ba nham, Khắc thạch đề thi,… (Phụng sứ Yên đài tổng ca). Có bài thơ ông không chỉ làm bằng chữ Hán thông thường mà làm theo kiểu chữ Mãn Thanh, có lẽ là thông dụng trong một bộ phận các quan lại nhà Thanh (có nguồn gốc dân tộc Mãn), đó là bài Đăng Yến Tử ki đạo viện ngâm (Thạc Đình di cảo - Tạp trứ). Đây là một bằng chứng cho thấy, Nguyễn Huy Oánh có ý thức học hỏi, trau dồi ngôn ngữ - văn tự hiện hành của Trung Quốc để làm giàu thêm khả năng ngoại giao của bản thân nhằm đối phó với các tình huống trên đường đi sứ(() Thời nhà Thanh, các quan chức xuất thân khoa bảng ngoài việc học chữ Hán còn phải học thêm chữ và văn học Mãn Châu (Mãn văn) mới có thể lên cao. Viên Mai (1716 - 1797) là một trường hợp lệ chứng, do không qua nổi kì khảo hạch Mãn văn, ông bị điều đi làm quan ở nơi xa. Như vậy, ở đây chứng Nguyễn Huy Oánh đã nắm rất rõ tình hình văn hóa, học thuật triều Thanh. ). Bên cạnh sự thể hiện một tâm hồn nghệ sĩ, một tinh thần học hỏi không ngừng, đây phải chăng còn là việc làm “tuyên truyền văn hoá”, “mang chuông đi đánh xứ người”, qua đó giúp cho người dân Trung Quốc hiểu biết thêm về dân tộc mình.
Trong chuyến đi sứ, Nguyễn Huy Oánh và sứ bộ cũng đã thực hiện một việc khá có ý nghĩa là đến thăm Văn miếu Quốc tử giám ở Yên Kinh. Việc làm này là nối theo và duy trì động thái đầy ý nghĩa của sứ bộ năm 1760. Nhắc đến việc này, thiết tưởng cần trở lại với sứ bộ năm 1760 để thấy được ý nghĩa của việc làm đó. Các triều trước, sứ thần Việt Nam đến Bắc Kinh chưa từng có ai đến nhà Thái học bái yết Khổng Tử, Lê Quý Đôn cùng với Trịnh Xuân Chú (Giáp Ất phó sứ trong sứ bộ 1760) dẫn một số người trong sứ bộ đến yết Văn miếu (ngày 10 tháng Giêng năm Tân Tị, 1761) và đàm đạo với Trợ giáo Trương Nguyên Quán và Bác sĩ Trương Phượng Thư. Hành động này của Lê Quý Đôn và sứ bộ ta có mục đích sâu xa là chứng minh cho nhà Thanh thấy, nước ta là một nước văn hiến, có lễ nghĩa (dĩ nhiên là theo quan điểm của nhà Nho xưa, nước văn hiến, lễ nghĩa là nước tuân theo thánh giáo của Khổng Tử, “bất tốn ư Hoa Hạ”…). Chính Bác sĩ Trương Phượng Thư đã phát biểu, “Các đoàn cống sứ trước của quý quốc chưa bao giờ đến bái yết Thánh miếu, nay các ngài kính cẩn đến đây, điều đó tỏ rõ có ý hiếu học, trọng đạo” (Bắc sứ thông lục, Q.IV). Chắc hẳn, Nguyễn Huy Oánh cũng ý thức được rất rõ ý nghĩa của việc làm đó từ chuyến đi của sứ bộ trước mà nối tiếp theo thư vậy. Với vai trò Chánh sứ, ông chủ động đến yết Văn miếu ngay khi vừa đặt chân đến Yên Kinh, trước khi vào triều cận hoàng đế nhà Thanh là vì vậy.
Lần đầu tiên, những “thủ tục” triều cận hoàng đế phức tạp, phiền toái trong chuyến đi sứ đã được Nguyễn Huy Oánh ghi chép chi tiết, sinh động trong tập sách Phụng sứ Yên đài tổng ca, đặc biệt là phần “nhật kí”. Chẳng hạn, “Giờ Tí ngày mồng một tháng Giêng năm Đinh Hợi niên hiệu Càn Long thứ 32 (1767) nấu cơm, vẫn đốt tro nóng cho vào lò xách tay [để chống lạnh]. Xe 1 cánh chờ ở ngoài cửa sáu chiếc. Đầu canh năm vào chầu, đến phía Tây dưới Trường An môn, xuống xe đi bộ qua Thiên An môn, vào trong Đoan môn thì men theo phía hữu Bạch Thạch kiều (cầu đá trắng) đến ngoài cửa Ngọ môn, quan Đại sứ dẫn đoàn vào hành lang bên phải, đợi đến chính giữa năm tiếng trống thì xe Hoàng đế ngự đến Thái miếu đi ra, bèn bày kiệu ở phía bên trái đường, nghe tiếng chuông liên tiếp thì khấu đầu [sát đất], quỳ xuống bên phải đường, xa giá Hoàng đế đi qua lại đứng dậy. Được một lúc nghe vẳng lại tiếng trống, tiếng nhạc, lại quỳ xuống đón xa giá. Lúc ấy, quan Đề đốc vâng chỉ cho sứ ta đến Tứ Phẩm sơn đứng, cùng sứ Cao Li bái lễ. Đợi đến sáng thì theo cửa bên phải của Ngọ môn vào đến Thái Hoà môn, chuyển hướng sang phải theo Trinh Độ môn vào đến thềm son (đan trì) đứng. Giờ Thìn nghe nhạc khí rung ba tiếng, Hoàng đế thăng điện, trăm quan chia ban [đứng chầu], dâng biểu hành lễ. Thoái triều, bọn Hồng Lô Thiếu khanh Phú Côn dẫn sứ ta đến thềm son, lệch về bên phải [so với chính giữa]. Cùng sứ Cao Li đứng theo hàng ngang. Nghe trên thềm có tiếng tuyên rằng: “Y phô”. Vị quan ấy lập tức hướng dẫn chúng tôi đi bộ thẳng tới [Tứ] Phẩm sơn. Nhạc trời nhất loạt tấu lên. Lại nghe tiếng tuyên: “A khô li”, tôi liền quỳ xuống. Lại nghe tiếng tuyên: “Hinh khi lô”, tôi lập tức khấu đầu sát đất, rồi ngẩng lên nhưng vẫn quỳ. Lại nghe tiếng tuyên: “Hinh khi lô”, tôi khấu đầu lần 2, tiếp tục tuyên: “Hinh khi lô”, tôi khấu đầu lần thứ 3. Lại nghe tiếng tuyên: “Y li”, tôi bèn đứng dậy bằng chân phải trước; tiếp tục nghe tiếng tuyên: “A khô li” tôi lại quỳ xuống, rồi lại tuyên “Hinh khi lô” 3 lần, xong lại tuyên “Y li”, tôi đứng dậy; lại tuyên “A khô li”, tôi quỳ xuống 3 lần, lại tuyên “Hinh khi lô”, 3 lần nữa. Quỳ chín lần, khấu đầu chín lần xong lại nghe tuyên: “Y li”, tôi đứng dậy, nghe tuyên “phô ti lô”, quan Thiếu khanh hướng dẫn tôi bước lên một bước nhỏ, tiến ra theo phương ngang đứng hầu, roi đánh vào khánh đá kêu vang, xa giá quay về [cung]. [Sứ ta] đến cung quán đặt bàn trước sân, hướng về phía Nam làm lễ bái vọng. Lúc đó, những người vâng mệnh Hoàng đế ban yến đều đến, mỗi bàn yến có 44 thứ đồ, bát chén đều làm bằng đồng” [Phụng sứ Yên đài tổng ca, tờ 42b - 43a]. Hay: “Ngày 15 tháng Hai, quan Lễ bộ nhà Thanh cho đặt bàn ở bên trái đường ngự đạo ngoài Ngọ Môn, trên bàn bày những lễ vật ban thưởng. Đúng giờ Tị, đường quan (quan coi lễ đường) dẫn sứ ta đến bên trái đường ngự đạo làm lễ quỳ ba lần, khấu đầu chín lần. Lễ xong lui xuống hàng đứng khoảng 8, 9 bước. Sứ thần quỳ xuống [nghe ban thưởng]. Các đồ ban thưởng theo lệnh Hoàng đế nhà Thanh gồm có: ban cho quốc vương [An Nam] năm tấm đoạn thêu rắn lớn, 5 tấm đoạn Trang, 5 tấm đoạn gấm, 5 tấm đoạn Uy, 6 tấm đoạn Thám, 27 tấm đoạn lót ngoài, 27 tấm đoạn lót trong, tổng cộng 80 tấm. Bồi thần tiếp nhận rồi chuyển cho hành nhân đưa ra chỗ bên ngoài đường ngự đạo, cho vào hòm. Lại xướng ban thưởng cho mỗi bồi thần đi sứ như sau: 6 tấm đoạn lót ngoài, 6 tấm đoạn lót trong, 2 tấm the, 2 tấm lụa, 8 tấm lụa quyên, tổng cộng mỗi viên được 24 tấm. Những tuỳ nhân cũng được thưởng những cái bao trong bao ngoài, những người theo giúp cũng được ban thưởng. Ban thưởng xong, lại làm lễ khấu đầu 9 lần rồi đi ra. Đến toà nhà bộ Lễ ăn yến, phía phải trước toà nhà bày bàn. Quan bồi tiếp ở bộ Lễ hướng dẫn chúng tôi cùng làm lễ khấu đầu 9 cái rồi vào ngồi trong nhà. Bàn ăn ở chính giữa bày 36 bát. Trước tiên uống một tuần trà sữa, quan bồi tiếp nâng chén mời, sứ thần theo đó mà tuỳ nghi uống 3 tuần hoàng tửu, đều dùng chén bạc. Ăn yến xong thì hướng về phía trước bàn làm lễ 1 lần quỳ 3 lần khấu đầu” [Phụng sứ Yên đài tổng ca, tờ 44a].v.v… Tiếc rằng, những đoạn như trên không nhiều lắm và cũng chưa đi sâu vào phản ánh những cuộc tiếp xúc, ứng đối, bàn thảo cụ thể những công việc ngoại giao của hai nước mà chỉ mới dừng lại ở những nghi thức chung chung, nên chưa thể hiện hết nhiệm vụ, sứ mệnh của đoàn.
Trên đường đi sứ, Nguyễn Huy Oánh còn soạn một số tác phẩm có tính chất “cẩm nang” cho người đi sứ như: Bắc dư tập lãm, Hoàng hoa sứ trình đồ, Hoàng hoa toàn tập, Phụng sứ Yên đài tổng ca. Bắc dư tập lãm thực chất là cuốn sách “toát yếu” cuốn Danh thắng toàn chí của Trung Quốc, mục đích là để tặng cho các bạn đồng liêu mở rộng thêm hiểu biết về Trung Quốc. Cuốn sách ghi chép khá kĩ lưỡng tên thành quách, phủ huyện, dân số, sông núi, phong tục, chùa quán,… của Trung Quốc. Hoàng hoa sứ trình đồ, là một tập bản đồ vẽ lại hành trình đi sứ của tác giả cộng những lời kí chú rất tỉ mỉ về phong thổ các địa phương, giúp ích cho những đoàn sứ bộ sau. Hoàng hoa toàn tập (không còn) cũng là tập sách về địa lí. Bài tựa sách hiện còn trong Thạc Đình di cảo cho biết: “Sách Đại Thanh nhất thống [chí] các bậc tiền bối nước ta [biên tập lại] đem chia làm 19 bộ, có người làm theo thể biền ngẫu thì do gọt đẽo mà mất đi sự chân thực, có người chia theo thể loại biên thì sự việc thấy ngay nhưng không được hệ thống. Ta nhân đem sách của các ông hợp lại làm một, sắp xếp theo thứ tự thống nhất, thế là hợp lí vậy. Trên đường đi, trong lúc nhàn rỗi, nhân ghi chép mà hợp thành sách”. Theo đó thì thấy, sách này ghi chép địa lí Trung Quốc, giúp ích cho việc tìm hiểu địa lí Trung Quốc nói chung và việc đi sứ nói riêng. Sách Phụng sứ Yên đài tổng ca là một tập “nhật kí” trên đường đi sứ, gồm một bài tổng ca dài 470 dòng (lục bát chữ Hán), trên 120 bài thơ và những đoạn ghi chép bằng văn xuôi, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe của tác giả. Sách thiên về ghi chép những cảm xúc riêng, một số nghi thức ngoại giao cũng như ghi chép tỉ mỉ về địa lí, phong thổ Trung Quốc. Đứng trên giác độ ngoại giao, những cuốn sách trên đây rất bổ ích cho các đoàn đi sứ sau cũng như cho việc tìm hiểu lịch sử ngoại giao của chúng ta ngày nay. Đứng trên giác độ văn hoá, những cuốn sách này cho thấy ý thức mở rộng hiểu biết ra bên ngoài của cha ông ta xưa.
Ngoài quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (là chủ đạo), Nguyễn Huy Oánh còn hiện diện trong vai trò sứ giả ngoại giao “không chính thức” với các nước Đông Bắc Á. Ở vai trò đó, ông cũng hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, góp phần vào việc xây dựng mối quan hệ bang giao hữu hảo với các nước này.
2. Ngoại giao với sứ thần Triều Tiên
Việc gặp gỡ giữa sứ thần các nước ở Trung Quốc không phải là đơn giản. Điều này đã được đề cập đến trong tập ghi chép của sứ thần Triều Tiên Lí Chi Phong (cùng thời với Phùng Khắc Khoan): “mỗi người ở một nhà riêng, cấm không được đi lại cùng nhau. Chỉ ngày triều hội mới được gặp mặt nhau đôi lần” (Chi Phong văn tập). Tuy nhiên, trong những dịp hiếm hoi, cũng đã có sự tiếp xúc, trao đổi giữa sứ thần Việt Nam với nhiều nhân vật từ các nước lân cận như Triều Tiên, Nhật Bản… Trong lịch sử, chúng ta đã chứng kiến một cuộc tiếp xúc khá độc đáo trên đất Trung Quốc giữa các sứ thần Việt Nam và Triều Tiên, như: giữa Phùng Khắc Khoan với Lí Chi Phong, Kim Tiêu dật sĩ; giữa Nguyễn Công Hãng với Du Tập Nhất, Lí Thế Cận; giữa Nguyễn Tông Quai với Lí Hiệu Lí, Mặc Tư Gia; giữa Lê Quý Đôn với Hồng Khải Hi, Triệu Vĩnh Tiến, Lí Huy Trung, v.v… Chuyến đi sứ của Nguyễn Huy Oánh cũng có những cuộc tiếp xúc thú vị như vậy. Theo Phụng sứ Yên đài tổng ca, sứ thần Việt Nam và sứ thần Triều Tiên cùng được vào triều cận một ngày (ngày mồng một Tết năm Ất Hợi). Có lẽ trong dịp này, Nguyễn Huy Oánh có dịp gặp gỡ sứ thần Triều Tiên. Chắc chắn hai bên đã có nhiều trao đổi với nhau, tiếc rằng không có tài liệu ghi chép nào để lại. Tuy nhiên, Nguyễn Huy Oánh có một bài thơ tặng sứ thần Triều Tiên làm bằng chứng. Bài thơ đó như sau:
TẶNG CAO LY SỨ
Vũ trụ đồng bao quát,
Cơ tâm tự bức viên.
Thành Thang quân viễn tổ,
Viêm Đế ngã gia tiên.
Đảo tự phân chư quốc,
Tinh hà cộng nhất thiên.
Dục thông tiêu tức vấn,
Tu trượng dịch âm truyền.
Văn đạo tiền lai sứ,
Hàm xưng quý giới hiền.
Văn chương đa cảnh bạt,
Nghĩa lí cánh âm huyền,
Hữu hạnh tương phùng trụ,
Ân cần tặng nhất thiên.
Tạm dịch
TẶNG SỨ GIẢ NƯỚC CAO LI(() Cao Li: tên cũ của nước Triều Tiên ngày nay.).
Vũ trụ này bao trùm tất cả,
Cõi lòng tự tu dưỡng cho tròn đầy.
Thành Thang(() Thành Thang: vị vua sáng lập triều Thương. Theo truyền thuyết, người Cao Li (Triều Tiên) là con cháu ông Cơ Tử (dòng dõi nhà Thương). Khi nhà Chu diệt nhà Thương, Cơ Tử không chịu khuất phục nhà Chu, bỏ qua đất Liêu Đông ẩn dật. Chu Vũ Vương phong cho đất ấy làm đất Cao Li, Cơ Tử nối dòng làm tước tử tại đó.) là ông tổ xa của ngài,
Viêm Đế((1) Viêm Đế: ông vua trong truyền thuyết Trung Hoa và Việt Nam. Theo Đại Việt sử kí toàn thư (phần Ngoại kỉ), tổ tiên nước Việt ta là dòng dõi vua Viêm Đế, họ Thần Nông.) là tổ tiên của tôi.
Đảo lớn nhỏ phân ra thành các nước,
Nhưng đều cùng dưới một trời sao này.
Muốn thăm hỏi tin tức của nhau,
Phải nhờ vào người phiên dịch.
Nghe nói, các sứ giả trước đến đây;
Đều được tiếng là người hiền của quý quốc.
Văn chương phần nhiều nổi trội,
Nghĩa lí càng tinh vi diệu huyền.
May mắn được gặp ngài ở đây,
Trân trọng gửi tặng một bài thơ.
Bài thơ, ngoài nội dung thù tạc, ứng đối thông thường đã nêu lên một quan điểm của tác giả về cương vực, về chủ quyền và lòng tự hào dân tộc. Đặc biệt là từ câu: “Đảo tự phân chư quốc” (Đảo lớn, đảo nhỏ phân ra thành các nước) có nhà nghiên cứu đã đặt ra nhận định khá thú vị: “Không biết vấn đề hải đảo dạo đó đã được đặt ra chưa, nhưng ở đây là một con mắt nhìn xa trông rộng. Có thể dưới vòm trời ta cùng chung sống hoà hữu, nhưng đường biên thì đã vạch rõ từng hòn đảo”(() Lại Văn Hùng - Lời giới thiệu, Tuyển tập thơ văn Nguyễn Huy Oánh, Nxb Hội nhà văn, H, 2005, tr 29. ). Đây là một tư liệu quý trong việc tìm hiểu sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên trong quá khứ(() Trong Một số tư liệu về việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên, Tài liệu chép tay, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: Vv.1005/70, học giả Trần Văn Giáp chưa giới thiệu tư liệu này.).
3. Ngoại giao với sứ thần Nhật Bản
Gặp gỡ sứ thần Triều Tiên là một sự kiện không quá hiếm hoi, mới lạ. Nhưng việc gặp gỡ, trao đổi với sứ thần Nhật Bản ở những tư liệu để lại trong lịch sử không nhiều. Cái mốc sớm nhất về tư liệu có lẽ là chuyến đi sứ của Phùng Khắc Khoan(() Theo truyền thuyết thì có sự tiếp xúc giữa Mạc Đĩnh Chi với người Nhật trên đất Trung Hoa. Tuy nhiên, truyền thuyết đó chưa được kiểm chứng và chưa đủ sức thuyết phục.). Trong cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Phùng Khắc Khoan và Lí Toái Quang (Triều Tiên), ông Phùng có đề cập đến quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản và xác nhận một điều, mối quan hệ này là rất khó khăn. Đoạn đối thoại đó như sau: “[Lí Toái Quang] hỏi: Nước ông cách Lưu Cầu, Nhật Bản bao nhiêu dặm? [Phùng Khắc Khoan] đáp: Nước tôi với Lưu Cầu, Nhật Bản cách biển, không thông suốt được” (Vấn đáp lục)(() Trần Văn Giáp: Tài liệu đã dẫn.). Trong Toàn Việt thi lục (A.132, Quyển 20) có chép một bài thơ của Phùng Khắc Khoan tặng sứ thần nước Lưu Cầu mang tiêu đề Di Lưu Cầu sứ thần (Tặng sứ thần nước Lưu Cầu), nhưng không rõ ông có được tiếp xúc trực tiếp với họ hay không. Sau đó khá lâu, theo Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, “Tháng 8 năm Mậu Ngọ [1738] niên hiệu Càn Long, Lê Hữu Kiều, sứ thần nước ta sang chúc mừng lễ đăng cực [Cao Tông nhà Thanh lên ngôi vua], lúc đến hội đồng quán ở Bắc Kinh, thì trước đấy đã có sứ thần nước Lưu Cầu đóng ở đấy mới ra về, thơ đề ở tường, vết mực còn mới, lời thơ cũng thanh thoát đáng khen”(() Lê Quý Đôn toàn tập (Phạm Trọng Điềm dịch), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, H, 1977, trang 223.). Sự tiếp xúc ở đây cũng chỉ là gián tiếp. Trong chuyến đi sứ năm 1760, Lê Quý Đôn cũng ghi chép việc có gặp hai “lưu học sinh” người nước Lưu Cầu (một phần Nhật Bản ngày nay)(() Lê Quý Đôn toàn tập (Phạm Trọng Điềm dịch), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, H, 1977, trang.). Chúng ta cũng được thấy những bức thư trao đổi giữa quốc vương nước Lưu Cầu với Đại Việt (Reikidai Hô an - Lịch đại bảo án), giữa chính quyền Mạc Phủ Đức Xuyên với các chúa Trịnh, chúa Nguyễn (Gaiban Tsuusho - Ngoại phiên thông thư)(() Lê Văn Hảo – Giao lưu văn hóa Việt Nhật và sự quan tâm của người Nhật đến văn hóa Việt nam, bài đăng trên website, địa chỉ: http://chimviet.free.fr/dantochoc/giaoluu/glvietnhat/lvhs058.htm.) v.v… Chuyến đi sứ của Nguyễn Huy Oánh cũng góp phần làm dày thêm tư liệu về mối quan hệ qua lại ít ỏi đó. Ít nhất, Nguyễn Huy Oánh còn để lại một bài thơ tặng sứ thần Nhật Bản. Bài thơ đó như sau:
TIỄN NHẬT BẢN SỨ HỒI TRÌNH
Hủ cương hư lộ các thiên nha (nhai),
Đa sĩ hân phùng đại mễ gia.
Nhật tống phù nê ninh hoạt kế,
Thủ châm tiên tố cộng kim la.
Kiệt nô dương mãi tây tôn bộ,
Thái lạc minh đông a tướng toa.
Hoa cái lực ca phi cảm nghĩ,
Mạn tương phấn địa tả tình đa.
Tạm dịch
TIỄN SỨ GIẢ NHẬT BẢN VỀ NƯỚC
Giữa buổi mây che mặt trời, mỗi bên (đi về) một góc trời,
Chờ đợi đã nhiều, nay vui mừng gặp được quan gia.
Ngày tiễn thuyền đi, nên tính toán linh hoạt,
Tay rót chén rượu, cùng nhau hàn huyên.
Hôm qua còn đi chơi bộ trên núi,
Đêm nay đã (như) thoi ngồi trên dòng nước.
(Ngài) tuổi trẻ tài cao, đâu dám nối gót,
Mạn phép đem bút ra gửi gắm tình cảm dạt dào.
Điều đặc biệt là ở bài thơ này, tác giả không dùng Hán văn bình thường mà sử dụng một kiểu Hán văn rất lạ. Lời chú trong Thạc Đình di cảo cho biết, bài thơ này “dùng tiếng nói của nước ấy” (dụng y quốc chi ngữ), ví dụ, ngoài những từ Hán thông dụng, bài thơ còn có những từ ghép (chữ Hán) lạ lùng như: “hủ cương” = “vân”, “hư lộ” = “nhật”, “phấn địa” = “bút”,v.v… Nhưng “tiếng nói của nước ấy” là nước nào? Tra cứu trong các từ thư Trung Quốc, chúng ta mới vỡ lẽ, Nguyễn Huy Oánh đã dùng những từ tiếng Nhật được ghi âm bằng chữ Hán thời Minh - Thanh. “Dùng tiếng nói của nước ấy” thực chất là những từ phiên âm tiếng Nhật. Những từ mà Nguyễn Huy Oánh đã dùng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong các bản từ vựng Nhật - Hán thời Minh Thanh được in trong các sách như: Hoa di dịch ngữ, Trù hải đồ biên, Nụy tình khảo lược, Hoàng Minh ngự Nụy lục, Trù hải trùng biên,… Các từ này, hiện một số vẫn còn xuất hiện trong kho từ vựng tiếng Nhật hiện đại, như: “Da mại” = yama (sơn); “Phù nê” = fune (thuyền); “Kiệt nô” = kinou (tạc nhật - ngày hôm qua); “Phấn địa” = fude (bút); “Hoa cái” = wakai (trẻ, thiếu niên)….Từ khám phá đó, chúng ta phải hết sức ngạc nhiên, thán phục sự hiểu biết ngôn ngữ nước ngoài (tiếng Nhật) của Nguyễn Huy Oánh. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, ông đã có ý thức “học ngoại ngữ” (ngoài chữ Hán đã thành thông dụng) để phục vụ cho công tác ngoại giao. Trước Nguyễn Huy Oánh, theo sử sách ghi chép, có lẽ chỉ có Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là có ý thức và đã thực hiện chủ trương đó. Điều này cho thấy nhãn quan ngoại giao, tính chuyên nghiệp trong công tác ngoại giao của Nguyễn Huy Oánh. Vậy ông đã tìm hiểu tiếng Nhật lúc nào và vì nguyên cớ gì? Trên đường đi sứ hay ở quê nhà từ trước đó? Điều này có lẽ còn cần phải tìm hiểu thêm khi nghiên cứu tiểu sử của ông. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý trong tiểu sử Nguyễn Huy Oánh là: trong gia phả dòng họ Nguyễn Huy có nói về một người phụ nữ Nhật Bản. Bà này được cụ Nguyễn Công Ban, ông tổ dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, cứu được trong một vụ đắm thuyền ngoài biển Nghệ An - Hà Tĩnh. Ông Ban đem bà về chăm sóc và nhận làm con nuôi. Bà này sau trở thành kế thất của ông Nguyễn Như Thạch, con ông Nguyễn Công Ban, tổ bốn đời của Nguyễn Huy Oánh. Bà được coi là người có công tạo lập và duy trì gia phong dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Khi bà mất, người trong họ có lập đền thờ bà, tục gọi là Đền Ả Mệ Bà, đến nay vẫn còn di tích ở làng Trường Lưu(() Chi tiết thú vị này do PGS. TS Lại Văn Hùng cung cấp. Nhân đây chúng tôi xin gửi lời trân trọng cảm ơn!). Rất có thể, bà chính là một “đầu mối” giúp ta lí giải việc Nguyễn Huy Oánh lưu tâm đến tiếng Nhật, để rồi trong chuyến đi sứ Trung Hoa năm 1765 - 1766, sự lưu tâm đó đã được phát huy trong việc ngoại giao với sứ thần Nhật Bản.
Ngoài ra, trong tiểu sử của Nguyễn Huy Oánh ta thấy, ông rất được triều đình tín nhiệm cử đến trị nhậm, hoặc “tán lí” ở các vùng biên viễn có nhiều dân tộc thiểu số như vùng Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa… Trên thực tế, thời bấy giờ, những dân tộc đó có một số quyền “tự trị” nhất định (gọi là “ki mi”, nghĩa là “ràng buộc lỏng lẻo”), chẳng hạn như: Bồn Man, Lạc Hòn, Trấn Ninh, v.v… Nhờ tài năng chính trị và ngoại giao với các dân tộc thiểu số đó, Nguyễn Huy Oánh đã không những hoàn thành mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững sự ổn định trong nước.
Như vậy, trong khoảng gần chục năm trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào công việc ngoại giao của đất nước, Nguyễn Huy Oánh đã tỏ ra là một nhà ngoại giao đầy năng lực và nhiệt huyết, luôn hoàn thành một cách xuất sắc những công việc được giao phó. Tất cả những hoạt động ngoại giao của ông đều có tác dụng nâng cao vị thế của triều đình Lê - Trịnh, giữ gìn và khẳng định danh dự quốc gia với nước ngoài. Không những thế, còn có thể xem ông là một “sứ giả văn hoá”, góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hoá giữa nước ta với các nước trong khu vực trong quá khứ./.
Hà Nội, tháng 12 năm 2006 - tháng 10 năm 2007.
[Bài đăng Kỷ yêu Hội thảo danh nhân văn hóa Nguyễn Huy Oánh]
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa