Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Ảnh hưởng Đạo gia - Đạo giáo trong thơ ca thời Lí Trần

Giai đoạn thế kỉ X - XIV từ lâu, đã được xem là giai đoạn thịnh hành và tịnh hành của “Tam giáo” lớn: Nho, Phật, Đạo. Có thể nói, ba học phái - tôn giáo đó đã chi phối hầu như toàn bộ đời sống văn hoá, học thuật giai đoạn này trong đó có văn học. Thế nhưng, cho đến nay giới nghiên cứu dường như chỉ mới chú ý đến vị trí và ảnh hưởng của Nho giáo Xem Nho giáo và văn học Việt nam trung cận đại, Nxb Văn học, H, 199? của GS. Trần Đình Hượu và đặc biệt là Phật giáo Xem Văn học Phật giáo thời Lý Trần - Diện mạo và đặc điểm, Nxb Đại học quốc gia Tp HCM, 2003 của TS. Nguyễn Công Lý. đối với văn học. Tình hình đó cũng được phản ánh trong các bộ lịch sử văn học. Vị trí ảnh hưởng của Đạo gia - Đạo giáo đối với văn học giai đoạn này vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Một vài bài viết có đề cập đến vấn đề Xem Đạo gia và văn hoá, Nxb Văn hoá thông tin, H, 2000, của Trường ĐHSP Hà Nội và Trung tâm nghiên cứu quốc học ) nhưng thiếu sự khảo sát quy mô và chưa có những tổng kết, đánh giá toàn diện, mang tầm khái quát. Đương nhiên, cũng phải thừa nhận rằng những tư liệu văn học liên quan đến Đạo gia, Đạo giáo giai đoạn này không nhiều gây khó khăn bấp bênh cho những kết luận, đánh giá. Song, những thành quả văn học do nó góp phần gây dựng giai đoạn sau (như trong truyện ký, tiểu thuyết, truyện Nôm, thơ…) cùng với những phát hiện mới về văn bản, chú giải học đã đặt ra vấn đề phải tìm hiểu sâu hơn, có hệ thống hơn về ảnh hưởng của chúng. Trước tình hình đó, bài viết của chúng tôi bước đầu khảo sát tìm hiểu vấn đề này, trước hết là ở mảng thơ ca.
Để tìm hiểu vấn đề trên, chúng tôi thấy cần có vài nét giới thiệu về Đạo gia, Đạo giáo giai đoạn thế kỉ X - XIV như sau:
I. Đạo gia, Đạo giáo giai đoạn thế kỉ X - XIV:
Đạo gia (Taoist school) và Đạo giáo (Taoism) là hai thuật ngữ khác nhau nhưng có liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong khi Đạo gia là một trường phái (school) triết học thì Đạo giáo lại là một tôn giáo (religion). Nhưng muốn nắm được Đạo giáo thì không thể không biết cội nguồn triết học của nó (Đạo gia). Đó cũng là lý do khiến chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu song song ảnh hưởng Đạo gia, Đạo giáo Về nguồn gốc và đặc điểm của Đạo gia, Đạo giáo, xin xem: 1) Phương Lựu: "Vài nét về Đạo gia và Đạo giáo" của trong Đạo gia và văn hóa, Nxb Văn hoá-Thông tin, H, 2000 ; 2) Nguyễn Duy Hinh: Người Việt nam với Đạo giáo, Nxb KHXH, H, 2003. trong thơ Việt Nam giai đoạn thế kỉ X - XIV.
Trước giai đoạn thế kỉ X - XIV, Đạo gia, Đạo giáo đã vào Việt nam (ít nhất phải từ cuối thời Đông Hán, thế kỷ II-III sau CN). Từ đó đến hết thời Bắc thuộc, chúng ta liên tục ghi nhận những chứng tích về sự du nhập này. Về Đạo gia, các sách kinh điển của nó đã được biết đến, nghiên cứu, thảo luận, vận dụng ở nước ta. Triết học Lão Tử, Trang Tử đã giành được vị trí cao trong tầng lớp có học vấn. Về Đạo giáo, có thể thấy dấu ấn của phương tiên đạo trước khi Đạo giáo dân gian và Đạo giáo sĩ tộc cùng xuất hiện. Đặc điểm chung của nó là tôn thờ Lão Tử, Tam Thanh, (sau này là Ngọc đế…), luyện đan bên cạnh việc vẫn dùng phù chú, trấn yểm,… Về tình hình Đạo gia, đạo giáo trước giai đoạn thế kỉ X - XIV xin xem: 1) Vương Khả: "Sơ lược về Đạo giáo ở Việt Nam" trong Đạo gia và văn hóa, Tlđd. 2) Nguyễn Duy Hinh: Người Việt nam với Đạo giáo, Tlđd.. Trong văn học thời kì này, đã thấy có một số dấu vết ảnh hưởng quan trọng, đó là các tác phẩm của Mâu Tử, Đạo Cao - Pháp Minh, Khương Công Phụ Về ảnh hưởng này xin xem: "Viêt nam trong quá khứ đã tiếp nhận những gì ở tư tưởng Đạo gia [Đạo giáo] Trung Quốc" của PGS. Trần Nghĩa, trong Đạo gia và văn hoá, Tlđd.. Riêng trong thơ, chưa thấy có biểu hiện rõ nét.
Năm 938, chiến thắng quân Nam Hán mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập tự chủ. Tình hình đó không những không làm gián đọan ảnh hưởng của Đạo gia, Đạo giáo ở Việt Nam mà trái lại đưa nó sang một bước ngoặt mới. Nếu như trước đó sự tiếp thu có phần tự phát, riêng rẽ thì giờ đây đã có những cơ chế đảm bảo cho nó đi đúng con đường hình thành và khẳng định bản sắc văn hoá Việt. Mặc dù luôn có ý thức xây dựng một nền văn hoá tự chủ, nhưng trong hoàn cảnh dân tộc, các triều đại giai đoạn này không thể không tiếp thu những thành tựu văn hoá qua quá trình chịu ảnh hưởng trước đó. Hơn nữa, những gì được tiếp thu đều đã được bản địa hoá. Mặt khác, chúng được thu hút vào một quỹ đạo mới, văn hoá phong kiến Việt buổi đầu. Trong bối cảnh ấy, Đạo giáo vốn đã có chỗ đứng trong văn hoá Việt, nhất là văn hoá dân gian, lại tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, nó vẫn không ngừng có sự tiếp thu từ bên ngoài. Đến đời Lý, rồi Trần cơ bản đã có được thế hài hoà Tam giáo. Ở đây, chúng tôi đặc biệt chú ý đến những dấu vết của Đạo gia, Đạo giáo trong đời sống học thuật, văn học - nghệ thuật giai đoạn này.
Thứ nhất, trong học hành thi cử: Đời Lý đã tiến hành khoa thi Tam giáo đầu tiên. Đại Việt sử kí Toàn thư Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký Toàn thư, 4 tập, Viện Sử học dịch Nxb KHXH, 1993. (Toàn thư) chép: “Năm Ất Mão, Thiên Tư Gia Thuỵ thứ mười (1195) (…) Mùa xuân, tháng hai…thi Tam giáo cho xuất thân”. Đến triều Trần tư liệu có ghi hai lần thi Tam giáo, đó là các năm 1227, 1247 (Toàn thư).Thi tam giáo là thi các con em quan lại trong triều để đề bạt vào công việc triều đình. Tam giáo là tri thức tổng hợp ba hệ tư tưởng. Do địa vị của Đạo không trội như Nho và Phật cho nên không có khoa thi riêng. Tuy nhiên, như thế cũng đủ thấy Đạo gia, Đạo giáo có hiện diện trong đời sống học thuật và triều chính. Điều đó chứng tỏ người học Đạo, Đạo sĩ có học tập Đạo kinh, mà phải học từ trước đó khá lâu. Như thế thì tư tưởng, học thuật của Đạo hẳn khá phổ biến.
Thứ hai là hoạt động văn học, có mấy tư liệu đáng chú ý. Đó là: Năm 1123, khi Lý Nhân Tông đến hành cung Ứng Hoà xem gặt lúa, lúc về đến kinh sư thì "các nhà Nho, Đạo, Thích đều dâng thơ mừng" (Toàn thư). Năm 1179, "…Nhà vua xuống chiếu cho hàng Tam giáo Nho, Phật, Lão sửa sang các văn bia trong đại nội.” (Toàn thư). Năm 1321, Đạo sĩ Hứa Tông Đạo đúc chuông ở Thông Thánh quán, Bạch Hạc (Vĩnh Phúc), làm bài minh trên chuông ghi lại nhiều sự kiện lịch sử và đời sống đương thời Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb KHXH, H, 1989.). Năm 1386, "gặp tiết Nguyên tiêu, có Đạo nhân là Lê Pháp Quan treo đèn đặt tiệc, mời khách văn chương đến dự làm vui. [Hồ Tông Thốc nhận thiếp xin đề thơ, làm xong trăm bài thơ ngay trên bữa tiệc.]"(Toàn thư).
Tư liệu ít ỏi trên đây, [chưa kể trong một số tác phẩm văn học thời kỳ này có cho thấy quan hệ của các văn thi nhân với Đạo sĩ, Đạo quán…] chứng tỏ người học Đạo, Đạo sĩ thời kỳ này đã tham gia vào các mặt của đời sống văn học (sáng tác, thưởng thức, tổ chức diễn đàn…). Đáng tiếc là họ không để lại tác phẩm nào đáng kể. Do đó, ta chỉ có thể tìm hiểu dấu vết của Đạo gia, Đạo giáo thông qua sáng tác của những người ngoại đạo. Nó cũng không cho phép ta nhận định toàn diện tính chất ảnh hưởng của Đạo gia, Đạo giáo, nhưng theo một số nhà nghiên cứu, có thể tạm nêu lên mấy điểm khái lược sau:
Về Đạo gia, như chúng ta biết, không ít trí thức có chữ nghĩa đã đọc kinh điển, sách vở của Đạo gia, triết lý của nó có khi ảnh hưởng đến suy nghĩ, lối sống, hành xử của họ. Chủ yếu họ không tiếp thu phần triết học bản thể cao siêu, mà tiếp thu triết lý nhân sinh, nhãn quan cuộc đời và văn từ của nó. Đặc biệt, đối với thơ, tinh thần phóng khoáng, tư tưởng triết học chấp chới hư - thực, chân - ảo, tinh thần sùng thượng thiên nhiên, quan điểm mỹ học "mỹ giả tự mỹ" (cái đẹp tự nó đã đẹp -Trang Tử)…có tác động lớn tới tư duy nghệ thuật thơ.
Về Đạo giáo, có những nét chính sau đây: Đạo giáo giai đoạn thế kỉ X - XIV là một trong Tam giáo tương đối bình đẳng với nhau. Đạo giáo không chỉ là một công cụ chính trị mà còn là một hệ tư tưởng góp phần xây dựng xã hội mới. Tuy địa vị không trội như Nho, Phật nhưng vẫn có vị trí nhất định được nhà nước công nhận. Đạo giáo giai đoạn này`có tính nhập thế rõ nét, không thấy nói nhiều đến chuyện tịch cốc, tu luyện thần tiên, mà chú trọng hơn đến mảng đạo thuật mang tính thực tiễn. Đạo giáo tồn tại bên cạnh Nho, Phật, đôi khi hoà nhập vào chúng khó tách ra được do giai đoạn này thịnh hành quan niệm "tam giáo đồng nguyên". Quan niệm đó được họ tiếp thu theo tinh thần "khoan dung" của người Việt. Ngay trong Phật giáo, Nho giáo ta cũng thấy một số đặc điểm của Đạo gia, Đạo giáo do các nhà sư, nhà Nho tinh thông Tam giáo và có cái nhìn cởi mở, thực tiễn phác nên. Điều này mở ra khả năng tiếp cận các tác phẩm của họ dưới góc độ ảnh hưởng Đạo gia, Đạo giáo.
II. Ảnh hưởng Đạo gia, Đạo giáo trong thơ Việt Nam giai đoạn thế kỉX - XIV:
Nếu như ảnh hưởng của Phật giáo đến văn học giai đoạn này sâu đậm đến nỗi người ta có thể nói tới một dòng "văn học Phật giáo thời Lý- Trần" và "thơ ca Phật giáo" với những “đặc điểm và diện mạo” riêng thì tình hình với Đạo gia, Đạo giáo lại không cho phép làm như vậy. Thành thử, người nghiên cứu cũng chỉ dám nói đến "dấu vết" hay "ảnh hưởng" mà thôi. Điều này quyết định đến thao tác làm việc. Không thể xây dựng một diện mạo hoàn chỉnh, người nghiên cứu buộc phải theo con đường "đãi cát tìm vàng". Hơn nữa, xác định đây là "bước đầu", cho nên chúng tôi sẽ tập trung mô tả là chủ yếu, và tuỳ theo đó mà có những đánh giá sơ bộ. Theo đó, chúng tôi thấy cách trình bày kết quả nghiên cứu của mình theo phạm vi thể loại (tiểu loại) là hợp lí hơn cả. Thơ thế kỉ X - XIV khá phong phú, cách phân chia cũng khá phức tạp, nhưng để tiện cho việc nghiên cứu chúng tôi mượn cách phân chia của GS. Nguyễn Hụê Chi, có điều chỉnh đôi chút. Theo GS. Nguyễn Hụê Chi thì thơ Lý Trần (X – XIV) chia làm 4 loại: Thơ sấm vĩ, thơ suy lý (chúng tôi dùng chữ “thơ thuyết lí” hơn) , thơ trữ tình và thơ tự sự (chúng tôi dùng thuật ngữ “thơ hành chính”). Trên thực tế, ranh giới giữa các loại không hoàn toàn rõ ràng như vậy. Theo đó, dấu vết Đạo gia, Đạo giáo có mặt trong các tiểu loại sau đây Tư liệu khảo sát chủ yếu của chúng tôi là các tác phẩm thơ trong bộ Thơ văn Lý Trần (3 tập), Nxb KHXH, H, 1977, 1978, 1989.:
1. Thơ sấm vĩ:
Thơ sấm vĩ chủ yếu xuất hiện ở triều Đinh, Lê và Lý, lại chủ yếu do một số thiền sư sáng tác. Do đó, Nguyễn Công Lý xếp nó vào một trong những thể loại của văn học Phật giáo mượn "từ Trung Quốc, ở các sách Dịch vĩ, Thư vĩ, Thi vĩ" Nguyễn Công Lí: Tlđd., tr 118.. Thực ra, truyền thống “mượn” đó bắt đầu từ văn chương của Đạo giáo. Theo Nguyễn Duy Hinh: "Sấm ngữ là hoạt động Đạo giáo mượn phương thuật Tiên Tần để phục vụ Đạo giáo mà mục đích vốn có ban đầu của Đạo giáo Tam Trương là thay đổi triều đại. Cho nên sự hiện diện của sấm ngữ trong thời Lý chứng tỏ Đạo giáo Tam Trương đã được du nhập vào nước Đại Việt qua tay các nhà sư tinh thông Tam giáo, chủ yếu thuộc sư môn Định Không- Vạn Hạnh" Nguyễn Duy Hinh, Tlđd, tr 412 – 413.. Kết luận này thực ra còn cần phải nghiên cứu thêm, nhưng rõ ràng nó cho ta một gợi ý về việc mượn một thể loại phổ biến của Đạo giáo để phục vụ mục đích chính trị của các triều đại nói trên. Có như vậy mới giải thích được hiện tượng các vị vua đầu triều Đinh, Lê, Lý trọng thị cả Phật lẫn Đạo. Ta không thấy có vai trò trực tiếp của các Đạo sĩ ở đây (như các nhà sư) nhưng có thể có vai trò của phương tiện họ thường sử dụng. Chẳng hạn, Toàn thư có chép một bài sấm thi ngầm ý dự báo một loạt sự kiện lịch sử: Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn bị giết, Lê Hoàn lên ngôi, … trong đó có hai câu đáng chú ý: “Thập bát tử đăng tiên/ Kế đô nhị thập thiên.” "Thập bát tử" có người giải thích là chỉ họ Lý còn "đăng tiên" là một từ ngữ của Đạo giáo (tiên đạo) với nghĩa bóng là “lên ngôi”. Ở đây, rõ ràng có dấu vết Đạo giáo, dùng thuật ngữ Đạo giáo để ám chỉ chuyện chính trị. Trong sách Thiền uyển tập anh ngữ lục chép một số bài sấm thi của Định Không, La Quý An, Vạn Hạnh,… cũng mang màu sắc phương thuật Đạo giáo.
Đời Trần, hầu như không xuất hiện sấm thi, chỉ có một bài Xích chủy hầu tương truyền là của Trần Dụ Tông. Nhưng không phải vì thế mà nói rằng ở thời Trần, Đạo gia, Đaoh giáo không phát triển. Thực ra, nó phát triển ở một dạng khác, thâm nhập sâu hơn, tinh vi hơn vào các sáng tác như ở dưới sẽ đề cập.
2. Thơ hành chính:
Ở mảng thơ này, có ba cứ liệu quan trọng. Trước hết, phải kể đến bài "thơ thần"(Nam quốc sơn hà), từ lâu được coi là "tuyên ngôn độc lập đầu tiên" của dân tộc Việt nam, hai câu đầu viết: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.” “Thiên thư” là thuật ngữ Đạo giáo. Ban đầu, nó là "Sách Kinh ghi lời nói của Nguyên Thuỷ Thiên Tôn" Nguyễn Đăng Na: “Về bài Nam quốc sơn hà”, Tc Văn học & Tuổi trẻ, số 2 /2002. nhưng sau được Đạo giáo sử dụng để gọi các loại văn bản có nguồn gốc thần bí. "Thiên thư" có thể là cả một bộ kinh, một bài thơ, cũng có thể chỉ là một vài chữ, vài câu (thường dưới hình thức “giáng bút”, “cầu cơ”). Xét theo ý đó thì bản thân bài thơ này cũng là một "thiên thư". Trong Toàn thư có 7 trường hợp cũng có thể xem là "thiên thư" như việc bắt được rùa có ghi chữ lạ…Như vậy, "thiên thư" là một hiện tượng tương đối phổ biến, đặc biệt ở thời Lý (6/7 lần). Đặc biệt, hai chữ “thiên thư còn được dùng một lần khác. Toàn thư chép rằng, năm 1134 "Người lính ở quân Hữu Hưng là Vương Cửu dâng rùa mắt có sáu con ngươi, trên ức có nét chữ triện. Xuống chiếu cho các học sĩ và tăng đạo nhận xét, thành ra tám chữ: “Thiên thư hạ thị, thánh nhân vạn tuế.” Việc biện ra hai chữ "Thiên thư" có bàn tay đóng góp của các Đạo sĩ. Có thể nói đây là cái mốc đáng ghi nhớ của dấu vết Đạo giáo trong thơ giai đoạn thế kỉ X - XIV.
Thứ hai là bài từ (có thể coi là thơ) Vương lang quy của Khuông Việt thiền sư. Vấn đề văn bản, ý nghĩa của nó đã được nhiều người bàn đến. Ở đây, chúng tôi chỉ chú ý đến hai câu đầu: “Tường quang phong hảo cẩm phàm trương/ Dao vọng thần tiên phục đế hương.” Có hai chữ đáng chú ý là "thần tiên" và "đế hương". "Đế hương", theo Hán ngữ đại từ điển La Trúc Phong: Hán ngữ đại từ điển, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, 1989. có 3 nghĩa: 1) Thiên cung, nơi tiên ở (tiên hương); 2) Kinh thành, nơi ở của hoàng đế; 3) Quê của nhà vua. Trong văn cảnh trên, ta buộc phải hiểu theo nghĩa thứ nhất: nơi tiên ở (ứng với “thần tiên”). Nghĩa này cũng đã xuất hiện trong sáng tác của các tác gia Trung Hoa như: Trang Tử, Đào Tiềm, Bào Chiếu, Lưu Lương,… Trong bài từ này, những thuật ngữ ấy được dùng như những mỹ từ trang trọng, bay bổng, thi vị. Đó có thể là một động thái ngoại giao nhưng cũng là sự thăng hoa của thi hứng nhờ cảm quan của Đạo giáo.
Thứ ba là bài "thơ-kệ" Quốc tộ có tính luận chính của Pháp Thuận thiền sư. Đây là bài kệ đáp lại câu hỏi của vua Lý Thái Tông về vận nước (quốc tộ). Tư tưởng chính của bài kệ nằm ở hai chữ "vô vi". Nó xuất phát từ tư tưởng "Vô vi nhi trị" của Lão Tử. Điều đáng nói ở đây là tư tưởng đó được một thiền sư phát biểu, song cũng không đáng ngạc nhiên lắm vì các thiền sư Đại Việt hầu hết tinh thông Tam giáo, hơn nữa lúc bấy giờ các tôn giáo này đã có sự thâm nhập lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực. Điều này càng được thể hiện về sau.
3. Thơ thuyết lý:
Đây là những bài thơ mang chức năng tôn giáo rõ nét. Điều đáng tiếc là ta không có trong tay bài thơ nào của các Đạo sĩ bàn về tư tưởng, giáo lý của họ. Các dấu tích Đạo gia, Đạo giáo lại xuất hiện trong các bài kệ của Phật giáo. Bài duy nhất có nhắc trực tiếp đến tư tưởng Đạo giáo là bài kệ tán của vua Lý Nhân Tông: “Giác Hải tâm như hải / Thông Huyền đạo diệc huyền/ Thần thông kiêm biến hoá/ Nhất Phật nhất thần tiên”. Bài kệ cho thấy thái độ đánh giá cao vị trí của Đạo của một vị vua triều Lý xuất phát từ sự am hiểu những lẽ nhiệm màu của nó (đạo huyền). Dĩ nhiên, bài kệ gắn liền với một câu chuyện thi thố phép thuật của một nhà sư và một đạo sĩ, nhưng đây là lần đầu tiên ta thấy đạo sĩ xuất hiện trong thơ.
Ở một số bài kệ, câu kệ của các thiền sư khác, dấu vết Đạo gia, Đạo giáo xuất hiện một cách gián tiếp, hay nói khác đi, chúng được vay mượn để chuyển tải tư tưởng, giáo lý của họ. Ví dụ: Bài kệ của Hiện Quang mượn tư tưởng "vô vi", "tiêu dao" của Đạo gia để biểu hiện thiền ý của mình, hay các bài của Chân Không, ví dụ: “Nhược đáo tiên gia thâm đồng nội/ Hoàn đan hoán cốt đắc hoài quy” và “- Nhân nhân tận thức vô vi lạc/ Nhược đắc vô vi thuỷ thị gia.”… nêu cao tinh thần tự do, tự tại của Thiền tông. Cũng có thể kể đến một vài bài kệ của vua Trần Thái Tông hay Tuệ Trung thượng sĩ…Dấu vết Đạo gia, Đạo giáo ở đây chủ yếu còn là ở các thuật ngữ, điển cố, điển tích quen thuộc của nó. Các thuật ngữ quen thuộc có: vô vi, tiêu dao, trùng huyền, thần tiên, hoàn đan, hoán cốt, hoà quang đồng trần …Các điển tích thì có: Hứa chân quân, Từ Phúc, Quách Phác, Hoàng diện công (Lão Tử), điệp mộng …Sự vay mượn này vừa cho thấy tư tưởng cởi mở của Phật giáo vừa cho thấy sức hấp dẫn của Đạo gia, Đạo giáo với các tôn giáo khác.
Có một điều thú vị và rất đáng lưu ý là: cả ba loại thơ trên đều có thể xếp thành một loại chung là "thơ chức năng", và chủ yếu là thuộc về đời Lý trở về trước. Từ đó, có thể nhận định sơ bộ: Đạo gia, Đạo giáo trước đời Trần dường như chỉ mới thâm nhập vào các loại "thơ chức năng", hay văn học chức năng. Phải đến đời Trần, ngoài các tiểu loại nêu trên, chúng còn và mới thâm nhập vào "thơ nghệ thuật". Một biểu hiện là ở mảng thơ trữ tình.
4. Thơ trữ tình:
Thơ trữ tình đời Lý trở về trước hiện còn đã ít, thơ trữ tình có dấu vết của Đạo còn ít hơn nếu không nói là hiếm có. Sang đời Trần tình hình có khác. Thơ trữ tình đời Trần phong phú và đa dạng hơn, bao gồm: thơ vịnh cảnh, thơ tâm tình, thơ cảm hoài, thơ nói chí, thơ thù tạc…nhưng dấu ấn Đạo gia, Đạo giáo chủ yếu chỉ xuất hiện trong hai loại: thơ vịnh cảnh và thơ cảm hoài - cảm khái, đôi khi không thể tách biệt hai loại này được vì trong cảnh có tình, từ tình ra cảnh.
4.1. Thơ vịnh cảnh:
Mảng thơ vịnh cảnh mang nhiều dấu ấn Đạo gia, Đạo giáo nhất. Có lẽ bắt đầu từ thơ Trần Thánh Tông trở đi ta đã thấy có dấu ấn đó. Ở bài Hạnh Thiên Trường hành cung, từ ngữ Đạo giáo (thập nhất tiên châu) đã được sử dụng để đề cao vẻ đẹp của mảnh đất quê hương nhà vua: “Cảnh thanh u vật diệc thanh u/ Thập nhất tiên châu thử nhất châu.” Thánh Tông cho thấy có một sự tương đồng nhất định giữa trí tưởng tượng tôn giáo và thi ca, một kiểu tư duy theo kiểu "trực cảm tâm linh" mà văn học cần có. Ở bài thứ hai, cái nhìn đó được phát huy cao hơn vì đối tượng miêu tả lại chính là một không gian tôn giáo, một Đạo quán: “Vân yểm Huyền Thiên động/ Yên khai Ngọc đế gia/ Bộ hư thanh tịch tịch/ Điểu tán lạc sơn hoa. (Đề Huyền Thiên động ) nghĩa là: Mây che động Huyền Thiên/ Khói toả nhà Ngọc đế/ Tiếng tụng kinh im ắng / Chim bay tán loạn làm rụng hoa núi.). Huyền Thiên động chính xác là một Đạo quánCả Toàn thư và Công dư tiệp ký đều chép: “Năm 1368, mùa đông, cho mời Đạo sĩ Huyền Vân ở Chí Linh đến kinh để hỏi về phép tu luyện. Ban cho động của Đạo sĩ tên là Huyền Thiên”. . Bài thơ của Thánh Tông đã lột tả được không khí, cảnh sắc thần tiên của nó. Trước hết, đó là nhờ thi nhân có vốn am hiểu nhất định về tôn giáo này (mặc dù Thánh Tông sùng Phật). Ông dùng chính thuật ngữ của tôn giáo này để tả cảnh ("Ngọc đế", "Bộ hư thanh"). Không am hiểu Đạo học không tài nào tả đúng được không gian đó, chưa nói là hay và có thần. Thế mà, bài thơ đã mở ra được một không gian mây khói, nửa thực nửa huyền thoại, và khép lại bằng cái tĩnh lặng, trầm mặc, phủ một màn ánh sáng thần tiên, nối liền tiên - tục, thượng giới - nhân gian.
Cũng là một Thiền tử, thậm chí là đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm, nhưng ông vua, thi sĩ Trần Nhân Tông, cũng có những bài thơ mang dấu ấn Đạo. Tuy ông nhiều lúc phê phán Đạo giáo bằng hành động hay trước thuật (Thuỳ phọc cánh tương cầu giải thoát, Bất phàm, hà tất mịch thần tiên? - Sơn Phòng mạn hứng) nhưng có khi ông cũng tỏ ra chấp nhận một số quan điểm của chúng [như ở bài phú Cư trần lạc đạo phú ], đặc biệt có khi ông lại mượn cách nói của nó để biểu hiện thi hứng của mình, như bài Động thiên hồ thượng hay bài Đại Lãm Thần Quang tự sau đây: “Thần Quang tự liễu hứng thiên u/ Sanh thỏ phi ô thiên thượng du./ Thập nhị lâu đài khai hoạ trục/ Tam thiên thế giới nhập thi mâu.” (Chùa Thần Quang vắng lặng, hứng có nét u nhã riêng, Chở ngọc thỏ, cưỡi kim ô du ngoạn trên bầu trời. Mười hai toà lâu đài mở ra bức vẽ, Ba nghìn thế giới thu vào mắt thơ). Hai bài thơ cho thấy biên độ của thi hứng có thể vượt ra ngoài ranh giới của tư tưởng triết học để thăng hoa thành tứ thơ đẹp huyền ảo, lung linh, vẽ nên một “cõi tiên” nơi trần thế.
Điều đó cũng đúng với Trần Anh Tông trong bài Đông cảnh, bài thơ viết: “Thương miêu thuý mạt tước tình phong/ Tử Phủ lâu đài ỷ bán không/ Kỷ độ bích đào tiên kết thực/ Động thiên tam thập lục xuân phong.” (Vẽ mầu xanh, tô màu biếc, thiên nhiên đẽo gọt nên chỏm núi tạnh sáng. Lâu đài chốn Tử Phủ dựa vào lưng chừng trời. Cây bích đào mấy lần đã kết quả trước, Gió xuân thổi khắp ba mươi sáu động trời). Trong bài thơ này, cảnh mùa đông được nhìn dưới con mắt của một tâm hồn thanh thoát thần tiên, còn con người thì say đắm với thiên nhiên.
Phạm Sư Mạnh cũng là một gương mặt có tiếp nhận nhiều ảnh hưởng Đạo gia, Đạo giáo. Trong thơ ông sử dụng khá nhiều điển cố điển tích của chúng để biểu hiện quan điểm, thi cảm của mình như: hạt cỏ trong kho Thái Thương, Yên Kỳ Sinh, Bồng đảo, Doanh Châu… Ông tiếp nhận ở đó tinh thần phóng khoáng, tự do tự tại, phát huy trí tưởng tượng bay bổng, lãng mạn. Thơ vịnh cảnh của ông khá mỹ lệ, hoạt bát. Trong cảnh vật Phạm Sư Mạnh cũng gửi gắm chí khí mạnh mẽ, hào hùng của người nam tử sinh ra trong một thời đại anh hùng (Dục thướng Côn Luân phỏng Huyền Phố/ Đoàn phong vạn lý quải phi bằng - Tuần thị Chân Đăng châu)
Cùng cảm hứng vịnh cảnh, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đất nước đó có thể kể ra đây một số bài thơ khác mà càng về cuối đời Trần càng nhiều như Đề Huyền Thiên Tử Cực cung (Trần Nguyên Đán), Đề Tiên Du tự (Nguyễn Phi Khanh) …Có một điều đáng chú ý trong những trường hợp trên là những cảnh được miêu tả đều là núi non hoặc thắng tích, Phật tự lẫn Đạo quán. Nếu là Phật tự thì nó cho ta một nhận xét thú vị: cảnh Phật (mang ý vị Thiền) được miêu tả bằng cái nhìn của Đạo, cho thấy Phật - Đạo có thể sống chung, đôi khi hoà nhập vào nhau. Nếu là núi non thì phải thấy rằng núi non rất dễ tạo cảm hứng thần tiên. Như vậy, dấu ấn Đạo trong thơ văn nhiều khi không qua con đường trau dồi, học tập…mà qua con đường thi cảm tiềm thức hay vô thức. Một điều nữa cũng đáng nói ở đây là vì sao thơ vịnh cảnh lại mang nhiều dấu ấn Đạo gia, Đạo giáo như vậy? Rất dễ hiểu, chúng gặp nhau ở tư tưởng sùng thượng thiên nhiên và rộng ra là tự nhiên, khát khao hoà nhập, trở về với tự nhiên, là quan niệm mỹ học "mĩ giả tự mĩ", tư tưởng, tiêu dao, phóng khoáng. Hơn thế nữa, những cảnh vật được nhìn qua lăng kính Đạo giáo, hay ít ra là được thể thể hiện bằng ngôn từ của nó bao giờ cũng trở nên "sang trọng", mỹ lệ hơn.
4.2. Thơ cảm hoài - cảm khái:
Đầu đời Trần dưới một góc nào đó, ở hiện tượng Tuệ Trung thượng sĩ, ta đã thấy có dấu ấn của tư tưởng cuồng phóng, tiêu dao rất gần với quan niệm thần tiên của Đạo gia, Đạo giáo qua các bài thơ như : Phóng cuồng ngâm, Giang hồ tự thích, Thế thái hư huyễn…Nhưng, đó chưa phải những vần thơ cảm hoài có màu sắc thần tiên, thoát tục. Vả lại, Tuệ Trung có một chỗ dựa vững chắc là Thiền học. Thơ ông vẫn mang âm hưởng chung của giai đoạn thịnh Trần. Về cuối đời Trần, do sự đổ nát của vương triều, sự bất lực trong lý tưởng kinh bang tế thế của nhiều người, không khí nặng nề của sự phôi thai một vương triều mới không theo "chính đạo", có rất nhiều bài thơ cảm khái, cảm hoài ra đời. Nhưng những bài thơ còn lại có dấu ấn Đạo lại tập trung chủ yếu vào hai cha con Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh.
Đối với Trần Nguyên Đán đó là ý thức phản tỉnh. Ông có cái bản lĩnh của nhà Nho "độc thiện kỳ thân". Trong bài Đề Nguyệt Giản Đạo Lục Thái Cực chi quán diệu đường, ông từng khẳng định: “Doanh Châu, Bồng Đảo tri hà tại ? Vô dục, vô tham ngã thị tiên.” (Bồng Đảo, Doanh Châu biết là ở đâu ? Không ham muốn, không tham lam, ta là tiên). Nhưng thực tế cuộc đời ông không cho phép ông tự tại với triết lý ấy. Vả lại, hình như do một cơ duyên nào đó, về cuối đời, ông chắc hẳn có giao du với một vài Đạo sĩ. Thơ ông nhiều lần thể hiện mối quan hệ này, chẳng hạn như bài Đề Sùng Hư lão túc: “Tam giải trần anh thế ngoại phao/ Mang hài lê trượng dữ quân giao/ Hạm tiền vân khí Bồng lai viễn/ Chẩm bạn tuyền thanh bích hán cao/ Thốn đoạn huyền quan phi kiếp thạch/ Trắc sinh hải vũ nhập thu hào/ Thanh hư vũ thuộc tương phùng vãn/ Nhất khoát hư công lão nhãn cao. (Tạm cởi giải mũ trần tục vứt ra ngoài cõi đời, Mang giày cỏ, chống gậy lê giao du cùng ông. Mây tụ trước hiên, Bồng Lai xa thẳm, Suối reo bên gối, trời cao vời vợi. Tạm đóng cửa huyền lại để đi vào không gian vô tận, Sống ghé ở hải vũ chỉ là bước vào chốn sợi tơ mùa thu. Người thanh hư và kẻ áo lông gặp nhau đã muộn, Nhưng đã mở rộng mắt lờ mờ cho cho ông già hư không.) Sùng Hư ở đây hẳn là một Đạo nhân. Bài thơ không chỉ cho thấy mối quan hệ của tác giả với Đạo nhân mà còn cho thấy tâm sự của ông về thế thái nhân tình, mầm mống của tư tưởng giải thoát. Nhiều chỗ nhà thơ tỏ ra đồng cảm và tương đắc với triết lý sống của Sùng Hư. Có lẽ đó là nguyên do nảy sinh trong ông niềm băn khoăn day dứt, vì ông vẫn đứng trên quan điểm đạo Nho: “Bạch nhật thăng thiên dị/ Trí quân Nghiêu Thuấn nan/ Trần ai lục thập tải/ Hồi thủ quý hoàng quan.” (Ban ngày lên trời là việc dễ, Làm cho vua trở nên Nghiêu Thuấn là chuyện khó. Sống ở cõi trần đã sáu mươi năm, Nghoảnh đầu lại thấy xấu hổ với người đạo sĩ) (Đề Huyền Thiên quán). Không phải ông đã tán thành với lí tưởng của Đạo sĩ, nhưng có lẽ ông những muốn nói rằng ông không thể thảnh thơi như người Đạo sĩ mà thôi. Câu thơ cuối dùng điển: Văn Tín Công (đời Tống) nói: "Tôi không giúp được vua cứu nạn nước để về làng hưởng chữ nhàn, thật xấu hổ với người đạo sĩ".
Tâm sự của Nguyễn Phi Khanh có phức tạp hơn. Điều này có lẽ xuất phát từ cuộc đời khá thăng trầm của ông. Cho nên, nhiều khi ông rơi vào những khoảng trống mà lí tưởng Nho gia không bao bọc nổi. Đó là những ý nghĩ về cuộc đời bèo bọt, ngắn ngủi như "giấc mộng kê vàng" (trong thơ ông có hơn 40 lần nói đến giấc mộng, toàn những giấc mộng buồn). Ông có nhiều điều kiện gần gũi, hoà đồng với thiên nhiên và kinh lịch cảm hứng Đạo học: “Tiên qua cung khuyết cận Bồng Lai/ Nhĩ bạn quân thiên mộng dị hồi/ Thuỵ khởi xuân triêu vô cá sự/ Đông phong đình viện khán hoa khai.” (Cung điện thần tiên gần với cảnh Bồng Lai, Nhạc trời ở bên tai nên giấc mộng dễ tỉnh. Sáng mùa xuân thức dậy không có việc gì làm, Chỉ xem hoa nở trước gió xuân ở ngoài) (Thiên Thánh Hựu Quốc Bảo tự tảo khởi ). Tưởng như đây là một ý cảnh thanh tĩnh, bình đạm, tiêu sái, thực ra là một khối cô đơn sâu thẳm, một khoảng trống hư vô trong đời sống của ông. Chính khoảng trống đó đã tạo cơ hội cho tư tưởng giải thoát của Đạo gia, Đạo giáo đôi lúc xen vào tâm tưởng: “Vân nạp tế tham Hoàng Nghiệt thoại/ Hà tâm cao ấp Xích Tùng du.” (Áo nạp như mây, tụng niệm lời kinh Hoàng Nghiệt, Lòng son tựa ráng, chắp tay theo tiên Xích Tùng) (Bài 361, TVLT tập 3) hay “Quan nhàn ngã đắc tu thân quyết Lão khứ thiên tri học đạo tâm/ Nhược kiến Xích Tùng bằng ký ngữ/ Giai du hà nhật quả u tầm.” (Việc quan nhàn hạ, ta tìm được bí quyết tu thân, Già đi rồi lòng học đạo đã có trời biết. Nếu thấy vị tiên Xích Tùng nhờ nhắn một lời/ Đến ngày nào mới thật có cuộc chơi hứng thú ở chốn thanh vắng) (Đề Huyền Thiên tự). Ở đây, đó không phải là một ý nguyện, mà là một nỗi khắc khoải, một băn khoăn day dứt về cõi đời trôi nổi, phù du của tác giả. Ngoài ra, lúc bấy giờ, cũng cần kể đến một bài thơ của Phạm Mại làm trong hoàn cảnh sắp từ giã cõi trần, nhờ có cái nhìn tiên đạo, tất cả mọi nỗi niềm, ưu tư đều trở nên nhẹ nhàng (Lâm chung thị ý).
Tóm lại, các bài thơ trữ tình có dấu ấn Đạo gia, Đạo giáo chỉ khai thác ở nó tinh thần giải thoát, hoặc là giải thoát (khai phóng) cho hồn thơ, hoặc là giải thoát cho tâm hồn đau khổ, bế tắc. Nhưng theo chúng tôi, cả hai sự giải thoát này đều chưa đi đến tận cùng. Nó chỉ dừng lại ở những băn khoăn và day dứt, chưa trở thành những hành động dứt khoát, chưa đem tới sự đột phá trong thơ như ở giai đoạn sau.
Tìm hiểu ảnh hưởng Đạo gia và Đạo giáo trong thơ nói riêng và văn học Việt Nam giai đoạn thế kỉ X - XIV nói chung là một hướng đi có triển vọng nhưng đầy khó khăn. Ảnh hưởng chắc chắn là có, nhưng ảnh hưỏng cái gì và ảnh hưởng như thế nào là điều không dễ phân xuất, đánh giá, bởi lẽ Đạo gia, Đạo giáo vốn đã cực kỳ phức tạp, trong hoàn cảnh văn hoá Đại Việt cụ thể lại càng phức tạp hơn. Nhưng qua những khảo sát bước đầu ở trên chúng ta có một số kết luận sau đây:
1. Ảnh hưởng của Đạo gia, Đạo giáo trong thơ giai đoạn thế kỉ X - XIV rõ ràng không đậm bằng các triết thuyết tôn giáo khác, nhất là Phật giáo, thể hiện trước hết là số lượng tác phẩm, tác giả, ở đề tài, cảm hứng…Điều này cũng phản ánh đúng địa vị của chúng ở giai đoạn thế kỉ X - XIV. Vả chăng, đó cũng là tâm lý chung của dân tộc, một dân tộc ít truyền thống triết học, thần học hay huyền học. Tuy nhiên, với dấu vết ảnh hưởng hiện thấy có thể thấy nó có đóng góp nhất định cho diện mạo thơ, làm phong phú thêm di sản văn học giai đoạn này.
2. Ảnh hưởng của Đạo gia, đạo giáo với thơ giai đoạn thế kỉ X - XIV thể hiện trên nhiều cấp độ. Về mục đích, phương thức sáng tác, nó có phỏng theo một số hiện tượng sáng tạo của chúng để thực hiện một số chức năng ngoài văn học như hình thức giáng "thiên thư", hình thức thần hoá hoạt động sáng tác thơ…Về ngữ liệu, điển tích - điễn cố, nó vay mượn khá nhiều thuật ngữ điển tích, điển cố của đạo gia Đạo giáo, nhiều khi đó là những tín hiệu thẩm mỹ khá "đắt"…Về đề tài - cảm hứng, nhiều đề tài, cảm hứng đã đi vào thơ, chẳng hạn như đề tài – cảm hứng du tiên, nhập mộng, hay gần gũi như đề tài vịnh cảnh, cảm hoài…Tuy nhiên, các nhà thơ không lún quá sâu vào những triết lý "siêu hình", “thoát ly” của Đạo gia, Đạo giáo. Về phương thức biểu hiện, ảnh hưởng của Đạo gia, Đạo giáo chưa đậm nhưng có để lại dấu ấn. Trong thơ nó tạo nên bút pháp miêu tả, biểu đạt nghệ thuật, với một số các cơ chế như: phóng đại, phác hoạ, hư tả, ảo mộng, liên tưởng. Đã bắt đầu phôi thai một tư duy nghệ thuật dựa trên tưởng tượng - hư cấu theo phong cách Đạo gia, Đạo giáo.
3. Sau khi đã sáp nhập chung ảnh hưởng của Đạo gia và Đạo giáo, giờ đây cũng nên tách ra một chút để nói về đặc điểm của từng đối tượng. Có thể nói, Đạo gia chỉ ảnh hưởng đến văn học chủ yếu ở tư tưởng triết học nhân sinh và nghệ thuật ngôn từ của nó. Nhưng ở giai đoạn thế kỉ X - XIV, Đạo gia không có không gian tồn tại riêng, phải gia nhập, tồn tại bên cạnh Nho, Phật. Còn Đạo giáo ảnh hưởng toàn diện hơn vì có thêm bộ phận nghi thức, đạo thuật… và quan trọng nhất là nó có một đức tin. Thực chất, nó đã nhân đôi thế giới, mở ra khả tưởng tượng không cùng. Vì thế, ảnh hưởng của nó là vô hạn.
4. Trên đây là xét những mặt ảnh hưởng của Đạo gia, Đạo giáo trực tiếp có thể khảo sát, nhận diện qua các biểu hiện hình thức ngôn từ. Trên thực tế còn tồn tại những ảnh hưởng gián tiếp, những ảnh hưởng ngầm tác động đến tâm hồn, tâm lý sáng tạo của thi nhân. Những tác động đó có thể cảm thấy, suy luận ra nhưng thật khó chứng minh. Nhưng chúng tôi cho rằng, những biểu hiện trực tiếp hiển lộ ở trên đây có thể coi là phần nổi của “tảng băng trôi” đó.
Tìm hiểu ảnh hưởng của Đạo gia, Đạo giáo trong thơ Việt Nam giai đoạn thế kỉ X – XIV, vừa có ý nghĩa về mặt văn học so sánh vừa có ý nghĩa về mặt văn học sử. Nó, cùng với việc tìm hiểu ảnh hưởng của Đạo gia, Đạo giáo với các thể loại khác của văn học giai đoạn thế kỉ X - XIV, bổ sung và làm rõ hơn diện mạo văn học sử còn khuyết thiếu, đồng thời, soi rọi cái nhìn so sánh, đối chiếu vào mối quan hệ giữa giai đoạn văn học này với một học thuyết- tôn giáo khá phát triển trong đời sống văn hoá phương Đông thời trung đại. Không những thế, qua đó, ta còn thấy được tương quan ảnh hưởng của nó và các học thuyết tôn giáo khác đương thời đối với văn học./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét