Lê Quý Đôn (1726 - 1784)(() Phần tiểu sử Lê Quý Đôn này chúng tôi viết dựa vào hai tư liệu chính sau đây: (1) Cao Xuân Huy – Lời giới thiệu, trong Vân Đài loại ngữ (Trần Văn Giáp dịch), Nhà xuất bản Văn hoá, Hà Nội, 1960; (2) Phạm Đức Duật – Niên biểu Lê Quý Đôn 1726 – 1784, trong Lê Quý Đôn – nhà bác học Việt nam thế kỉ XVIII, Ty Văn hoá và Thông tin Thái Bình, 1979. Nếu có phần nào tham khảo ở các tư liệu khác, chúng tôi sẽ có chú thích xuất xứ cụ thể.), nguyên tên là Lê Danh Phương(() Việc đổi tên xảy ra vào khoảng năm 1743 vì ông trùng tên với một thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa là Nguyễn Danh Phương – tức Quận Hẻo.), tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày mùng 5 tháng Bảy năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (tức ngày 2 tháng 8 năm 1726) dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705 - 1729), tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Thân phụ ông là Lê Phú Thứ (sau đổi tên Lê Trọng Thứ) (1691 - 1781), đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724), làm quan đến chức Hình bộ thượng thư, được phong tước hầu. Thân mẫu ông là người họ Trương, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay là thị xã Phủ Lí, tỉnh Hà Nam).
Từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thần đồng, học nhiều, biết rộng và đặc biệt là có sức cường kí. Theo nhiều truyền thuyết để lại, Lê Quý Đôn 2 tuổi đã bắt đầu biết chữ; 5 tuổi đã học được nhiều bài trong Kinh Thi; 11 tuổi học sử (Trung Hoa), mỗi ngày thuộc được tám chín mươi chương; học Kinh Dịch mỗi ngày đọc được phần Cương lĩnh và Đồ thuyết; 14 tuổi đã học hết Ngũ kinh, Tứ thư, Sử, Truyện và đọc đến cả Chư tử. Trong một ngày ông cũng có thể làm tới 10 bài phú, không phải suy nghĩ, không phải viết nháp (Tựa Vân Đài loại ngữ - Trần Danh Lâm).
Năm 1740, ông theo cha lên kinh đô du học. Thầy học của ông là những người có danh vọng đương thời như tiến sĩ Lê Hữu Kiều (1690 - 1760), tiến sĩ Nguyễn Tông Quai (1692 - 1766)… Năm 1743, ông thi đỗ Giải nguyên; sau đó ông ở nhà dạy học và viết sách. Năm 1749, Lê Quý Đôn hoàn thành bộ Lê triều thông sử (30 quyển). Năm 1752, ông thi đỗ Hội nguyên, vào thi đình cũng đỗ đầu (Bảng nhãn, khoa thi này không có Trạng nguyên). Sau khi đỗ, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm chức Hàn lâm viện thị thư. Mùa xuân năm 1754, ông được sung vào ban Quốc sử toản tu. Năm 1756, Lê Quý Đôn vâng mệnh đi “liêm phỏng” (thanh tra) ở trấn Sơn Nam, phát giác được một số viên quan ăn hối lộ. Cùng năm này, ông được biệt phái sang phủ chúa, lãnh chức Nhập thị thiêm sai tri binh phiên, tước Dĩnh Thành bá; sau đó được phái đi làm Hiệp đồng ở các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa,… đánh quân nổi loạn Hoàng Công Chất thắng lợi. Lúc về, ông dâng bài điều trần 19 khoản nói về chức Chưởng phiên binh, được chúa Trịnh khen là am hiểu điều lệ. Năm 1757, Lê Quý Đôn được thăng chức Hàn lâm viện thị giảng. Cũng trong năm này, Lê Quý Đôn viết xong sách Quần thư khảo biện (2 quyển) và hoàn thành sách Thánh mô hiền phạm lục (12 quyển). Năm 1759, ông được chọn làm Phó sứ thứ nhất (Giáp phó sứ) trong đoàn sứ bộ chuẩn bị sang nhà Thanh.
Năm 1760, triều đình sai đoàn sứ bộ do Trần Huy Mật (có người đọc là Bật), Lê Quý Đôn và Trịnh Xuân Chú (còn đọc là Thụ) dẫn đầu sang nhà Thanh mang lễ cống theo định kì(() Theo thông lệ thì cứ ba năm, nhà Lê phải cử sứ thần mang phương vật sang cống nhà Thanh; Trong Bắc sứ thông lục, Lê Quý Đôn có chép việc 3 năm trước đó (1756), đã có một sứ bộ An Nam sang Trung Quốc tuế cống. Nhưng theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục (và đôi chỗ trong Bắc sứ thông lục), trước đó khá lâu (năm 1718), “vua nhà Thanh chuẩn định: cứ 6 năm hai lễ cống cùng dâng một lúc, theo như thể lệ; nhân viên đi sứ, được cử 3 sứ thần và 20 hành nhân. Việc này định làm thể lệ lâu dài”. Không hiểu vì sao lại có việc tuế cống năm 1756. Có lẽ, những định lệ trong việc tuế cống xưa không phải lúc nào cũng được tuân thủ một cách chặt chẽ, nó còn tùy thuộc vào tình hình thực tế.) và báo tang Thái thượng hoàng Lê Ý Tông mất, đồng thời cầu phong cho quốc vương mới (Lê Hiển Tông)(() Trên thực tế, Lê Hiển Tông đã lên ngôi vào năm 1740 (do Lê Ý Tông truyền ngôi để làm Thái thượng hoàng). Nhưng trên danh nghĩa với Trung Quốc, Lê Ý Tông vẫn là Quốc vương An Nam. Bởi vậy, lúc này mới có việc cầu phong. Hiện tượng đó khá phổ biến ở thời Lê Trung hưng. Nhà Thanh không phải không biết việc ấy, nhưng họ cũng lờ đi không hỏi đến.). Trong thời gian này, Lê Quý Đôn sáng tác tập thơ Tiêu Tương bách vịnh (hay còn gọi là Liên châu thi tập, nay đã mất). Năm 1762, Lê Quý Đôn về triều, được thăng thưởng chức Hàn lâm viện thừa chỉ. Năm 1763, Triều đình đặt Bí thư các để thu thập và tàng trữ sách vở, Lê Quý Đôn được chọn vào chức Học sĩ của Bí thư các cùng với Lê Trạch Hầu và Nguyễn Bá Lân. Cũng trong năm này, ông hoàn thành bộ sách Bắc sứ thông lục (4 quyển) ghi chép về chuyến đi sứ vừa qua. Năm 1764, Lê Quý Đôn dâng sớ xin thiết định pháp chế, chỉnh đốn lại nền chính trị đang có dấu hiệu suy thoái lúc bấy giờ. Ông cũng viết điều trần mười khoản về chế độ và chính sự đương thời. Năm 1765, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm chức Đốc đồng xứ Kinh Bắc. Trên cương vị này, ông đã ra thực hiện chủ trương liêm khiết hóa bộ máy quan lại địa phương, cấm riết việc lễ lạt, giảm bớt sự chi phối của các hào tộc, theo đó dân nghèo được nhờ. Năm 1766, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm chức Tham chính xứ Hải Dương, ông từ tạ không nhận và xin cáo quan về nghỉ, chuyên chú vào việc viết sách. Năm 1767, Lê Quý Đôn được phục chức Thị thư và tham gia biên soạn Quốc sử, kiêm chức Quốc tử giám tư nghiệp. Năm 1768, Lê Quý Đôn biên soạn xong bộ Toàn Việt thi lục (khoảng 15 - 20 quyển),dâng lên ngự lãm và được khen thưởng. Năm 1769, Lê Quý Đôn được cử làm Tán lí quân vụ đem quân đi đánh dẹp cuộc nổi loạn của Lê Đình Bản (bộ tướng của hoàng thân Lê Duy Mật) thắng lợi. Năm 1770, Lê Quý Đôn tham gia dẹp yên cuộc nổi loạn của Lê Duy Mật, về triều được thăng chức Thị phó Đô ngự sử, rồi Công bộ Hữu thị lang. Cùng năm này, ông dâng sớ xin tổ chức lại chế độ đồn điền trong nước, nhưng không được thi hành. Năm 1772, Lê Quý Đôn được lệnh điều tra về dân tình và tệ lạm của quan lại ở Lạng Sơn, phát hiện tội tham nhũng của viên Đốc trấn, làm y bị cách chức. Ông cùng với Nguyễn Đình Huấn còn đàn hặc Lễ bộ thượng thư Trần Huy Mật (trước cùng đi sứ với Lê Quý Đôn) về tội bất kính với Chúa, làm ông này bị giáng chức. Năm 1773, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm chức Bồi tụng ở phủ Chúa. Cũng năm ấy, ông còn tham gia đốc suất việc làm hộ tịch trong cả nước cùng với Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Phương Đình (có sách chép là Nguyễn Phương Đĩnh). Năm 1774, Lê Quý Đôn được lệnh đi khám đạc ruộng đất ở Sơn Nam, phát hiện việc khai báo gian dối của quan lại địa phương, thu về cho triều đình khoản tô lớn. Cũng năm ấy, Trịnh Sâm thân chinh đánh Thuận Hóa, Lê Quý Đôn được cử giữ chức Lưu thủ kinh đô cùng với Nguyễn Đình Thạch, Nguyễn Hoãn, Nguyễn Đình Huân. Trong thời gian lưu thủ, Lê Quý Đôn cho công bố 24 điều khoản “thân sức đồn phòng” để giữ gìn trị an ở kinh đô. Năm 1775, ông được thăng chức Lại bộ tả thị lang kiêm Quốc sử quán tổng tài, tham gia biên soạn bộ Quốc sử tục biên (tức Đại Việt sử kí tục biên)(() Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn) và Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú).). Cũng năm này, xảy ra việc Lê Quý Kiệt, con trai Lê Quý Đôn, phạm tội gian lận trong trường thi bị hạ ngục, Lê Quý Đôn là đại thần nên được miễn luận tội. Năm 1776, Lê Quý Đôn được cử làm Hiệp trấn kiêm Tham tán quân cơ xứ Thuận Hóa trong vòng 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, ông viết xong cuốn Phủ biên tạp lục (6 quyển). Cuối năm đó, ông nhận chức Hành bộ phiên cơ mật sự vụ kiêm Chưởng tài phú, kiêm Đô ngự sử. Năm 1777, Lê Quý Đôn hoàn thành bộ Kiến văn tiểu lục (12 quyển). Năm 1778, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm chức Hành tham tụng trong phủ chúa nhưng ông thoái thác và xin được đổi sang võ ban, được cử giữ chức Hữu hiệu điểm, Quyền phủ sự, phong tước Nghĩa Phái hầu. Cũng năm này, Lê Quý Đôn bị Lê Thế Toại, nguyên Tham nghị Thanh Hoa, dâng khải chỉ trích, nhưng chúa Trịnh không xét đến. Năm 1779, xảy ra vụ chủ mỏ đồng Tụ Long (Tuyên Quang) là Hoàng Văn Đồng khởi loạn, khi bị bắt, y vu cho Lê Quý Đôn tội ăn đút lót, nhũng nhiễu nhân dân. Triều đình muốn lấy lòng quân phản loạn nên biếm chức Lê Quý Đôn. Năm 1780, xảy ra vụ án “năm Canh Tí”, Trịnh Tông làm chính biến không thành, Lê Quý Đôn, lúc bấy giờ giữ chức Tham tụng(() Theo Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái) và Lịch triều tạp kỉ (Cao Lãng – Xiển Trai). Về chức vụ Tham tụng của Lê Quý Đôn, Hoàng Lê nhất thống chí chép là “Đồng tham tụng”, Lịch triều tạp kỉ chép là “Tham tụng”. Năm 1778, Lê Quý Đôn đã từ chối chức Hành tham tụng, và xin đổi sang võ ban làm Hiệu điểm; không hiểu vì sao hai tài liệu này lại chép Lê Quý Đôn làm chức tham tụng vào năm 1780, trong khi các sách khác chép về tiểu sử Lê Quý Đôn không thấy chép chi tiết này. ), được giao việc điều tra cùng với hoạn quan Phạm Huy Thức (có sách chép là Phạm Huy Đĩnh) làm rõ nội tình vụ việc. Năm 1781, Lê Quý Đôn lại được sung chức Quốc sử quán tổng tài. Năm 1782, nổ ra “loạn kiêu binh” dẫn đến việc Trịnh Tông lên ngôi chúa, có lẽ năm này Lê Quý Đôn phải đi lánh nạn do có dính dáng đến vụ án “năm Canh Tí”. Đến năm 1783, ông được cử ra làm Hiệp trấn Nghệ An trong vòng một năm. Năm 1784, Lê Quý Đôn được gọi về triều, thăng chức Công bộ thượng thư. Sau đó không lâu, ngày 14 tháng Tư (tức ngày 1 tháng 6 Dương lịch) ông lâm bệnh và mất tại quê mẹ là làng Nguyễn Xá, huyện Duy Tiên, thọ 59 tuổi(() Về năm mất của Lê Quý Đôn hiện tồn tại hai giả thiết. Theo đa số các sách từ trước đến nay thì Lê Quý Đôn mất ngày 14 tháng 4 âm lịch năm Cảnh Hưng thứ 45 (tức ngày 1- 6 – 1784). Nhưng theo Đăng khoa lục bị khảo (Phan Huy Ôn) và Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Lê Quý Đôn mất năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), thọ 58 tuổi. ).
Lê Quý Đôn từ lâu đã được đánh giá là “nhà bác học Việt Nam thế kỉ XVIII”. Ông biên soạn, trứ thuật khá nhiều công trình, có thể nói là nhiều hơn bất cứ một tác gia Việt Nam trung đại nào khác. Ngoài các công trình đã nói ở trên, còn có thể kể đến các tác phẩm như: Thư kinh diễn nghĩa, Hoàng Việt văn hải, Âm chất văn chú, Quế Đường văn tập, Quế Đường thi tập,… Ngoài ra còn có một loạt các tác phẩm hiện ở dạng tồn nghi là do ông soạn như: Dịch kinh phu thuyết, Xuân Thu lược luận, Thi thuyết, Lễ thuyết, Địa lí tinh ngôn thư,v.v... đang chờ được giám định. Các tác phẩm chắc chắn là của Lê Quý Đôn đề cập đến hầu như tất cả các lĩnh vực học thuật xưa như: lịch sử, địa lí, kinh học, văn học, nông học, kinh tế, chính trị, ngôn ngữ, tôn giáo, triết học, dân tộc học, nghệ thuật,… ở bất cứ lĩnh vực nào, Lê Quý Đôn đều có những kiến giải, đóng góp độc đáo, có giá trị. Do vậy, có thể gọi Lê Quý Đôn là nhà thơ, nhà văn, nhà lí luận văn học, nhà nông học, nhà chính trị, sử gia, triết gia, nhà tư tưởng, nhà kinh học,… Sự nghiệp mà Lê Quý Đôn để lại thực sự hết sức to lớn, đa dạng và phong phú. Sự nghiệp ngoại giao chỉ là một trong số đó.
Sự nghiệp ngoại giao của Lê Quý Đôn chủ yếu nằm trong ngót 4 năm vừa chuẩn bị vừa lên đường đi sứ của ông (1759 – 1762). Trong chuyến đi sứ này, thực sự Lê Quý Đôn đã bộc lộ hết tài năng và tâm huyết ngoại giao của mình. Tài năng và tâm huyết đó, ngoài khả năng thiên phú còn do quá trình tu dưỡng, chuẩn bị lâu dài và công phu từ trước. Ý thức về việc đi sứ đã có từ rất sớm ở ông, được vun trồng từ người thầy, người cha và xa hơn là các thế hệ đi trước. Lê Quý Đôn từng kể lại: “Nhớ lúc thời tôi còn tám chín tuổi, cha tôi dạy tôi học sách Luận ngữ, khi học đến câu: Tự tu dưỡng mình thì phải biết xấu hổ, đi sứ bốn phương không làm nhục đến mệnh vua, thế mới đáng gọi là kẻ sĩ. Cha tôi hỏi tôi: Mày có làm được như vậy không? Tôi thưa: Biết xấu hổ là việc khó, đi sứ mà làm cho nước nhà vẻ vang, mệnh vua được tôn trọng thì có gì là khó” (Lời đề từ Bắc sứ thông lục(() Các trích dẫn từ Bắc sứ thông lục chúng tôi đều dùng bản dịch của Trịnh Ngữ (Ngô Thế Long hiệu đính), tài liệu viết tay, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu Bt.19 và Bt.85, có tham khảo đối chiếu với nguyên bản chữ Hán, kí hiệu A.179. Nếu trích dẫn do người khác dịch, chúng tôi sẽ ghi rõ xuất xứ. )). Việc đi sứ của Lê Quý Đôn cũng từng được nhiều người tin tưởng, dự báo trước. Chẳng hạn, thầy đồng thời là nhạc phụ của ông là tiến sĩ Lê Hữu Kiều từng tiên đoán: “một ngày kia anh sẽ sung vào cuộc tuyển lựa những người đi sứ nước ngoài” (Bài tựa Bắc sứ thông lục). Bản thân Lê Hữu Kiều rồi Nguyễn Tông Quai cũng đã từng được đi sứ Trung Hoa và hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ nặng nề và vinh quang đó. Lê Quý Đôn hết sức khâm phục những người thầy này. Xa hơn nữa, ta cũng thấy Lê Quý Đôn thường nhắc đến những nhà ngoại giao, sứ giả kiệt xuất của dân tộc trước đó như Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Phùng Khắc Khoan,… với thái độ kính ngưỡng đầy tự hào. Sự nghiệp ngoại giao của họ là bài học, là những tấm gương sáng để Lê Quý Đôn học tập và phát huy. Như vậy, có thể nói, cùng với trí tuệ hơn người, con đường khoa cử, Lê Quý Đôn đã được chuẩn bị cả về mặt tinh thần lẫn học vấn từ rất sớm cho việc đi sứ.
Việc chuẩn bị cho lần đi sứ này được tiến hành ngay từ năm 1758, bởi theo định kì 3 năm 1 lần thì đến năm 1759 nước ta phải sang cống Trung Quốc. Ban đầu có 6 người được đề cử vào các vị trí Chánh sứ và Phó sứ. Ở vị trí Chánh sứ có hai người được đề cử: một là, Trần Danh Lâm, giữ chức Phụng sai Nghệ An đốc thị, Lễ bộ hữu thị lang, tước Du Lĩnh hầu, đỗ khoa Tân Hợi (1731), 54 tuổi; hai là, Trần Huy Mật, giữ chức Bồi tụng kiêm Lễ bộ hữu thị lang, tước Bái Xuyên hầu, đỗ khoa Bính Thìn (1736), 49 tuổi. Vị trí Phó sứ có 4 người được đề cử: một là, Nguyễn Huy Oánh, Đông các đại học sĩ, Thự Sơn Nam xứ tham chính, đỗ khoa Mậu Thìn (1748), 45 tuổi; hai là, Trần Trọng Đống, Tự khanh, Hành thiêm đô ngự sử, đỗ khoa Bính Thìn (1736); ba là, Lê Quý Đôn, Thiêm sai tri binh phiên, Hàn lâm viện thị giảng, đỗ khoa Nhâm Thân (1752) 33 tuổi; bốn là Trịnh Xuân Chú, Hàn lâm viện đãi chế, Thự Thanh Hoa tham chính, đỗ khoa Mậu Thìn (1748), 55 tuổi. Cuối cùng ba người đã được lựa chọn: Lê Huy Mật (Chánh sứ), Lê Quý Đôn (Giáp phó sứ), Trịnh Xuân Chú (Ất phó sứ). Ngoài ra, sứ bộ còn có 23 “hành nhân”(() Theo quy định của nhà Thanh, thì sứ bộ ta được cử 3 sứ thần và 20 hành nhân (Xem Khâm định Việt sử thông giám cương mục), nhưng do có việc báo tang Lê Ý Tông, nên sứ bộ có thêm 2 hành nhân nữa là 22 (Bắc sứ thông lục, Q.I). ), “tùy nhân” và “dự sai tiền lộ” . Như vậy, trong 3 người được chọn nói riêng và 6 người được đề cử nói chung, Lê Quý Đôn là người trẻ nhất về tuổi đời lẫn tuổi học. Điều này cho thấy uy tín và danh tiếng của ông trong triều đình. Lúc đó, chúa Trịnh Doanh cũng rất sủng ái ông, muốn giữ ông ở lại để giao việc nhưng Lê Quý Đôn một mực xin đi với lí do là muốn đi thăm thú và khảo sát tình hình Bắc quốc để về áp dụng vào công việc trong nước (Lời đề từ Bắc sứ thông lục). Công việc chuẩn bị diễn ra trong vòng hơn một năm (từ cuối năm 1758 đến cuối năm 1759). Ban đầu, mục đích của lần đi sứ này chỉ là tuế cống, nhưng đầu tháng 6 năm Kỉ Mão (1759), Thái thượng hoàng Lê Ý Tông băng hà nên triều đình quyết định kết hợp việc tuế cống với việc “cáo ai” (báo tang) và cầu phong cho vua mới. Do đó, việc đi sứ có chậm đôi chút so với dự kiến. Sứ bộ của Lê Quý Đôn khởi hành vào đầu năm Canh Thìn (ngày 28 tháng Giêng). Tháng Năm, sứ bộ vượt qua ải Nam Quan tiến vào nội địa Trung Quốc. Đầu tháng Chạp năm đó, sứ bộ đến Bắc Kinh. Ngày rằm tháng đó, sứ bộ vào triều kiến Càn Long. Đến Tết nguyên đán (1761), sứ bộ vào chầu mừng ở điện Thái Hòa. Lúc sứ bộ ở Bắc Kinh, có những Nho thần có tiếng của nhà Thanh như Binh bộ thượng thư Lương Thi Chính, Công bộ thượng thư, Tiến sĩ Quy Hữu Quang (một nhà nghiên cứu cổ văn của Trung Quốc) và nhiều vị ở Hàn lâm viện, Đô sát viện nghe tiếng Lê Quý Đôn sang, đều tới sứ quán thăm hỏi. Các triều trước, sứ thần Việt Nam đến Bắc Kinh chưa từng có ai đến nhà Thái học bái yết Khổng Tử, Lê Quý Đôn cùng với Trịnh Xuân Chú dẫn một số người trong sứ bộ đến yết Văn Miếu (ngày 10 tháng Giêng năm Tân Tị) và đàm đạo với Trợ giáo Trương Nguyên Quán và Bác sĩ Trương Phượng Thư. Hành động này của Lê Quý Đôn và sứ bộ ta có mục đích sâu xa là chứng minh cho nhà Thanh thấy, nước ta là một nước văn hiến, có lễ nghĩa (dĩ nhiên là theo quan điểm của nhà Nho xưa, nước văn hiến, lễ nghĩa là nước tuân theo thánh giáo của Khổng Tử) và để lại tấm gương tốt cho các sứ bộ sau(() Ngay lần đi sứ sau đó (năm 1765), đoàn sứ bộ do Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) làm Chánh sứ cũng vào bái yết Văn Miếu ở Bắc Kinh (Theo Phụng sứ Yên Đài tổng ca). ). Chính Trương Phượng Thư đã phát biểu, “Các đoàn cống sứ trước của quý quốc chưa bao giờ đến bái yết Thánh miếu, nay các ngài kính cẩn đến đây, điều đó tỏ rõ có ý hiếu học, trọng đạo” (Bắc sứ thông lục, Q.IV). Sứ bộ lưu lại Bắc Kinh 2 tháng, đầu tháng Ba (Tân Tị, 1761), sứ bộ bắt đầu rời Bắc Kinh lên đường về nước. Tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1762), sứ bộ về tới ải Nam Quan. Tháng Ba năm đó, sứ bộ về đến kinh đô Thăng Long, hoàn tất nhiệm vụ nặng nề được giao.
Chuyến đi sứ này khá thành công, việc tuế cống, báo tang và cầu phong diễn ra tốt đẹp. Ngay khi sứ bộ ta vừa rời khỏi Bắc Kinh (1761), nhà Thanh đã cử sứ bộ do Hàn lâm thị độc Đức Bảo, Đại lí thiếu khanh Cố Nhữ Tu lên đường sang An Nam đem sách văn sang phong vua (Lê Hiển Tông) làm An Nam quốc vương, đồng thời dụ bảo việc ban tế lễ vua Lê Ý Tông(() Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn). Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn ghi, Cố Nhữ Tu làm chức Tự khanh.). Hai đoàn sứ bộ (Việt Nam và Trung Hoa) gặp nhau ở phủ Thái Bình (Quảng Tây) và có thư từ, thơ phú trao đổi hết sức thân tình (Kiến văn tiểu lục, Thiên chương). Trong thành công của chuyến đi này, vai trò của Lê Quý Đôn khá đậm nét. Từ những tư liệu hiện còn ghi chép về chuyến đi sứ, người ta thấy vai trò của Chánh sứ Trần Huy Mật và Phó sứ thứ hai Trịnh Xuân Chú khá mờ nhạt. Trừ những công việc bắt buộc theo phận sự, hai ông hầu như từ chối, né tránh tất cả những cuộc tiếp xúc, va chạm với người nước ngoài, với những công việc đa dạng, phức tạp diễn ra từng ngày. Có nhà nghiên cứu đã nhận xét rất đúng rằng: “Chánh sứ Trần Huy Mật hiền lành, thường ít xuất hiện trong các cuộc trò chuyện hoặc tiếp xúc có thể nảy sinh vấn đề gay cấn… Trịnh Xuân Thụ còn thụ động hơn nữa, ông luôn lảng tránh các cuộc tiếp xúc, không có vai trò gì rõ rệt trong đoàn”.(() Trần Thị Băng Thanh – Bắc sứ thông lục, một tập kí đặc sắc, Tạp chí Văn học, số 6 năm 1984, trang 42.) Còn Lê Quý Đôn, mặc dù chỉ là Phó sứ (thứ nhất) nhưng rất xông xáo, hăng hái trong mọi công việc: từ ứng đối, giao thiệp, soạn công văn, thư từ… với quan lại nhà Thanh thuộc đủ các cấp bậc, học vị (như Án sát sứ Các Bằng, Tuần phủ Phùng Chân, Đề đốc Chu Bội Liên, Tuần phủ Hùng Học Bằng, Bố chánh sứ họ Vĩnh, v.v…) cho đến những công việc hàng ngày đấu tranh với chủ thuyền để họ cho thuyền đi nhanh hơn, giao thiệp với người dân bình thường… Đối với những va chạm nhỏ thì không lấy gì làm quan trọng. Nhưng “khó khăn là ở các cuộc tiếp xúc với những nhân vật tai to mặt lớn. Họ vừa có học vấn vừa mang sẵn trong đầu tư tưởng phân biệt Hoa Di. Cho nên trong những cuộc đàm đạo này, các sứ giả vừa phải khiến cho họ nể, vừa phải tranh thủ tình cảm của họ. Đây chính là những trường hợp để Lê Quý Đôn rút ra kinh nghiệm: tự mình phải buộc họ không thể đem cách nhìn “Di quan di mục” để đối đãi”(() Trần Thị Băng Thanh – Tài liệu đã dẫn, trang 41.). Có thể nói, đó là tư tưởng quán xuyến, là kim chỉ nam hành động cho sự nghiệp ngoại giao của Lê Quý Đôn. Sau này (năm 1780), khi ôn lại kỉ niệm đi sứ của mình, Lê Quý Đôn cũng đã tỏ rõ quan niệm về người đi sứ: “Người xưa từng nói: Người được vâng mệnh đi sứ, về văn học phải xem rộng, biết nhiều, về đối đáp ngoại giao phải mềm dẻo và thẳng thắn, đúng mực. Nhưng khẩu khí không thể không khéo léo, vì lẽ chức vị giữa nội và ngoại(() Nội: chỉ Trung Hoa, Ngoại: chỉ các nước ngoài Trung Hoa. ) cao thấp khác nhau. Nếu trông thấy bóng họ đã nhụt dũng khí, tự ti, coi mình là người ở nơi xa xôi, ít giao thiệp, ít nói năng thì ắt sẽ bị người ta khinh rẻ và coi là quan di địch, sứ giả di địch” (Lời đề từ Bắc sứ thông lục). Điều đó được thể hiện trên suốt hành trình của sứ bộ.
Khi sứ bộ An Nam qua các tỉnh, phủ, châu huyện trên nội địa Trung Hoa, Lê Quý Đôn thấy trong các xưng hô cũng như trong các văn thư của quan lại nhà Thanh đều dùng lời khinh thị, gọi sứ bộ ta là “Di quan di mục” (bọn quan lại mọi rợ). Về đến Quế Lâm, Lê Quý Đôn viết tờ trình gửi cho các quan đầu tỉnh Quảng Tây phản đối lối dùng từ “Di”(() Điều đáng chú ý là trong tờ trình gửi Tuần phủ Quế Lâm Hùng Học Bằng (chép trong Bắc sứ thông lục, quyển IV) kiến nghị về chữ “Di” đó, Lê Quý Đôn lại mượn một chữ “Di” khác (với nghĩa là: chén uống rượu, đồ tế lễ,phép tắc) để thay cho chữ “Di” (Mọi rợ) theo kiểu dùng chữ đồng âm, viết tránh chữ có nghĩa xấu. Điều đó cho thấy, từ những tiểu tiết rất nhỏ (như 1 chữ thôi), Lê Quý Đôn cũng đã rất chú ý để làm sao giữ gìn được quốc thể và danh dự của quốc gia. ) (mọi) ấy, yêu cầu họ tư giấy cho các phủ, châu, huyện phải đổi lại nghi thức cũ: không gọi là “Di”. Trong tờ trình đó, Lê Quý Đôn không quên khẳng định: “Nước chúng tôi quả là nơi xa xôi, hoang vắng và cũng thực là nơi hẻo lánh, nhưng được dự phong là phên dậu, vốn gọi là văn hiến” (Bắc sứ thông lục, quyển IV). Quan bố chính Quảng Tây là Diệp Tồn Nhân mặc dù cũng không phải tay vừa, vẫn cố gắng biện bạch rằng chữ “Di” không có gì là “khinh bỉ quý quốc” nhưng cuối cùng phải chấp nhận ý kiến của sứ bộ ta và đề nghị lên trên làm công văn gửi đến các nơi, từ đó trở đi chỉ được gọi là “An Nam cống sứ”. Lê Quý Đôn lại đề nghị từ đó về sau, tất cả các công văn gửi sang nước ta cũng xin không dùng chữ “Di”. Đề nghị ấy cũng được phía nhà Thanh chấp nhận. Chính Lê Quý Đôn cho sự kiện trên là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong chuyến đi sứ lần này. Bởi vậy, trong bài khải (chữ Nôm) gửi về cho chúa Trịnh, ông đã dành nhiều lời để tường thuật lại sự kiện đó.
Trong chuyến đi sứ này, nhà Thanh cử Tần Triều Vu (có người đọc là Tần Triều Hãn, có người đọc là Tần Triệu Châm?), Tiến sĩ xuất thân, học vấn khá uyên bác, lúc đó đương là Phụng trực đại phu, Lễ bộ viên ngoại lang, làm chức Khâm sai bạn tống(() Trong đoàn còn có một người làm Bạn tống nữa họ La, nhưng không thấy Lê Quý Đôn nhắc mấy đến người này. )ra đón, dẫn đoàn trong suốt hành trình từ Quảng Tây đến Bắc Kinh và ngược lại. Trên đường đi – về của sứ bộ, Lê Quý Đôn lại thường đàm đạo, biện luận với viên Khâm sai bạn tống này về những vấn đề sử học, kinh học, thể chế của Trung Hoa và Việt Nam. Trong những cuộc đàm đạo đó, Lê Quý Đôn luôn luôn có ý thức khẳng định cho ông ta thấy, nước Nam là vùng đất trù phú, nhiều sản vật quý giá, thể chế văn minh, nhân tài lỗi lạc... chẳng hạn như đoạn trao đổi dưới đây:
“Ông (Tần Triều Vu - NTT) bày cơm rượu và vải muối ra, hỏi: Phương Nam có thứ này không?
Đáp: Có rất nhiều.
Hỏi: Sản vật của quý quốc thế nào?
Đáp: Truyện kí chẳng nói cỏ cây kì lạ đều ở phương Nam cả sao? Đâu dám nói quá. Tây du kí có câu: Trung Hoa tuy là Trung Hoa, tức nước lớn mà rốt cuộc chẳng có thứ ấy. Điều đó đâu phải chúng tôi nói không.
Ông ta cười bảo: Phải kể nước ngài có nhiều của ngon vật lạ nhất…” (Bắc sứ thông lục, Q.IV)(() Phạm Tú Châu – Lê Quý Đôn và thể loại tiểu thuyết cổ, Tạp chí Văn học, số 6/ 1984, trang 46. )
Hay như đoạn đối thoại sau:
“Ông ung dung hỏi viên thông sự (tức người đảm đương nhiệm vụ phiên dịch và giao dịch - NTT) là Tài Trung rằng: Ba vị quan cống sứ tôi thiết nghĩ là những bậc được quý quốc lựa chọn có phải không?
Tôi dặn viên thông sự trả lời thay rằng: Đi sứ thiên triều đâu dám không coi trọng việc tuyển chọn, nhưng ba vị quan sứ cũng là theo ngôi thứ mà đi chứ không phải là tuyển chọn kĩ lắm.
Ông lại nói: Thiết tưởng những người như ba vị quan sứ đây thì rất ít?
Viên thông sự đáp: Vâng!
Phó sứ (Lê Quý Đôn - NTT) bảo viên thông sự nói chữa lại là: Những bậc danh thần có tài học trong nước rất nhiều, như trên quan cống sứ là Thượng thư, Thị lang có đến mười mấy người. Quan sứ thứ hai và quan sứ thứ ba thuộc vào hạng Hàn lâm, Đông các, mà những người có danh vọng thì cũng đông” (Bắc sứ thông lục, Q.IV).
Mặc dù có nhiều chỗ bất đồng ý kiến (nhất là về sử học) nhưng Tần Triều Vu cũng phải thừa nhận rằng, nhân tài như Lê Quý Đôn thì ở Trung Hoa không có nhiều. Bởi vậy, Lê Quý Đôn chiếm được cảm tình rất lớn của họ Tần, công việc trên đường đi nhờ đó mà thuận lợi hơn khá nhiều. Quan hệ của họ đã vượt lên trên quan hệ ngoại giao đơn thuần, để trở thành tình bạn chân thành của những nhà trí thức. Tần Triều Vu có đề tựa cho sách Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm lục của Lê Quý Đôn với những lời ca ngợi hết sức nhiệt tình, sâu sắc.
Lúc ghé tỉnh Quảng Tây chuẩn bị về nước, Lê Quý Đôn có giao thiệp với quan Đề đốc học chính tỉnh này là Chu Bội Liên (từng giữ nhiều chức vụ như: Hàn lâm viện biên tu, Hàn lâm viện thị độc, Khâm mệnh giám thí,…). Chu Bội Liên là người thông kim bác cổ, lại mang nặng tư tưởng nước lớn, bề trên nên không ít lần ông ta “hỏi vặn” Lê Quý Đôn khá nhiều vấn đề về nước ta. Dụng ý của Chu Bội Liên ở đây có lẽ không chỉ là “thử” học vấn của sứ thần mà còn là dò xét, thể hiện thái độ đối với nước ta. Nhờ học vấn uyên bác và tài ứng đối mau lẹ, Lê Quý Đôn đã vượt qua được những “thử thách” đó đồng thời nâng cao được vị thế và danh dự cho đất nước. Chẳng hạn, Lê Quý Đôn đã giải đáp khá nhiều thắc mắc của Chu Bội Liên về diên cách của một loạt địa danh ở nước ta từ thời Tần, Hán cho đến đương thời. Qua sự trình bày tỉ mỉ, “nói có sách mách có chứng” đó, ông trực diện đề cập đến việc một số vùng lãnh thổ nước ta ngày xưa nay đã bị sáp nhập vào lãnh thổ Trung Hoa. Thông qua đó, một mặt, Lê Quý Đôn chỉ ra dã tâm lấn chiếm phương Nam thường trực của các triều đại Trung Hoa, mặt khác, biện bạch cho việc mở mang bờ cõi xuống phía Nam và phía Tây của nước mình(() Lê Quý Đôn đề cập đến việc nước ta mở mang bờ cõi xuống phía Nam và phía Tây. Có lẽ, ở chỗ này, do say sưa biện luận, Lê Quý Đôn có chút “sơ hở” về mặt ngoại giao.), một vấn đề mà các triều đại phong kiến Trung Hoa luôn lấy làm cớ mỗi khi muốn gây sức ép hay thôn tính nước ta. Trong các cuộc trò chuyện, Chu Bội Liên không giấu diếm thái độ dè bỉu, tư tưởng coi thường người nước Nam. Do vậy, Lê Quý Đôn phải thường xuyên đấu tranh, đả phá tư tưởng đó. Trước hết, ông lấy chi tiết Thái giám Nguyễn An người nước ta đã góp phần xây dựng thành Yên Kinh (thời Minh) để chứng minh rằng tài năng của người Việt Nam không kém Trung Hoa. Kế đó, ông phản bác quan niệm của Chu Bội Liên ngầm có ý cho việc các lị sở ở nước ta thời bấy giờ không có thành quách là biểu hiện của trình độ văn minh và trình độ quân sự thấp kém… Sau đây là đoạn đối đáp giữa Lê Quý Đôn và Chu Bội Liên:
“Chu đề đốc nói: Quý quốc có nhân tài như thế nhưng tôi nghe hiện nay trấn trị phủ huyện đều không có thành quách, vì sao?
Đáp: Theo Hán chí, Giao Chỉ có hơn 60 thành, gần đây nhà Minh lại đắp hơn 20 thành nữa, bản quốc chẳng phải không thể dựa vào đó. Nhưng vì lúc đó mới lập quốc, đã bị tiêu thổ bình địa nên nay các trấn trị đều là lũy đất mà thôi. Trộm nghĩ [như thế] cũng có thâm ý.
Hỏi: Vì cớ gì?
Đáp: Nước nhỏ và nước lớn sự thế không giống nhau; nay thánh triều yêu mến vỗ về người xa, đã thành một nhà không lo gì nữâ. Duy có thời Nguyên Minh ban đầu biên thần phần lớn tham công sinh sự e khi bị xâm phạm ở dồn vào trong một thành tức là ngồi chịu vây đánh, không phải là kế hay. Trăm họ đều là lính, thôn xóm đều là của cải, ở linh tinh, tản mát, muốn đánh cũng không biết đánh từ đâu, muốn cướp cũng không biết theo đâu mà cướp; thừa sơ hở mà nổi dậy, đặt phục binh mà chặn đường, như thế thì có thể giữ được nước vậy chăng” (Bắc sứ thông lục, Q.IV)(() Trần Thị Băng Thanh – Tài liệu đã dẫn, trang 43.).
Ông còn thông qua Chu Bội Liên chứng minh cho giới trí thức Trung Hoa thời đó hiểu quan niệm cho rằng nước ta từ Giải Tấn (đời Minh) mới biết đến chữ nghĩa văn học là một sai lầm, một cái nhìn lệch lạc, đầy thiên kiến(() Sở dĩ Lê Quý Đôn đề cập đến vấn đề này là bởi trong bài tựa Chu Bội Liên viết cho cuốn Thánh mô hiền phạm lục của ông có nhắc đến việc trước đây ông tưởng đến Giải Tấn nhà Minh thì người An Nam mới biết học chữ. Lời hiển ngôn là vậy nhưng sâu xa, họ Chu cũng có ý trịch thượng, tiếc cho Lê Quý Đôn sinh ra ở đất “Nam phiên” chứ không phải Trung Châu (tức Trung Hoa). Lê Quý Đôn liền lập tức xin họ Chu sửa đổi những chỗ viết như vậy trong bài tựa. Trong Kiến văn tiểu lục (Thiên chương), Lê Quý Đôn còn cho biết, ông còn đưa cho Chu Bội Liên xem cuốn Việt âm thi tập (Phan Phu Tiên & Chu Xa soạn) để chứng thực cho những lời biện bác của mình.). Tờ trình của ông gửi Chu Bội Liên bàn về việc này có đoạn viết: “Nước tôi từ thời Lí Trần, văn minh của con người đã thịnh, hương học và quốc học đều nhất loạt ngang với thời Đường, Tống, như lớp Trương Hán Siêu, Nguyễn [Lê] Bá Quát, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh đều nổi tiếng gần xa, nghiên cứu sâu môn học tính lí, lấy các vị tổ đất Liêm, Lạc(() Liêm, Lạc: ở đây muốn chỉ quê hương của các nhà lí học đời Tống là Chu Đôn Di, Trình Di, Thiệu Khang Tiết. ) làm phương hướng, có sách Tứ thư thuyết ước, Kiến nghi cửu sử. Vì quá loạn lạc nên những sách ấy không còn truyền lại. Không phải bắt đầu từ Giải Tấn nhà Minh nước tôi mới biết học… Đại để một vài người càn rỡ, ham thích bàn luận lập dị để khinh bỉ người nước ngoài mà không cảm thấy rằng họ nói là vô lí. Nay được ngài tẩy rửa thực là niềm vinh hạnh cho nước tôi. Nếu được thêm một vài lời chứng nghiệm đúng đó là ngoa truyền thì càng tốt” (Bắc sứ thông lục, Q.IV). Lập luận của Lê Quý Đôn vừa mềm mỏng, nhún nhường nhưng khá cương quyết, chắc chắn khiến họ Chu phải chịu là đúng đắn. Qua những cuộc đàm đạo như thế, Chu Bội Liên, dù luôn giữ cái tâm lí bề trên, nước lớn, nhưng cũng phải khâm phục Lê Quý Đôn và con người Việt Nam. Chính ông ta đã đề tựa cho hai bộ sách mà Lê Quý Đôn soạn và đem theo sang Trung Hoa là Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm với những lời ca ngợi hết mực như “kiến thức trác việt”, sánh ngang với Cố Viêm Võ, v.v… Về tài năng ngoại giao của Lê Quý Đôn, Chu Bội Liên thừa nhận: “Sứ quân thật giỏi biện luận… Tôi muốn cùng sứ quân bàn bạc cổ kim, tiếc là gặp nhau không được lâu” (Bắc sứ thông lục, Q. IV).
Trên đường đi sứ về, ngoài những vật phẩm được nhà Thanh tặng cũng như những sản vật địa phương, sứ bộ của Lê Quý Đôn còn đem về khá nhiều sách vở. Trong danh mục sách mà sứ bộ kê khai với giới chức nhà Thanh ta thấy có đủ loại: sách bói toán (Tử vi đẩu số, Mai hoa dịch số, Thần tướng kim thư,…), sách địa lí (Địa lí tuyết tâm, Sơn hải kinh,…), sách pháp luật (Đại Thanh luật), sách văn học (Thiên cổ kì văn, Phong thần diễn nghĩa, Tham hoan báo), v.v… Mặc dù hầu hết số sách này bị quan lại nhà Thanh giữ lại không cho mang qua cửa quan, nhưng hiện tượng này cũng cho thấy vai trò của sứ bộ trong việc tạo nên sự giao lưu văn hoá, học thuật giữa hai nước Việt - Trung. Trong đó, ta lại thấy được vai trò không nhỏ của Lê Quý Đôn. Trong số sách mà Lê Quý Đôn mua về ta thấy có đáng chú ý là những bộ tiểu thuyết chương hồi (Phong thần diễn nghĩa, Nam du Bắc du). Khi nghiên cứu lịch sử hình thành của tiểu thuyết chương hồi ở Việt Nam, có lẽ chúng ta không thể bỏ qua những hiện tượng tương tự như vậy, và trong đó phải nhắc đến Lê Quý Đôn và chuyến đi sứ của ông(() Xem Phạm Tú Châu – Tài liệu đã dẫn.). Cũng chính Lê Quý Đôn là người đứng ra lo liệu việc giải trình và xin lại số sách bị thu giữ. Lí do ông đưa ra để biện bác việc mua sách đem về là để “xem xét nền văn hoá” của Trung Hoa. Kết quả tuy không được như mong muốn (chỉ bộ Uyên giám loại hàm được trả lại) nhưng đó cũng có thể coi là một nỗ lực đáng quý về mặt ngoại giao chống lại chính sách “cấm vận” văn hoá của nhà Thanh. Sự giao lưu văn hoá học thuật ở đây cũng không chỉ có tính chất một chiều. Trong chuyến đi sứ này, Lê Quý Đôn đã mang sang Trung Quốc một số tác phẩm do bản thân (Thánh mô hiền phạm lục, Quần thư khảo biện) cũng như của người Việt soạn (Việt âm thi tập, v.v…) nhằm tuyên truyền về văn hoá, học thuật nước Nam. Nỗ lực đó phần nào đã có hiệu quả làm thay đổi cái nhìn của trí thức phương Bắc về nền văn hoá, học thuật của nước ta.
Ngoài quan hệ bang giao với các quan lại, nho sĩ Trung Quốc, Lê Quý Đôn và sứ bộ của ông còn tích cực thiết lập mối quan hệ khá tốt đẹp với sứ thần và nho sĩ các nước lân cận Trung Hoa như Triều Tiên, Lưu Cầu (một phần Nhật Bản ngày nay)… Trong thời gian lưu lại Bắc Kinh, Lê Quý Đôn có đến diễn lễ (tập thi lễ trước khi vào triều kiến) ở Hồng lô tự và có gặp ở đó đoàn sứ thần Triều Tiên gồm Hồng Khải Hi (tên Triều Tiên là Hong Kye Hi, là Chánh sứ, Trạng nguyên đình đối, chức Vinh Lộc đại phu, Lại tào phán thư, kiêm Tri kinh diên Hoằng văn quán đề học, Thế tử Hữu tân khách), Triệu Vinh Kiến (?), Lý Huy Trung (tên Triều Tiên là Li Hui Cun, Học sĩ, Hành đài tri chế). Tại đây, hai đoàn sứ bộ “trải chiếu mời nhau ngồi, dùng giấy bút để nói chuyện, tình hiếu trở nên gắn bó với nhau” (Kiến văn tiểu lục, Thiên chương). Mặc dù, theo quy định ngặt nghèo của nhà Thanh, sứ bộ các nước đến Bắc Kinh phải ở riêng từng nơi và không được qua lại với nhau, nhưng bằng nhiều hình thức (thư từ, thơ phú, sách vở) hai đoàn sứ bộ Việt Nam, Triều Tiên đã có những liên hệ nhất định khá mật thiết và tốt đẹp (Bắc sứ thông lục, Q.IV). Hai sứ bộ đều có thư từ, thơ phú và tặng vật qua lại tỏ tình giao hảo, trân trọng lẫn nhau (Kiến văn tiểu lục, Thiên chương). Trong mối quan hệ giao hảo đó, Lê Quý Đôn đóng vai trò khá quan trọng. Chính văn tài, khí độ của Lê Quý Đôn đã khiến cho sứ thần nước bạn phải nể phục. Thượng thư Hồng Khải Hi đã đọc duyệt và đề tựa cho các bộ sách Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm và tập Tiêu Tương bách vịnh của Lê Quý Đôn. Học sĩ Lý Huy Trung cũng chấp bút đề tựa cho tập thơ của họ Lê. Uy tín đó còn vang vọng mãi về sau. Theo Lê Quý Đôn, 12 năm sau đó (năm 1773), khi bạn đồng khoa với ông là Nguyễn Dao đi sứ đến Bắc Kinh có gặp phó sứ Triều Tiên là Lý Trí Trung (cháu Lý Huy Trung). Ông này đã ôn lại những kỉ niệm tốt đẹp trong cuộc gặp gỡ giữa Lê Quý Đôn với Lý Huy Trung, đồng thời trao danh thiếp cho sứ thần nước ta trong đó ngỏ lời hỏi thăm tới Lê Quý Đôn (Kiến văn tiểu lục, Thiên chương). Khi nghiên cứu về lịch sử giao lưu văn hoá giữa hai nước Hàn Việt, có tác giả đã tổng kết khá xác đáng rằng: “Trong quan hệ giao tiếp chứ chưa phải là bang giao chính thức, sứ thần hai nước Hàn – Việt đã gặp gỡ nhau hàng chục lần trên đất nước Trung Hoa. Tựu trung, có hai cuộc giao tiếp được xem là những mốc đáng ghi nhận nhất. Thứ nhất là cuộc gặp gỡ có tính chất mở đầu giữa Lý Toái Quang và Phùng Khắc Khoan vào năm Đinh Dậu (1597), thứ hai là cuộc gặp gỡ giàu sắc thái học thuật giữa Hồng Khải Hi và Lê Quý Đôn vào năm Canh Thìn (1760)”(()Bùi Duy Tân – Lý Toái Quang – Phùng Khắc Khoan: Quan hệ sứ giả - nhà thơ - mở đầu tình hữu nghị Hàn – Việt, trong Theo dòng khảo luận văn học Trung đại Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, trang 265. ). Cũng thời gian ở Bắc Kinh này, Lê Quý Đôn còn gặp gỡ những Nho sĩ Lưu Cầu (nay thuộc Nhật Bản), trong đó có hai người tên là Trịnh Hiếu Đức và Thái Thế Xương, sang Trung Hoa du học. Qua tiếp xúc, trao đổi, họ tỏ ra khâm phục đức độ và tài năng của Lê Quý Đôn (Kiến văn tiểu lục, Thiên chương; Bắc sứ thông lục, Q.IV), qua đó có ấn tượng tốt về đất nước An Nam xa xôi. Sự giao lưu văn hoá Việt Nam – Nhật Bản có thể coi là cũng có dấu ấn nhất định từ chuyến đi sứ này.
Như đã nói ở trên, sự nghiệp ngoại giao của Lê Quý Đôn chủ yếu nằm gọn trong chuyến đi sứ phương Bắc, ngoại giao (chính thức và không chính thức) với các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản). Ông đi sứ không chỉ với tư cách một nhà chính trị, một nhà ngoại giao đơn thuần, mà đích thực với tài năng, học vấn, tâm huyết vượt trội, và với những gì đã thể hiện, Lê Quý Đôn trở thành vị sứ giả văn hóa của dân tộc lúc bấy giờ. Tuy nhiên, nếu hiểu rộng ra về sự nghiệp ngoại giao của Lê Quý Đôn, bao gồm cả những đóng góp của ông cho việc tìm hiểu lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam với các nước lân cận, thì không thể không kể đến những ghi chép có tính chất khảo cứu trong các tác phẩm của ông. Ngoài những ghi chép về quan hệ ngoại giao với phương Bắc (trong Lê triều thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân Đài loại ngữ…), ta cũng cần chú ý đến những ghi chép của ông về quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước lân cận ở phía Tây, Nam (trong Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục), mà tiêu biểu là những bức thư ngoại giao qua lại giữa chính quyền chúa Nguyễn với Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay). Bản thân việc ghi chép này cũng cho thấy, Lê Quý Đôn rất để ý đến mối quan hệ bang giao với các nước ở miền “phủ biên” này, có điều ông chưa có điều kiện tham gia vào công việc đó mà thôi./.
[Bài đã đăng sách]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét