I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Phan Khôi (1887 - 1959) là tên tuổi lớn trong nền lí luận – phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX. Chương Dân thi thoại (CDTT) là công trình quan trọng trong sự nghiệp lí luận – phê bình của ông, thể hiện những đóng góp rất có ý nghĩa của vị học giả này đối với nền thi học Việt Nam nói riêng và lí luận văn học Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cho đến nay việc khẳng định giá trị của công trình vẫn chỉ dừng lại ở việc khai thác một vài đặc điểm, một vài quan niệm đơn lẻ mà chưa có sự đánh giá toàn diện, căn bản và sâu rộng. Bởi vậy, bài viết của chúng tôi muốn đặt vấn đề tìm hiểu vị trí, vai trò của CDTT trong tiến trình phát triển của thi học Việt Nam, cụ thể là chỉ ra vị trí cầu nối, giao thời độc đáo giữa thi học trung đại và thi học hiện đại của công trình này. Theo chúng tôi, đó là giá trị lớn nhất, căn bản nhất của CDTT.
II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
CDTT nguyên tên là Nam âm thi thoại, vốn là một mục trên các báo Nam phong tạp chí, Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, Thần chung, Trung Lập báo,... do Phan Khôi phụ trách chuyên bàn về thơ. Mục này khởi đầu năm 1918 và xuất hiện rải rác cho đến năm 1931. Đến năm 1936, Phan Khôi tập hợp các bài viết về mục này trên các báo xuất bản thành sách, đặt tên là Chương Dân thi thoại. Là cuốn sách ra đời từ các bài báo đăng rải rác nhiều năm, CDTT có điều kiện tiếp nhận, phản ánh các diễn biến trên thi đàn đương thời trong thời gian hơn mười năm, trước khi phong trào Thơ Mới chính thức ra đời. Do đó, nó phản ánh khá trung thực sự chuyển biến thi học từ phạm trù trung đại sang phạm trù hiện đại. Đồng thời, trong bản thân nó lại thể hiện vai trò, vị trí chiếc cầu nối giữa hai thời kì thi học. Vị trí đó, trước hết thể hiện ngay ở thể tài của công trình: thi thoại. Thi thoại vốn là một thể tài lí luận phê bình thơ thời Trung đại, viết dưới hình thức bút kí (tạp văn), viết bằng chữ Hán, chia thành các mục (điều),v.v... [12] Phan Khôi đã tiếp thu thể tài đó với những đặc điểm vốn có, nhưng có nhiều sự thay đổi thể hiện tính hiện đại: ông viết bằng chữ quốc ngữ, ông viết từng phần, đăng báo, rồi ông đưa cả những bài viết (hồi âm, góp ý) của độc giả vào thi thoại của mình. Tóm lại, hình thức thể tài của CDTT vừa trung đại vừa hiện đại. Nhưng quan trọng hơn, nội dung của công trình phản ánh tính chất cầu nối và giao thời một cách sâu sắc. Sau đây, chúng tôi xin đi vào từng phương diện cụ thể.
1. Chương Dân thi thoại – dấu ấn đậm nét của thi học Trung đại
Bất kì ai đọc CDTT cũng có thể nhận ra ngay dấu ấn đậm nét của thi học trung đại. Điều này là tất nhiên bởi như Phan Khôi đã tự nhận, CDTT “là cái sở đắc riêng về thi học của tôi từ ngày còn đeo đuổi theo cái nghề ấy” [3, 74]. Tuy nhiên, chúng tôi không tán thành với một số ý kiến cho rằng, việc Phan Khôi đề cập nhiều đến thi học truyền thống là lạc thời, hụt hẫng. Bởi lẽ, đối với những người xuất thân Hán học, những thi học truyền thống có thể không mới, nhưng đối với đa phần người đương thời (nhất là thế hệ trẻ), đó là những tri thức mới mẻ, lạ lẫm. Không phải ngẫu nhiên mà đầu thế kỉ XX ra đời một loạt sách giới thiệu lí luận văn học, thi học truyền thống, như: Việt Hán văn khảo (Phan Kế Bính, 1918) [1], Quốc văn cụ thể (Bùi Kỉ, 1932) [5],v.v... Đây là nỗ lực nhằm phổ biến tri thức văn học, thi học truyền thống trong khi chưa có những sáng tạo mới, những khuynh hướng mới trên văn đàn. Hơn nữa, sáng tạo mới bao giờ cũng phải dựa trên truyền thống, bắt rễ vào truyền thống. Bởi vậy, việc tổng kết và phổ biến tri thức văn học, thi học truyền thống không bao giờ là việc thừa. Trái lại, việc làm này còn có tác dụng đúc rút kinh nghiệm, chỉ ra những đường hướng phát triển. Chúng tôi nhìn nhận ý nghĩa của dấu ấn thi học truyền thống trong CDTT trên quan điểm đó.
Thi học truyền thống bao gồm cả một nền thi học đồ sộ của Trung Hoa lẫn nền thi học Việt Nam vốn có bề dày nhất định trong quá khứ. Nguồn tri thức đó hết sức phong phú, đa dạng và không kém phần phức tạp. Tuy nhiên, Phan Khôi chỉ chú ý đến những điều, những quan niệm cốt yếu nhất, giản dị nhất, phù hợp với nhận thức và nhu cầu của người hiện đại. Theo chúng tôi, đó là ba vấn đề cơ bản sau: quan niệm về nguồn gốc, chức năng thơ;
1.1. Quan niệm về nguồn gốc, chức năng của thơ
Nguồn gốc của thơ, theo La Căn Trạch, có 2 phương diện: nguồn gốc lịch sử và nguồn gốc tâm lí [14]. Phan Khôi chú ý đến cả hai. Nói về nguồn gốc tâm lí, Phan Khôi kế thừa quan niệm truyền thống, khẳng định thơ xuất phát từ nhu cầu thể hiện tâm tư, tình cảm của con người (thơ nói chí, thơ bắt nguồn từ tình,...), ông viết: “Thơ làm ra cốt để tả cái tâm tình của mình mà cũng có ích cho người xem. Thường ta xem câu thơ có lí thú, có tính tình thì lòng ta cảm động mà hưng khởi” [3, 49]. Để minh chứng cho quan niệm của mình, Phan Khôi trực tiếp mượn quan niệm của Nho gia: “Cho nên đức Khổng có nói: Thi khả dĩ hưng; lại nói: Hưng ư thi. Đạo thơ ta bây giờ ngó như thịnh mà kì thực là suy, vì phần nhiều không được đúng như thi giáo” [3, 49- 50]. “Thi giáo” ở đây là nguồn gốc cảm xúc, là cảm hứng thơ. Như vậy, Phan Khôi tiếp nhận Khổng Tử theo cách hiểu của riêng ông.
Nói về nguồn gốc lịch sử, Phan Khôi khẳng định, thơ ca Việt Nam có nguồn gốc từ thơ ca dân gian: “Tôi vẫn cho lối ca lục bát là bản âm của nước ta, chính là thi của nước ta. Bao nhiêu những câu hát ru em, chèo đò, hái dâu, tình tứ biết ngần nào, lí thú biết ngần nào, đều là quốc phong của mấy ngàn năm trước để lại” [3, 35]. Quan điểm này trùng hợp với quan niệm của các tác giả thế kỉ XVIII – XIX như Trần Danh Án, Trần Doãn Giác (Nam phong giải trào), Phạm Đình Toái (Quốc âm từ điệu), Nguyễn Văn Mại (Việt Nam phong sử) [9],v.v... Khẳng định nguồn gốc dân gian của thơ Việt Nam, Phan Khôi đề cao tính dân tộc của nó. Đó là cái gốc để sau này, thơ Việt Nam tiếp nhận thêm ảnh hưởng của thơ Trung Hoa để tự làm phong phú, làm mới cho nó, để tạo nên “cái thiên nhiên âm điệu của nước ta” [3, 36]. Đây là nhãn quan văn học sử đúng đắn. Không phải ngẫu nhiên, CDTT ban đầu còn có tên là Nam âm thi thoại. Cái tên này gợi nhắc đến những Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, Việt âm thi tập (bản thơ Nôm), Quốc âm từ điệu,v.v...Cũng không phải ngẫu nhiên, ta thấy trong CDTT, Phan Khôi chủ yếu chỉ tuyển chọn, giới thiệu thơ ca quốc ngữ. Cùng với thiên hướng đề cao thơ ca dân gian, điều này thể hiện niềm tự tôn dân tộc cần có trong buổi giao thời đầy biến động đó.
Quan niệm về chức năng thơ một phần nằm ngay trong việc khẳng định nguồn gốc tâm lí của thơ, tức thơ để giãi bày cảm xúc (cơ bản là chức năng thẩm mĩ). Ngoài ra, Phan Khôi còn chú ý đến những chức năng khác của thơ, chẳng hạn: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục,...
Về chức năng nhận thức, chúng ta nhận thấy rõ dấu ấn của tư tưởng Nho gia trong tư tưởng Phan Khôi, như khi ông viết: “Đức thánh Khổng có nói: Học Kinh Thi thì biết được nhiều danh hiệu về cỏ cây chim muông. Thơ Nôm ta giá mà thành ra kinh thì tất cũng có được cái ích như thế” [3, 45]. Ở đây, Phan Khôi đã vận dụng tư tưởng Khổng Tử vào trong thơ Nôm, đó là một điều mà trước đó ít người đề cập đến. Hơn nữa, nhận thức về chức năng nhận thức của thơ ở Phan Khôi có những nét gần với quan điểm hiện thực của những Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Du,... Chẳng hạn, nhận xét về thơ Miên Thẩm, Phan Khôi viết: “...có một bài đề Mại trúc đao, vẽ cái khổ trạng của dân nghèo đời ấy, đáng cho ta chú ý đến (...) Bài thơ trên nầy đem so với những bài thơ khác trong tập Thương Sơn thì là tầm thường, không vào được hạng xuất sắc; song theo con mắt của chúng ta xem thơ ngày nay thì thật là một bài có giá trị lắm. Vì nhờ nó chúng ta biết được rằng cái thói quan ăn hiếp dân ở nước ta...” [3, 90 - 92].
Về chức năng giáo dục, ta có thể nhận ra qua cách bình luận thơ các nhà. Chẳng hạn, bình bài Giã vợ nhà đi làm quan của Phan Thanh Giản, ông viết: “Lời là lời nói với vợ, cái cảm tình đối với vợ phải nặng, cố nhiên; mà cái cảm tình đối với nước, với nhà, với cha và với mình cũng lại càng thêm nặng nữa. Cái giọng thơ ấy đời bấy giờ cũng khó mà tìm thấy được, than thay!” [3, 53]. Hay: “Các ngài tiền bối giao du với nhau, trong khi đưa nhau thơ từ, thường lấy nghĩa lí thánh hiền mà khuyến miễn cho nhau. Cho đến những câu đùa bỡn nhau nghe cũng tao nhã. Ta xem đấy cũng đủ thấy cái phong thú người xưa” [3, 46 - 47],...Những nhận định như vậy không có gì đặc biệt và xa lạ nếu ta đọc thi học truyền thống [15]!
1.2. Bàn về phẩm chất của thơ và nhà thơ
Thơ là người. Phẩm chất của người thơ cũng là phẩm chất của thơ. Phạm Quý Thích cho rằng: “Xem thơ của người nào thì có thể biết được [phẩm chất] của người ấy” [Minh đô thi vựng tự][16; 102a]. Vũ Phạm Khải cũng viết: “Thơ không có phẩm chất nhất định, phẩm chất của người là phẩm chấ của thơ. Phẩm chất của người cao thì phẩm chất của thơ cao” [Tiêu Lâm thi tập bạt][8, 52b] Quan niệm phổ biến thời Trung đại này cũng chi phối cái nhìn của Phan Khôi. Bởi vậy, trong CDTT, tác giả bàn về phẩm chất của thơ cũng là bàn về phẩm chất của nhà thơ.
Một vấn đề quan trọng về phẩm chất của thơ là câu hỏi: “Thơ thế nào là hay?” [3, 113]. Phan Khôi đã đứng trên nhiều phương diện để đưa ra đáp án. Đứng về phương diện quan hệ nội dung – hình thức của tác phẩm, đáp án đó là: “bài thơ hay không cốt ở lời mà thôi, cốt ở ý nữa. Cái ý ấy hàm súc trong bài thơ mà không lộ ra. Song cũng không phải là kín đáo mắc mỏ quá; phải làm thế nào cho ngâm qua thì thấy ý liền, và càng ngâm lại thấy nó dồi dào. Cái ý của bài thơ hay, sau khi ngâm hay đọc, thấy có cái hậu như cái hậu của trà ngon, đằm thắm mà đậm đà, uống vào khỏi cổ rồi mà lưỡi vẫn còn muốn nhắp” [3, 113]. Đối với Phan Khôi, thơ hay phải kết hợp hài hòa giữa hình thức (lời) và nội dung (ý); trong đó, cái ý phải “hàm súc”, “không lộ ra”, nhưng lại “không phải kín đáo mắc mỏ quá”, “càng ngâm càng thấy dồi dào”! Điều này gần gũi với các mệnh đề “văn chất bân bân”, “ý tại ngôn ngoại”, “từ tuyệt nhi ý hữu dư”. “cam dư chi vị” hay “vị ngoại chi vị”, “vị ngoại chi chỉ”,v.v... thường thấy trong quan niệm thi học cổ điển Trung Hoa [15] cũng như Việt Nam [9].
Tương ứng với điều đó, đứng về phương diện quan hệ giữa công phu và cảm xúc của người làm thơ, đáp án là: “Thi hay có hai cách: một cách hay tự nhiên, một cách hay đúc (đúng - NTT) đắn. Tự nhiên thì có phần lưu lợi, đúc đắn thì có vẻ trang nghiêm. Nhưng trang nghiêm thì thường được bên văn từ mà mất bên tình tính; mà lưu lợi thì có thể lưỡng toàn hơn” [3, 36 – 37]. Như vậy, Phan Khôi thiên về đề cao thiên bẩm, đề cao cái tự nhiên. Điều này lại quan đến thi học cổ ở xu hướng đề cao sự tự nhiên trong thơ và đề cao thiên bẩm, đề cao chân tình của nhà thơ. Trong thi học cổ Trung Hoa, người ta đề cao sự tự nhiên trong thơ với mệnh đề “công phu tại thi ngoại”, “dĩ tự nhiên vi tinh túy”, “bình đạm nhi sinh lí thú”, “bình đạm, tiêu sái”,v.v... Cũng vì vậy, thi học cổ Trung Hoa khái quát lên hai loại nhà thơ: “thơ tự nhiên” và “thơ nhà nghề”; thơ tình cảm và thơ học vấn, trong đó “thơ tự nhiên” có xu hướng ngày càng được đề cao theo tiêu chí tiến bộ của nghệ thuật. Phan Khôi đã tiếp thu xu hướng tiến bộ đó của thi học cổ điển. Bình một bài thơ, ông thường lấy tiêu chí tự nhiên để khen chê. Chẳng hạn, phê bình thơ Trần Chỉ Tín, ông viết: “Toàn thiên không dùng một cái điển cố nào, cực kì minh sướng, cực kì thanh tao mà cực kì đôn hậu. Dẫu người không thuộc lịch sử của ngài nữa, đọc qua cũng đủ biết ngài là một vị quan lớn thanh bần. Thi như thế, thật đã vào cảnh tự nhiên” [3, 37]. Điển hình cho quan niệm trên là việc phê bình thơ Miên Thẩm. Phan Khôi cho rằng: “Thơ của ngài vẫn hay thật, nhưng cũng có người không phục, cho là “thơ nhà nghề” (thi nhân chi thi); vả lại ở trong có nhiều cái khí vị vương tôn công tử, rõ là giọng thơ quý phái, không có ảnh hưởng gì đến xã hội. Tôi đã đọc qua mấy lần cũng thấy như vậy” [3, 90]. Quan điểm đó nhất quán trong toàn bộ công trình của Phan Khôi và cũng chính là động lực để sau đó, ông có chủ trương đổi mới thơ ca đương thời.
Mặc dù đề cao thiên tài tự nhiên, nhưng như vậy không có nghĩa là Phan Khôi phủ nhận học vấn, phủ nhận sự rèn luyện, tu dưỡng nghề nghiệp. Ông từng khẳng định: “Cái nghề làm thi không phải nghề dễ mà ai cũng làm được. Tất nhiên là người có thiên tài, lại phải có học vấn, có luyện tập chầy ngày rồi mới nên được một tay thi nhân” [3, 71]. Bởi vậy, ta không lấy làm ngạc nhiên khi Phan Khôi dành khá nhiều trang sách giới thiệu, bình luận về phép làm thơ, học vấn thơ.
1.3. Bàn về thi pháp (phép làm thơ)
Phan Khôi nêu rõ: “Không phải hễ là biết chữ thì tự nhiên làm thi được đâu. Phải học làm thi đã rồi mới làm thi được” [3, 74]; và: “Sự học của một bậc thi sĩ tất nhiên phải đủ các tri thức phổ thông như mọi kẻ học khác đã đành; mà lại phải có học chuyên môn về nghề làm thi nữa” [3, 72]. Cố nhiên, phép làm thơ lúc đó ông biết chủ yếu vẫn dựa trên vốn “thi học” sẵn có của ông, tức phép làm thơ Đường luật (Hán, Nôm). Điều kiện chủ quan và khách quan lúc bấy giờ chưa cho phép ông đề cập đến những phép làm thơ mới hơn.
Về phép làm thơ, Phan Khôi đề cập đến khá nhiều vấn đề: tự pháp, cú pháp, chương pháp, thiên pháp, vấn đề dụng điển, phú, tỉ, hứng, ý cảnh, cách, thể, v.v... Trong những vấn đề đó, mặc dù ông chỉ trình bày những kiến thức phổ biến của thơ Đường luật, nhưng nhiều khi, ông cũng có những kiến giải sắc sảo, những ý kiến độc đáo. Chẳng hạn, bàn về việc dùng điển cố trong thơ Nôm, ông viết: “Thơ Nôm mà dùng điển cố chữ Hán, là không phải một sự dễ. Tôi tưởng những cái điển cố lớn lao ai nấy đọc đến đều biết thì mới nên dùng” [3, 45]. Như vậy, Phan Khôi chủ trương không nên lạm dụng việc dùng điển cố. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của thơ ca từ trung đại sang hiện đại. Hoặc nói về các “cách” làm thơ, Phan Khôi một mặt giới thiệu những “cách” chịu ảnh hưởng Trung Quốc: hồi văn, liên hoàn, thủ vĩ ngâm, yết hậu; đồng thời nêu các “cách tự ta chế ra mà Tàu vẫn chưa từng có” như: vĩ tam thanh, triệt hạ, song điệp,... Đây là nỗ lực khẳng định sự sáng tạo của thơ ca dân tộc, bởi như ông nói: “ấy cũng là một cái đặc sắc của thi giới ta” [3, 47].
Có thể nói, phần dấu ấn thi học cổ điển là sự chắt lọc những tinh hoa lí luận thơ cổ, phần còn có giá trị trong đời sống văn học đương thời. Rõ ràng, Phan Khôi không tiếp nhận cái phần cổ hủ, thần bí, rối rắm và ít tính ứng dụng trong thời đại mới của thi học trung đại. Đây là cơ sở, hành trang để ông dần dần tiến bước vào thi học hiện đại.
2. Chương Dân thi thoại – manh nha thi học hiện đại
2.1. Thực trạng thơ đương thời qua CDTT
Trong CDTT, Phan Khôi đề cập đến hai loại thơ: thơ ca thời Trung đại và thơ ca đương thời (tức thơ đầu thế kỉ XX – đến trước năm 1932). Với thơ ca thời Trung đại, Phan Khôi ít đề cập hơn. Dường như, ông giữ một thái độ “kính nhi viễn chi”, chỉ đề cập đến một vài trường hợp. Hầu hết, Phan Khôi xem đây là di sản của tiền nhân, đáng đề cao. Sáng tác của các tác giả như Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Tự Đức, Ông Ích Khiêm, Thành Thái, Trần Tế Xương, v.v... được Phan Khôi ghi chép, phê bình thực trân trọng, nâng niu. Tuy nhiên, Phan Khôi cũng đã đề cập đến một số hạn chế của thơ Trung đại. Chẳng hạn, ông phê phán loại thơ sáo rỗng của các đế vương (thơ khẩu khí): “thường thường là không có nghĩa” [3, 66]; phê phán loại thơ “tiểu xảo” (khéo vụn), “khắc hoạch” (gò gẫm) [3, 38], đặc biệt là thơ cử tử, thơ nhà nghề (thi nhân chi thi),v.v... Những thói tệ ấy sẽ càng lan tràn, trầm trọng đương thời.
Khi nhìn nhận thơ ca đương thời, về cơ bản, Phan Khôi có thái độ khá khách quan, toàn diện. Ông nhiệt tình để ý, lượm nhặt, vinh danh những trường hợp để lại ấn tượng hoặc có giá trị thực sự, như: thơ Học Lạc, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn An Cư, Trần Ngọc Lầu, Nhiêu Tâm, Đồng Dinh,v.v... Nhờ ghi chép của Phan Khôi, ngày nay chúng ta có thể hình dung được một phần thành tựu của thơ Việt Nam đầu thế kỉ XX. Bên cạnh đó, đáng chú ý hơn, Phan Khôi đã đề cập khá nhiều đến mặt trái, mặt tiêu cực và lạc hậu của nó.
Mặc dù Phan Khôi mô tả không khí sáng tác thơ ca lúc bấy giờ rất rầm rộ: “Mấy năm nay, chữ quốc ngữ thạnh hành, lối văn Nôm mở rộng. Trong Nam ngoài Bắc, kẻ nhã, người phong. Cụ lớn ngâm thi, thầy nho họa thi, quan phấn sính thi, cô đào tục thi, cho đến cậu bé con mở quyển báo ra cũng tìm mục văn uyển mà xem thi. Cả nước như đã thành ra một cái ‘vô hình thi xã’!” [3, 36]; nhưng ông đã chỉ ra những thói tệ của nó và nhu cầu bức thiết phải thay đổi. Đó là cả một quá trình suy nghĩ, tìm tòi liên tục, miệt mài. Ban đầu, Phan Khôi còn tỏ ra băn khoăn, khó hiểu vì những điều đọc được và quan sát thấy: “Hiện nay trong xã hội Việt Nam ta, sự học vấn rất là suy kém, thế mà cái nghề ngâm vịnh coi ra có vẻ xương thịnh nhiều. Ấy cũng là một điều lạ. Hoặc giả ấy là cái tính riêng của người mình chăng? Còn nhớ ngày trước đọc sách Dinh hoàn chí lược trong có một chỗ nói về An Nam mình rằng: Sĩ phu họ tính ưa làm thơ rất đỗi có kẻ làm không nên câu mà cũng thích lắm. Đừng có thấy họ nói vậy mà giận, thật lắm, không oan chút nào” [3, 71 - 72]. Nhưng ông nhanh chóng nhìn ra mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng: “Thơ ta ngày nay nhiều thì có nhiều mà hay thì không thấy hay. Nói theo danh từ mới, ấy là hơn về đằng lượng mà kém về đằng phẩm. Trên các tờ báo, ngày nào lại chẳng có thơ. Đọc qua có bài cũng nghe được, song ít khi thấy cái hậu nói trên đó. Có người nói rằng ấy là tại công phu học vấn còn ít và làm người không được đằm, thì cái tính tình lộ ra trong thơ như thế” [3, 113]. Nguyên nhân chính là sự không chân thực, là sự sáo mòn, bế tắc của thơ. Ông nhiều lần lên tiếng phê phán hiện trạng đó. Chẳng hạn, ông viết: “Đã biết rằng làm thơ không phải như làm văn: làm văn phải giữ cho đúng với sự thực, còn làm thơ thì đôi khi không kể sự thực nữa. thế mà thơ lại hay. Đã biết vậy, nhưng lại phải biết rằng: về ý thì có khi bỏ sự thực, song về sự thực thì bao giờ cũng phải giữ cho đúng” [3, 138] và: “Nước Nam ta chẳng đời nào thấy tuyết, vậy mà trong thơ Nôm, thường thấy có những chữ tuyết phủ, tuyết ngậm, thì thật láo quá! Họ không sợ làm vậy rồi con cháu đời sau nó đọc đến, nó tưởng đời chúng ta đây có tuyết mà đến đời chúng nó không có!” [3, , 140 - 141]. Tệ lậu đó chưa phải trước đây không có và chưa ai nói. Ở Trung Hoa, sách Độn Trai nhàn lãm đã từng phản ánh [Phan Khôi có dẫn trong CDTT, tắc XLI]. Ở Việt Nam, giữa thế kỉ XIX, sách Thương Sơn thi thoại của Miên Thẩm cũng đã từng viết: “Nhạn và tuyết nước Nam ta không hề có. Mọi người cho rằng đó là hai chữ hay nên phần lớn thường dùng. Không biết rằng “hư ngôn” rốt cuộc cũng nào có ích gì? Ta thường lấy việc đó ra để cảnh báo những người bạn. Có người nghe, có người không nghe. Có lẽ đó là cái thói quen đã làm biến đổi mọi người từ lâu rồi” [9, 49b]. Cao Bá Quát cũng đã từng chỉ ra tệ lậu này: “chia tay vặt ở đầu thôn mà ca câu “chén rượu Dương Quan”, tạm qua chơi bên xóm mà làm câu “tiếng gà điếm cỏ”, sửa đổi lời thơ biên tái, khoe cái tuyệt diệu của Gia Châu, trau chuốt thể thơ cung đình, huênh hoang cái tiếng nối theo Thiếu Bá; thì dẫu dùng nghìn bài chất chứa bể khổ, có trăm vần vắt kiệt từ tấc dạ héo khô cũng không quan hệ gì đến tính linh cả. Ví như việc học viết, nếu cứ câu chấp theo phép tắc mà không biến hóa, thì tuy được cái mặt chữ Lan Đình cũng chẳng ai chấp nhận” [Thương Sơn thi tập bạt] [10, 185 – 186, có sửa chữa],v.v... Tuy nhiên, dường như chưa bao giờ thói tệ ấy lại trầm trọng như đầu thế kỉ XX. Bởi vậy, Phan Khôi phải nói đi nói lại, để rồi chua chát rút ra rằng: “Quả là những thi nhân của ta hay rập theo cũ quá. Bài nào cũng cứ những là bóng ác chinh chinh, gió vàng hiu hắt, canh khuya trằn trọc,v.v... Chớ ít ai chịu khó lấy cái biệt thú cùng cái chân tình của mình mà tả ra cho mặn mà một chút. Thơ như vậy thì bảo hay làm sao được? Phàm thơ hay, là tả tình tả cảnh cũng đều phải cho chân. Có chân mới thấy hay. Cái nầy họ cứ rập theo những chữ sẵn có, những cú điệu tầm thường, thành ra nhiều khi cái cảnh họ trải qua không có như vậy, cái tình họ ôm ấp không có như vậy, mà họ cũng cứ nói ra như vậy, thì nó lấy gì mà hay được chớ? Bởi vậy tôi đọc thơ họ mà bắt sợ! Không sợ gì, chỉ sợ họ phỉnh mình!” [3, 147]. Hơn thế nữa, Phan Khôi còn nhận ra rất rõ mầm mống dẫn đến thực trạng đó. Có nhiều nguyên nhân (tài năng hạn chế, do tâm lí phụ thuộc, kinh nghiệm mỏng manh,v.v...) nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là việc đem thơ vào thi cử. Trước đây, Miên Thẩm cũng từng phê phán lối thơ “chuyên vào loại thơ cận thể, nguồn gốc từ thơ cử nghiệp mà ra, trong đó những kẻ công kênh [nhau], tiếm dựng thành ban bệ (...) Vì thế, những bài thơ [của họ] yếu đuối, sống sượng, khí thế hời hợt, lại dùng vần sai lạc, tạo đề thô thiển. Tuy có kẻ tài năng, thông minh thật đấy, nhưng lấy cái đạo này để làm việc dễ dãi, lại chưa từng dốc lòng vào cổ học, trao truyền bắt chước nhau mãi, nhất thiết không thoát khỏi chỗ quê mùa, nhỏ mọn, chày cối vậy” [11, 50a]. Phan Khôi còn quyết liệt hơn khi phê phán sự việc học tập luật thơ chuyên dùng thi cử, dẫn đến làm nghèo thơ, đưa thơ vào chỗ dung tục: “Ấy chỉ là luật riêng dạy về lối làm thi trong việc khoa cử mà thôi, nào có phải cái phép tắc chánh quyền của nghề thi như vậy? Nhưng mà nay người ta cũng tuân theo, không biết cởi mình ra khỏi trói. Thấy có một vài cuốn sách quốc ngữ tự xưng dạy phép làm thi mà cũng dạy theo lối thi khoa cử ấy, thì thật là tục quá. Thi quý cho nhã, mà đã tục đi còn dạy ai? Bọn thanh niên ta bây giờ nếu muốn làm thi mà không biết chữ nho thì học vào đâu? Túng thế tất phải học những sách quốc ngữ dạy thi một cách tục tằn hủ bại ấy, thì trách nào mà chẳng đưa mình vào con đường tối tăm dốt nát?” [3, 73]. Bình hai câu thơ: “Hẹn hò ngày tháng chim năn nỉ, Tờ khế năm mùa lá đổi thay”, Phan Khôi cho rằng, “hai câu thơ đó đáng gọi là công thiếp, nghĩa là dùng lời khéo léo mà ý sát với đề. Nhưng dù vậy cũng chưa thoát khuôn sáo lối thơ cử tử” [3, 44]. Ở đây, Phan Khôi chĩa mũi nhọn phê phán trực tiếp vào thể thơ thất ngôn luật, bởi theo ông “ấy là tại lối học khoa cử của ta mấy đời nay di truyền lại...thi chữ như vậy rồi, thi Nôm cũng quen theo” [3, 72]. Đó cũng là đối tượng phê phán của các nhà thơ Mới sau này như Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Huy Cận,... Nhưng rõ ràng, sự phê phán của Phan Khôi đích đáng, công bằng hơn. Đây là sự phê phán, đả kích để tiễn cái cũ, cái lạc hậu xuống mồ; chuẩn bị đón chào cái mới. Quả là: “Đọc đến đây, bạn đọc thấy rõ ràng nhà học giả kiêm nhà báo Phan Khôi muốn cái gì rồi! Muốn đổi mới thơ của nước ta. Toàn bộ cuốn sách này, bằng một lối viết rõ ràng, minh bạch, không giấu giếm, không khiêm nhượng giả dối, mỗi chương trong XLIII chương đều nhắm ít nhiều mục đích ấy” [3, 31].
2.2. Gợi ý hướng phát triển mới của thơ ca đương thời
Trước thực trạng bế tắc, sáo mòn của thơ đương thời, Phan Khôi chưa đưa ra ngay được những đề xuất, những ý kiến có tính chất cách mạng như sau này. Bản thân ông cũng ý thức được rất rõ điều đó khi viết: “Tôi dẫu rồ dại đến thế nào, nào có dám mộng tưởng rằng thi giới ta nhờ quyển Thi thoại nầy mà phát dật được đâu” [3, 36]. Đây là hạn chế thời đại với những điều kiện lịch sử, xã hội chưa cho phép. Tuy nhiên, Phan Khôi đã ý thức được nhu cầu phải thay đổi và đưa ra những gợi ý có giá trị nhất định.
Trước hết, Phan Khôi chỉ ra nhu cầu phải học tập thơ nước ngoài để đổi mới thơ trong nước. Trong điều kiện trước mắt chưa sáng tạo, chưa đổi mới tự thân thì phải học tập. Việc học tập liên quan đến dịch thuật. Phan Khôi bước đầu đã hình dung ra việc này: “Như thế thì nên làm sao cho có một mớ thơ tả tình tả cảnh cho chân thật để đem ra làm khuôn làm mẫu thì có lẽ hay lắm. Song ở đâu cho có bây giờ? Muốn có, tưởng chỉ phải ra công mà dịch thơ tây thơ tàu cho nhiều mới có” [3, 148]. Bởi vậy, ta không lấy làm ngạc nhiên khi Phan Khôi bắt tay dịch thi thoại, dịch thơ Trung Hoa (tất nhiên vẫn là thơ cổ điển). Điều đáng chú ý ở đây là Phan Khôi chọn dịch Tùy Viên thi thoại của Viên Mai. Như ta biết, hạt nhân tư tưởng thi học của Viên Mai là thuyết tính linh. Ở Việt Nam, tuy cũng có ý kiến phản đối nhưng về cơ bản, thuyết tính linh đã được nhiều nhà thơ tiến bộ hưởng ứng, như Cao Bá Quát, Trương Đăng Quế, Bùi Văn Dị,... [13] Thuyết này đề cao tình cảm chân thật, đề cao tài năng, cá tính của nhà thơ; đồng thời đề cao sự sáng tạo, cách tân của nhà thơ, không lệ thuộc vào khuôn sáo. Thuyết tính linh của Viên Mai đã có xu hướng tiếp cận tư tưởng thi học hiện đại [15]. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần đổi mới thơ của Phan Khôi. Trong CDTT, Phan Khôi viết: “bộ thi thoại nầy của Viên Mai, hiệu Tùy Viên, bộ thi thoại có tiếng nhất đời Thanh, nhiều người đọc và ưa nó lắm. Tôi làm việc nầy là việc điên điên ngộ ngộ, xin chớ ai cười!” [3, 144]. Cái việc “điên điên ngộ ngộ” ấy chỉ là cách nói khiêm tốn mà đằng sau là tâm huyết, nỗ lực thầm kín của ông. Với việc dịch thơ, ông cũng có một chủ trương rất rõ ràng, theo thuyết tính linh của Viên Mai: “Tôi muốn dịch, là muốn dịch những thơ chuyên tả tánh linh ấy kia” [3, 144]. Đó là câu trả lời rõ ràng nhất cho việc chọn dịch thơ Trung Hoa của ông. Trong CDTT, Phan Khôi ghi lại sự phản hồi của độc giả, “họ cho việc làm của tôi là có ích” [3, 144]. Tiếc rằng, Phan Khôi chưa bắt tay dịch thơ phương Tây như chủ trương của ông. Tuy nhiên, sự định hướng nêu trên là rất đáng chú ý và rõ ràng là được nhiều người đương thời và sau ông hưởng ứng. Sự hưởng ứng đó, sau này sẽ là một trong những nhân tố quan trọng làm nên “một thời đại trong thi ca”, như trong bài tổng kết của Hoài Thanh, Hoài Chân [10].
Thứ hai, ông vẫn chủ trương phải học tập tiền nhân, học tập những đỉnh cao của thơ ca dân tộc trong quá khứ. Ông cũng đề cao thơ của một số tác giả đương thời, cố gắng giới thiệu, biểu dương những trường hợp đó (như đã thấy ở trên). Ngày nay, chúng ta thấy Thơ Mới không đứt đoạn, không phải “dị vật” được cấy vào thơ ca Việt Nam mà có sự kế thừa, phát triển nội tại từ thơ ca cổ điển. Trong thơ Mới, người ta đã tìm ra dấu ấn của thơ Đường, thơ Việt Nam trung đại, ca dao – dân ca,v.v... Có những nhà thơ mang đậm sắc thái cổ điển, hoặc đi từ thơ cổ điển đến thơ hiện đại, thậm chí hậu hiện đại. Họ đã biến những kinh nghiệm truyền thống, cổ điển thành nội lực sáng tạo của bản thân. Sự liền mạch ấy nói lên cái công của Phan Khôi khi góp phần truyền bá những tri thức thi học tưởng như đã cũ, đã lạc thời vào thời hiện đại. Đây cũng là yếu tố khai sáng, mở đường cho thơ hiện đại của CDTT. Nguyễn Văn Xuân đã rất xác đáng khi cho rằng: “Đọc lại CDTT cũng đồng thời là đọc lại quá trình lịch sử đi từ thơ cũ đến thơ mới... Chỉ từ ngày có bài báo kia, bài thơ này của nhà học giả uyên thâm, người làm thơ mới tin chắc là thơ mới thực sự phát sinh, đánh dấu giai đoạn bắt đầu lịch sử vàng son ấy” [3, 31 - 32].
2.3. Tư duy lí luận mới
Không chỉ bắt tay vào cổ vũ cho việc đổi mới thơ ca dân tộc. Phan Khôi cũng đồng thời làm nhiệm vụ đổi mới tư duy lí luận về thơ, tuy rằng, sự đổi mới này có phần tự phát, không tự ý thức và còn sơ khai. Sự đổi mới đó thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, Phan Khôi định nghĩa thơ theo lối mới. Nếu như trước đây, các thi luận gia thường định nghĩa thơ qua nội dung, mà phần lớn chịu ảnh hưởng cách định nghĩa của thi học cổ Trung Hoa như: “thi (dĩ) ngôn chí” (thơ để nói chí), “thi duyên tình” (thơ bắt nguồn từ tình cảm), “thi tâm thanh giả” (thơ là âm thanh của trái tim),v.v...; thì lần đầu tiên Phan Khôi đã đứng trên góc độ hình thức thể loại để định nghĩa. Ông viết: “Thi là lối văn có vần theo thanh âm từ điệu của một thứ tiếng mà làm ra” [3, 35]. Điều này cho thấy, Phan Khôi đã đứng trên bình diện lí luận văn học để định nghĩa thơ chứ không phải trên bình diện tâm lí hay đạo đức. Có thể nói, trong tư duy lí luận của Phan Khôi hình như đã xuất hiện ý thức xem văn học là “nghệ thuật ngôn từ”, bởi vậy ông nhấn mạnh đến “vần”, “âm thanh từ điệu của một thứ tiếng” chứ không hề nói đến nội dung. Đây là đóng góp khá quan trọng của ông về mặt tư duy lí luận, đặt vào hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ.
Thứ hai, Phan Khôi đã đưa ra khái niệm mới, quan niệm mới về lịch sử thơ ca dân tộc. Như ta biết, Phan Khôi là người đưa ra khái niệm “thơ mới” sau này được dùng để chỉ dòng thơ 1932 – 1945. Khái niệm này được đưa ra cùng với bài Tình già: “một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” (Phụ nữ tân văn 1932). Nhưng khởi nguyên của khái niệm này phải ngược lên đến CDTT. Trong tác phẩm này, Phan Khôi dùng khái niệm “thi mới” (hoặc “thi”) để chỉ thơ quốc âm có nguồn gốc Trung Hoa, phân biệt với “thơ cũ” (ông gọi là “ca”) là lục bát, ca dao: “Tôi vẫn cho lối ca lục bát là bản âm của nước ta, chính là thi của nước ta. Bao nhiêu những câu hát ru em, chèo đò, hái dâu, tình tứ biết ngần nào, lí thú biết ngần nào, đều là quốc phong của mấy ngàn năm trước để lại. Đến ông Hàn Thuyên du nhập từ điệu của Tàu làm ra thi bằng chữ Nôm, từ đấy lối thi của ta biến hẳn đi: nào là ngũ ngôn, thất ngôn, nào là trường thiên, đoản luật, không thiếu một thể nào; mà rồi trong quốc văn ta mới chia hẳn ra lối “thi mới” nầy với lối lục bát xưa, tức gọi là thi và ca hai lối. Lối thi mới ấy du nhập đã lâu, đến bây giờ lại thành ra một cái thiên nhiên âm điệu của nước ta.” [3, 35 - 36]. Như vậy, “thi mới” mà Phan Khôi định nghĩa là: có nguồn gốc ngoại lai, nhưng viết bằng quốc ngữ (ở đây là chữ Nôm), và dần dần được Việt hóa thành “một cái thiên nhiên âm điệu nước ta”,... Những nội dung đó phải chăng sau này cũng có trong Thơ Mới (1932 – 1945). Đúng như Nguyễn Văn Xuân nhận định: “Ông đã đi tiên phong làm một cuộc cải cách lớn trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Từ cái mà ông gọi là thơ Mới trong dĩ vãng (thơ Trung Quốc, cụ thể là Đường luật) ông tiến tới một loại thơ mới thực sự Việt Nam” [3, 31]. Sự hình dung trên còn hàm chứa quan niệm về quy luật phát triển liên tục của thơ ca nói riêng và văn học nói chung. Trong quan niệm Phan Khôi thơ Việt có thể hình dung qua quá trình phát triển như sau: Ca lục bát (thi cũ, ca) [dân tộc] > thơ quốc âm Đường luật (thi mới) > “cái thiên nhiên âm điệu nước ta” (> thi cũ) [đương thời] > Thơ Mới (“một lối thơ mới trình diện giữa làng thơ”) [1932 - 1942]... Như vậy, đối với Phan Khôi, khái niệm “thơ mới” không phải là khái niệm cố định, bất biến và sự xuất hiện Thơ Mới là một tất yếu và chỉ còn là vấn đề thời gian. Đây là quan niệm rất biện chứng của Phan Khôi về lịch sử phát triển thơ ca nước nhà. Điều này cũng sẽ lí giải: Phan Khôi phê phán thơ ca Đường luật là phê phán loại thơ sáo rỗng, dung tục, sáo mòn,... (tức loại “thơ mới” nhưng đã bị cũ hóa) đương thời chứ ông không phê phán thơ cổ điển nói chung.
Thứ ba, Phan Khôi cũng là một trong số ít người đầu tiên đề cập đến quá trình sáng tạo thơ (hay tâm lí sáng) một cách sáng rõ, hiện đại: “Trong thi, trọng nhất là ý cảnh. Chữ cảnh nầy không phải là phong cảnh mà là cảnh giới. Ý cảnh nghĩa là cái cảnh giới do cái ý của tác giả sắp đặt ra hay là gây dựng nên. Mọi sự vật bày ra trước mắt ta vốn lộn xộn, mà ta làm cho nó có thứ tự trong một bài thi của ta, ấy là sắp đặt cảnh giới. Mọi sự vật ngầm ngấm ở đâu, con mắt nạc không thấy được, mà ta làm cho nó phô bày ra trong một bài thi của ta, ấy là gây dựng cảnh giới. Mà sắp đặt hay gây dựng, cũng đều do ở ý của ta cả. Cái chỗ trọng yếu nhất trong thi tức là ý cảnh đó thuộc về phương diện tinh thần; chỉ có học lâu, làm nhiều thì tự nhiên hiểu được, chớ không có thể lấy phương pháp mà cai trị nó” [3, 74 - 75]. Những khái niệm “ý cảnh”, “cảnh giới”,... không phải là mới, nhưng sự hình dung của ông về quá trình sáng tác một bài thơ đã tương đối đầy đủ, biện chứng không kém các công trình lí luận thơ ca hiện đại. Đó phải chăng là kết quả của sự trau dồi “cái học logique” khá công phu ở ông?
III. KẾT LUẬN
CDTT ra đời trong bối cảnh giao thời của văn hóa, văn học Việt Nam, phản ánh khá đầy đủ những tính chất đặc trưng của thời đại. Cũng chính vì vậy, công trình có một vị trí khá quan trọng trong lịch sử tư tưởng thi học Việt Nam nói riêng và lịch sử lí luận văn học Việt Nam nói chung. CDTT khép lại nền thi học trung đại vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng thi học Trung Hoa cổ, đồng thời báo hiệu và góp phần thúc đẩy sự ra đời của nền thi học hiện đại. Đối với thơ ca Việt Nam, CDTT cũng có một ý nghĩa nhất định trong việc phản ánh sự chuyển mình của nó từ địa hạt thơ ca trung đại sang địa hạt thơ ca hiện đại cũng như góp phần cổ vũ cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Điều này có khi còn có ý nghĩa hơn nhiều so với nội dung lí luận được thể hiện trong công trình, nhất là đặt trong hoàn cảnh lịch sử đương thời./.
[Bài đăng Đặc san khoa học, số dành riêng cho Hội thảo khoa học Cán bộ Trẻ Trường ĐHSP Hà Nội, Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP Hà Nội xuất bản, 2009]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phan Khế Bính (1970), Việt – Hán văn khảo, Mặc Lâm xuất bản, Sài Gòn.
[2] Nguyễn Đăng Điệp (2005), Phan Khôi – Ngự sử văn đàn, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 3.
[3] Phan Khôi (1996), Chương Dân thi thoại (Tái bản lần 1), Nxb Đà Nẵng.
[4] Phan Khôi, Một lối thơ Mới trình chánh giữa làng thơ, in trong Tranh luận văn nghệ thế kỉ XX, tập 2, Nxb Lao Động, H, 2001 (Nguyễn Ngọc Thiện Biên soạn).
[5] Bùi Kỉ (1932), Quốc văn cụ thể, Tân Việt thư xã, H.
[6] Lưu Trọng Lư, Bức thư ngỏ cùng Phan Khôi tiên sinh sau khi đọc bài Một lối thơ Mới trình chánh giữa làng thơ, in trong Tranh luận văn nghệ thế kỉ XX, Sđd.
[7] Viên Mai, Tùy Viên thi thoại (Trương Đình Chi dịch), Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2002.
[8] Quốc triều văn tuyển, tập 7, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.915/7.
[9] Đặng Đức Siêu (chủ biên), Tổng tập văn học Việt Nam (tập 18), Nxb Khoa học xã hội, H, 1994.
[10] Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, H, 1995.
[11] Nguyễn Miên Thẩm, Thương Sơn thi thoại, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Kí hiệu: VHv.105.
[12] Nguyễn Thanh Tùng, Lược khảo về thi thoại Việt Nam thời Trung đại, Đặc san Khoa học (Những kết quả nghiên cứu khoa học tại Hội thảo Khoa học cán bộ Trẻ Trường ĐHSP Hà Nội năm 2008), H, 2009, trang 67 – 74.
[13] Nguyễn Thanh Tùng, Vài nét về thuyết tính linh trong tư tưởng thi học Việt Nam thời trung đại, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1 – 2008.
[14] La Căn Trạch, Trung Quốc văn học phê bình sử, bản dịch in rônêô, Thư viện Viện Văn học, kí hiệu DL/ 250.
[15] Tiêu Hoa Vinh, Trung Quốc thi học tư tưởng sử, Hoa Đông đại học xuất bản xã, Thượng Hải, 1995.
[16] Ngô Thế Vinh, Trúc Đường văn tập, tập 3, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHv.143/3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét