Hà Ô Lôi nằm trong Lĩnh Nam chích quái lục, một tập truyện đã được ghi chép lại từ thời Trần (thế kỉ XIV), soạn giả là Trần Thế Pháp (? - ?). Trong đó, Hà Ô Lôi được xem là truyện ngắn đặc sắc, độc đáo về nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật tự sự, và là một trong những tác phẩm mở đầu của dòng văn xuôi nghệ thuật Việt Nam thời trung đại. Nhận thấy, đây là “một hiện tượng lạ của truyện ngắn Việt Nam thế kỉ X – XIV”, chúng tôi đã viết bài giới thiệu(1). Tiếp theo, trong bài viết này, chúng tôi đặt vấn đề phân tích type truyện và motif của truyện, ngõ hầu góp phần làm sáng tỏ hơn vị trí và giá trị của tác phẩm trong nền văn học dân tộc, đồng thời nhận diện sự phát triển của văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại.
1. Phân tích type truyện
1.1. Trước đây, đã có nhiều ý kiến bàn về cốt truyện Hà Ô Lôi. Có người so sánh nó với truyền thuyết Krisna trong sử thi Ramayana(2) , có người so sánh với Tổ gia thực lục trong Tam tổ thực lục(3), có người so sánh với truyện cổ tích Trương Chi(4),… nhưng chưa rút ra type truyện của tác phẩm. Theo chúng tôi, có thể khái quát, Hà Ô Lôi thuộc type truyện “gã trai trăng hoa, [có thế lực], chuyên đi tán tỉnh, chinh phục nhiều phụ nữ; lấy việc này làm mục đích sống”. Type truyện này khá phổ biến trong văn học thế giới, chẳng hạn: câu chuyện về Don Juan trong văn học châu Âu; câu chuyện về Tây Môn Khánh trong văn học Trung Hoa,v.v…Type truyện trên thường được cấu thành từ các motif cơ bản như: người đàn ông tài trí, [có thế lực] với lí tưởng sống là “thanh sắc”, dùng tài trí, [quyền thế] vào việc quyến rũ, chinh phục nhiều phụ nữ; những người phụ nữ bồng bột, bản năng; có thế lực ngăn cản, chống lại thói trăng hoa đó; anh chàng trăng hoa phải trả giá,v.v… Như vậy, type truyện của Hà Ô Lôi có tính quốc tế.
1.2. Type truyện này ra đời trong bối cảnh văn hóa, xã hội như thế nào? Theo chúng tôi, nó ra đời trong bối cảnh văn hóa xã hội mà ở đó, đứng trên quan điểm luân lí, chính thống, có sự “xuống cấp” về mặt đạo đức, phong hóa, [tôn giáo], nhưng đứng trên quan điểm nhân văn, phi chính thống, có sự xuất hiện trào lưu giải phóng con người khỏi thần quyền, luân lí, đề cao nhu cầu bản năng, trần tục. Chẳng hạn, ở câu chuyện về Don Juan là xã hội châu Âu thế kỉ XV – XIX, giai đoạn giai cấp tư sản đang nổi lên. Giai đoạn này gắn với sự giải phóng con người khỏi tín điều Thiên chúa giáo trung cổ, chủ nghĩa khắc kỉ, luân lí phong kiến. Don Juan là nhân vật không tin thần thánh và dám sống với nhu cầu bản năng, trần thế của mình. Ở câu chuyện về Tây Môn Khánh là xã hội Trung Hoa thế kỉ XIV – XVI, có sự trỗi dậy của tầng lớp thị dân với quan niệm, thị hiếu sống hưởng thụ. Nhân vật Tây Môn Khánh là “tín đồ” của dục vọng, bất chấp luân lí. Cố nhiên, trong sự nhiệt tình thái quá, đó là những cách thể hiện khao khát giải phóng nhu cầu bản năng có phần cực đoan!
Truyện Hà Ô Lôi cũng ra đời từ bối cảnh có phần tương tự. Đó là xã hội Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XIV. Trong văn học giai đoạn này, xuất hiện khá nhiều tiếng nói giải phóng bản năng, ca ngợi hạnh phúc trần thế. Truyện Tổ gia thực lục có chép câu chuyện về “mối oan” của Huyền Quang với nàng Điểm Bích. Đó có thể chỉ là hư cấu, nhưng tinh thần của nó là thật và bài thơ của Điểm Bích có lẽ là một minh chứng, một sản phẩm có thật của giai đoạn ấy: “Người hòa tươi tốt, cảnh hòa lạ/ Mâu Thích Ca nào thửa hữu tình?”. Cũng không phải ngẫu nhiên, Huyền Quang lại trở thành “nạn nhân”. Ông là một nhà tu hành lỗi lạc, một điển hình của lối sống tiết dục, đạt đạo: đẹp trai, học giỏi, thành đạt,…nhưng sớm từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của Thiền. Vì vậy, nếu muốn công kích chủ nghĩa tiết dục thì còn đối tượng nào thích hợp hơn? Hoặc giả câu chuyện là sự thật thì rõ ràng nó lại minh chứng cho một hiện thực: bản năng, nhu cầu hành lạc của con người đã chiến thắng tôn giáo. Một nhà nho lớn đương thời là Phạm Nhữ Dực cũng đã chứng thực sự tồn tại của luồng tư tưởng đó. Ông khuyên người ta: “Xưa nay việc hành lạc cần được kịp thời” [Tạ Nguyễn Vận Đồng huệ đái, 3]. Quan niệm về “hành lạc” của ông là: “Trước tiệc vui, đông đủ những khách giầy châu đùa bỡn/ Các ả đào cùng hát với vành ngọc thúy yêu kiều/ Người đời khi đắc ý, nên cùng nhau vui chơi/ Hà tất phải lo xa mà chúc tuổi thọ như cây tùng, cây xuân” [Đại nhân khánh Mạc bản quản sinh nhật]. Đáng tiếc là tư liệu văn học còn lại hiện nay khá ít ỏi, chứng lí không nhiều. Nhưng như vậy cũng đủ để nhận thấy một trào lưu tư tưởng đã thực sự định hình. Hiển nhiên, Hà Ô Lôi cũng nằm trong trào lưu tư tưởng này. Lí tưởng sống của nhân vật Hà Ô Lôi là: “Hiện nay thiên hạ thái bình, quốc gia vô sự. Tôi coi phú quý như đám mây trôi. Tôi chỉ muốn thanh sắc để vui tai thỏa mắt mà thôi”. Và quả thật, suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình Hà Ô Lôi đã sống với lí tưởng ấy. Đến khi sắp mất, Ô Lôi còn ngâm bài thơ có tính chất như “tuyên ngôn” như sau: “Sinh tử là trời xá quản bao/ Nam nhi miễn được tiếng anh hào/ Thác bề thanh sắc nên là thác/ Chết đằng nào nên cơm cháo nào!”
Đương nhiên, người đọc sau này có thể tìm thấy ở các tác phẩm trên đây “giá trị hiện thực”, sự “phê phán đạo đức xã hội”, nhưng đây thuộc về vấn đề tiếp nhận. Chẳng hạn, Vũ Quỳnh (thế kỉ XV) cho rằng “Truyện Ô Lôi răn dặn thói dâm bôn”; Kiều Phú (thế kỉ XV) cũng cho rằng: “Truyện Hà Ô Lôi, Dạ Xoa vương, vì hiếu dâm mà hại thân, mất nước, lấy đó để răn chúng vậy”; Gần đây nhất, tác giả Kiều Thu Hoạch vẫn cho rằng: “Truyện Hà Ô Lôi có yếu tố chống phong kiến khá mạnh mẽ … (mà thực chất là đạo đức – tư tưởng Nho giáo)”(5)… Chúng tôi tin rằng, đó không phải là bản ý của các tác giả. Và như thế, type truyện thể hiện tính “hiện đại” của tác phẩm.
1.3. Một điều cũng đáng chú ý là type truyện trên có sức sống khá mãnh liệt trong nền văn học của các dân tộc. Điều đó thể hiện khá rõ ở chỗ, type truyện này, trong từng trường hợp cụ thể, thường được viết đi viết lại nhiều lần, được tái tạo thành một chùm tác phẩm. Chẳng hạn, câu chuyện về Don Juãn vốn là một truyền thuyết dân gian, sau được các nhà văn viết thành thành kịch, thành trường ca như: vở kịch Tự do ở thành Sevilla [1630] của Tirso de Molina, vở kịch Don Juan (1665) của Moliere, ca kịch (opera) Don Juan (1787) của W.A.Mozart, trường ca Don Juan (1818 – 1823) của G. Byron(6),… Câu chuyện về gã Tây Môn Khánh vốn là một truyền thuyết [trong Đại Tống Tuyên Hòa di sự] sau đi vào tiểu thuyết Thủy hử của Thi Nại Am (thế kỉ XV) và đặc biệt trở thành tiểu thuyết Kim Bình Mai của Tiếu Tiếu Sinh (khoảng thế kỉ XVI - XVII),v.v… Câu chuyện về Hà Ô Lôi vốn là một truyện “nhờ nhân dân truyền khẩu” (Vũ Quỳnh) được ghi chép, sửa sang lại trong Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp (thế kỉ XIV), Lĩnh Nam chích quái liệt truyện của Vũ Quỳnh (thế kỉ XV) sau đó lại tiếp tục được viết lại trong Thiên Nam vân lục liệt truyện của Nguyễn Hãng (thế kỉ XVI) và đến thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX thì trở thành một kịch bản chèo – Bản diễn trò Hà Ô Lôi (1917) của Phạm Mĩ Thạch (?-?). Dĩ nhiên, ở mỗi tác phẩm, do tư tưởng của các tác giả khác nhau, thời đại cũng khác nhau nên ý đồ và giá trị tư tưởng nghệ thuật của mỗi tác phẩm cùng “cốt truyện” có khác nhau. Nhưng, hiện tượng “viết lại” như vậy cho thấy sức sống của type truyện cũng như cốt truyện ở mỗi nền văn học. Tuy nhiên, có thể nhận thấy một điều: nếu như các câu chuyện về Don Juãn, Tây Môn Khánh đều được viết thành các tác phẩm rất dài hơi (tiểu thuyết, trường ca, kịch bản) thì câu chuyện về Hà Ô Lôi lại chỉ dừng lại ở dung lượng ngắn (truyện ngắn, bản diễn trò). Về mặt cốt truyện, câu chuyện về Hà Ô Lôi hoàn toàn có thể viết thành một tác phẩm dài hơi hơn. Đây là một điều khá đáng tiếc nhưng mặt khác lại cho thấy tính “dồn nén”, “cô đúc” của tác phẩm này.
2. Phân tích motif
2.1. Như trên đã nói, type truyện của tác phẩm gồm 3 motif cơ bản. Đi vào cụ thể, Hà Ô Lôi được cấu thành từ rất nhiều các motif đặc thù(7); có những motif lại được cấu thành từ các motif nhỏ hơn. Các motif này được xác định dựa trên tần số xuất hiện nhiều trong truyền thống văn học (nhất là văn học Việt Nam). Chúng tôi chia các motif đó thành các “bậc” khác nhau tùy theo vị trí của nó trong cốt truyện tác phẩm. Sau đây ta có bảng biểu thị mô hình cốt truyện Hà Ô Lôi:
Motif bậc 1
Motif bậc 2 Motif bậc 3 Diễn biến chi tiết, sự kiện
Sinh nở thần kì Người giao hợp với thần mang thai Người chồng đi xa, vợ lẻ loi. Sĩ Doanh đi sứ, vợ là Lí thị ở nhà một mình.
Quỷ thần hóa giả thành chồng để lừa vợ. Tranh chấp giữa thần và người Thần Ma La hóa giả thành Sĩ Doanh tư thông với Lí thị. Thần Ma La báo mộng, đòi vợ con. Vua xử: trả con cho thần.
Đẻ ra cái bọc, nở ra con Lí thị đẻ ra cái bọc đen, xé bọc ra có đứa con trai.
Đứa con hình thù kì lạ Người xấu xí [nhưng có tài lạ]. Ô Lôi da đen như mực, bóng láng [sau hát hay, giỏi ăn nói].
Chinh phục phụ nữ thỏa mãn dục vọng. Dựa vào tài năng và quyền thể để chinh phục phụ nữ. Gặp thần tiên được ban cho khả năng lạ. Gặp Lã Động Tân, nhổ nước bọt vào miệng, hát hay.
“Cáo mượn oai hùm” Vua bênh vực Ô Lôi.
Chinh phục để hạ nhục Cô gái nhà quyền quý yêu chàng trai xấu xí, nghèo, tài hoa. Ô Lôi tự làm xấu mình, xin làm nô tì. A Kim ốm tương tư.
Bị chinh phục và trao tín vật. A Kim thông dâm với Ô Lôi. Dành cho nhiều ưu ái, cho Ô Lôi mượn mũ chầu.
Người quyến rũ phản bội [dùng tín vật để làm nhục] Ô Lôi mang mũ về cho vua để làm nhục A Kim.
Đại diện luân lí xã hội ngăn cản Người thân cô gái trừng phạt kẻ trăng hoa. Cái chết kì lạ Ô Lôi quyến rũ con gái Minh Uy vương, bị bắt.
Giết không chết, giã mới chết.
Nhìn vào bảng trên, độc giả không khỏi ngỡ ngàng vì một truyện ngắn ở thế kỉ XIV mà có một kết cấu phức tạp, nhiều tầng bậc đến như vậy. Tác phẩm đã thu hút vào nó rất nhiều motif, các motif được phối hợp, đan xen tạo nên một cốt truyện li kì, hấp dẫn. Sự “khớp nối” giữa các motif cho thấy nghệ thuật kể chuyện bậc thầy của tác giả. Sau đây, chúng tôi sẽ đi vào phân tích một số motif đặc sắc, tiêu biểu trong tác phẩm để làm rõ điều đó.
2.2. Sinh nở thần kì: Motif này được cấu thành từ các motif nhỏ hơn như: người giao hợp [tiếp xúc] với thần mang thai, đẻ ra cái bọc, nở ra con; đứa con có hình thù kì lạ. Người giao hợp với thần mang thai là một motif rất phổ biến. Nhưng có điều đặc biệt ở đây là, khác với truyền thống, sự giao hợp thần kì đó để lại sự tranh chấp, bất hoà giữa thần và người và đứa con sinh ra không phải một anh hùng, thánh nhân mà là một “dị vật” tầm thường. Trong truyền thống, ta không thấy ông chồng nào “ghen” vì sự có thai kì lạ của vợ, họ mặc nhiên chấp nhận, vì dường như đó là “thiên ý”, thậm chí đó là vinh dự. Nhưng trong truyện này, việc người vợ có thai đã khiến vị phu quân ghen tức. Bản thân chuyện “giao hợp kì lạ” cũng có chuyện mờ ám. Hiện tượng tranh chấp mờ ám như thế trong truyện sau này mới xuất hiện nhiều hơn, chẳng hạn như truyện Tinh chuột ở Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông?), truyện Cuộc đối tụng ở Long cung trong Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ),… Như vậy, riêng ở hiện tượng này, Truyện Hà Ô Lôi cũng đã có ý nghĩa mở đầu, khơi mào cho các sáng tác sau. Trở lại với nhân vật thần hương Ma La. Theo nghiên cứu của Kiều Thu Hoạch, hương Ma La có thể là Quán La (nay là xã Xuân La, huyện Từ Liêm, Hà Nội), thần Ma La có xuất xứ phương Nam, và là hình bóng của người Chiêm Thành. “Và như thế, Truyện Hà Ô Lôi chính là sự phản ánh hư ảo về một cuộc tình vụng trộm giữa một phụ nữ Việt với một người đàn ông Chăm”(8). Thần ở đây chỉ là một thủ pháp “thần kì hóa” hiện thực. Sự sinh nở của Lí thị cũng được “thần kì hóa” qua motif đẻ ra cái bọc nở ra con (khiến ta liên tưởng tới truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, mà vùng Hồ Tây lại có nhiều truyền thuyết, di chỉ liên quan đến các nhân vật này!). Thoạt đầu, ta có thể nhầm tưởng việc kể lại cuộc đời Hà Ô Lôi cũng giống như thao tác kể sự tích các linh thần, danh nhân từ khi sinh ra cho đến khi chết và hiển linh phổ biến trong truyện ngắn thời Lí Trần như các truyện ở Thiền uyển tập anh ngữ lục, Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái lục,... Đứa con có dòng máu “thần linh” trong truyền thống thường được mô tả là đẹp đẽ, dị thường, về sau lập công nghiệp hiển hách. Trái lại, Ô Lôi vừa quái dị, xấu xí vừa tầm thường. Ô Lôi là nhân vật “xấu xí” đầu tiên, không theo kiểu xấu xí truyền thống, tức chỉ là cái lốt giấu kín một thực chất tốt đẹp (Sọ Dừa chẳng hạn). Đây là một điểm cũng rất đáng lưu ý. Phải chăng đó là một dạng “giải huyền thoại”, phá bỏ sự sùng bái mù quáng đối với thần thánh, thể hiện xu hướng “thế tục hóa” nội dung tác phẩm? Đây là sự chuẩn bị cho con người đời thường, trần tục đi vào văn học. Mặt khác, xuất thân thần kì của Ô Lôi còn là sự “phục bút” để sau này, tác giả phú cho Ô Lôi hai khả năng kì lạ: tài ca hát và cái chết thần kì. Hai khả năng này đều có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện và thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm. Như vậy, tác giả sử dụng lại motif “sinh nở thần kì” với một dụng ý nghệ thuật, trình độ tư duy nghệ thuật khác hẳn truyền thống.
2.3. Chinh phục phụ nữ để thỏa mãn dục vọng: Trước hết, motif này được thể hiện qua motif “dựa vào tài năng và quyền thể để chinh phục phụ nữ”. Để chuẩn bị cho motif này, tác giả cấp cho Hà Ô Lôi hai ưu thế: quyền lực và tài năng. Quyền lực được thể hiện ở sự ưu ái đặc biệt mà vua dành cho Ô Lôi: cho vào hầu, cho đi chơi cùng và tuyên bố nếu ai giết Ô Lôi thì phải đền một vạn quan tiền. Tài năng thì phải nhờ đến yếu tố kì lạ: Ô Lôi bất ngờ gặp Lã Động Tân và được vị tiên này ban cho tài lạ. Nếu xuất thân thần dị của Ô Lôi mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng bản địa cộng dấu ấn văn hóa Chiêm Thành, thì ở đây, chi tiết này có dấu ấn Đạo giáo, tiên thoại. Nhưng Hà Ô Lôi không đi theo hướng mô phỏng tiên thoại, chất thần tiên không đậm mà nó biết khai thác yếu tố thần dị của Đạo giáo để triển khai cốt truyện. Lã Động Tân nhổ nước bọt vào miệng Ô Lôi, và từ đó Ô Lôi có khả năng mồm mép hơn người, hát rất hay làm các cô gái mê mệt. Trong các nền văn hóa trên thế giới, nước bọt là một biểu tượng mang ý nghĩa thần thiêng gắn với lời nói, với khả năng ăn nói. Hà Ô Lôi cũng nằm trong hệ thống đó. Với hai ưu thế nêu trên, Ô Lôi đã rất thành công với “lí tưởng” của mình: “muốn thanh sắc để vui tai thỏa mắt”! Tiêu biểu cho sự thành công đó là “chiến công” chinh phục nàng quận chúa A Kim kiêu sa. Ở đây, Hà Ô Lôi tích hợp hình thức “truyện ở trong truyện” rất tinh vi, phức tạp. Việc chinh phục nàng quận chúa A Kim, có thể tách thành một truyện riêng. Hà Ô Lôi chinh phục quận chúa A Kim, để làm nhục nàng theo lệnh của vua Dụ Tông (vì ông chinh phục mãi không xong!). Đây chính là motif “chinh phục để hạ nhục”. Motif này xuất hiện nhiều trong văn học, chẳng hạn: Điểm Bích chinh phục Huyền Quang để “thử lòng” đồng thời “hạ nhục” vị Thiền sư này (Tổ gia thực lục); Sở Khanh chinh phục Thúy Kiều để hạ nhục nàng, khiến nàng phải đồng ý “tiếp khách” cho Tú Bà (Kim Vân Kiều truyện),v.v... Trong Hà Ô Lôi, motif này chỉ làm nổi rõ tài chinh phục phụ nữ cũng như bản chất “vị kỉ” của nhân vật Hà Ô Lôi.
Motif “chinh phục để hạ nhục” lại được triển khai thông qua motif “cô gái nhà quyền quý yêu chàng trai [xấu xí], nghèo hèn, tài hoa”. Motif này cũng xuất hiện ít nhất trong 2 tác phẩm là: Trương Chi (cổ tích) và Câu chuyện tình ở Thanh Trì (Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh – thế kỉ XVIII). Tuy nhiên, hai tác phẩm đó khai thác ở motif này tính chất lãng mạn của tình yêu để xây dựng nên những câu chuyện tình đẹp mà bi kịch. Hà Ô Lôi lại khai thác ở motif này khả năng giảo hoạt của nhân vật nam. Nếu như nhân vật Trương Chi tuy xấu xí, hát hay và có một tâm hồn trong sáng, cao thượng; nhân vật Nguyễn sinh đẹp trai, hát hay, tâm hồn vô tư, lãng mạn thì Ô Lôi dù xấu xí, dù hát hay nhưng tâm hồn lại chứa đầy dục vọng, giả trá khôn lường. Điều đáng nói là ở chỗ, để áp dụng được motif trên, tác giả Hà Ô Lôi đã phải có một thao tác là sửa đổi lại dung nhan, thân phận của Hà Ô Lôi bằng cách để cho Ô Lôi “cởi bỏ quần áo đang mặc, ngâm mình xuống bùn lầy, rồi lại đem phơi mình giữa giữa nắng mưa cho người thật xấu xí… đóng khố vải, giả làm đứa chăn ngựa” sau đó lại xin vào làm nô tì vào nhà quận chúa. Đây là một chi tiết thú vị cho thấy tác giả Hà Ô Lôi đã có sự chủ động ngòi bút như thế nào! Tóm lại, motif “cô gái nhà quyền quý yêu chàng trai xấu xí, nghèo hèn, tài hoa” đã được sử dụng lại với một dụng ý nghệ thuật, cách thức sắp đặt hết sức rõ ràng, tinh vi, thể hiện rõ tính cách của nhân vật chính.
2.4. Đại diện luân lí xã hội ngăn cản: Cũng như kết cục của những kẻ vượt quá xa giới hạn luân lí của xã hội và của thời đại, cuộc phiêu lưu tình ái của Ô Lôi phải dừng lại với cái chết thảm. Đại diện cho luân lí là bố cô gái bị kẻ trăng hoa quyến rũ. Trong một số tác phẩm khác, đó có thể là anh trai (Don Juan), có thể là em chồng (Thủy hử, Kim Bình Mai), và bao trùm lên là thế lực siêu hình (định mệnh, quả báo, thần thánh),v.v… Nhưng trong đa phần các tác phẩm, sự trừng phạt nhiều khi chỉ là vỏ bọc, là sự che chắn trước “búa rìu” dư luận. Ẩn sâu bên trong, các tác phẩm đều bỏ lửng những ý tưởng khác: sức hấp dẫn của lạc thú, sự tự do, phóng túng về lối sống, sự giải tỏa những ẩn ức bản năng,…Bề ngoài, cái chết của Hà Ô Lôi dường như là minh chứng cho luật nhân quả, báo ứng, sự trừng phạt của luân lí. Trước khi chết, Ô Lôi cũng thừa nhận: “Xưa Lã Động Tân đã nói với ta rằng: thanh sắc của ngươi, cái được cái mất bằng nhau. Lời của ông ứng nghiệm rồi đó”. Sự trừng phạt đặt vào tay nhân vật Minh Uy vương cứng rắn và mưu trí. Nhưng dường như, truyện lại hướng tới một cái đích khác. Trước hết, nó được thể hiện qua motif “cái chết kì lạ” của Ô Lôi: giết mãi không chết. Phải chăng cái chết có phần “khó khăn” đó là một ẩn dụ cho sức sống mãnh liệt của dục vọng, của bản năng? Thứ nữa, trước khi chết, Ô Lôi không hề tỏ ra ăn năn, hối hận, ngược lại, anh chàng còn cho đấy là một cái chết anh hùng. Để cho nhân vật “nhơn nhơn” tự đắc như vậy rõ ràng không thích hợp nếu như tác giả nhắm đến mục đích răn dạy giáo huấn! Cái chết của Ô Lôi phải chăng có thể hiểu là kết cục tất yếu của một lối sống, một nhân sinh quan quá mới, quá xa lạ, vượt ra khỏi giới hạn thời đại cho phép? Các tác giả sau này khi viết lại Hà Ô Lôi, đều nhấn mạnh vào motif cuối cùng này, hoặc có khi sửa đổi motif thành “có hậu”. Chẳng hạn, Nguyễn Hãng trong Thiên Nam vân lục liệt truyện thêm vào chi tiết: “Ô Lôi chết vì bị bỏ vào cối mà giã, do thế người đời sau nghe tiếng chày giã cối đá vẫn còn thương cảm…”. Còn trong Bản diễn trò Hà Ô Lôi, Phạm Mĩ Thạch lại thêm một kết thúc có hậu theo kiểu truyện cổ tích: Ô Lôi được Hoàng hậu cứu thoát chết! Rõ ràng, tư tưởng của tác phẩm đã bị biến đổi qua thời gian và sự tiếp nhận, tái tạo của mỗi thời đại.
Tóm lại, phân tích type và motif của Hà Ô Lôi, chúng ta thấy có sự tương đồng của nó với các tác phẩm văn học khác trên thế giới. Sự tương đồng ở đây thể hiện ở khá nhiều mặt: bối cảnh văn hóa xã hội, khuynh hướng tư tưởng, ý đồ nghệ thuật, sức sống nghệ thuật,… Điều đó cho thấy tính “quốc tế”, tính “hiện đại” của tác phẩm. Nó cũng minh chứng cho một hiện tượng thuộc lĩnh vực văn học so sánh: sự tương đồng của các tác phẩm văn học ở các nền văn học khác nhau nhiều khi không phải do “ảnh hưởng – chịu ảnh hưởng” hay “người môi giới văn học” (N.I. Konrat). Phân tích type và motif của Hà Ô Lôi cũng cho thấy trình độ tư duy nghệ thuật, tính “dồn nén”, “cô đúc” và phức tạp của tác phẩm này qua đó cho thấy đây là một tác phẩm độc đáo, có chỗ đứng quan trọng trong văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. Với kết quả đó, chúng tôi thiển nghĩ, có lẽ nhiều tác phẩm văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại khác cũng cần được phân tích một cách kĩ lưỡng hơn theo hướng này./.
Hà Nội, tháng 10 năm 2007.
[Bài đăng sách Tự sự học (lần 2), Nxb ĐHSP Hà Nội, 2008]
Chú thích
(1) Nguyễn Thanh Tùng, Truyện Hà Ô Lôi - một hiện tượng lạ của truyện ngắn Việt Nam thế kỉ X – XIV, Tập san Ngữ văn học, số 1 năm 2006, Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP, trang 12 – 18.
(2) (3) N.I.Niculin, Văn học Việt Nam thế kỉ X – XIX, Nxb Khoa học, Matxcơva, 1977, trang 130. Dẫn theo Nguyễn Đăng Na, Sự phát triển truyện văn xuôi Hán – Việt từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XVIII đầu XIX qua một số tác phẩm tiêu biểu, LA PTS, ĐHSP Hà Nội, H, 1987.
(4) Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H, 1976, trang 71.
(5) (8) Kiều Thu Hoạch, Truyện Hà Ô Lôi – đánh giá lại trên cơ tầng văn hóa Việt – Chăm, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4 năm 2007, trang 7, trang 12.
(6) Jean Charles Seigneuret, Dictionary of literary themes and motifs, Greenwood Press, Greenwood Publishing Group, Inc, Westport, 1988.
(7) Trong các tác phẩm khác, các motif đó hoàn toàn có thể trở thành một type truyện độc lập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét