I. VÀI NÉT VỀ THỂ CHIẾU
1. Định nghĩa và lai lịch
a. Định nghĩa
Chiếu là loại công văn hành chính thời phong kiến, được vua dùng để ban lệnh xuống cho bề tôi hoặc để cáo thị với thiên hạ.
b. Lai lịch
Chiếu, còn có tên là chiếu thư, chiếu chỉ, chiếu lệnh… là một thể loại có nguồn gốc từ Trung Hoa. Chiếu chính thức xuất hiện vào đời Tần (221 – 215 trước Công nguyên). Trước đó, thời Tam Đại (Hạ, Thương, Chu) công văn của thiên tử ban xuống cho bề tôi có các loại “mệnh” (theo mệnh trời mà dạy bảo), “cáo” (bá cáo cho bốn phương), “thệ” (lời thề trong quân hoặc trước quần thần). Đời Chiến Quốc (475 – 221 trước Công nguyên), loại công văn đó gọi là “mệnh” (lệnh về vấn đề lớn) hoặc “lệnh” (lệnh về vấn đề nhỏ hơn); Đến khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, củng cố vị thế của chính quyền trung ương mà đại diện là Hoàng đế thì công văn do Hoàng đế ban ra nhất loạt gọi là “chiếu” (hoặc Chiếu lệnh, Chế chiếu). Ngoài Hoàng đế ra không ai có quyền được dùng chiếu để ra lệnh hay bố cáo. Từ đời Hán, công văn của Hoàng đế đưa xuống noi theo quy chế của nhà Tần cũng gọi là “chiếu”. Từ đây, chiếu trở thành một thể loại chuyên dùng của các bậc vua chúa (cho dù thực tế họ có viết hay không). Đến đời Đường, do Vũ Tắc Thiên (Vũ Hậu) có tên là “Chiếu” cho nên phải tỵ huý mà đổi “chiếu” thành “chế”. Nhưng từ đời Trung Đường trở về sau, tên chiếu lại được sử dụng trở lại.
Các bài chiếu nổi tiếng ở Trung Hoa có thể kể đến là Cao Đế cầu hiền chiếu (Chiếu cầu hiền của Hán Cao Tổ), Văn Đế nghị tá bách tính chiếu (Chiếu vua Hán Văn Đế đề nghị các quan nghĩ cách giúp trăm họ), Cảnh Đế lệnh nhị thiên thạch ti chức chiếu (Chiếu vua Hán Cảnh Đế lệnh cho các quan hưởng lộc hai nghìn thạch lúa), Vũ Đế cầu mậu tài dị đẳng chiếu (Chiếu Hán Vũ Đế cầu người tài xuất chúng), v.v…
Ở Việt Nam, chiếu có lẽ được dùng từ thời Bắc thuộc. Tuy nhiên, căn cứ vào sử sách xưa thì phải đến thời Tiền Lê, mới thấy việc sử dụng chiếu được ghi nhận(() Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “năm Tân Sửu, niên hiệu Ứng Thiên thứ 7 (1000) [Tống, Hàm Bình năm thứ 3], [vua] xuống chiếu đi đánh giặc ở châu Phong là bọn Trịnh Hàng, Trường Lệ, Đan Trường Ôn”.). Từ đó trở đi, chiếu liên tục được các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng. Đến đời Nguyễn lại dùng kèm theo chữ dụ gọi là “chiếu dụ”, có khi gọi tắt là “dụ”.
Các bài chiếu nổi tiếng của Việt Nam có thể kể đến là: Thiên đô chiếu (Chiếu ban bố việc dời đô) của vua Lý Thái Tổ, Lâm chung di chiếu (Chiếu dặn dò lúc sắp mất) của vua Lý Nhân Tông, Cầu hiền tài chiếu (Chiếu khuyên cử hiền tài) của vua Lê Thái Tổ, Cầu hiền chiếu (Chiếu cầu người hiền tài) của Quang Trung, Cần vương chiếu (Chiếu kêu gọi các sĩ phu phò giúp vua) của vua Hàm Nghi, v.v…
2. Đặc điểm của thể chiếu
a. Đặc điểm nội dung
Nội dung của chiếu rất rộng, bao quát mọi lĩnh vực của đời sống, từ những vấn đề chính trị – xã hội trọng đại đến những công việc hành chính cụ thể, thiết thực mà cần đến tiếng nói quyết định, có uy quyền tối cao của vua hay hoàng đế. Tuy nhiên, những bài chiếu có giá trị thường là những bài chiếu có nội dung chính trị – xã hội rộng lớn, trọng đại, thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhiều người.
Tuỳ theo nội dung đề cập mà chiếu thường được chia làm các loại: “Tức vị chiếu” (chiếu lên ngôi), “Di chiếu” (chiếu dặn dò khi hoàng đế băng hà), “Ai chiếu” (chiếu của vị vua kế nghiệp bày tỏ sự đau xót với tiên đế và bố cáo thiên hạ), “Tội kỷ chiếu” (chiếu tự trách tội mình khi đất nước gặp thiên tai, địch hoạ), “Mật chiếu” (chiếu nói về chuyện cơ mật), v.v…
b. Đặc điểm hình thức
Chiếu tồn tại dưới nhiều hình thức: văn bản viết (chiếu đã được soạn thành công văn chính thức), văn bản truyền miệng (“khẩu chiếu” – tức mệnh lệnh bằng lời của hoàng đế). Nói đến đặc điểm nghệ thuật của chiếu, chúng tôi cũng chủ yếu đề cập đến loại chiếu thành văn.
Về thể tài, ban đầu chiếu được viết bằng thể tản văn (văn xuôi), nhưng từ thời Nguỵ Tấn, khi thể văn biền ngẫu (cổ thể hoặc cận thể) phát triển mạnh mẽ và được giới trí thức ưa chuộng, chiếu chuyển sang dùng “biền văn” một cách hết sức rộng rãi. Tuy nhiên, ở Việt Nam chiếu viết bằng thể tản văn (văn xuôi) thường thông dụng hơn.
Về văn tự, đương nhiên, ở Trung Hoa, chiếu được viết bằng chữ Hán. Ở Việt Nam thời trung đại, chiếu cũng chủ yếu được viết bằng chữ Hán, nhưng trong một số hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, chiếu còn được viết bằng chữ Nôm, như ở thời vua Quang Trung, v.v…
Về văn phong, lời văn của chiếu phải nghiêm trang, tao nhã, sắc gọn, mẫu mực, đúng quy cách trong dùng từ đặt câu.
Chiếu có công thức mở đầu và kết thúc riêng tuỳ theo thời đại. Thường thường, ở từng triều đại, nhất là ở các đời vua sáng lập triều đại, có dùng những mệnh đề đề cao ngôi vua, xem vua là đại diện của trời, chịu mệnh trời để chăn dân. Chẳng hạn, chiếu đời Lê Thái Tổ có mệnh đề “Đại thiên hành hoá” (thay trời thực hiện việc giáo hoá); chiếu đời Nguyễn có câu: “Thừa thiên hưng vận” (Theo mệnh trời mở vận). Sau đó mới đến công thức “hoàng đế chiếu viết” (hoàng đế ra chiếu rằng), “chiếu vân” (chiếu rằng), “dụ” (bảo cho biết), “trẫm văn” (trẫm nghe), “thường văn” (từng nghe), v.v… Kết thúc bài chiếu, thường có ý “bá cáo gần xa” và công thức “khâm thử” (vâng làm theo chiếu này).
II. VỀ BÀI CHIẾU CẦU HIỀN CỦA NGÔ THÌ NHẬM
1. Hoàn cảnh ra đời, mục đích và tác giả của bài chiếu
a. Hoàn cảnh ra đời
Có thể nói rằng, hoàn cảnh ra đời là một nhân tố quan trọng quyết định đến cả nội dung lẫn hình thức của bài chiếu này. Bởi vậy, chúng ta cần chú ý làm nổi bật hoàn cảnh ra đời của nó. Hoàn cảnh ra đời của bài chiếu đã được đề cập tương đối kỹ trong phần Tiểu dẫn của SGK. Tuy nhiên chúng ta nên chú ý nhấn mạnh một số chi tiết sau đây:
- Triều đại Lê – Trịnh lúc bấy giờ tuy đã rơi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng và sụp đổ, nhưng uy tín của nó ít nhiều vẫn còn trong nhân dân, nhất là giới quan lại, sĩ phu của triều cũ. Công lao của họ Lê (từ Thái Tổ – Lê Lợi trong sự nghiệp “bình Ngô”), họ Trịnh (trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê) vẫn được người dân tưởng nhớ, thần phục. Vua Chiêu Thống dù đớn hèn, bất tài nhưng vẫn còn và vẫn là đại diện chính thống của dòng họ cũ. Hơn nữa, tư tưởng “trung quân” ăn sâu vào tâm thức, tư tưởng, tình cảm của người trí thức đương thời, tạo nên sự bảo thủ trong việc nhìn nhận, thừa nhận một triều đại vừa mới được tạo dựng chỉ trong vòng có một hai năm đầy biến động “thay đổi sơn hà” (chữ Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh).
- Trong con mắt người dân Bắc Hà nói chung và quan lại, sĩ phu nói riêng, Nguyễn Huệ vẫn chỉ được coi là người “ngoại quốc” (Nam Hà) và chính quyền của ông là chính quyền “ngoại lai”, chứ không thực sự đại diện cho nước Đại Việt (hay Hoàng Việt, lúc đó mới chỉ giới hạn từ xứ Thuận Hoá trở ra). Chưa nói là, trong con mắt của họ, chính quyền Tây Sơn chỉ là đám “giặc cỏ” hung hăng, không có truyền thống văn hoá vào “cướp” nước người (Liên hệ với sách Hoàng Lê nhất thống chí). Bởi vậy, triều đại Tây Sơn chưa dễ gì mà được thừa nhận ngay.
- Trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên, triều đại Tây Sơn được tạo dựng nên từ những trận chiến, những cuộc hành quân. Mặc dù, luôn có ý thức lấy lòng dân, tỏ rõ ân đức và uy vũ, nhưng không phải không có lúc quân Tây Sơn làm cho dân chúng khiếp sợ, không phục, nhất là với những đặc điểm chung như: ít chữ nghĩa, võ biền,… Đôi khi, có những cá nhân như những “con sâu làm rầu nồi canh”, hay có những sự lục đục, tranh giành, “huynh đệ tương tàn” trong nội bộ nhà Tây Sơn. Tất cả những điều đó cũng tạo nên tâm lý không phục, và từ không phục dẫn đến bất hợp tác của nhân dân và sĩ phu Bắc Hà với triều đại mới.
- Trong buổi đầu xây dựng triều đại mới, kiến thiết lại đất nước sau bao cơn binh hoả, nhu cầu cần có người hiền tài là một nhu cầu có thực, rất bức xúc. Hơn nữa, quân xâm lược nhà Thanh bị đánh tan, chúng vẫn chưa từ bỏ dã tâm phục thù và cướp nước ta. Việc xây dựng quốc gia hùng mạnh, vững chắc cũng là để đối phó với nguy cơ to lớn đó. Triều đại Tây Sơn lại đi lên từ phong trào khởi nghĩa của dân nghèo, đi lên từ chiến trận, chưa có kinh nghiệm xây dựng, quản lý đất nước (cả đối nội lẫn đối ngoại) nhất là trong thời bình, cho nên vấn đề cần người tài giỏi ra gánh vác công việc lại càng trở nên cấp thiết hơn rất nhiều. Bài chiếu do đó cũng phản ánh không khí thời đại, nhất là nhận thức đúng đắn và sáng suốt của vua Quang Trung về đại cục, về tình thế của bản thân triều đại và đất nước.
Trong hoàn cảnh đó, bài Chiếu cầu hiền ra đời. Đối tượng của bài chiếu là “người hiền tài” nói chung, nhưng đối tượng cụ thể, rõ ràng nhất mà bài chiếu nhắm vào chính là những người sĩ phu, những người có năng lực chưa chịu ra giúp rập, thi thố cho triều đại mới. Với danh nghĩa hoàng đế, vua Quang Trung phải làm thế nào đó để họ xoá bỏ nỗi nhớ tiếc triều đại cũ, xoá bỏ những thành kiến đối với triều đại mới, thấy được những mặt tích cực, thái độ trân trọng người hiền tài của triều đại mới, tiến tới ủng hộ và chung tay giúp sức xây dựng triều đại mới. Bởi vậy, tuy viết dưới hình thức “chiếu” nhưng thái độ của bài chiếu không phải là ra lệnh, áp đặt và là thuyết phục, yêu cầu và thúc giục.
b. Mục đích
Như ở trên đã nói, mục đích chủ yếu của bài chiếu là thuyết phục, yêu cầu; yếu tố “ra lệnh”, tính bắt buộc khá ít. Vì sao phải thuyết phục mà không phải là ra lệnh? Vua Quang Trung và tác giả bài chiếu thừa hiểu cái “sĩ khí” của sĩ phu Bắc Hà, thừa hiểu họ đã thấm nhuần và tuân thủ nghiêm nhặt thế nào giáo huấn của “thánh nhân”: “uy vũ bất năng khuất, phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di” (Không bị khuất phục trước uy vũ, không bị cám dỗ bởi giàu sang và không bị lung lay vì sự nghèo hèn). Cho nên, nếu mang uy ra để ra lệnh, doạ nạt thì sẽ vô ích, thậm chí phản tác dụng, khiến cho sự chống đối càng cao, càng mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, nhu cầu hoà giải dân tộc đang đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết đòi hỏi cái nhìn có tầm chiến lược và một sách lược khôn khéo. Vấn đề đặt ra là phải đánh vào nhận thức, cái nhìn của họ, làm thay đổi thành kiến và nhận thức sai lầm của họ về triều đại mới, khích lệ nhiệt tình giúp đời, nhiệt tình thi thố tài năng và “lập thân, lập danh” đồng thời yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với dân với nước, bỏ những điều cố chấp nhỏ để làm việc lớn. Đó là mục đích sâu xa của cái gọi là “cầu hiền” (tìm người hiền tài).
c. Tác giả
Phần tác giả của bài chiếu cũng đã được đề cập tương đối gọn trong SGK. Nhưng chúng ta cần nhấn mạnh vào một số chi tiết sau đây:
- Ngô Thì Nhậm là người Bắc Hà, đã từng làm quan cho triều Lê đến chức Công bộ Hữu thị lang. Ngô Thì Nhậm cũng là một Tiến sĩ nho học (đỗ Tiến sĩ năm 1775). Vua Quang Trung chọn Ngô Thì Nhậm viết bài chiếu này không chỉ vì tài soạn thảo công văn giấy tờ của ông mà còn vì qua đó, Quang Trung tận dụng được uy tín của Ngô Thì Nhậm đối với sĩ phu Bắc Hà (còn trong thực tế, uy tín đó đến đâu thì lại là chuyện khác, ở đây đang nói về sự đánh giá cao Ngô Thì Nhậm của vua Quang Trung), làm nổi rõ chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, chính sách “trọng văn” của triều đại mới (khi viết bài chiếu này Ngô Thì Nhậm đã làm đến chức Lại bộ thị lang).
- Việc Ngô Thì Nhậm, một người từ hàng ngũ quan lại nhà Lê, đời đời ăn lộc nhà Lê, cũng đã từng “chống đối” Tây Sơn kịch liệt (từng gọi Tây Sơn là “giặc” trong bài văn tế bạn Phạm Nguyễn Du) sang giúp Tây Sơn, thay Quang Trung viết Chiếu cầu hiền cũng có tác động không nhỏ đến nội dung và nghệ thuật của bài chiếu. Đương nhiên, Ngô Thì Nhậm phải thay mặt vua Quang Trung, dùng giọng điệu, uy thế của vua Quang Trung để viết bài chiếu này. Nhưng, việc Ngô Thì Nhậm cũng là một “người trong cuộc” đã để lại những dấu ấn tư tưởng, tình cảm cá nhân trong bài chiếu (tương tự như trường hợp Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo). Ông viết bài chiếu như là sự thể hiện chính kinh nghiệm của bản thân, nhận thức của bản thân về triều đại mới, để từ đó thuyết phục, khuyên nhủ những người “đồng chí” cũ của mình thay đổi chí hướng. Bài chiếu, do đó, có tính chân thực của cảm xúc người viết dưới bất kì hình thức nào.
- Ngô Thì Nhậm viết thay vua Quang Trung, đương nhiên, tư tưởng chủ đạo của bài chiếu là của Quang Trung còn tài năng thể hiện tư tưởng đó là của Ngô Thì Nhậm. Khi phân tích bài chiếu, cần chú ý điều này để đánh giá đúng đóng góp của các nhân vật có liên quan.
2. Bố cục, logic lập luận và giá trị tư tưởng của bài chiếu
a. Bố cục
Bài chiếu được chia làm 3 phần rõ rệt (như cách phân loại của SGK), vấn đề là chỉ ra được nội dung chính của từng phần và mối quan hệ giữa chúng, có thể trình bày như sau:
- Phần 1: Nêu lên nguyên tắc xuất xử hay trách nhiệm của người hiền tài như một chân lý do “trời định” lấy đó làm căn cứ lập luận về sau:
+ Người tài phải để cho thiên tử sử dụng, đó là “ý trời sinh ra người tài”: tài năng vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm.
+ Nếu không làm như vậy, cố ý lẩn tránh là đi ngược ý trời, đi ngược nguyên tắc xuất xử của người hiền tài.
- Phần 2: Phân tích tình hình, chỉ ra tính tất yếu, yêu cầu của việc người hiền tài phải ra giúp triều đại mới:
+ Trước đây, vì nhiều lý do khác nhau, người hiền tài tìm đủ mọi cách để lẩn tránh không ra giúp, khiến cho hoàng đế mong mỏi, tự xét lại mình.
+ Hiện nay, là buổi tạo lập triều đại, rất cần người hiền tài ra để giúp dân giúp nước, người hiền tài không có cớ gì mà phải trốn tránh.
- Phần 3: Đề xuất các hình thức đóng góp của người hiền tài cho đất nước và công bố rộng rãi chính sách cầu hiền của nhà vua.
+ Nêu các cách đề cử, ứng cử, tiến cử người hiền tài: dâng thư tỏ bày công việc, các quan tiến cử, tự mình đề cử,…
+ Kêu gọi thiết tha người hiền tài ra giúp nước.
b. Logic lập luận
Logíc lập luận của bài chiếu rất chặt chẽ: chặt chẽ từ bố cục lớn (đã nêu ở trên) cho đến từng ý nhỏ trong từng phần; cần phân tích cụ thể từng phần để thấy được tính chặt chẽ đó.
Phần 1: Tác giả nêu định đề: người tài phải để cho thiên tử sử dụng đó là ý trời, từ đó tác giả trực diện đề cập đến phản đề của nó: nếu người tài không để cho thiên tử sử dụng thì sao? Dĩ nhiên, như thế là đi ngược lại ý trời, mà đối với người xưa, “ý trời” cũng chính là chân lý.
Phần 2: tác giả có dụng ý đối lập theo trục thời gian: trước đây – hiện thời: trước đây, người tài ẩn trốn là do nghi ngờ chưa hiểu được chủ trương, chính sách của hoàng đế, do vẫn ngờ rằng đây là thời loạn, phải trốn tránh, như thế cũng có thể thông cảm được. Nhưng hiện thời, tình hình đã tạm ổn định (nguyên văn “đại định”), mọi thứ đang được tạo lập, nhu cầu người hiền tài rất lớn. Vậy không có cớ gì người hiền tài lẩn tránh mãi, lẩn tránh là có tội với dân với nước. Lập luận như vậy là hết sức chặt chẽ và sắc sảo, khiến cho mọi luận điệu phản đối đều trở nên yếu thế.
Trong từng ý diễn đạt, tác giả bài chiếu lại cũng có những lập luận khá sắc sảo. Nói về việc vì sao trước đây người hiền tài lẩn tránh hoặc không chịu hết sức giúp đời, tác giả đặt những câu hỏi nghi vấn: “Hay trẫm là người ít đức, không xứng để những người ấy phò tá chăng? Hay là đương thời loạn lạc, họ chưa thể phụng sự vương hầu?” Câu trả lời chỉ có thể là không phải như vậy, mà vì chính thái độ, cách nhìn còn nhiều e dè, thành kiến của những người hiền tài kia! Hoặc, nói về việc thiếu người hiền tài ra giúp buổi “đại định”, tác giả cũng đặt ra câu hỏi: “Hỏi rằng trong nước, một ấp mười nhà cũng có người trung tín, huống chi trong cõi đất rộng lớn đến thế này, há lại không có người kiệt xuất, để giúp rập chính sự buổi đầu cho trẫm ư?”
Phần 3: Tác giả lặp lại và củng cố lập luận đã được triển khai ở phần hai: “Ôi trời đất bế tắc thì hiền tài ẩn náu! Xưa thì đúng vậy. Còn nay trời đất thanh bình, chính lúc người hiền gặp gỡ gió mây”. Vẫn là phương thức “tam đoạn luận” quen thuộc để khẳng định một điều cuối cùng, cũng là lời kêu gọi khẩn thiết, chân thành: “Những ai tài đức, nên đều gắng lên, để được rỡ ràng chốn vương đình, một lòng cung kính cùng hưởng phúc tôn vinh”.
3. Giá trị tư tưởng và ngôn ngữ của bài chiếu
a. Giá trị tư tưởng
- Cái nhìn sáng suốt, thực tế về vấn đề trọng dụng nhân tài
Xuất phát từ tình hình thực tế lúc bấy giờ, người ra chiếu đã chỉ ra được vị trí, vai trò của người tài trong việc xây dựng triều đại, xây dựng đất nước. Tác giả bài chiếu ví người tài với “sao sáng trên trời”, nhấn mạnh “đương khi trời còn thảo muội, là lúc quân tử thi thố kinh luân”, đồng thời nhận thức rõ: “sức một cây gỗ không chống nổi toà nhà to, mưu lược một kẻ sĩ không dựng được cuộc thái bình”. Vì lợi ích của đất nước, của dân tộc vua Quang Trung đã thể hiện sự khiêm tốn, thái độ chân thành, thực sự cầu thị đối với các bậc hiền tài.
Ở đây, không chỉ có vấn đề người tài mà còn có vấn đề đoàn kết, hoà giải dân tộc, một vấn đề vẫn còn có ý nghĩa thời sự hiện nay.
- Đề ra được đường lối tìm nhân tài
Đường lối tìm nhân tài của vua Quang Trung rất rộng mở và đúng đắn, điều này được thể hiện tập trung ở phần 3 của bài chiếu, cụ thể:
+ Tất cả mọi tầng lớp nhân dân, từ quan lại đến dân thường đều được phép dâng thư tỏ bày ý kiến. Những ý kiến chưa đúng đắn, viển vông (“vu khoát”) không bị trách phạt.
+ Cách tiến cử người tài, gồm 3 cách: tự mình dâng thư, tỏ bày công việc; các quan tiến cử; dâng thư tự cử.
+ Hứa hẹn tạo điều kiện cho người tài làm việc và được hưởng sự ưu đãi (“để được rỡ ràng chốn vương đình”, “cùng hưởng phúc tôn vinh”).
b. Ngôn ngữ
- Ngôn ngữ giàu hình ảnh:
Điều này được thể hiện ở chỗ tác giả bài chiếu sử dụng khá nhiều hình ảnh ví von, mượn trong các sách kinh điển hoặc trong đời sống, đó là các hình ảnh như: “sao sáng trên trời”, “sao Bắc thần”, “da bò bền”, “hàng trượng mã”, “đánh mõ giữ cửa”, “ra bể vào sông”, “chết đuối trên cạn”, “thảo muội”, “sức một cây gỗ không chống nổi toà nhà to”, “đem ngọc bán rao”,… Việc sử dụng nhiều hình ảnh như vậy khiến cho bài chiếu trở nên sinh động, tránh khô cứng, nặng nề. Hơn thế, chúng còn tạo được hiệu quả diễn đạt khá sâu sắc.
- Tác giả sử dụng lại hình ảnh sao sáng trên trời “chầu về Bắc thần” trong sách Luận Ngữ của Khổng Tử. Việc sử dụng lời nói của Khổng Tử có sức mạnh thuyết phục đối với sĩ phu Bắc Hà vốn thuộc làu kinh điển thánh nhân. Hơn thế, tác giả mượn hình ảnh đó một cách đầy sáng tạo: trong Luận Ngữ, Khổng Tử dùng hình ảnh sao sáng trên trời để chỉ bề tôi nói chung, chứ không nói về “người hiền”. Tác giả bài chiếu mượn cách so sánh trên chủ yếu là mượn quy luật “tinh tú chầu về sao Bắc Thần”, nhưng đồng thời lại cho thấy thái độ đề cao người hiền, coi họ như những vì sao sáng.
- Nói về các cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà trước triều đại mới, tác giả không nêu trực tiếp mà ví von bằng các hình ảnh khá sinh động: “da bò bền”, “hàng trượng mã”, “đánh mõ giữ cửa”, “ra bể vào sông”, “chết đuối trên cạn”. Cách diễn đạt bằng hình ảnh đó vừa khiến cho nội dung đề cập trở nên nhẹ nhàng, bớt căng thẳng hơn (nhất là nói về nhược điểm của kẻ sĩ, nói về cái chết) đồng thời có ý vị châm biếm nhẹ nhàng. Cách viết như vậy cho thấy trình độ, kiến văn của người viết, khiến cho người nghe không cảm thấy bị xúc phạm, mạt sát nhưng vẫn đủ để họ tự nhìn lại bản thân và tự cười về thái độ ứng xử chưa sáng suốt của mình.
- Ngôn ngữ uyên bác:
Người viết còn cho thấy trình độ uyên bác của mình khi sử dụng khá nhiều từ ngữ, văn liệu vốn đã xuất hiện trong các sách kinh điển và trong tập quán ngôn ngữ. Trong bài chiếu, ta thấy ít nhất tác giả hai lần trích dẫn Luận ngữ, hai lần lấy chữ Kinh Dịch, nhiều lần trích dẫn cổ ngữ, hoặc những thành ngữ (như “trời đất bế tắc thì hiền tài ẩn náu”, “đánh mõ giữ cửa”, “chết đuối trên cạn). Điều này, đối với cách nhìn của người trung đại, khiến cho bài chiếu trở nên sang trọng, điển nhã. Đây cũng là một yêu cầu được đặt ra khi tác giả viết Chiếu cầu hiền cho vua Quang Trung: phải tỏ rõ được văn hoá của triều đại mới. Hơn nữa, đối tượng của Chiếu cầu hiền phần lớn là những trí thức Nho học uyên thâm, “đối thoại” được với họ không phải dễ.
- Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm:
Tuy là công văn hành chính quan phương, mang tầm quốc gia, nhưng ngôn ngữ của bài chiếu lại mang nhiều sắc thái biểu cảm. Cảm xúc xuyên suốt của bài chiếu là sự khẩn khoản, tha thiết, chân thành là thái độ cầu thị, khoan dung. Trong bài chiếu, có những chỗ thể hiện sự bức xúc, sự dồn nén thực sự. Điều đó được thể hiện tập trung nhất ở một loạt những câu hỏi tu từ, như: “Hay trẫm là người ít đức, không xứng để những người ấy phò tá chăng? Hay là đương thời loạn lạc, họ chưa thể phụng sự vương hầu?”; “Hỏi rằng trong nước, một ấp mười nhà cũng có người trung tín, huống chi trong cõi đất rộng lớn đến thế này, há lại không có người kiệt xuất, để giúp rập chính sự buổi đầu cho trẫm ư?”… Cũng có khi, nó được biểu hiện qua cách tường thuật, giãi bày: “Trẫm đương để ý lắng nghe, sớm hôm mong mỏi. Thế mà những người tài cao học rộng chưa có ai đến”; “Nay buổi đầu đại định, mọi việc còn đương mới mẻ, giềng mối triều đình còn nhiều thiếu sót, công việc biên ải chính lúc lo toan. Dân khổ chưa hồi sức, đức hoá chưa thấm nhuần, trẫm chăm chắm run sợ, mỗi ngày muôn việc lo toan”. Hay, qua sự cảm thán trực tiếp: “Ôi! trời đất bế tắc thì hiền tài ẩn náu”…
III. KẾT LUẬN CỦNG CỐ
1. Thể chiếu là một loại công văn thời phong kiến chỉ chuyên dùng cho vua để ra lệnh hoặc chỉ thị cho thần dân. Chiếu là thể loại thuộc văn học chức năng (mà ở đây là chức năng hành chính). Văn của chiếu nghiêm trang, mẫu mực, sáng sủa. Đa số các bài chiếu thường chỉ có tính chất mệnh lệnh, nhưng có một số bài mang nội dung nghị luận đề cập đến những vấn đề trọng đại của quốc gia, dân tộc. Nhiều bài chiếu có giá trị văn học nhất định.
2. Chiếu cầu hiền do Ngô Thì Nhậm viết thay vua Quang Trung là một trong những bài chiếu tiêu biểu của Việt Nam. Bài chiếu đề cập đến một vấn đề khá quan trọng, liên quan đến vận mệnh quốc gia và có giá trị văn học. Bài chiếu thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vua Quang Trung đối với vấn đề sử dụng nhân tài và hoà giải dân tộc. Ngô Thì Nhậm đã hiểu được chủ trương đó và thể hiện nó một cách khá xuất sắc bằng văn tài của mình.
[Bài đã đăng sách]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét