Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Tìm hiểu quan niệm thi học của Lê Quý Đôn

I. MỞ ĐẦU
Lê Quý Đôn (1726 - 1784) từ lâu đã được coi là nhà bác học của Việt Nam thời trung đại. Trong phạm vi thời đại ông, ở bất kì lĩnh vực khoa học nào, nhất là khoa học xã hội, Lê Quý Đôn đều thể hiện sự am hiểu tường tận và sâu sắc. Riêng về lĩnh vực lí luận văn học, có thể coi Lê Quý Đôn là nhà lí luận lớn, hiếm có trong truyền thống dân tộc. Đóng góp của ông về lĩnh vực này bao gồm các vấn đề cơ bản nhất như quan niệm về nguồn gốc, đặc trưng, chức năng của văn học, quan niệm về nhà văn, về thể loại,… Trong đó, đáng chú ý là quan niệm của ông về thơ thể hiện tập trung ở những ghi chép của Lê Quý Đôn trong thiên “Văn nghệ” sách Vân Đài loại ngữ (từ điều 41 đến điều 48).
Đóng góp của Lê Quý Đôn trong quan niệm về thơ ở đây bao gồm hai mặt. Thứ nhất, đó là sự chọn lọc, ghi chép, các quan niệm về thơ của tiền nhân (chủ yếu là của các tác giả Trung Hoa) (từ điều 41 đến giữa điều 48). Thứ hai, quan trọng hơn, là việc Lê Quý Đôn đưa ra quan niệm về thơ của riêng mình. Quan niệm đó thường được giới nghiên cứu trong và ngoài nước gọi là “thuyết quý chân” (đề cao sự chân thực) và “thuyết tam yếu” (ba điều cốt yếu: Tình, Cảnh, Sự) (cuối điều 48). Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào tìm hiểu phần đóng góp thứ hai này mà thôi.
II. NỘI DUNG
Phải nói ngay rằng, quan niệm về thơ thể hiện trong “thuyết quý chân” và “thuyết tam yếu” của Lê Quý Đôn đã được chú ý tìm hiểu từ rất sớm. Có lẽ sớm nhất là bài viết của Trần Thanh Mại (1960)(() Trần Thanh Mại - Tìm hiểu quan điểm về lí luận văn học của Lê Quý Đôn, Tạp chí Văn học, số 4/ 1960.), tiếp đó là một số ý kiến của Cao Xuân Huy (1962)(() Cao Xuân Huy - Lời giới thiệu, trong Vân Đài loại ngữ, tập 1 (Trần Văn Giáp dịch), Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1962.), Nguyễn Lộc, Trần Nho Thìn (1979)(() Nguyễn Lộc, Trần Nho Thìn - Thực tiễn sáng tác và những quan niệm văn học của thời đại những quan niệm văn học của Lê Quý Đôn trong Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam thế kỉ XVIII, Ty văn hoá Thái Bình, 1979.), Đỗ Văn Hỉ (1983), Phạm Quang Trung (1994)(() Phạm Quang Trung – Học giả và thi nhân, Nxb Văn hoá, H, 1994. ), Đinh Thị Minh Hằng (1996)(() Đinh Thị Minh Hằng - Lê Quý Đôn trên tiến trình ý thức văn học dân tộc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.) Phương Lựu (1997), Vương Tiểu Thuẫn – Hà Thiên Niên (2002), v.v… Nhìn chung, các ý kiến đều nhất trí thừa nhận đây là đóng góp độc đáo của Lê Quý Đôn cho nền lí luận văn học của Việt Nam. Nhiều tác giả nhấn mạnh đến việc Lê Quý Đôn đề cao tính “chân thật”, đề cao phương diện nội dung của thơ, nhấn mạnh đến tính toàn diện trong quan niệm của ông về bản chất quá trình sáng tác thơ, tức là sự kết hợp giữa cái chủ quan và cái khách quan, giữa tình cảm và kinh nghiệm sống của nhà thơ, v.v… Bên cạnh đó, mỗi nhà nghiên cứu lại nhận ra một phương diện độc đáo riêng trong quan niệm thơ của Lê Quý Đôn. Từ phương diện lịch sử, Đinh Thị Minh Hằng, Phương Lựu nhận ra sự “bổ sung hoàn thiện dần” các yếu tố quan niệm thi ca như: tâm, tình, cảnh, sự, quy cách…(() Phương Lựu – Góp phần xác lập quan niệm văn học Trung đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, trang 202 – 203. ) từ trước đó cho đến Lê Quý Đôn. Bằng suy luận logic kết hợp với kiến thức tâm lí học nghệ thuật hiện đại, Đỗ Văn Hỉ còn nhìn thấy trong “thuyết tam yếu” của Lê Quý Đôn quan niệm về quá trình sáng tạo thơ(() Đỗ Văn Hỷ - Thơ với nhà thơ Lê Quý Đôn, Tạp chí Văn học, số 6/ 1984, trang 29 – 36. ). Cũng không thể không kể đến những nhận định rất đáng chú ý của Vương Tiểu Thuẫn và Hà Thiên Niên về quan niệm thơ của họ Lê. Với tư cách những người Trung Hoa nghiên cứu về thi học Việt Nam cổ, hai ông cho chúng ta thấy thêm hình bóng hay hồi quang của thi học Minh Thanh trong quan niệm thơ của Lê Quý Đôn. Hai học giả này đã chỉ sự gần gũi giữa thuyết “tam yếu” của Lê Quý Đôn với một số quan niệm của các tác giả Trung Hoa(() Vương Tiểu Thuẫn, Hà Thiên Niên – Việt Nam cổ đại thi học thuật lược, Tạp chí Văn học bình luận, số 2 năm 2002, trang 20 – 25.) , v.v…
Như vậy, có thể nói, “thuyết tam yếu”, “thuyết quý chân” của Lê Quý Đôn đã được khảo sát, nghiên cứu một cách tương đối toàn diện, kĩ càng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn gì để nói về quan niệm thơ của Lê Quý Đôn, không còn cơ hội để hiểu ông kĩ hơn, sâu hơn, thỏa đáng hơn.
1. Thuyết “quý chân”
Thuyết “quý chân” của Lê Quý Đôn trong Vân Đài loại ngữ được thể hiện tập trung ở đoạn văn sau:
“Sự khởi phát của thơ là bởi lòng người. Đa số các bài trong ba trăm bài Kinh Thi đều từ người nông dân, phụ nữ mà ra. Văn sĩ đời sau sở dĩ không theo kịp được là do (không theo kịp) cái chân thực đó. Các bài ca, bài hành đời Hán Ngụy vẫn còn có ý vị xưa. Từ đó trở về sau, (người làm thơ) thanh luật bó buộc, âm vận hạn định. Nên người có tài thường lo lắng vì sự vấp váp (thanh luật, âm vận), kẻ không có tài thì thường khổ sở vì sự câu nệ vào đó”(() Lê Quý Đôn – Vân đài loại ngữ, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.141. Trích dẫn Vân Đài loại ngữ chúng tôi dịch từ sách này, có tham khảo các bản dịch quốc ngữ.).
Chúng tôi tán đồng với phần lớn các ý kiến đã nêu cho rằng đây là một chủ trương đề cao “tính chân thật” đồng thời là nhận thức khá đúng đắn về bản chất trữ tình của thơ ở Lê Quý Đôn. Yêu cầu của Lê Quý Đôn là người làm thơ phải có tấm lòng chân thành, tình cảm chân thực (Lê Quý Đôn còn dùng các từ như “sáo trời”, “tâm cơ” để chỉ tình cảm chân thực này), không cần câu nệ vào các kỹ xảo hình thức. Giá trị của quan niệm trên đã rõ, không cần bàn cãi, vấn đề là ta phải lí giải nguồn gốc dẫn đến quan niệm sâu sắc đó.
Vấn đề này được Vương Tiểu Thuẫn và Hà Thiên Niên phân tích khá thấu đáo. Theo họ, “thuyết quý chân của nhà sử học thời Lê mạt Lê Quý Đôn đã phản ánh sự ảnh hưởng của phái tính linh thời Minh Thanh đối với Việt Nam, cũng như sự lựa chọn về mặt lí luận trong sáng tác của các học giả Việt Nam dưới sự chi phối của trào lưu văn học thế tục đang phát triển mạnh mẽ”(() Vương Tiểu Thuẫn, Hà Thiên Niên, Tlđd, trang 25.). Tuy nhiên, cần phải đảo lại trật tự của những tác nhân đó. Theo chúng tôi, chính sự phát triển nội tại của thực tiễn văn học dưới sự chi phối của trào lưu văn học thế tục đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam thế kỉ XVIII mới là nhân tố hàng đầu quyết định đến tư tưởng của họ Lê. Như ta biết, văn học Việt Nam trước thế kỉ XVIII chủ yếu là văn học nói về cái cao cả, về đạo người quân tử, về những sự kiện có tính chất quan phương. Hình bóng con người cá nhân, con người đời thường khá mờ nhạt. Nhưng đến thế kỉ XVIII - XIX, do sự tác động của nhiều nhân tố, trong văn học nổi lên dòng văn học đời thường, văn học thế tục. Dòng văn học này gần gũi với hiện thực đời sống, với những tâm tư, tình cảm chân thực của con người. Nó chú ý nhiều hơn đến con người cá nhân, con người đời thường hàng ngày. Sự xuất hiện của dòng văn học này đã có tác động không nhỏ đến quan niệm thơ của nhiều tác giả, trong đó có quan niệm về tính chân thật của cảm xúc thơ. Chẳng hạn, Lê Hữu Kiều (thầy học Lê Quý Đôn) cho rằng: “Thơ cốt để nói chí hướng của mình. Sau khi ba trăm bài Kinh Thi ra đời, các nhà thơ đều ngâm vịnh tính tình cả, duy cổ nhân tính tình chân thật, khoáng đạt cho nên điệu cười, tiếng nói cũng có thể thành văn chương, tình và cảnh đều thấu đáo, thơ như thế thật là trác việt, không thể theo kịp được” (Tựa Tàng chuyết thi tập). Bình thơ của Vũ Huy Đĩnh, Ninh Tốn (thuộc thế hệ học trò họ Lê) viết: “thơ của thầy hùng hồn, sâu rộng, khéo đạt tới cái chân cơ, ý tứ của nó tinh thâm, lời lẽ nó đẹp đẽ, phong cách của nó phiêu dật như Đào Uyên Minh, câu chữ của nó điêu luyện như Đỗ Tử Mĩ” (Tựa Hoa trình học bộ tập), v.v… Chính sự phát triển quan niệm nội tại đó đã đưa các nhà thơ Việt Nam tới gần với tư tưởng của các nhà thơ Trung Hoa sau thời Đường Tống. Quan niệm của họ rất gần với tư tưởng của Nguyên Hiếu Vấn (đời Kim). Trong bài Tiểu hanh sĩ tự, Nguyên Hiếu Vấn viết: “Thơ Đường sở dĩ vượt hơn hẳn những sáng tác sau ba trăm bài Kinh Thi là nhờ [nó] hiểu cái gốc của nó vậy thôi. Thế nào gọi là gốc? Chính là chân thành vậy… Vì thế, từ tâm mà chân thành, từ chân thành mà phát nên lời, từ lời mà viết thành thơ vậy”(() Dẫn theo Vương Tiểu Thuẫn, Hà Thiên Niên, Tlđd, trang 24. ). Nguyên Hiếu Vấn có thể được coi là người mở đường cho những tư tưởng thi học mới ở thời Minh Thanh, cũng là người mở đường cho “thuyết quý chân” trong thi học đời sau. Đến thời Minh Thanh, tư tưởng của “thuyết quý chân” được biểu hiện rõ nhất qua thuyết “tính linh” của ba anh em họ Viên (Viên Hoành Đạo, Viên Tông Đạo, Viên Trung Đạo đời Minh) và chủ trương đề cao “tính linh” của Viên Mai (đời Thanh). Theo Nguyễn Khắc Phi, “thuyết tính linh” gồm ba nhân tố cơ bản là “chân tình”, “cá tính” và “tài năng” trong đó, “chân tình” được coi là “hạt nhân của thuyết tính linh”() Nguyễn Khắc Phi – Thơ văn cổ Trung Hoa, mảnh đất quen mà lạ, Nxb Giáo dục, H, 1998, trang 420 – 422. . Vậy, liệu Lê Quý Đôn và các tác giả Việt Nam đương thời có biết đến và chịu ảnh hưởng của “thuyết tính linh” hay không? Về vấn đề này, ông Trần Nho Thìn xác quyết rằng không có chuyện ảnh hưởng đó, bởi vì: “thực ra chỉ thấy Cao Bá Quát trong thế kỉ XIX đề cập đến khái niệm tính linh còn trước đó, Lê Quý Đôn và các nhà thơ thế kỉ XVIII chỉ nói đến tình. Trong thế kỉ XVIII, cả lí luận và thực tiễn văn học đều nhấn mạnh đến tình như quan niệm thi duyên tình của Lục Cơ đời Tấn”(() Trần Nho Thìn – Văn học Việt Nam trung đại dưới góc nhìn văn hoá, Nxb Giáo dục, H, 2003, trang 159 – 160. ). Theo chúng tôi cũng không hẳn là như vậy. Chưa thể nói đến một sự ảnh hưởng sâu sắc, trực tiếp của “thuyết tính linh” đến Lê Quý Đôn và các nhà thơ thời đại ông, nhưng không thể phủ nhận được hình bóng của nó, càng không thể phủ nhận được một sự thật là Lê Quý Đôn và các nhà thơ thế kỉ XVIII có dùng khái niệm “tính linh”. Theo khảo sát của chúng tôi, có ba tác giả thế kỉ XVIII sử dụng khái niệm này, đó là Lê Quý Đôn, Ninh Tốn và Phan Lê Phiên(() Xem: Lê Quý Đôn (điều 13 thiên “Văn nghệ” sách Vân Đài loại ngữ); Phan Lê Phiên (bài khải về Ngự chế Càn nguyên thi tập); Ninh Tốn (Tựa Hoa trình học bộ thi tập).).. Dĩ nhiên, sự xuất hiện của thuật ngữ này không đồng nghĩa với việc các nhà thơ Việt Nam thế kỉ XVIII có chịu ảnh hưởng trực tiếp của “thuyết tính linh” bên Trung Hoa, bởi vì từ tính linh vốn đã xuất hiện ở Trung Hoa ít nhất phải từ thời Tấn (trong sách Tấn thư, Thiên “Nhạc chí” (() Hán ngữ đại từ điển, tập 7, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, 1997, trang 480.)), sau liên tiếp được các tác giả thời Lương (Nhan Chi Thôi), Đường (Bạch Cư Dị), Tống (Dương Vạn Lý) sử dụng. Đến đời Minh, Thanh, nó mới được đẩy lên thành lý luận về bản chất của thơ, trở thành một lý thuyết thi học quan trọng. Do đó, từ “tính linh” có nhiều nghĩa. Theo Hán ngữ đại từ điển, “tính linh” có 4 nghĩa: 1) thế giới nội tâm con người chỉ tinh thần, tư tưởng, tình cảm…; 2) chỉ tính tình; 3) chỉ trí tuệ, sự thông minh; 4) liên quan đến “thuyết tính linh” của Viên Hoằng Đạo, Viên Mai(() Hán ngữ đại từ điển, tập 7, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, 1997, trang 480.) mà nội hàm đã dẫn ở trên. Lê Quý Đôn và những người cùng thời có thể dùng khái niệm tính linh không như quan niệm của các tác giả đời Minh Thanh mà dùng với các nghĩa thông thường. Nhưng sự xuất hiện bất ngờ (trước đó chưa thấy có) với con số nhiều (3 tác giả), phải chăng là ngẫu nhiên? Điều này còn cần phải tiếp tục được nghiên cứu nhưng nhìn chung tinh thần của những lời phát biểu trên đây không ra ngoài chủ trương của “thuyết tính linh” đời Minh Thanh. Tóm lại, có thể nói, với mệnh đề nêu trên, Lê Quý Đôn đã tiếp cận được một phương diện quan trọng của quan niệm thơ, đó là giải quyết được câu hỏi: bản chất (hay nguồn gốc) của thơ là gì? Quan niệm của Lê Quý Đôn phản ánh và bắt kịp với tình hình quan niệm thơ chung trong và ngoài nước lúc bấy giờ.
2. Thuyết “Tam yếu”
Lê Quý Đôn viết:
“Cho nên ngu tôi từng cho rằng thơ có ba điều cốt yếu, một là Tình, hai là Cảnh, ba là Sự. Sáo trời kêu ở bên trong mà Tình rung động bởi then máy. Nhãn căn tiếp xúc với bên ngoài mà Cảnh chạm vào Ý. Soi xưa, chứng nay, chép hành vi, thuật dấu tích mà Sự được nghiền ngẫm nhờ tinh thần cứu xét, lượm nhặt. Tuy việc sáng tác không chỉ có một mối, nhưng đại khái cũng không ra ngoài ba điều cốt yếu ấy. Hơn nữa, lại lấy ôn, nhu, đôn, hậu làm gốc của thơ. Còn như các yếu tố là thể thế, chỉ thú, âm tiết, cách điệu đều là bàn thêm mà thôi. Tình là Người, Cảnh là Trời, Sự là việc hợp cả Trời và Người mà xâu chuỗi chúng lại vậy. Lấy Tình tham Cảnh, hội Sự, gặp Sự thì phát ra thành lời, nhân đó mà hình thành tiếng. Cảnh không dự định mà tự đến, lời không mong khéo mà tự khéo, (thơ có được như vậy) thì có thể tới được gần (cái hay của) Li Tao và Kinh Thi. Lời bàn của các bậc tiên chính chưa từng ra ngoài những điều ấy”.
Ở đây có hai vấn đề cần tìm hiểu: một là, nguồn gốc của “thuyết tam yếu” và hai là nội dung, giá trị của nó.
Về nguồn gốc của cái gọi là “tam yếu” (Tình, Cảnh, Sự) trong quan niệm của Lê Quý Đôn, có nhiều ý kiến thú vị. Theo Phương Lựu, đó là sự đúc rút tổng kết của Lê Quý Đôn trải qua một quá trình lịch sử lâu dài từ những quan niệm đơn giản hơn. Theo ông, Tình, Cảnh, Sự đã xuất hiện từ lâu trong quan niệm thơ của các tác giả Việt Nam (thế kỉ XIV - XV), nhưng các yếu tố này còn chưa gắn kết với nhau thành một khối thống nhất và biện chứng. Lê Quý Đôn là người có công thống nhất ba yếu tố đó trong một chỉnh thể quan niệm(() Phương Lựu – Tlđd, trang 203. ). Vương Tiểu Thuẫn, Hà Thiên Niên, thì cho rằng, quan niệm của họ Lê rất gần với quan niệm của Hiệp Nhiếp trong bài Nguyên thi (Biện luận về nguồn gốc của thơ) như sau: “Là lí, là sự, là tình, nói ba điều này đủ để đi đến cùng tận mọi biến thái của vạn vật”, “ví như một cây, một cụm cỏ, cái có khả năng phát sinh, đó là lí, cái đã phát sinh, đó là sự, sau khi đã nảy sinh rồi, trồng tưới từ nhỏ đến lớn, thành muôn hình vạn trạng, hoặc là cái thú tự được, ấy là tình”(() Dẫn theo Vương Tiểu Thuẫn, Hà Thiên Niên, Tlđd, trang 24.). Theo Vương Tiểu Thuẫn và Hà Thiên Niên: “Tuy ba điều cốt yếu “tình, cảnh, sự” mà họ Lê nêu lên so với Hiệp Nhiếp có khác một chút, nhưng điểm chung của họ là cùng nhấn mạnh yếu tố nội dung, cũng như lấy thế giới đối tượng tác động đến tâm hồn con người làm cội nguồn của nghệ thuật thi ca”(() Vương Tiểu Thuẫn, Hà Thiên Niên, Tlđd, trang 24. ). Trong quá trình tìm hiểu lịch sử thi luận Trung Quốc, chúng tôi lại tìm ra sự tương đồng giữa “thuyết tam yếu” của họ Lê với quan niệm của Tạ Trăn (đời Minh). Tạ Trăn là một nhân vật quan trọng trong phái Hậu Thất Tử, bên cạnh những Lí Phan Long, Vương Thế Trinh. Trong Tứ minh thi thoại, Tạ Trăn đã đề ra thuyết “ba chỗ phải thực hiện rất cốt yếu” (tam khẩn yếu hạ thủ xứ), đó là: “sự, tình, cảnh. Nếu được một câu rất cốt yếu (như vậy) thì cả bài thơ sẽ hoàn thành” (viết sự, viết tình, viết cảnh. Nhược đắc khẩn yếu nhất cú, tắc toàn thiên lập thành). Ở đây, theo Tạ Trăn bài thơ hình thành là do các yếu tố “tình”, “cảnh”, “sự” hợp thành. Tạ Trăn cũng cho rằng: “Làm thơ gốc là ở tình, cảnh, chỉ một thứ thôi thì không đủ, mà chúng cũng không được đối lập với nhau. Phàm khi lên cao có tứ, thì thần giao tiếp với cổ nhân, đi đến tận cùng bởi sự xa gần, quan hệ bởi sự buồn vui, ấy là ngẫu nhiên mà nương tựa vào nhau, tạo nên hình trạng từ chỗ không dấu tích, gây âm hưởng từ chỗ vô thanh vậy”(() Dẫn theo Tiêu Hoa Vinh – Trung Quốc thi học tư tưởng sử, Hoa Đông sư phạm đại học xuất bản xã, Thượng Hải, 1996, trang 258 – 259. ).
Những lời phát biểu như vậy khá gần gũi với “thuyết tam yếu” của Lê Quý Đôn, đặc biệt là cả hai ông đều nhấn mạnh đến ba yếu tố “Tình, Cảnh, Sự” trong khi làm thơ. Nhưng chúng tôi không cho rằng Lê Quý Đôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của Tạ Trăn. Thiết nghĩ, chẳng qua đó là sự “gặp gỡ giữa các thiên tài” mà thôi. Và giả như có mối liên hệ trực tiếp đi nữa thì lí thuyết của Tạ Trăn cũng chỉ là gợi ý cho Lê Quý Đôn phát triển tư tưởng của mình, chứ tuyệt nhiên Lê Quý Đôn không rập lại tư tưởng của Tạ Trăn. Vì vậy, chúng ta vẫn cần bám sát vào thực tế lịch sử văn học Việt Nam để lí giải nguồn gốc thuyết “tam yếu” của Lê Quý Đôn. Trên kia, ta đã thấy cách làm và kết quả khá thú vị của Phương Lựu, Lê Quý Đôn đã tổng kết từ lịch sử quan niệm thơ của dân tộc. Bây giờ nhiệm vụ của ta là tìm thêm “đồng minh” với Lê Quý Đôn đương thời. Người đó phải chăng là Phạm Nguyễn Du? Trong bài Tựa Phụng thị cung kỉ thi tập, Phạm Nguyễn Du viết: “Mỗi thời mỗi sự, mỗi sự mỗi cảnh, tức sự mà có thể ngụ hết hứng vào đó, gặp cảnh thì không gì là không nảy ra ý. Lúc bấy giờ, câu thơ theo hứng mà nảy sinh, bút đuổi theo ý mà thành thơ, phát ra cái tình nhàn nhã lúc rỗi công việc, nêu lên cái nỗi lòng chân thực mà riêng mình có”(() Phạm Nguyễn Du – Thạch Động văn sao, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu, VHv.84/1.). Như vậy là chúng ta đã giải quyết tương đối ổn thỏa vấn đề nguồn gốc “thuyết tam yếu”. Bây giờ ta hãy đi sâu tìm hiểu nội dung và giá trị của nó đối với truyền thống thi luận của dân tộc.
Lê Quý Đôn đưa ra “ba điều cốt yếu” của thơ là: Tình, Cảnh, Sự. Ta cần giải thích ba yếu tố này. Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu đã thống nhất trong cách giải thích hai yếu tố Tình và Cảnh. Còn yếu tố Sự, hiện có hai luồng ý kiến. Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng, Sự chính là các hoạt động đời sống, là sự kiện xã hội được nhà thơ lĩnh hội. Nhưng riêng Đỗ Văn Hỉ, bằng việc phân tích tỉ mỉ đoạn văn vừa dẫn dựa trên nền tảng lí luận văn học hiện đại đã cho rằng, Sự chính là “ý tượng” và lời phát biểu trên đây của họ Lê là để “trình bày một quá trình thai nghén tác phẩm và cái gì là tiền đề cho tác phẩm đó”. Quá trình này được ông biện giải như sau: “ý nghĩ (tình) và hình ảnh (cảnh) ở bên trong luôn xáo động cho tới một lúc nào đó nó được định hình một cách rõ nét, cái đó được các nhà nghiên cứu văn học thời nay gọi là ý tượng văn học, mà thời xưa Lê Quý Đôn gọi là sự”(() Đỗ Văn Hỉ, Tlđd, trang 33). Ý tượng là gì? Đỗ Văn Hỉ dẫn lời Lê Hữu Khải định nghĩa: “ý tượng là những mẩu vụn của cuộc đời thực tại được thấm nhuần chất trí tuệ, tình cảm, được biến hoá trong một môi trường tâm linh thành một thực thể, tiêu biểu cho một cái gì, và do đó đã trở thành một ấn tượng mà xã hội cung cấp cho văn nghệ sĩ để tạo tác” (Thẩm mĩ học)(() Đỗ Văn Hỉ, Tlđd, trang 33. ). Ý kiến của Đỗ Văn Hỉ là một ý kiến mới, sâu sắc mang tính đột phá trong việc tìm hiểu quan niệm thơ của Lê Quý Đôn. Tuy nhiên, vì quá mới mẻ cho nên có phần đi quá xa thực tế và rõ ràng chưa đủ thuyết phục nhiều người. Nếu quan niệm Sự là “ý tượng” thì giải thích câu “Soi xưa, chứng nay, chép hành vi, thuật dấu tích mà Sự được nghiền ngẫm nhờ tinh thần xem xét lượm nhặt” thế nào. Đã là “ý tượng” thì còn cần “được nghiền ngẫm nhờ tinh thần cứu xét, lượm nhặt chăng” ? Còn câu “Lấy Tình tham Cảnh, hội Sự, gặp Sự thì phát ra thành lời, nhân đó mà hình thành tiếng” thì cần giải thích ra sao? Sở dĩ, Đỗ Văn Hỉ suy ra Sự là “ý tượng” chủ yếu bởi câu: “Tình là Người, Cảnh là Trời, Sự là việc hợp cả Trời và Người mà xâu chuỗi chúng lại vậy”. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, đây chỉ là lời khẳng định tầm quan trọng của Sự trong việc gắn kết các yếu tố Tình (tình cảm) và Cảnh (hình ảnh thế giới khách quan) trong bài thơ mà thôi. Vậy Sự là gì?
Theo chúng tôi, khi tìm hiểu yếu tố này, cần hiểu cặn kẽ chữ “Sự” trong nguyên bản. Thông thường, Sự là sự kiện, sự việc. Điều đó hiển nhiên là đúng, nhưng chưa đủ. Trong thơ văn xưa, Sự còn được hiểu là: điển tích, điển cố. Việc sử dụng điển tích, điển cố còn được gọi là “dụng sự”. Theo Lưu Hiệp trong thiên “Sự loại” sách Văn tâm điêu long thì “dụng sự” tức là “lấy việc xưa có liên quan để qua đó nêu lên được cái nghĩa cùng loại, lấy xưa mà làm chứng cho nay vậy” (Cứ sự dĩ loại nghĩa, viện cổ dĩ chứng kim)() Dẫn theo Tiêu Hoa Vinh, Tlđd, trang 83. . Ta hãy thử xem Lê Quý Đôn quan niệm thế nào về sự. Ông nói: “Soi xưa, chứng nay, chép hành vi, thuật dấu tích mà Sự được nghiền ngẫm nhờ tinh thần cứu xét lượm nhặt” (Ấn cổ chứng kim, kí hành thuật tích, sự cứu hồ thu lãm chi tinh thần). Cách diễn đạt của Lê Quý Đôn rất giống với cách nói của Lưu Hiệp. Như vậy, ở đây, rõ ràng Lê Quý Đôn đang bàn về việc làm thơ trong đó, “dụng sự” là một khâu quan trọng. Câu tiếp theo của Lê Quý Đôn cho ta biết điều đó, “Tuy việc sáng tác không chỉ có một mối, nhưng đại khái cũng không ra ngoài ba điều cốt yếu ấy” (Tuy tác giả phi hữu nhất đoan khái bất xuất hồ thử tam yếu chi trung). Tuy nhiên, cũng không nên thu hẹp chữ Sự của Lê Quý Đôn trong cái nghĩa là sử dụng điển tích, điển cố. Có thể hiểu rộng hơn về Sự như là sự kiện, hiện tượng, sự việc diễn ra trong đời sống mà nhà thơ được tiếp xúc trực tiếp hoặc qua sách vở, có thể là sự kiện ngày xưa mà cũng có thể là sự kiện đương thời,…như chữ Sự mà Phạm Nguyễn Du đã dùng. Còn trong tác phẩm thì Sự là gì? Theo chúng tôi, Sự của Lê Quý Đôn không trừu tượng, sâu xa đến mức là “ý tượng” như Đỗ Văn Hỉ phân tích, nhưng có thể hiểu Sự là yếu tố “tự sự” (narrative) trong tác phẩm thơ, hay nói nôm na là trong bài thơ phải có “việc”, phải có “tình huống”, có “nội dung”... Cách hiểu này có lẽ thích hợp hơn với những lời phát biểu của Lê Quý Đôn, nhất là câu: “Người, Cảnh là Trời, Sự là việc hợp cả Trời và Người mà xâu chuỗi chúng lại vậy. Lấy Tình tham Cảnh, hội Sự, gặp Sự thì phát ra thành lời, nhân đó mà hình thành tiếng”. Về điều này thì chính Đỗ Văn Hỉ đã nhận xét rất xác đáng, rằng: “Để phê phán một quan niệm sai lầm: cái hay của thơ là ở mặt hình thức của một số nhà thơ Trung Hoa thời trước, Lê Quý Đôn đã đưa ra một quan niệm mà chính ông đã thể nghiệm được để rồi từ đó ông đi tới chỗ khẳng định cái hay trong thơ không phải chỉ thuần tuý thuộc về hình thức, mà còn thuộc về nội dung…Đây là cống hiến lớn lao của Lê Quý Đôn đối với nền lí luận thơ ca của nước ta thời quá khứ”(() Đỗ Văn Hỉ – Tlđd, trang 35. ). Tóm lại, “thuyết tam yếu” của Lê Quý Đôn đã chỉ ra được những thành tố cơ bản của một tác phẩm thơ và phân tích một cách biện chứng mối quan hệ giữa các yếu tố đó, một việc làm không thường gặp ở các tác giả văn học Trung đại Việt Nam, chứng tỏ một trình độ lí luận thơ ca khá cao của vị học giả này.
III. KẾT LUẬN
Qua phân tích, tìm hiểu lại hai chủ thuyết cơ bản của Lê Quý Đôn về thơ là “thuyết quý chân” và “thuyết tam yếu”, chúng ta thấy nổi lên trong phương pháp làm việc khoa học của Lê Quý Đôn hai đặc điểm. Thứ nhất là sự uyên bác, cần mẫn tìm tòi, lựa chọn và tổng kết các thành tựu học thuật của những người đi trước, của văn hoá trong và ngoài nước. Thứ hai là sự suy ngẫm, đúc rút hết sức riết róng của ông từ kinh nghiệm của bản thân và từ thực tiễn đương thời. Chính phương pháp làm việc đó đã đưa giúp cho Lê Quý Đôn đến với những kết luận đáng tin cậy, có giá trị khoa học, không chỉ có ý nghĩa đối với thời đại ông mà với cả thời hiện đại./.
[Bài đăng Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP Hà Nội, số 5/2005]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét