Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Giới thiệu văn bản Việt âm thi tập mới

Lâu nay, nói về cuốn thi tuyển đầu tiên của dân tộc, Việt âm thi tập (VATT), các nhà nghiên cứu thường ngậm ngùi bởi tình trạng bản gốc thất lạc, bản in lại năm Bảo Thái thứ 10 (1729) (ký hiệu A.1925, quy ước gọi là bản A) thì hiện tại chỉ còn 3 quyển (I, II, III) và phần Phụ Bổ di, thiếu hẳn 3 quyển còn lại theo như mục lục của nó, nghĩa là các tác phẩm được tuyển chỉ dừng lại ở đời Trần. Điều này được nói đến trong các công trình thư mục học và các bài khảo luận văn bản (1). Thế nhưng, vừa qua, nhân dịp khảo sát lại hệ thống thi tuyển của Việt nam thời Trung đại, chúng tôi tình cờ phát hiện được một bản VATT khác với các văn bản đã mô tả. Đó là cuốn VATT mang ký hiệu R.1629 (chúng tôi quy ước là bản B) của Thư viện quốc gia Hà Nội.
Bản R.1629 là một bản chép tay trên giấy dó cũ còn tốt, viết chữ chân có đá thảo, nhìn chung dễ đọc. Sách dày 48 tờ (96 trang, không kể tờ bìa ghi tên "VATT") khổ 29cm x 17 cm, viết mỗi trang 9 cột (có trang chỉ có 8 cột) chữ Hán (mỗi cột khoảng 20 đến 22 chữ), chép liên tục các bài thơ của nhiều tác giả khác nhau, đến tờ 48 thì sách bị rách mất các tờ sau. Tên mỗi bài thơ hay tác giả của nó thì viết trồi lên đầu cột một chữ hay nếu ở giữa cột thì viết cách ra một khoảng 2, 3 chữ. Sách có những đoạn cước chú về tác giả viết bằng chữ nhỏ hơn liền sau chữ lớn ghi tên tác giả. Đôi khi cũ ng có một vài chú thích về tác phẩm.
Khảo sát kỹ thì thấy sách được chép vào đời Nguyễn trở về sau, có thể vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, vì các chứng cớ sau đây:
- Tất các chữ kỵ huý đầu triều Lê, trừ chữ Trần (陳) viết thành Trình (程) (trong bài tựa của Lý Tử Tấn, không có trong bản B), trong bản VATT (bản A) như: "Trần" (陳) [viết tránh là ( )], "Anh" (英) [viết tránh là ( )], "Long" (龍) [viết tránh là ( )] (các chữ này chắc là xuất hiện trong bản in lần đầu khoảng năm 1459, lần "trùng san" năm 1729, người cho khắc in vẫn "sao y nguyên bản") đều viết trở lại nguyên dạng không tỵ huý. Điều đó chứng tỏ sách không chép dưới triều Lê, không chịu ảnh hưởng của lệ kiêng huý triều Lê.
- Nếu triều Lê được bản A gọi là "Quốc triều" 國朝 (xem mục lục bản A) thì bản B đổi thành "Lê triều" 梨朝 (xem đầu quyển IV bản B). Cách xưng hô đó chứng tỏ người chép không sống dưới triều Lê nữa, hay ít ra vào lúc triều Lê đã mạt vận.
- Tất cả các chữ "Tông" (宗) trong văn bản (chẳng hạn ghi tên Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Phạm Tông Mại, Bùi Tông Hoan…) đều nhất loạt bị đổi sang chữ "Tôn" (尊). "Tông" là chữ kỵ huý vua Thiệu Trị (1841 - 1847) được kiêng huý bằng cách viết bớt nét chữ "Tông" thành ( ) hoặc đổi "Tông" sang "Tôn". Sách này theo cách thứ hai.
- Tất cả các chữ "thời" (時) trong văn bản (chẳng hạn: thời nhân, thời Nhân Tông dĩ thiền vị xuất gia…) đều nhất loạt đổi thành chữ "thần" (辰). "Thời" là chữ kỵ huý vua Tự Đức (1848 - 1883) được kiêng huý bằng cách viết ngược nét chữ "thời" từ (時) thành ( ) hay đổi "thời" ra "thần" (2). Sách này cũng theo cách thứ hai.
Như vậy có thể thấy sách phải chép vào đời Nguyễn (có lẽ là dưói thời Tự Đức, tương tự như bản A.3038 - quy ước gọi là bản C - cũng được chép trong thời gian này, cụ thể là năm Tự Đức thứ 34, 1881). Kết luận đó không mâu thuẫn với cứ liệu về chất giấy, chất mực và kiểu chữ của văn bản. Tất nhiên, cũng có thể sách chép muộn hơn, vì sau lệ kiêng huý đó, lối viết kiêng húy như trên đã thành tập quán tồn tại lâu dài trong các văn bản; cũng có thể có hiện tượng "giả mạo", nhưng khả năng này không lớn (xem phần tới của bài viết).
Thứ tự trình bày của sách như sau:
- Bìa (trang đầu tiên, chúng tôi không đánh thứ tự) đề 4 chữ: "Việt âm thi tập".
- Thượng tiến VATT biểu (của Chu Xa) [tờ 1a - 2b]. Sách cũng không ghi thêm một dòng về niên đại nào.
- Hai dòng lạc khoản sau bài biểu: "Quốc sử viện đồng biên tu Phan Phu Tiên biên tập. Hàn lâm viện học sĩ nhập thị kinh diên Nguyễn Tử Tấn phê điểm." [cuối tờ 2b]. Sau đó, sách chép luôn vào chính văn [từ tờ 3a đến tờ 48b].
- Chính văn: ghi chép thơ của các tác giả từ đời Trần đến đầu đời Lê (cụ thể là từ Trần Thái Tông đến (Nguyễn) Lý Tử Tấn (xem bảng thống kê ở phụ lục).
Nếu so với bản A, thì bản B có mấy điểm khác sau đây:
- Không chép hai bài tựa: Tân san VATT tự (Phan Phu Tiên) và Tân tuyển VATT tự (Lý Tử Tấn) lẫn thông tin về niên đại của chúng.
- Không có dòng ghi niên đại “Trùng san” hay “Trùng khắc” (Ví dụ: “Hoàng triều Bảo Thái thập niên, tuế tại Kỷ Dậu, Trọng xuân, Cốc nhật trùng san”).
- Không có bản Mục lục của cả bộ sách VATT.
- Không có phần ghi các thể lệ in ấn (như "Sắc tứ san hành"), người phê điểm (như "Chuyết Am phê điểm").
Theo trật tự trình bày nội dung của bản A, thì có thể thấy bản B mất (hoặc chép sót) khoảng 10 tờ đầu của văn bản VATT với các nội dung trên.
- Không có phần Phụ Bổ di như ở bản A.
- Không thấy ghi ký tự chia quyển, chỉ thấy ghi theo triều đại (Trần triều, Nhuận Hồ, Lê triều).
- Đặc biệt nhất là bản này có chép các tác giả và các tác phẩm của triều Lê (từ tờ 43 đến 48). Cụ thể, theo sách, là 4 tác giả với 34 bài. (Xem chi tiết ở Phụ lục I bảng thống kê và so sánh giữa bản B và bản A). Cụ thể:
1, Lê Thái Tổ: Thân chinh Thái Nguyên châu 身征太原州。Chinh Đèo Cát Hãn hoàn quá Long Thuỷ đê 征刁吉罕還過龍水堤。Thân chinh phục Bắc châu Đèo Cát Hãn 身征復北州刁吉罕。.
2, Lê Thái Tông: Thân chinh Vũ Lệnh hương 身征武令鄉。Thân chinh Nguyệt trại 身征月寨。.
3, Nguyễn Mộng Tuân: Thang bàn 湯盤。Thừa lộ bàn 承露盤。Ngự Lô hương 御爐香。Ngu mỹ nhân thảo. 虞美人草。Hoàng Vân bố trận 黃雲布陣。Nguyệt câu 月鉤。Hoàng thiên đãng 黃天蕩。Nhật sắc 日色。Vân thê 雲梯。; Kim giám [lục] 金鑒錄。Trầm Hương đình 沉香亭。 Bàn [trì] liên 盆池蓮。Từ Nho tử đình 徐孺子亭。Văn Diệm 文焰。Kim đằng 金藤。Thiết quyền 鈇券。Mai hoa nguyệt 梅花月。
4, Nguyễn Tử Tấn: Bình thi 評詩。Hoài lộc 懷祿。Đề Tống Thái Tổ tuyết dạ phỏng Triệu Phổ đồ 題宗太祖雪夜訪趙普圖。Đề ngư phụ nhập Đào Nguyên đồ 題漁父入桃源圖。Đề Vô Dật [đồ] 題無逸圖。Đề Lý Lăng, Tô Vũ hà lương tương biệt đồ 題李陵蘇武江樑相別圖。Đề Tử Lăng dĩ túc gia đế phục đồ 題子陵足加帝復圖。Bác Lăng đồ 博陵圖。Bát trận đồ 八陣圖。Đề Trần Bác Lạc Dương kỵ lư đồ 題陳博樂陽騎驢圖。Bạch Vân thân xá đồ 白雲身舍圖。Đề Minh phi đồ 題明妃圖。 (không đầy đủ).
Tuy nhiên, sau khi đối chiếu với Tinh tuyển chư gia thi tập (Dương Đức Nhan) và Toàn Việt thi lục (Lê Quý Đôn), chúng tôi thấy, toàn bộ các bài thơ bản B chép rằng của Lý Tử Tấn (12 bài nêu trên) thực chất là các tác phẩm của Nguyễn Mộng Tuân. Như vậy, ta có tất cả 29 bài thơ của Nguyễn Mộng Tuân. Tại sao lại có hiện tượng đó ?
Theo sự ghi chép ở Mục lục bản A thì quyển IV gồm 6 tác giả với 86 bài thơ trong tổng số 629 bài thơ của 116 đơn vị tác giả (3) (xem bảng thống kê ở phụ lục). Như vậy, bản B, quyển IV đã chép được 34/ 86 = 39,5 % số bài thơ (cũng có nghĩa là gần 40 % dung lượng quyển IV, nếu tính số tác giả thì bản B chép được một số bài thơ của 3/6 tác giả, chiếm 50 % số lượng tác giả của quyển IV). Vậy là, bản B đã chứa đựng non nửa quyển IV, một trong số 3 quyển mà lâu nay chúng ta cho là đã mất. Tuy không đầy đủ nhưng nó cụ thể hoá một phần những ghi chép ở Mục lục bản A. So sánh với bản Mục lục này (chép về quyển IV), ta thấy sách đã chép đúng được về hai tác giả là: Lê Thái Tổ (3 bài), Lê Thái Tông (2 bài). Còn 2 tác giả tiếp theo thì phần chép thơ Lý Tử Tấn (chưa đầy 12 bài) thực chất là tác phẩm của Nguyễn Mộng Tuân. Điều đáng nói ở đây là phần chép thơ Nguyễn Mộng Tuân. Mục lục bản A ghi 47 bài (cước chú bản B lại chỉ ghi 17 bài theo đúng như cơ cấu nêu trên), nhưng đếm đi đếm lại thì bản B chỉ còn có 29 bài (chênh lệch 18 bài). Điều này dễ hiểu vì sách đến đây thì bị rách, không thể khảo được nữa. Nhưng điều khó hiểu là vì sao người chép lại có thể nhầm lẫn thơ của Nguyễn Mộng Tuân sang thơ của Lý Tử Tấn? Có thể phỏng đoán rằng cuốn VATT mà người chép có trong tay có lẽ đã rách mất mấy trang giữa phần in thơ của Mộng Tuân (tức là đến bài thứ 17) với các bài còn lại cũng của Mộng Tuân (nếu giả thiết này đúng thì nó cho thấy bản VATT trong tay người chép này quả là một bản không đầy đủ, nên ở phần trên người sao không chép các bài tựa và mục lục. Không có mục lục nên người này không nắm được Nguyễn Mộng Tuân có tới 47 bài chứ không phải 17 bài, và các cước chú về số lượng các bài thơ của một số tác giả là do cước chú cũ trong bản được sao hoặc do người chép tự đếm dựa trên thực tế văn bản, cũng có thể vẫn có mục lục nhưng mục lục không được đầy đủ hoặc đầy đủ nhưng người xưa không để ý). Người chép đọc đến bài thứ 17 này thì cho rằng đến đây có thể thơ của Mộng Tuân đã hết nên cước chú là thơ Mộng Tuân chỉ có 17 bài. Nhưng khi chép sang phần còn lại của thơ Mộng Tuân, ông không biết là thơ của ai bèn căn cứ vào thứ tự trong mục lục (bây giờ người chép mới nhìn lại mục lục ?) mà phỏng đoán rằng đó là thơ của Lý Tử Tấn và cước chú theo mục lục (32 bài), rồi nghiễm nhiên chép thơ của Mộng Tuân thành thơ của Tử Tấn. Lúc bấy giờ, người này hoàn toàn có điều kiện để kiểm tra xem liệu đó có phải là thơ của Tử Tấn hay không (nếu người đó đọc Tinh tuyển chư gia luật thi, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển…vv…). Nhưng có lẽ do sơ xuất hoặc do không sẵn các tư liệu đó trong tay nên vẫn cứ tiện chép như vậy. Điều đó dẫn đến những "xuất nhập" nêu trên.
Chúng ta cũng có quyền nghi ngờ độ tin cậy của bản chép tay này. Rất có thể phần quyển IV này được chép thêm vào nhờ việc căn cứ vào mục lục và tra các bộ thi tuyển khác như Tinh tuyển chư gia luật thi, Ho àng Việt thi tuyển… và đặc biệt là Toàn Việt thi lục. Như ta biết, đầu thế kỷ XX, Học viện Viễn Đông bác cổ (BEFEO) có cho thuê chép các văn bản Hán Nôm. Một số người chép không trung thực đã tìm nhiều cách để nối dài thêm văn bản được thuê chép hòng kiếm thêm tiền công. Cũng có thể là sự "hiếu sự" của một ông đồ Nho nào đó muốn làm dày hơn tập sách của mình…Tuy nhiên, điều này theo chúng tôi ít khả năng xảy ra vì nếu có hiện tượng căn cứ vào các bộ thi tuyển nêu trên thì khó có thể có hiện tượng nhầm thơ Nguyễn Mộng Tuân thành thơ Lý Tử Tấn nêu trên. Bản R.1629 cũng không phải là sách của thư viện BEFEO cũ theo như lai lịch của nó.
Như vậy, việc xuất hiện một bản VATT kể ra cũng là một hiện tượng cần chú ý. Tuy nó không cung cấp cho ta thêm một tác phẩm mới nào (vì Toàn Việt thi lục đã chép lại hầu như toàn bộ VATT rồi) nhưng cũng cho ta biết thêm về diện mạo của VATT ngoài những gì chúng ta đã biết. Hơn thế, từ đó ta có thêm cứ liệu khảo sát lại việc biên soạn Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn cũng như so sánh với các bộ thi tuyển khác như Tinh tuyển chư gia luật thi, Trích diễm thi tập… Độ tin cậy của văn bản vẫn là một vấn đề còn tồn tại. Nếu giải quyết được triệt để vấn đề này chúng ta sẽ có thêm một dị bản VATT. Vậy nay xin giới thiệu ra đây để quý vị cùng quan tâm chỉ chính và bổ khuyết cho.

Hà Nội, tháng 9 năm 2004.

CHÚ THÍCH
(1) Chủ yếu là các công trình thư mục học của:
- Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1, Nxb KHXH, H, 1971; Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 2, Nxb KHXH, H, 1990.
- Nguyễn Huệ Chi: "Khảo luận văn bản", trong Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb KHXH, H, 1977.
- Trần Nghĩa & Francoise Gros: Di sản Hán Nôm Việt Nam; mục lục đề yếu, 3 tập, Nxb KHXH, H, 1993.
(2) Theo Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu về chữ huý Việt Nam qua các đời, Luận án TS, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H, 1997.
(3) Mục lục bản A, theo sự thống kê của chúng tôi có tất cả 612 bài của 113 đơn vị tác giả. Nếu cộng với 10 bài dư trong thực tế (ở quyển I) và 7 bài ở Bổ di quyển 3 thì vị chi ta được tất cả 629 bài của 116 đơn vị tác giả (Trần Văn Giáp tính gộp tất cả mới được 624 bài ? với 119 tác giả, với điều kiện là ông không trừ đi 4 tác giả đã xuất hiện ở các quyển trước phần Bổ di, nếu tính theo cách của ông thì con số của chúng tôi là 120 đơn vị tác giả, kể cả 1 đơn vị gọi là tác giả khuyết danh).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét