Nguyễn Công Trứ là một nhà thơ lớn trong nền văn học Việt Nam. Tác phẩm của ông hiện còn không nhiều nhưng để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn học. Đó là một phong cách thơ độc đáo, mới mẻ, đầy cá tính và sáng tạo. Nguyên nhân nào đưa đến thành công này? Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là Nguyễn Công Trứ sáng tác dưới sự “chỉ đạo” của một hệ thống quan niệm thi học(1) riêng, độc đáo. Những quan niệm đó là gì? Bài viết này sẽ bước đầu trả lời câu hỏi đó.
Quan niệm thi học của Nguyễn Công Trứ không được phát biểu trực tiếp thành những tiểu luận, chuyên luận, công trình tập trung mà chỉ được phát biểu rải rác, gián tiếp, không chính thức trong thơ ông. Tổng hợp những phát biểu đó, ta thấy chúng tập trung vào hai vấn đề lớn:
1. Quan niệm về đặc trưng thể loại
Khi bàn về “văn” nói chung (trong tương quan với “võ”), Nguyễn Công Trứ từng khẳng định:
Văn dìu cánh phượng yên trăm họ,
Võ thét oai hùm dẹp bốn phương.
Gặp hội thái bình văn trước võ,
Võ đâu dám sánh khách văn chương.
[Vịnh văn võ](2)
Một mặt, ta thấy mặc dù Nguyễn Công Trứ có quan điểm “văn võ kiêm dụng” (dùng cả văn lẫn võ) nhưng ít nhiều vẫn trọng văn hơn võ, mặt khác quan trọng hơn, ta thấy Nguyễn Công Trứ chú trọng chức năng “kinh bang tế thế” của “văn” (“yên trăm họ”). Cố nhiên, “văn”, “văn chương” ở đây không phải như ngày nay chúng ta quan niệm, mà là tổng thể các tri thức văn hóa (nho, y, lí, số, sử, địa,v.v...) trong đó có thơ. Việc nhấn mạnh chức năng thực tiễn của “văn” như trên không có gì mới, nó là quan niệm thường thấy trong văn học Trung đại(3).
Tuy nhiên, khi nói về chức năng của riêng thơ, Nguyễn Công Trứ lại có một quan niệm khác hẳn: thơ là để giãi bày cảm xúc, chí hướng và đặc biệt là để tiêu khiển, giải trí. Trong bài Luận kẻ sĩ, Nguyễn Công Trứ đã xác định khá rõ chức năng của thơ văn qua từng chặng đường đời của kẻ sĩ:
Khi ra giúp đời thì:
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị,
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí.
(Lấy lời nghị luận chính đáng mà giúp việc giáo hóa,
Lấy chính đạo ngăn những thuyết sai lầm, những lời huyền hoặc)
Khi về ở ẩn thì:
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
[Luận kẻ sĩ]
Sự phân phối chức năng rõ ràng như vậy cho thấy ý thức về thể loại khá sâu sắc của Nguyễn Công Trứ. Quan niệm này phần nào tương đồng với sự phân biệt của Phan Huy Chú giữa một bên là văn “trước thuật” và bên kia là văn “ngâm vịnh”: “Trước thuật vốn là bắt nguồn từ thể văn Kinh Thư, Kinh Xuân Thu mà ra, cô đọng, sâu suốt, bao quát, xa rộng, cốt ở tính chất mực thước và hệ thống... Còn ca vịnh thì lại bắt nguồn từ thể tỉ và hứng ở Kinh Thi, ở nỗi xúc cảm, tiếng than thở của Li Tao, diễn đạt tình cảm đến tột mức và thâu tóm được mọi cảnh hay việc lạ; thông thường đấy là lời kí thác tâm sự của những bậc tao nhân cơ khách sống trong cảnh đất khách quê người...” [Tựa Quế Đường thi tập](4). Tuy nhiên, sự phân biệt của Phan Huy Chú mới dừng lại ở những nhận thức chung về sự khác biệt giữa hai bên chứ chưa có những kiến giải thực sự mới mẻ (đặc biệt là về thơ). Nguyễn Công Trứ không chỉ dừng lại ở đó. Bằng kinh nghiệm sáng tác của mình, Nguyễn Công Trứ đã đưa ra những quan niệm mới mẻ về đặc trưng (chức năng) thể loại. Theo ông, mỗi thể loại có một sở trường, và sở trường của thơ là ở sự tiêu khiển, thỏa mãn nhu cầu tình cảm của con người. Đặc biệt ở Nguyễn Công Trứ, đã có sự dịch chuyển chức năng thơ, từ “hành đạo” sang “giải trí”, từ “làm” sang “chơi”, từ “đạo đức” sang “nghệ thuật”. Trong nhiều bài thơ, ta thường thấy Nguyễn Công Trứ nói đến “cầm, kì, thi, tửu” như bốn thú chơi tao nhã, bốn thú để “hành lạc”, “ăn chơi” của người người tài tử:
- Cầm, kì, thi, tửu,
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay.
[Cầm kì thi tửu, bài 2]
- Thi, tửu, cầm, kì khách,
Phong vân tuyết nguyệt thiên.
Nợ tang bồng hẹn khách thiếu niên,
Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí.
[Cầm kì thi tửu, bài 3]
- Đàn một cung, cờ một cuộc, thơ một túi, rượu một bầu,
Khi đắc chí ngao du, ờ cũng phải.
[Thích chí ngao du]
Thực ra, những văn nhân tài tử từ xưa nhiều người đã hành xử như Nguyễn Công Trứ. Trong thơ, ông cũng đã nhiều lần nhắc đến họ, những Lưu Linh, Đào Tiềm, Lí Bạch, Tô Đông Pha,v.v... Trong văn học Việt Nam, cũng không thiếu những hiện tượng như thế: Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Du, Phạm Thái, Cao Bá Quát,v.v... Tuy nhiên, không phải ai cũng thẳng thắn, mạnh dạn tuyên ngôn một cách đầy ý thức và riết róng như ông? Điều đó, cho thấy, đến Nguyễn Công Trứ, lối sống, quan niệm sống đã trở thành quan niệm nghệ thuật một cách tự giác. Đây là quan niệm khá mới mẻ, hiện đại ở thời ông. Nó trả về cho thơ chức năng đích thực mà cũng rất đời thường: thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ, dùng để tiêu khiển, thậm chí để “chơi”, để “hành lạc”.
Đọc tác phẩm Nguyễn Công Trứ, ta tuyệt nhiên không thấy ông nhắc đến những mệnh đề thi học truyền thống của Nho giáo nói riêng và của văn học Trung đại nói chung, như “thi giáo” (ôn, nhu, đôn, hậu), “hứng, quan, quần, oán”, “quan phong”, “giáo hóa”, “phúng gián”, “mĩ thích”, “khuyến thiện trừng ác”,v.v... Không phải Nguyễn Công Trứ không biết đến những quan niệm ấy. Trong bài đối sách đỗ Giải nguyên năm 1819, ta có thấy ông nhắc đến những quan niệm quen thuộc của Nho gia về thơ, như “ngôn chí chi thi” (thơ nói chí), “ý chỉ” quan phong, mĩ thích trong thơ Linh Đài, Hồng Nhạn, Chu Tụng (Kinh Thi), Nam phong,...(5) Tuy nhiên, đó là những quan niệm được ông trình bày trong một bài văn cử tử lúc ông còn chật vật trên con đường khoa hoạn. Trong sáng tác văn chương nghệ thuật, đặc biệt là sáng tác khi đã “tri thiên mệnh”, Nguyễn Công Trứ đã vượt qua những công thức ấy. Điều này tạo nên một sự khác biệt giữa ông với các nhà thơ đương thời trong đó có những tên tuổi lớn trên thi đàn như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Miên Thẩm, Nguyễn Miên Trinh, Thiệu Trị, Tự Đức,v.v... Đọc trước tác của những tác giả này, ta thấy họ nhắc nhiều đến những mệnh đề trên. Ngược lại, khi nói về thơ, Nguyễn Công Trứ bao giờ cũng gắn cho nó những cảm xúc cụ thể, những cảm xúc của cá nhân trong những hoàn cảnh cụ thể, rất đời. Không nói những trường hợp gián tiếp, chỉ nói về những trường hợp đề cập đến đối tượng là “thơ” (thi), ta thấy:
Có khi đó là niềm vui:
- Cầm tứ tiêu nhiên, kì tứ sảng,
Thi hoài lạc hỉ, tửu hoài nồng.
(Cung đàn hay, nước cờ sáng suốt,
Lòng thơ vui, tính rượu nồng nàn)
[Cầm kì thi tửu, bài 2]
Nhiều khi là nỗi buồn và sự giải thoát trong hành lạc:
- Gươm đoạn sầu, thơ trục muộn đủ rồi,
Còn lẽo đẽo vô trung sinh hữu.
[Vịnh sầu tình]
- Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề,
Có yến yến hường hường mới thú.
[Tài tình]
Đôi khi đó là cảm xúc băn khoăn đầy ngậm ngùi suy ngẫm:
- Thanh nhàn ngâm một vài câu,
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi?
[Nhàn nhân với quý nhân]
- Ngâm cùng trăng gió vài câu kiểng,
Tính với giang sơn mấy chuyện đời.
[Thích chí ngao du]
- Thơ buổi rượu luống qua trời sớm tối,
Bức cung thương dường phảng phất bên tai.
[Nhớ tri âm]
Thơ đến với ông từ những hoàn cảnh tự nhiên, từ sự “tức cảnh sinh tình” của người nghệ sĩ đa cảm:
- Dập dìu trăng mạn gió lèo,
Lỏng ngâm vân thủy, lơi chèo yên ba.
Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đặt,
Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền.
Bóng kì đài, trăng mặt nước như in,
Tàn thảo thụ, lum xum tòa cổ sát.
Chiếc cô lộ, mảnh lạc hà bát ngát,
Hỏi năm nao vũ quán điếu đài?
Mà cỏ hoa man mác dấu hương đài,
Để khách rượu làng thơ ngơ ngẩn!
...
Đồ thiên nhiên một áng yên ba,
Để khiến hứng câu thơ chén rượu.
[Vịnh Hồ Tây]
- Cỏ hoa đua muôn tía nghìn hồng,
Trên tiệc mở câu thơ cùng chén rượu.
[Ngày xuân]
Chính từ quan niệm như trên, ta thấy phần lớn những sáng tác thơ của Nguyễn Công Trứ viết là để bày tỏ nỗi niềm, sẻ chia tâm sự, bộc lộ những cảm nhận cá nhân trước thế thái nhân tình, trước thiên nhiên, ngoại vật và một một phần cũng không thể thiếu là trước những cuộc vui chơi, hành lạc. Và cũng chính vì quan niệm đó, Nguyễn Công Trứ đã tìm đến với thơ hát nói, một thể loại khá phóng túng, tự do giúp ông thể hiện cá tính, tâm hồn của mình một cách đắc dụng nhất.
2. Quan niệm về nhà thơ
Từ quan niệm về đặc trưng thể loại như vậy, Nguyễn Công Trứ cũng có quan niệm độc đáo về nhà thơ. Nhà thơ trong quan niệm của Nguyễn Công Trứ đã rủ bỏ đi cái vẻ đạo mạo, đạo đức, nghiêm trang một bề của nhà Nho truyền thống để thể hiện mình như một người nghệ sĩ đích thực, khác người thường. Trong thơ, Nguyễn Công Trứ thường tự thể hiện mình với nhiều vẻ. Có khi đó là tư thế “thơ túi rượu bầu” rất tao nhã:
- Thảnh thơi thơ túi rượu bầu,
Trần ai ai biết công hầu là ai?
[Vô cầu]
- Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ.
[Thoát vòng danh lợi]
- Năm ba chén trà nhân rượu trí,
Môt vài câu thơ thánh phú thần.
[Nợ phong lưu]
Khi lại là tư thế ngông nghênh, trào lộng, tự nhiên:
- Đánh ba chén rượu khoanh tây giấc,
Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười.
[Hàng tàng]
- Thơ thần ít vận ngâm rồi đọc,
Rượu thánh vài chung tỉnh lại say.
[Thơ ngất ngưởng]
- Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo,
Thảnh thơi thi thập rượu bầu.
[Chí khí anh hùng]
Cũng có khi lại trong cả cuộc hành lạc với “yến yến hường hường”:
- Đối mặt hoa mà cầm, mà kì, mà tửu, mà thi,
Khuyên ai đừng dở cuộc li phi.
[Yêu hoa]
- Khi đắc ý mắt đi mày lại,
Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng.
[Tài tình]
- Lưng bầu rượu say cổ kim kim cổ,
Một túi thơ vui hoa nguyệt nguyệt hoa.
[Kiếp nhân sinh]
Hoặc, có khi ông ca ngợi những nhà thơ tiền bối với cùng một thiên hướng. Hình ảnh các nhà thơ, nhà nghệ sĩ trong thơ Nguyễn Công Trứ hiện lên rất đẹp, rất lãng mạn và thanh tao.
Đây là Trần Đoàn:
Sườn non bầu rượu túi thơ,
Thảnh thơi ngồi gẫm cuộc cờ Tràng An.
... Rượu một bầu, thơ một túi, cờ một cuộc, cầm một xoang,
Khi đắc ý gật trên lừa cười ra rả.
[Vịnh Trần Đoàn]
Đây là Tô Đông Pha:
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,
Ai hay hát mà ai hay nghe hát.
Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất,
Để ông Tô riêng một thú thanh cao.
[Chữ nhàn]
Gió trăng chứa một thuyền đầy,
Của kho vô tận biết ngày nào vơi.
Ông Tô tử qua chơi Xích Bích,
Một con thuyền với một túi thơ.
[Vịnh Tiền Xích Bích]
Rõ ràng, qua cách lựa chọn những nhà thơ xưa để đưa vào thơ mình, chúng ta đã thấy được phần nào quan niệm của Nguyễn Công Trứ về nhà thơ. Những Lưu Linh, Đào Tiềm, Lí Bạch, Đỗ Phủ, Trần Đoàn, Tô Đông Pha,... đều là những nhà thơ đích thực, có tâm hồn phóng khoáng, nhân cách thanh cao, và đặc biệt là cá tính sáng tạo mạnh mẽ. Dù miêu tả những nhà thơ tiền bối nhưng ta luôn thấy đằng sau đó hình bóng của nhà thơ. Và ở đây, ta cũng thấy có sự khác biệt giữa nhà thơ với họ: họ chỉ mới đưa thơ, rượu, phong cảnh thiên nhiên, thế sự vào thơ; Nguyễn Công Trứ còn có “yến yến hường hường”, “mắt qua mày lại”,... Điều đó mang đậm dấu ấn thời đại và cá tính Nguyễn Công Trứ.
Quan niệm về nhà thơ, Nguyễn Công Trứ cũng có ý thức rất rõ về nghề, về nghiệp. Theo ông, đó là “nghề cũ”, là “của riêng” rất đỗi tự hào:
Phím đàn níp sách là nghề cũ,
Quạt gió đèn trăng ấy của riêng.
[Vui cảnh nghèo]
Nhưng nghề đây không phải là “cần câu cơm” mà là một nghề tinh thần, nghề chơi, nghề sáng tạo:
- Khi chén rượu, khi câu thơ thi thoảng,
Người nghe chơi thì ta cũng hát chơi.
[Mối tình dang dở]
Đúng là “chỉ khi nào trong sáng tác văn chương, tác giả tự giác mình là nhà văn thì văn học mới thật sự tách khỏi những phạm trù triết học, tôn giáo, chính trị,... để trở thành hình thái ý thức riêng biệt có tính độc lập. Lúc đó sẽ có sự thay đổi về chất trong sáng tác văn học”(6). Đó là sự khác về chất so với trước trong quan niệm về nhà thơ của những nghệ sĩ lớn. Ở đó, văn chương nói chung và thơ ca nói riêng đã thành “nghề”, thành “nghiệp”.
Đã là “nghề” thì nó có yêu cầu riêng. Đối với Nguyễn Công Trứ, nghề thơ đòi hỏi sự nuôi dưỡng tâm hồn và công phu nghề nghiệp. Về sự tu dưỡng tâm hồn, quan niệm của Nguyễn Công Trứ khác với các nhà Nho truyền thống. Trong quan niệm truyền thống của Nho gia về người sáng tác, nó thường trọng đức hơn tài, thường trọng đạo đức, lí trí hơn tình cảm. Nho gia cho rằng “hữu đức giả tất hữu ngôn” (kẻ có đức ắt có lời, có sáng tác), nhà thơ phải biết “minh tâm kiến tính”, “di dưỡng tính tình” sau đó ắt sẽ có sáng tác. Nguyễn Công Trứ quan niệm khác hẳn. Ông nhận thức rất rõ nhà thơ phải có tài và tình, phải sống thật trọn vẹn với tài và tình.
Về tài (tài năng), Nguyễn Công Trứ thừa nhận, đó là điều đương nhiên phải có, là cái để nhà thơ sử dụng, nương tựa. Bởi vậy, ông rất ý thức về tài năng của mình:
Trời đất cho ta một cái tài,
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
[Cầm kì thi tửu, bài 1]
Đó là tâm lí “thị tài” (cậy tài) đã được khái quát thành một nét đặc trưng của loại hình “nhà Nho tài tử”(7) mà Nguyễn Công Trứ là tiêu biểu. Tuy nhiên, với Nguyễn Công Trứ, tài còn phải đi đôi với tình, cho nên:
Thế nhân mạc oán tài tình lụy,
Không tài tình quang cảnh có ra chi!
[Tài tình]
Thơ với Nguyễn Công Trứ là “cuộc đào tình” (sự nung nấu tình cảm):
Cuộc đào tình thời thi, tửu, cầm, kì,
Thời thích hứng chẳng chi hơn rượu.
[Tuồng Tửu hội]
Đây là khuynh hướng “chủ tình”, đạt đến cao trào vào đầu thế kỉ XIX(8), mà Nguyễn Công Trứ cũng lại là người đứng trên đỉnh cao của khuynh hướng đó. Trên cơ sở này, ta thấy, Nguyễn Công Trứ đã kết tinh tinh thần thời đại trong quan niệm về nhà thơ.
Về công phu nghề nghiệp, Nguyễn Công Trứ vẫn đề cao sự học tập tiền nhân. Đối với ông, tiền nhân là Lí Bạch, Đỗ Phủ:
Thơ một túi gieo vần Đỗ, Lí,
Rượu một bầu rót chén Lưu Linh.
[Cầm kì thi tửu, bài 3]
Nhưng quan trọng hơn, Nguyễn Công Trứ rất chú trọng đến sự sáng tạo, vượt lên khuôn sáo. Đây là yêu cầu cốt tử của nghề thơ. Nghề thơ là nghề sáng tạo. Từ yêu cầu đó, Nguyễn Công Trứ yêu cầu khả năng thể hiện của ngòi bút, của ngôn từ. Đặc biệt, ở đây, ông nhấn mạnh công phu sáng tạo hình thức:
Dở duyên với rượu khôn từ chén,
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.
[Cầm kì thi tửu, bài 1]
Thi giáo của “thánh nhân” là “ôn, nhu, đôn, hậu”, “từ đạt nhi dĩ hĩ” (lời chỉ cần đạt mà thôi), “văn chất bân bân” (nội dung và hình thức sáng rõ), tức đề cao nội dung hơn hình thức. Nguyễn Công Trứ lại chú trọng đến hình thức. Phải chăng ông đã quên những lời giáo huấn đó? Đúng hơn là ông đã mạnh dạn bước qua chúng để đi theo cái nghiệp của ngòi bút, của nàng thơ. Đúng là làm thơ, uống rượu với ông là “duyên”, là “nợ” thực. Đó là cái “nợ phong lưu ai nỡ chối không” [Tài tình], trong đó: “Chẳng gì hơn rượu thánh thơ tiên” [Nợ phong lưu]. Trong văn học trung đại, không có nhiều người ý thức nghề thơ là duyên, là nợ như thế. Cái nợ ở đây không phải là nợ với đời, với mình mà với bản thân nghệ thuật. Bởi lẽ Nguyễn Công Trứ đã quan niệm thơ là một “nghề chơi”, mà “nghề chơi cũng lắm công phu” [Chơi xuân kẻo hết xuân đi]. Đó là một khối thống nhất trong quan niệm thi học của Nguyễn Công Trứ, thống nhất như nội dung và nghệ thuật thơ hát nói đặc sắc của ông.
Tóm lại, tìm hiểu quan niệm thi học của Nguyễn Công Trứ chúng ta lại thấy thêm một phương diện độc đáo, hơn người, rất nổi trội ở vị nhà thơ – trượng phu này. Phương diện đó thống nhất với những gì mà chúng ta đã biết về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ. Chỉ trong sự nghiệp thơ ca của ông, ta cũng thấy rõ sự thống nhất giữa quan niệm sáng tác và tác phẩm; giữa lí luận và thực tiễn nghệ thuật. Cũng theo đó, chúng ta có thêm cơ sở để lí giải diện mạo và đặc điểm sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Công Trứ, góp phần làm rõ thêm vị trí của ông trong tiến trình văn học dân tộc./.
N.T.T
Hà Nội, tháng 09 năm 2008
[Bài đăng sách Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, NXb Nghệ An, 2008]
Chú thích
(1) Khái niệm “thi học” ở đây được dùng không phải với ý nghĩa rộng, tương đương như khái niệm “thi học” từng được dùng để dịch thuật ngữ “poetics” (poétique…) có nguồn gốc từ triết gia Hy Lạp Aristotle (chỉ lý luận văn học nói chung), cũng không hoàn toàn giống với từ “thi học” của người trung đại (chỉ toàn bộ khả năng, trình độ thơ ca của một tác giả) mà dùng với nghĩa hẹp thông dụng hiện nay, nghĩa là lý luận về thể loại thơ. Nói tóm lại, “quan niệm thi học” hàm nghĩa: quan niệm trong lý luận về thể loại thơ. Xin xem thêm Tiêu Hoa Vinh, Trung Quốc thi học tư tưởng sử (tiếng Trung), Hoa Đông đại học xuất bản xã, Thượng Hải, 1996, trang 1 - 5.
(2) Các trích dẫn thơ, tuồng của Nguyễn Công Trứ chúng tôi dùng văn bản sau: Nguyễn Viết Ngoạn (nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn), Nguyễn Công Trứ - tác giả, tác phẩm, giai thoại, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2002.
(3) Xin xem Phương Lựu, Góp phần xác lập quan niệm văn học Việt Nam trung đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997; Phạm Quang Trung, Thơ với người xưa, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1999; Đoàn Lê Giang, Ý thức văn học cổ Việt Nam trung đại, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học KHXH & NV, TP Hồ Chí Minh, 2001.
(4) Nguyễn Minh Tấn (chủ biên) Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1984, trang 108, có sửa chữa, bổ sung.
(5) Hoàng triều hương sách, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHv.399/1, tờ 68b – 69a.
(6) Lã Nhâm Thìn, Đặc trưng quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Trãi, Tạp chí Văn học, số 10 năm 2002, trang 45 – 46.
(7) Xin xem Trần Ngọc Vương, Loại hình tác giả văn học nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995.
(8) Xin xem Trần Nho Thìn, Văn học Việt Nam trung đại dưới góc nhìn văn hoá, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét