Tiếp nối các bài viết được công bố về tình hình văn bản và giá trị các bộ thi tuyển của Việt Nam (Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Toàn Việt thi lục,…)(1), bài viết này xin được trình bày kết quả khảo sát bước đầu về bộ Việt thi tục biên ‰z Ž 續” 編ề. Đây là bộ thi tuyển quan trọng thứ 7 trong số các bộ thi tuyển chữ Hán của chúng ta, cung cấp một số lượng tác phẩm tương đối lớn của các tác giả văn học trung đại.
Sách này thực ra đã được học giả Trần Văn Giáp giới thiệu trong cuốn Lược truyện các tác gia Việt Nam (tập 1)(2); Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (tập 1)(3). Tuy nhiên, sự giới thiệu đó mới chỉ sơ lược nên chưa đáp ứng được đầy đủ mong muốn của người đọc. Hơn nữa, ông cũng chưa chú ý đúng mức đến tình hình dị bản, truyền bản của tác phẩm. Để khai thác tốt hơn, triệt để hơn tác phẩm này, chúng tôi thiết nghĩ cần có sự gia công khảo sát kĩ hơn cũng như có những chỉ dẫn cần thiết, chân xác cho người sử dụng.
1. Tên gọi và quan điểm biên soạn
Việt thi tục biên do Nguyễn Thu (1799 - 1855) [còn có tên là Nguyễn Bảo] soạn vào khoảng đầu đời Nguyễn (thế kỷ XIX). Tên cuốn sách cho thấy mục đích của Nguyễn Thu là “chép nối thơ nước Việt”. Nhưng Nguyễn Thu “chép nối” sách nào? Quan điểm biên soạn của Nguyễn Thu là gì? Theo Trần Văn Giáp, tác phẩm “nối theo các sách Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên (A.1925) và Toàn Việt thi lục (A.1262) của Lê Quý Đôn”(4). Theo chúng tôi, thì cụ thể hơn, có lẽ Việt thi tục biên có ý nối tiếp theo Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, bởi một số lí do sau:
+ Việt âm thi tập (và kể cả Trích diễm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi), theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu đã nằm gần như gọn trong Toàn Việt thi lục, nghĩa là Lê Quý Đôn kế thừa hầu như toàn bộ các văn bản trên khi soạn Toàn Việt thi lục(5). Bởi vậy, không cần phải nhắc đến những tác phẩm trước đó nữa.
+ Có thể dễ dàng nhận ra, thể thức biên soạn Việt thi tục biên rất gần với thể thức biên soạn Toàn Việt thi lục. Trần Văn Giáp đã nhận xét rất chính xác: “Về thể lệ biên soạn, thì không thấy nói rõ, nhưng xem trong sách, ta sẽ thấy lối lựa chọn thì lấy thơ cổ thể, cận thể làm tiêu chuẩn; cách xếp đặt thì lấy từng thi gia làm đơn vị. Mỗi thi gia, có chua rõ tên họ, quê quán, đặc tính, lí lịch và thơ văn. Lối chua cũng như Lê Quý Đôn, trong Toàn Việt thi lục, theo thể lệ Toàn Đường thi lục”(6). Điều đó cho thấy, Nguyễn Thu có ý phỏng theo Toàn Việt thi lục của họ Lê, mà không theo một số thể thức biên soạn khác (chẳng hạn, thể thức biên soạn Minh đô thi vựng mà ông cũng có nhắc đến trong bài Tiểu dẫn).
+ Không như các bộ thi tuyển trước đó, đặc biệt là các bộ như Hoàng Việt thi tuyển hay Minh đô thi vựng (là những bộ ra đời sau Toàn Việt thi lục, chép thơ từ thời Lí Trần trở đi), ông chỉ chép “một số thơ của các tác giả từ triều Mạc cho đến hết thời Lê mạt” (trích thủ Nhuận Mạc chí Lê mạt chư thi) [Tiểu dẫn]. Điều này cũng hàm ý mục đích “chép nối” (tục biên) chứ không phải là “tuyển chọn” (tuyển) hay “tập hợp” (vựng). Vấn đề là tại sao Nguyễn Thu chỉ chép thơ từ đời Mạc đến hết thời Lê mạt. Cái mốc phía sau đã có lời giải đáp ngay, vì theo bài Tiểu dẫn “Thơ của các vua và danh thần bản triều (tức triều Nguyễn) thì chép riêng thành bộ Quốc triều thi lục” (bản triều liệt thánh hoàng đế cập chư danh thần thi, tắc biệt tái vi Quốc triều thi lục). Bản thân cách đặt tên Quốc triều thi lục đã có dấu ấn ảnh hưởng của Toàn Việt thi lục. Còn cái mốc phía trước [tức triều Mạc]? Vì sao Nguyễn Thu không chép thơ trước triều Mạc? Điều đó một phần được giải đáp từ bài Tiểu dẫn: “thơ của danh gia nước ta từ thời Tiền Lê về trước đã được tiên sinh Lê Quế Đường ở Diên Hà tập hợp thành bộ Toàn Việt thi lục, 15 quyển, thu thập không còn sót gì nữa” (ngã quốc tự Tiền Lê dĩ tiền danh gia thi, Diên Hà Lê Quế Đường tiên sinh tằng toán tập Toàn Việt thi lục phàm thập ngũ quyển, thái hiết vô di) và “Thu tôi trộm nghĩ, thơ từ đời Tiền Lê về trước thì quyển Thi lục của Quế Đường tiên sinh đã đầy đủ rồi vậy. Hiểu biết và sự lựa chọn thơ đó há có thể có được nữa để mà bổ khuyết cho chỗ bất cập của tiên sinh Quế Đường chăng? Còn sự phân ra môn loại thì Thu tôi quả thực cũng không biết là có đều thỏa đáng hay không nữa” (Thu thiết duy Tiền Lê dĩ tiền chi thi tắc Quế Đường tiên sinh Thi lục bị hĩ. Kì sở kiến văn dữ kì sở thủ xả khởi năng phục hữu dĩ bổ Quế Đường tiên sinh chi sở bất cập giả hồ? Kì phân môn loại Thu kì bất tri quả dĩ giai đáng phủ dã). Ở đây, khái niệm “Tiền Lê” mà Nguyễn Thu nhắc đến không thể hiểu như khái niệm “Tiền Lê” của chúng ta ngày nay (tức triều Lê do Lê Hoàn sáng lập), “Tiền Lê” ở đây tương đương với “Lê sơ” (trong tương quan với “Lê mạt” mà tác giả cũng nhắc đến trong bài Tiểu dẫn). Đến đây, có lẽ chúng ta cần xem xét kết thúc của Toàn Việt thi lục, xem tác phẩm này dừng chép ở đâu. Tình hình văn bản của Toàn Việt thi lục cực kì phức tạp, hầu hết các văn bản Toàn Việt thi lục đều chép thơ đến cuối đời Lê, thậm chí đầu đời Nguyễn. Tuy nhiên, đâu là “bản lai diện mục” của công trình mà Lê Quý Đôn soạn? Trong luận án tiến sĩ Nghiên cứu văn bản học Toàn Việt thi lục, Hà Văn Minh đã chú ý đến hai tư liệu ghi chép về kết thúc của nó. Đó là bài Tiểu dẫn sách Lịch triều thi sao (tiền thân của Hoàng Việt thi tuyển) của Bùi Huy Bích và phần Văn tịch chí sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Bài Tiểu dẫn cho biết: “…thầy học tôi là Lê tiên sinh (Lê Quý Đôn ) ở Duyên Hà lại vâng mệnh biên chép Toàn Việt thi tập (lục), chép từ nhà Lý đến đời Hồng Đức, tìm tòi thu nhặt rất đủ”. Mục Văn tịch chí cũng cho biết: “Toàn Việt thi tập, 20 quyển. Lê Quý Đôn vâng chỉ biên tập, chép thơ từ nhà Lý đến đời Hồng Đức, Tìm nhặt rất đầy đủ”. Như vậy, hai tài liệu rất gần thời đại Lê Quý Đôn này hé lộ thông tin, Toàn Việt thi lục chỉ chép thơ đến đời Hồng Đức. Tuy nhiên, do sự thận trọng khoa học, Hà Văn Minh chỉ xem chúng là những tư liệu ngoài văn bản, một “giả thiết” cần tiếp tục được kiểm chứng, bởi lẽ những ghi chép đó mâu thuẫn với bài Lệ ngôn Toàn Việt thi lục cũng như nhiều văn bản Toàn Việt thi lục hiện còn(7). Chúng tôi tán thành sự thận trọng đó, nhưng lưu ý một hiện tượng là: dường như ở cuối triều Lê đầu triều Nguyễn, thực trạng văn bản Toàn Việt thi lục hay ít ra là hiểu biết của các trí thức, văn nhân về Toàn Việt thi lục đều đồng quy ở một điểm: tác phẩm chép thơ đến đời Hồng Đức (tức là gần cuối thời Lê sơ)! Nguyễn Thu cũng là tác giả đầu triều Nguyễn và cũng khẳng định điều đó (qua khái niệm “Tiền Lê” ông đưa ra)! Điều này mở ra khả năng lí giải hiện tượng Nguyễn Thu đã chép nối Toàn Việt thi lục từ thời Mạc (tất nhiên có bỏ qua 3 tác giả: Hiến Tông, Đức Tông, Tương Dực). Ngược lại, việc Việt thi tục biên “chép nối” Toàn Việt thi lục theo quan điểm của Nguyễn Thu cũng mở ra khả năng lí giải ghi chép của Bùi Huy Bích, Phan Huy Chú về Toàn Việt thi lục.
2. Tình hình văn bản
Sách có lẽ chưa được in ra (hoặc bản in thất truyền?), hiện chỉ có 2 bản viết: A. 1036 (tạm gọi là bản A) và VHv. 92 (tạm gọi là bản B) tàng trữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội).
+ Bản A.1036, là một bản chép tay trên giấy dó cũ, gồm 140 tờ, khổ 31 x 21, mỗi một trang viết 9 cột chữ Hán, mỗi cột khoảng 18 đến 20 chữ, chữ viết rõ ràng, dễ đọc. Xét cách viết thì thấy sách kiêng huý chữ "Tông" (宗@) (viết bớt nét thành ) nhưng không kiêng huý chữ "Thời" (時ž). Từ đây, chúng ta có thể phỏng đoán sách có nguồn gốc từ đầu đời Nguyễn và là một bản khá cổ (dựa trên chất giấy và chữ viết). Bản này chia làm 3 quyển: đầu quyển 1 có hai Mục lục của quyển 1 và 2, một bài Tiểu dẫn do Nguyễn Thu viết. Theo Mục lục thì quyển 1 chép 165 bài thơ của 27 tác giả, nhưng khảo sát trên thực tế chúng tôi thấy quyển I chép 167 bài thơ của 28 tác giả (tác giả bị bỏ sót ở Mục lục là Nguyễn Công Thái); quyển II chép 239 bài thơ của 14 tác giả, quyển III chép 178 bài của 17 tác giả. Tổng cộng bản này chép được 584 bài thơ của 59 tác giả từ thời Mạc đến cuối đời Lê(8), trong đó 2 tác giả được chép nhiều thơ nhất là Lê Quý Đôn (51 bài), Phạm Quý Thích (92 bài) và Bùi Huy Bích (101 bài) [Xem phụ lục]. Có thể xem đây là “bản nền”, “bản đáy” để hiệu khảo văn bản.
+ VHv.92 là bản chép tay chép trên một cuốn sách in sẵn cột thứ, dày 56 tờ khổ 27,5 x 16 cm, chữ đẹp viết lối hành, hơi đá thảo, mỗi trang chia làm 9 cột mỗi cột khoảng 28 chữ. Gáy sách có đề “Long Cương tàng bản”, cho thấy đây là văn bản do gia đình họ Cao Xuân thuê chép vào khoảng cuối XIX đầu XX, mới hơn bản A. Chính vì vậy, bản này cũng chép ít thơ hơn bản A (các bài thơ có trong bản B thì đều có trong bản A) và trật tự có hơi khác đôi chút. Văn bản không có Mục lục, chỉ có 1 tiểu dẫn như bản A và chỉ có 2 quyển. Quyển I chép 135 bài thơ của 29 tác giả. Quyển 2 chép 211 bài thơ của 11 tác giả. Tổng cộng sách chép 346 bài thơ của 40 tác giả. Qua so sánh với bản trên ta thấy, có 2 tác giả bị bỏ không chép là Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Hành, một số tác giả cũng bị bỏ bớt một số bài thơ đi (như Nguyễn Dữ, Nguyễn Tông Quai,…). Có 3 nhà thơ ở bản A nằm ở cuối quyển II (là Nhữ Công Trấn, Phạm Nguyễn Du, Lê Huy Trâm) sang bản B lại nằm ở cuối quyển I. Bản này lại không có hẳn quyển III. Có thể nói bản B là dị bản không đầy đủ của bản A [Xem phụ lục], có giá trị tham khảo, đối chiếu.
3. Thay lời kết
Sách này là sự tiếp nối và bổ sung cho các bộ thi tuyển nổi tiếng trước đó như Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Trích diễm thi tập, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển, Minh đô thi vựng, đồng thời có sự bổ sung cho các bộ thi tuyển có thể xem là đương thời với nó như: Quốc triều thi lục, Hoàng Việt phong nhã thống biên,v.v… Nó cũng tiếp thu các kinh nghiệm làm thi tuyển trước đó để có đươc một sự sắp xếp tối ưu nhất lúc bấy giờ, tạo sự tiện lợi cho người đọc tìm hiểu, tra cứu… Việt thi tục biên cũng là tư liệu hỗ trợ cho việc tìm hiểu các bộ thi tuyển khác, đặt trong hệ thống các bộ thi tuyển chữ Hán của Việt Nam thời trung đại.
Chúng ta cần so sánh triệt để hơn nữa hai bản A và B để xác lập “văn bản quy phạm” phục vụ cho việc nghiên cứu khảo dịch tác phẩm; cũng cần so sánh Việt thi tục biên với các bộ thi tuyển trước và sau nó một cách triệt để hơn nữa để tìm ra đóng góp cụ thể của công trình này.
N.T.T
Chú thích
(1) Xin xem: Nguyễn Thanh Tùng - Phát hiện mới về văn bản Việt Âm thi tập, Thông báo Hán Nôm học năm 2004, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H, 2005; Nguyễn Thanh Tùng - Về hiện trạng văn bản Tinh tuyển chư gia luật thi, Thông báo Hán Nôm học năm 2005, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H, 2006; Hà Minh, Nguyễn Thanh Tùng - Giới thiệu tình hình văn bản và giá trị một số bộ thi tuyển chữ Hán tiêu biểu của Việt Nam thời Trung đại, Tạp chí Khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, số 5 năm 2005.
(2) Trần Văn Giáp – Lược truyện các tác gia Việt Nam (tập 1), Nxb Khoa học xã hội, H, 1971.
(3) Trần Văn Giáp – Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (tập 1), Nxb Khoa học xã hội, H, 1972.
(4) Trần Văn Giáp – Lược truyện các tác gia Việt Nam (tập 1), Tài liệu đã dẫn, trang 119.
(5) Xem Nguyễn Huệ Chi – Khảo luận văn bản trong Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H, 1977.
(6) Trần Văn Giáp – Lược truyện các tác gia Việt Nam (tập 1), Tài liệu đã dẫn, trang 118 - 119.
(7) Xem Hà Văn Minh – Nghiên cứu văn bản học Toàn Việt thi lục, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội, 2006, chương II.
(8) Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tài liệu đã dẫn, trang 118, thống kê được 583 bài của 58 thi gia, sót 1 tác giả với 1 bài thơ là Nguyễn Công Thái (ố– 公ử 寀Đ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét