Nói đến diện mạo tiếng Việt từ thế kỷ XVIII trở về trước, người ta thường băn khoăn vì một lượng tư liệu ít ỏi còn sót lại, chưa đủ để vẽ lại lịch sử tiếng Việt trong nhiều thế kỉ (như một số tập thơ chữ Nôm; một số cuốn từ điển Hán - Nôm, Việt La - tinh, vài bản dịch bằng chữ Nôm các tác phẩm Hán văn, những bài văn xuôi Nôm hoặc La – tinh của người Công giáo,...). Đây là những tư liệu quí đã được khai thác, tìm tòi. Tuy nhiên, trong đó, vẫn còn những tư liệu mặc dù được thừa nhận ít nhiều về giá trị, song do vướng mắc một số vấn đề về văn bản học, sử học... nên chưa được khai thác triệt để. Chúng tôi muốn nói đến bản “giải nghĩa” sách Khoá hư lục (nguyên tác chữ Hán của Trần Thái Tông) tương truyền là do y sư – thiền sư Tuệ Tĩnh thực hiện. Bài viết này sẽ bước đầu giới thiệu tình hình văn bản và giá trị khái quát của bản giải nghĩa này đối với việc nghiên cứu tiếng Việt lịch sử.
A. Tình hình văn bản “giải nghĩa” Khoá hư lục.
1. Lai lịch và hiện trạng văn bản
Bản giải nghĩa sách Khoá hư lục là một độc bản hiện được tàng trữ tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AB.268. Sách chép tay, gồm 77 tờ (154 trang không kể bìa) mỗi tờ viết 6 cột chữ Hán lớn (phần nguyên bản Hán văn), mỗi cột có 2 cột chữ Nôm nhỏ, nét mảnh chép liền phía dưới, dịch nghĩa từng câu chữ Hán theo kiểu “dịch đuổi” (đối dịch). Về phần giải nghĩa bằng chữ Nôm, đại thể, sách giải nghĩa hầu như toàn bộ nguyên tác chữ Hán, tuy có một số đoạn trong các bài bị lược bỏ... Phần chữ Nôm ước khoảng 1,2 vạn chữ (so với trên 8000 chữ Hán trong phần nguyên tác). Bên cạnh ý nghĩa là một “dị bản” Hán văn Khoá hư lục, “được xem là cổ nhất” (Nguyễn Huệ Chi) [16], văn bản còn lưu giữ được phần giải nghĩa Nôm rất quý đối với chúng ta. Chính vì vậy đây là một “cuốn sách quý hoá của kho sách Hán Nôm” (Đào Duy Anh) [1].
2. Niên đại và dịch giả của văn bản
2.1. Niên đại của văn bản
Đây là một bản chép tay, chép lại một bản đã được khắc in xưa, bản khắc in này đến nay đã thất truyền. Theo bài Tựa đầu sách thì một người có tên là Tuệ Duyên (ở Từ Quán chùa Sùng Quang huyện Giao Thuỷ [lộ] Thiên Trường, “tìm thấy lời vàng quảng đại” mà sinh lòng cảm ngộ, bèn đứng đầu việc “kêu gọi mọi người, cùng xuất của nhà, sai thợ khắc bản”. Cuối bài Tựa có nghi niên đại như sau: “Lê triều Long Đức tam niên tuế thứ Tân Mùi trọng đông vọng nhật bái soạn”(tờ 3a) nghĩa là: ngày nằm mùa đông (tháng 11 âm lịch) năm Tân Mùi niên hiệu Long Đức thứ 3 triều Lê). Năm Long Đức thứ 3 là năm 1734 triều Lê Thuần Tông (1732-1735) nhưng năm 1734 không phải năm Tân Mùi mà là năm Giáp Dần. Thì ra ở đây người chép đã chép lộn từ chữ Đức Long mà ra, năm Đức Long thứ 3 tức năm 1631 triều Lê Thần Tông (1629-1634). Năm 1631 đúng là năm Tân Mùi. Vả lại năm Long Đức, chữ Long là (—´), còn năm Đức Long thì chữ Long là (?) đúng như trong phần lạc khoản. Có điều đáng chú ý là trong bài tựa đầu sách này, Tuệ Duyên không hề đả động gì đến việc giải nghĩa Nôm. Điều đó dẫn đến hai khả năng: một là, bản “giải nghĩa” đã có từ trước và mặc nhiên được xem là một phần của văn bản, không cần phải giới thiệu gì nữa; hai là, bản giải nghĩa có sau, còn bài tựa thì từ lần in đó (1631) về sau vẫn được giữ lại trong các lần in hoặc chép tiếp theo. Đây là vấn đề khá phức tạp mà hiện chúng ta chưa có đủ cứ liệu để xác quyết một bề. Nhưng theo chúng tôi, việc giải nghĩa văn bản này không thể muộn hơn thời điểm đầu thế kỉ XVIII, và do đó, đây là một tài liệu quý để nghiên cứu tiếng Việt lịch sử từ đầu thế kỉ XVIII trở về trước. Những cứ liệu về tiếng Việt lịch sử trong văn bản (như phần sau sẽ trình bày) cũng chứng tỏ điều này.
2.2. Dịch giả văn bản
Sách chép rất rõ ràng tên dịch giả (3 lần ở cả 3 quyển Thượng – Trung- Hạ tờ 5b, 31b, 77b) với cùng một câu: “Thiền tử Thận Trai pháp hiệu Tuệ Tĩnh tự Vô Dật giải nghĩa” (nghĩa là: người theo đạo Thiền là Thận Trai, tên pháp Tuệ Tĩnh, tên chữ là Vô Dật giải nghĩa). Tên tuổi này không xa lạ gì với chúng ta. Đó chính là thầy thuốc Tuệ Tĩnh nổi tiếng. Tuy nhiên, tiểu sử của Tuệ Tĩnh thế nào và có khả năng ông giải nghĩa sách Khoá hư lục hay khôngg vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, bởi ngoài sách này, không có một tư liệu nào khác cho biết điều đó. Hiện có hai luồng ý kiến không thống nhất về thời đại của Tuệ Tĩnh. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Tuệ Tĩnh sống vào khoảng thế kỉ XIV. Loại ý kiến thứ 2 cho rằng Tuệ Tĩnh sống vào khoảng cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII. Theo chúng tôi, ý kiến thứ 2 có lẽ có cơ sở hơn và phù hợp với niên đại của bản giải nghĩa (như đã nêu), cũng như một số sách thuốc khác do Tuệ Tĩnh soạn bằng chữ Nôm và chữ Hán. Việc Tuệ Tĩnh có soạn các sách thuốc bằng chữ Nôm cho thấy không thể loại trừ khả năng đúng là Tuệ Tĩnh đã thực hiện phần “giải nghĩa” này.
II. Giá trị của bản giải nghĩa đối với việc nghiên cứu tiếng Việt lịch sử.
Mặc dù còn có những vấn đề tồn nghi như đã nêu, cộng với những xuất nhập trong quá trình sao chép, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng, đây là một tài liệu có giá trị đối với việc nghiên cứu tiếng Việt lịch sử. Điều đó được thể hiện ở các mặt sau:
1. Ngữ âm tiếng Việt cổ
Một số cách viết chữ Nôm (không nhiều nhưng rất quan trọng) trong bản giải nghĩa thể hiện sự phát triển của ngữ âm tiếng Việt cổ từ thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XVIII. Đó là xu hướng chuyển hoá của một số phụ âm đầu tiếng Việt. Cụ thể là các xu hướng sau:
+ Xu hướng KL > TR, ví dụ: cách ghi âm tiếng Việt bằng các mã chữ: (cổ + lộng) Klống > trống [67b3, 75b3,43b6…]; (cư lược) Klước > trước [7a4,8b5,13a4…]; (cung, công...) Klong > trong [12b3, 22b4]; (cự + lại) Klái > trái [ 65a5];(long...) Klong > trong [18a1,…]…
+ Xu hướng KR > PhL; PhL > S, ví dụ: cách ghi âm tiếng Việt bằng các mã chữ: (cự + lang) Krang > sang [15b2,40b3,70a6]; (cổ + la) Kra > sa [49a1]; (cư +lo) Kro > so [7a4,…], [cư]+lâu > sau, v.v…
Hai xu hướng này hoàn thành trước thế kỷ XVII vì đến Từ điển Việt Bồ La (1651) ta không còn thấy hiện tượng này: Kl bị thay thế bởi tl, bl, và S đã xuất hiện.
+ Xu hướng TL, BL > TR, ví dụ: cách ghi âm tiếng Việt bằng các mã chữ: (bả...) blả > trả [15a1]; (luận) tlọn > trọn [12a1, 25b1, 70b3,70b4,…]; (lược) tlươc > trước [35b5, 42a6,…]; (lâu) tlâu > trâu [16a6, 46b5…]; (lã) tlở > trở [17a2, 44a5,…]. Xu hướng này phổ biến ở thế kỉ XVII, đầu thế kỉ XVIII.
+ Xu hướng S' > TH: thể hiện trong cách viết chữ Nôm, như: dùng Sài ghi thầy [10b…]; dùng (x)sa > thưa [9a6]; dùng Sơ ghi thưa [55a4, 62a5]; dùng (x)súc ghi thúc [13b6] dùng Sở ghi (đọc) thửa [67a…]; dùng (lỗi) sôi ghi thôi [13b6]; dùng Soái (suối) ghi thoái (thối) (trong thoái lui) [50b2, 74b2]… Xu hướng này được nhiều nhà nghiên cứu (Vương Lộc, Nguyễn Ngọc San...) khẳng định là đã hoàn thành ở thế kỷ XVI như là hệ quả của quá trình S > TH.
+ Xu hướng T > R, thể hiện trong cách viết chữ Nôm, như: dùng táo ghi ráo (khô ráo)[35a4, 64b1]; dùng tạc ghi rạc (rời rạc) [9a3] dùng tốt ghi rót (nước) [69b3, 72b3]; dùng tốt ghi rốt (cuối) [26a6, 26b1]…
+ Xu hướng (TR > R), ví dụ: chung (trung) > rong [13b3, 44b3, 64b2]; trù > rò (rò rỉ)[72a3]; trạo > rào (rào phên) [46b5]…
Hai xu hướng này được xác định là phổ biến ở thế kỉ XV – XVII.
Ngoài ra văn bản còn giữ được cách ghi một số âm cổ tiếng Việt như: la - đá, bà- cắt,… Những âm này chỉ có trong các sách thế kỷ XVII trở về trước như An Nam dịch ngữ, Quốc âm thi tập, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Từ điển Việt - Bồ - La,…
2. Từ vựng tiếng Việt cổ
Bản giải nghĩa này bảo tồn một lượng từ ngữ khá lớn trong tiếng Việt cổ, trong đó đáng chú ý là những từ ngữ cổ. Nói một cách chung nhất, từ ngữ cổ là những từ ngữ xuất hiện trong các văn bản cổ nay không còn được sử dụng nữa hoặc sử dụng hết sức hạn chế. Quan niệm chặt chẽ hơn thì "từ ngữ cổ" là những từ lưu lại trong các văn bản viết cổ hay văn bản truyền khẩu cổ mà hiện nay không còn được sử dụng nữa và để hiểu được chúng, người ta phải dùng đến các loại từ điển cổ. Chúng ta có thể phân các từ ngữ cổ trong bản giải nghĩa này thành các loại sau:
a. Những từ ngữ xưa dùng độc lập, nay chỉ tồn tại như là yếu tố mất nghĩa, mờ nghĩa trong các tổ hợp từ. Ví dụ: cưu (cưu mang) dấu (yêu dấu); khuây (quên khuây), làu (thuộc làu), át (ướt át), dể (khinh rẻ), đam (đam mê), ghẽ (chia ghẽ); lẻo (trong lẻo); nặc (nồng nặc), lếu (láo lếu), rệt (rõ rệt) ràng (rõ ràng); tây (riêng tây); rỡ (rực rỡ); vắn (vắn tắt), nỏ (khô nỏ)... Văn bản cung cấp cho ta một lượng khá lớn những từ ngữ như vậy, giúp ta lý giải các yếu tố mất nghĩa, mờ nghĩa hiện nay, giải thích sự hình thành cái gọi là từ ghép hợp nghĩa trong tiếng Việt hiện đại.
b. Những từ ngữ đã biến mất hoàn toàn trong kho từ vựng hiện đại, không còn được sử dụng nữa, chỉ tồn tại trong các văn bản cổ hoặc các từ điển cổ. Ví dụ: mựa (chớ), chỉn (thực, chỉ), bui (duy chỉ), nhẫn (ví dù, đến), loàn đan (càn rỡ), cày cạy (khư khư); nghỉ (nó, tự mình); biên (tóc); dể duôi (khinh rẻ), cóc( biết); ngỏ (thông minh), ốc (gọi), phô (các); ghê (nhiều)...
c. Những từ ngữ chỉ còn dùng hạn chế trong các phương ngữ, trong thành ngữ, tục ngữ, thuật ngữ... Ví dụ: rồi (ăn không ngồi rồi), mống (khôn sống mống chết), khôn (người khôn của khó); thác (sống gửi thác về),…
d. Những từ ngữ xưa là song tiết, nay đã rụng mất tiền tố, chỉ còn đơn tiết, nó phản ánh lịch sử phát triển tiếng Việt, nhất là nguồn gốc Nam Á của nó. Ví dụ: la- đá (đá); bà - cắt (chim cắt)…
e. Những từ ngữ Hán xưa dùng độc lập nay không dùng độc lập nữa mà chỉ là những yếu tố Hán Việt dùng để cấu tạo từ. Ví dụ: đam (đam mê); cấu (cấu tạo), quốc (quốc gia),…
f. Những từ ngữ còn xuất hiện nguyên dạng, nhưng nghĩa cũ đã mất, nay dùng theo nghĩa mới [hoàn toàn] khác nghiã cũ, ví dụ: cặn kẽ (nghĩa cũ: ân cần chu đáo// nghĩa mới: sát sao, tỉ mỉ), xưa (trước kia//cổ, cũ); hèn (nhẹ, khinh // nhát, kém cỏi)...
Trước đây khi nghiên cứu văn bản này, học giả Đào Duy Anh đã lưu ý: “Về từ thì sách này có một số từ xưa” [1, 38] nhưng ông chưa khảo sát một cách toàn diện mà chỉ nhắc đến một số hiện tượng tiêu biểu. Theo thống kê của chúng tôi, trong văn bản này có khoảng 158 từ cổ, tần số xuất hiện khoảng 900 lần (nếu tính tỉ lệ tiếng cổ so với tổng số tiếng trong bản giải nghĩa thì chúng chiếm khoảng 7,4%). So sánh với một số văn bản khác (theo các số liệu do các nhà nghiên cứu những văn bản này cung cấp và theo khảo sát của chúng tôi), ta có bảng sau:
Văn bản Số từ cổ Tổng số tiếng Số tiếng cổ Tỉ lệ
Quốc âm thi tập 282 12.409 1090 8,75%
Cư trần lạc đạo phú 69 1622 135 8,32%
Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca 19 316 22 6,9%
Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh 105 4389 688 14,2%
Khoá hư lục giải nghĩa 159 12.135 896 7,4%
Bảng thống kê cho thấy vị trí và giá trị của bản giải nghĩa Khoá hư lục trong việc bảo tồn vốn từ ngữ cổ tiếng Việt nhiều thế kỉ trước bên cạnh những văn bản đã được xác định là rất cổ (thế kỉ XV – XVI).
Mặt khác, trong hơn 100 từ ngữ cổ nêu trên, có rất nhiều từ ngữ cổ chỉ xuất hiện ở những văn bản Nôm thế kỷ XV - XVII như: ốc (gọi), la-đá (đá), bà-cắt (chim cắt), táp (xa, rộng khắp), át (ướt), ghê ( nhiều), biên (tóc), dồi điểm (trang điểm), loàn đơn (sai trái), mắng (nghe), phô (các), chỉn (chỉ, thực), sá (hãy), mựa (chớ)... Điều đó khẳng định niên đại tương đối cổ của văn bản này cũng như cho thấy đây là kho ngữ vựng cổ rất có giá trị.
3. Ngữ pháp tiếng Việt cổ
Ngữ pháp tiếng Việt trong văn bản về cơ bản là gần ngày nay, có những quy tắc bất biến (ví dụ trật tự chủ + vị, vị ngữ + bổ ngữ đối tượng, các hư từ nay còn dùng...). Tuy nhiên, trong văn bản này có một số hiện tượng ngữ pháp đáng lưu ý:
3.1. Hệ thống hư từ cổ
Bên cạnh một số hư từ cho đến nay chúng ta vẫn sử dụng, trong văn bản còn tồn tại nhiều hư từ cổ với mật độ khá dày như bui, chỉ, chưng, nẻo, lọ, thửa, mựa, sá, tua, hằng, hầu, nhẫn, mặc, hợp, bẵng, phô... với tần số xuất hiện khoảng 650 lần sử dụng (chiếm khoảng 75,2 % số lần xuất hiện của các từ cổ) trung bình 29,5 lần từ và chiếm 5,3% số tiếng trong văn bản (đặc biệt hư từ “chưng” có tới gần 300 lần xuất hiện). Một số hư từ ngày nay vẫn còn sử dụng nhưng ý nghĩa phần nào thay đổi (như: phải, chớ, vậy, ấy...) một số còn giữ tính chất thực từ (như: rồi, nên, vậy, ấy, phải, ... ). Ngoài ra, có sự tồn tại của cả hệ thống hư từ cổ và hư từ hiện nay còn dùng đang ở thế cạnh tranh từng cặp,ví dụ: mựa/ chớ, tua/ nên, xá / hãy, song le/ nhưng; chỉn/ thực; chỉn/ chỉ; phô/ các, những, mặc/để, nẻo/ khi, lúc, nẻo/ chốn, nẻo/ thuở ... Cũng có khi là sự “hợp tác” tạo nên hiện tượng “lặp” khá thú vị như: mựa chớ loàn đơn, nhẫn đến muôn họ, chỉn thực rất thiêng, những phô tội, mặc mà ... Hiện tượng này sẽ được đề cập trở lại ở phần sau.
3.2. Trật tự từ
Về cơ bản, bản giải nghĩa tuân theo trật tự Việt, nhưng nhiều chỗ, nhiều trường hợp bản dịch vẫn chịu ảnh hưởng nặng của trật từ Hán do có sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ mà người sử dụng (dịch) chưa có ý thức chuyển đổi triệt để. Nó phản ánh thời kỳ đầu của sự ảnh hưởng từ tiếng Hán vào tiếng Việt ở tất cả các cấp độ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, từ chương, văn bản ...). Sự ảnh hưởng này là tất yếu bởi tiếng Việt xưa chắc hẳn là thiếu nhiều các hình thức, cách diễn đạt nhất là diễn đạt các khái niệm, nội dung trừu tượng ... Song mặt khác cũng do lối học “cử tử” của ông cha ta dẫn đến cách “đối dịch”, “dịch đuổi”, trong việc giảng kinh sách hay học chữ (như các sách Tam thiên tự, Ngũ thiên tự...) mà có hiện tượng nêu trên. Đây là một hiện tượng có thật trong tiếng Việt các thế kỉ trước, cả văn nói lẫn văn viết, cả trong sáng tác lẫn dịch thuật. Sau đây là một số hiện tượng cụ thể:
a. Trật tự ĐỘNG TỪ NGHI VẤN + BỔ NGỮ NỘI DUNG + GIỚI TỪ + BỔ NGỮ ĐỐI TƯỢNG
Đây là trật tự của Hán văn, ví dụ: “Vấn pháp ư Quốc Nhất”, còn trật tự Việt phải là: ĐỘNG TỪ NGHI VẤN + BỔ NGỮ ĐỐI TƯỢNG + (LIÊN TỪ) + BỔ NGỮ NỘI DUNG. Chẳng hạn, ta có thể nói: “Hỏi thầy giáo (về) bài học”, mà rất ít khi nói: Hỏi bài học (ở) thầy giáo. Nhưng trong bản giải nghĩa ta thấy cách viết xa lạ này, ví dụ: “Ngươi Phòng tướng mến đạo hỏi pháp chưng (trường) thầy Quốc Nhất” (24a); “Ông La-Hán bèn đến tham lễ hỏi đạo chưng thầy hoà thượng Ngưỡng Sơn”(25a) v.v…
b. Trật tự ĐỊNH NGỮ + VỊ TỪ (DANH HOÁ)
Đây là một trật tự phổ biến trong Hán văn khi các vị từ được dùng như danh từ. Ví dụ: “vạn vật chi chí linh” (cái rất thiêng của vạn vật)." Hoàng kim chi trọng" (sự quý giá của vàng ngọc) "Thánh vương chi đỉnh sinh" (sự sinh trội của bậc thánh vương)… Bản giải nghĩa cũng giữ nguyên trật tự này, tuy nhiên, do từ loại tiếng Việt không linh hoạt nội tại như từ loại Hán cho nên câu văn trở nên rất lạ: Làm trước muôn vật chưng chỉn rất thiêng; Của cải thực ấy chưng trọng ; Đấng thánh vương chưng tăng oai…
Chúng ta có cảm giác từ 1 cụm từ (trong Hán văn) đã biến thành một kết cấu C - V; nhưng thực ra không phải vậy, đây vẫn là một cụm từ nhưng được sắp xếp trật tự một cách xa lạ với cảm quan người Việt, đọc lên vẫn có thể hiểu, nhưng hơi khó khăn (nhất là với người không học chữ Hán, và người hiện đại).
c. Trật tự ĐỊNH NGỮ + DANH TỪ (CỤM DANH TỪ)
Ở các trường hợp đơn giản, trật tự hán này được chuyển sang trật tự Việt: Ví dụ : Danh lợi chi đồ > đường danh lợi ;Phong tiền chi chúc > đuốc đương khi gió; Mộc nhân >người gỗ… Nhưng, ở các trường hợp phức tạp (định nghĩa nhiều bậc, câu dài,...) thì trật tự ấy được giữ nguyên. Ví dụ: Lâu thượng chi giác thanh (tiếng tù và trên lầu) > trên lầu chưng tiếng giốc; Đại tịch chi chúc ảnh (bóng đuốc tiệc sang) > tiệc đồi mồi chưng bóng đuốc; Ngân Hán chi tinh triền (sao bên sông ngân) > Sông Ngân Hán chưng ngôi sao; Thiên gia vạn ốc chi môn (cửa muôn nhà) > nghìn nhà muôn buồng chưng cửa, v.v…
Có thể thấy rằng do kết cấu 2 bậc định nghĩa nên sự chuyển dịch hoàn toàn đã không diễn ra. Có thể mô hình hoá hiện tượng này thành sơ đồ sau:
Nhìn sơ đồ, ta thấy sự chuyển trật tự (Đi + D D + Đi) chỉ diễn ra ở cấp độ thứ nhất (định ngữ đơn giản), ở cấp độ thứ 2, trật tự Hán vần được giữ nguyên, và cả cụm từ vẫn đóng vai trò một "đoản ngữ" trong cấu tạo cú pháp, ví dụ: Trên lầu chưng tiếng giốc hầu dứt ; Sông Ngân Hán chưng ngôi sao đã lặn …
d. Trật tự (chưng +) DANH TỪ + ĐỊNH NGỮ
Đây là một hiện tượng trung gian: người dịch chuyển trật tự Hán sang trật tự Việt nhưng vẫn còn giữ lại "cái đuôi" Hán bằng việc gắn "chưng" (dịch chi) vào phía trước danh từ và xem nó là một bộ phận của trung tâm cụm từ, ví dụ : - Ly Lâu chi mục (mắt ông ly Lâu) > chưng con mắt ông Ly Lâu; Sư Khoáng chi thông (tài trí thầy Sư Khoáng) > chưng tài thông minh thầy Sư Khoáng.
Từ "chưng "đó dường như báo hiệu cho người đọc, (nghe) biết rằng định ngữ đứng sau nó phải bổ nghĩa cho danh từ trung tâm. Về hiện tượng đó, tiến sĩ N.V. Stanxkêvic nhận xét rằng: “kết cấu này có nét gợi cho ta nghĩ đến kết cấu gọi là Y-za-phét trong các ngôn ngữ hệ Tuyếc, vì ở kết cấu Y-za-phet: phụ tố chỉ quan hệ hạn định cũng nhập luôn vào trong từ trung tâm chứ không nằm ở từ phụ” [13, 389]. Nghĩa là, "chưng" cũng đóng vai trò như một phụ tố chỉ quan hệ hạn định giữa trung tâm và thành phần phụ chỉ quan hệ hạn định giữa trung tâm và thành phần phụ. Mô hình quan hệ như sau:
e. Trật tự DANH TỪ (CHỦ THỂ) + THỬA + VẬT SỞ HỮU
Trong tiếng Hán ta thường thấy các cụm từ, ngã sở nhục, nhĩ sở công... dịch sang tiếng Việt: thịt của tôi, công của anh. Nhưng ở bản dịch này các trật tự trên vẫn được giữ nguyên, còn "sở" được đọc chệch thành "thửa". Ví dụ: "Mỗ giáp thửa lo", "chúng sinh thửa tối". Đây cũng là một minh chứng cho sự ảnh hưởng của ngữ pháp Hán. Ở các nhà chùa hiện nay, hiện tượng này vẫn còn tồn tại, nhất là trong việc giảng kinh kệ chữ Hán.
f. Trật tự: ĐỘNG TỪ + BỔ NGỮ ĐỐI TƯỢNG
Đa số các trường hợp trong bản giải nghĩa đều theo trật tự thông thường (Đ + B), ví dụ: "làm chưng sự luân hồn, làm chưng tựa tứ sơn”... Nhưng ở trường hợp phức tạp: bổ ngữ là một tổ hợp (danh ngữ) nhiều bậc thì hiện tượng lạ xảy ra. Ví dụ: "Vũ lược thu bách chiến chi công" (Tài võ thu được công tràm trận) > Nghề võ mạnh chưng công thu được trăm trận đánh; Văn bút tảo thiên quân chi trận (Bút văn quét hết trận thế nghìn quân lính)> “Mũi bút nhọn chưng trận quét hết thiên quân”…
Ở đây, trung tâm của kết cấu “động từ + bổ ngữ đối tượng” bị biến thành 1 trong 2 khả năng: một là, trạng ngữ của câu với giới từ “chưng” (khi, lúc); hai là, trung tâm của ngữ danh từ làm chủ ngữ. Về mặt ý nghĩa, nếu theo khả năng thứ nhất thì câu văn sáng sủa hơn nhưng cũng không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng thứ 2, mà đứng về lịch sử, khả năng thứ hai lại đúng hơn. Dẫu sao, việc cắt đứt hoàn toàn trung tâm của bổ ngữ và chuyển thành một thành phần khác trong câu là một hiện tượng lạ hiếm thấy trong các bản Nôm khác (như Tân biên Truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, Khoá hư lục giải âm,…).
3.4. Hiện tượng lặp từ
Đó là hiện tượng dùng nhiều từ cùng nghĩa, cùng chức năng bên cạnh nhau, ví dụ: “mựa chớ”, “cóc ngõ”, “trong nơi chốn”, “trong khi lúc”, “cóc biết”, “ốc gọi”, “tua xá”, mắng nghe, nhẫn đến, ... Theo chúng tôi, phải chăng đây là phương thức nhấn mạnh của người xưa và có lẽ là cội nguồn lý giải các hiện tượng ghép hợp nghĩa (đứng về mặt lịch sử) hiện nay như: hỏi han, áo xống,.... Cũng có một số trường hợp kết hợp một từ cổ + một từ hiện đang thông dụng (như: mựa chớ, ốc gọi, cóc biết...), chúng tôi lại ngờ rằng do sự không hiểu của người đời sau với các từ cổ nên đã “chấp bút” viết thêm từ mới vào bên cạnh các từ cổ tạo nên sự tồn tại song song như đã mô tả. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở văn bản này mà còn thấy ở một số văn bản khác như Quốc âm thi tập, Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh,… nhưng không phổ biến như văn bản này. Đây là hiện tượng cần tiếp tục được nghiên cứu, lí giải thêm. Dẫu sao, hiện tượng này cũng để lại ấn tượng khi đọc bản giải nghĩa này là sự xa lạ, nhiều khi lòng thòng, khó hiểu khác với tiếng Việt ngày nay.
Tóm lại, bản giải nghĩa chữ Nôm sách Khoá hư lục là một văn bản có giá trị về nhiều mặt, trong đó nổi bật nhất là giá trị của một kho ngữ liệu về tiếng Việt lịch sử. Phần giải nghĩa này đã được chúng tôi phiên âm, chú thích và công bố trong báo cáo khoa học Khảo sát và tìm hiểu giá trị bản giải nghĩa chữ Nôm sách Khoá hư lục của Trần Thái Tông [15]. Thiết nghĩ, trong điều kiện tư liệu về tiếng Việt lịch sử còn thiếu thốn hiện nay, việc đi sâu vào tìm hiểu các bản dịch Nôm xưa là rất có ý nghĩa. Vẫn biết, trong ngành Việt ngữ học, nghiên cứu đồng đại luôn được ưu tiên, nhưng nghiên cứu lịch đại cũng không thể không chú trọng, nhất là khi chúng ta muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc qua ngôn ngữ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh: Chữ Nôm: nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb KHXH, H, 1975.
2. Nguyễn Tài Cẩn: Lịch sử ngữ âm tiếng Việt - Sơ thảo, Nxb Giáo dục, H, 1995.
3. Nguyễn Tài Cẩn: Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb ĐH &THCN, H, 1985.
4. Lê Trần Đức (biên soạn): Tuệ Tĩnh toàn tập, Nxb Y học, H, 1998 (tái bản lần 4).
5. Hoàng Xuân Hãn: “Văn Nôm đời Trần Lê” (La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Tập 3, Nxb Giáo dục, H, 1998).
6. Mai Hồng: Tìm hiểu tư liệu về Tuệ Tĩnh, Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, Số 1. 1985
7. Trần Xuân Ngọc Lan (phiên khảo). Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb KHXH, H. 1985.
8. Vương Lộc (phiên khảo): An Nam dịch ngữ, Trung tâm từ điển học, Nxb Đà Nẵng, H, 1997.
9. Hoàng Thị Ngọ: Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Nxb KHXH, H, 1999.
10. Lê Văn Quán: Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb KHXH, H, 1981.
11. Nguyễn Ngọc San: Cơ sở ngữ văn Hán Nôm (tập 4), Nxb Giáo dục, H, 1986.
12. Nguyễn Ngọc San: Tìm hiểu Tiếng Việt lịch sử, Nxb Giáo dục, H, 1993.
13. N.V. Stankêvic: Hiện tượng giao thoa từ ngữ pháp Hán sang ngữ pháp tiếng Việt qua bản giải âm Khoá hư lục, trong Những vấn đề về ngôn ngữ Phương Đông, Viện Ngôn ngữ, H, 1983.
14. Trần Thái Tông: Thiền tông khoá hư ngữ lục, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: AB. 268.
15. Nguyễn Thanh Tùng: Khảo sát và tìm hiểu giá trị bản giải nghĩa chữ Nôm sách Khoá hư lục của Trần Thái Tông, Báo cáo khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, 2003.
16. Viện Văn Học: Thơ văn Lý Trần (Tập 1). Nxb KHXH. 1977.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét