Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Mối quan hệ giữa văn sĩ Thăng Long và Nghệ An xưa: Trường hợp Đặng Trần Côn với Phan Kính và Nguyễn Huy Oánh


Có thể nói, mối quan hệ giao lưu giữa văn sĩ Thăng Long với văn sĩ Nghệ An thời trung đại là một vấn đề rất lớn, phức tạp nhưng hứa hẹn nhiều tri thức, thông tin thú vị, bổ ích cho việc nghiên cứu ảnh hưởng qua lại giữa nền văn hóa, học thuật, văn học giữa đất kinh kì với các địa phương, đặc biệt là những địa phương lớn, có vị trí quan trọng trên “bản đồ” văn hóa, văn học dân tộc như Xứ Nghệ. Từ đây, có thể tìm thấy những xu hướng kết hợp, vận động, thẩm thấu văn hóa, văn học kinh kì – Nghệ An trong tiến trình thống nhất dân tộc trên nhiều phương diện, từ quá khứ đến hiện tại. Chưa có điều kiện khảo sát toàn diện, quy mô, bài viết của chúng tôi xin được dừng lại ở một hiện tượng cụ thể ở giữa thế kỉ XVIII – thế kỉ đánh dấu sức lan tỏa/ thâu nhập mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất giữa văn hóa, văn học Thăng Long và Nghệ An để lại nhiều hiện tượng lớn đáng chú ý. Đó là mối liên hệ giao lưu giữa Đặng Trần Côn – gốc/ tinh hoa của văn giới Thăng Long đương thời và các văn sĩ gần như tiêu biểu nhất của trấn Nghệ An xưa: trường hợp Phan Kính và Nguyễn Huy Oánh.
1. Từ những phát hiện về tư liệu
1.1. Tư liệu về quan hệ giữa Đặng Trần Côn với Phan Kính
Phan Kính (1715 - 1761), vốn tên là Sưởng, tự Dĩ Trực, hiệu Tĩnh Trai, quê làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An (nay là xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), đỗ Đình nguyên Thám hoa năm 1743, làm quan đến chức Đốc đồng, tước Bá, sắc phong Anh Nghị đại vương. Tác phẩm của Phan Kính có Kinh truyện tử sử, Sách văn lược cú, Dĩ Trực thi tập, Vịnh cổ thái lão, Phan Kính Hội đình thí văn,v.v… phần lớn đã thất truyền. Tác phẩm còn để lại đến ngày nay của ông gồm khoảng 35 bài thơ Hán Nôm (phần lớn là thơ thù tạc), 3 bài văn (thi Hội, thi Đình, văn bia từ đường).
Quan hệ giữa Đặng Trần Côn và Phan Kính được thể hiện qua một bức thiệp (thư) “mời thưởng xuân”. Bức thiệp có tên Yêu Lai Thạch Phan hữu thưởng xuân thiếp (Thiếp mời bạn họ Phan ở Lai Thạch đến thưởng xuân). Năm 1950, trong Chinh phụ ngâm bị khảo, lần đầu tiên Hoàng Huân Hãn đã đề cập đến bức thiệp này và chỉ ra quan hệ bè bạn giữa hai ông nhằm xác định tuổi tác của Đặng Trần Côn([1]). Sau đó, các nhà nghiên cứu khác cũng chỉ dẫn lại những thông tin vắn tắt mà ông Hoàng cho biết ở trên. Phải đến, năm 1994, toàn văn bức thư đã được Bùi Hạnh Cẩn dịch công bố trong sách Phan Kính – con người và sự nghiệp (1715 – 1761)([2]) năm 1994. Rồi đến năm 1999, bức thiệp “lần đầu tiên được in đầy đủ bằng phiên âm Hán, bản dịch theo đúng thể cách của thư và chú thích chi tiết”([3]) trong sách Chinh phụ ngâm và Chinh phu ngâm. Tuy nhiên, để cho đông đảo độc giả tiếp cận được sát hơn bức thiệp này, thiết nghĩ cũng nên công bố nguyên bản Hán văn, dịch lại văn bản theo kiểu dịch xuôi và có những chú thích kĩ càng, chi tiết hơn. Bên cạnh đó, có một vấn đề quan trọng chưa được giải quyết là thời điểm ra đời của bài văn. Các nhà nghiên cứu thường phỏng đoán rằng bài văn được viết “vào quãng những năm đầu thập kỉ 40 thế kỉ XVIII”([4]) nhưng không có nhiều căn cứ thuyết phục. Vậy, bài văn được viết khi nào?
Bức thiệp Đặng Trần Côn gửi Phan Kính được chép trong sách Vĩnh Gia thôn Thám hoa Phan Đại vương hành trạng([5]). Trong văn bản không hề có thông tin nào về niên đại bức thiệp. Tuy nhiên, trong bức thiệp, Đặng Trần Côn có nhắc đến việc “Trước đây cùng với bậc tài tử Sơn Tây, đấng phong lưu đất Mậu Hòa, nắm tay nhau ở nơi đình cũ, cùng nhau nghe câu hát Bạch Đồng Đề/ Rồi đến thăm bác ở bãi Nam, tặng nhau bài từ Thanh ngọc án/ đã thành bạn bè thề bồi ở Liên xã/ Bèn tìm đến thăm quán dịch ở Lam Kiều” (Tạc dữ Sơn Tây tài tử, Mậu Hòa danh lưu/ Phách thủ kì đình, thanh thính Bạch Đồng Đề chi sắc/ Kí thành Liên xã chi minh/ Toại phỏng Lam Kiều chi dịch). “Bậc tài tử Sơn Tây, đấng phong lưu đất Mậu Hòa” là ai và việc gặp gỡ đó diễn ra lúc nào? Trước đây, không mấy ai để ý chi tiết này. Gần đây, Lê Tùng Lâm đã phát hiện trong sách Danh ngôn tạp trứ (phần Phủ chưởng tân thư), có chép cuộc gặp gỡ, xướng họa thơ từ giữa Đặng Trần Côn với Dương Giám sinh và hai tài tử đất Sơn Tây là Nguyễn Tử Hàm và Nguyễn Ngọc Thiềm. Trong đó, sách cũng cho biết Nguyễn Ngọc Thiềm người Hòa Mậu, Sơn Tây([6]). “Mậu Hòa”/ “Hòa Mậu” có lẽ là một, do sự sao chép! Theo Bùi Hạnh Cẩn, Mậu Hòa là “tên xã thuộc huyện Đan Phượng, có Nguyễn Tất Thứ là người đỗ cao, văn thơ nổi tiếng”([7]). Liệu Nguyễn Ngọc Thiềm có phải là Nguyễn Tất Thứ? Điều này cần phải nghiên cứu thêm. Chỉ biết rằng, Đặng có giao du với nhóm văn nhân, tài tử trên dưới hình thức một “thi xã”. “Nhóm bạn này ưa đi chơi đêm, lập hội thơ liên cú thù tạc, xướng họa. Theo đúng thể lệ trong hội thơ của vườn Kim Cốc, người nào không làm được thơ sẽ bị phạt uống ba đấu rượu”([8]). Quan trọng hơn, Danh ngôn tạp trứ cho biết cuộc xướng họa thơ từ này diễn ra khoảng năm Ất Mão (1735). Trong bức thiệp, Đặng Trần Côn cũng nói rõ việc ông (cùng bạn bè trong hội thơ?) đến thăm Phan Kính ở “trạm dịch” (dịch), “bờ Nam” (Nam phố) và hai ông tặng nhau bài từ Thanh ngọc án. Đặng cũng mời Phan đến để “bên hoa dục tiệc, chia soạn văn chương Kim Cốc” (Hoa biên xúc tịch, phân tài Kim Cốc chi chương), “đã thành lời thề ở Liên Xã” (Kí thành Liên Xã chi minh). Phải chăng Phan Kính cũng nằm trong hội thơ (thi xã) trên? Đặng còn viết: “Sông Nhĩ tiếng nhạn khói bay/ Đê Vị bóng người dăng liễu/ Hỡi ơi, hóa nên lỗi ước rượu thơ/ Bãi Nam năm trước, tháng Đông muốn hết/ Tràng An hôm nay, màu xuân như tranh” (Nhạn hàng Nhĩ thủy chi yên; Nhân ảnh Vị đê chi liễu. Ta hồ! Toại dữ nhị hào vi hĩ. Khứ niên Nam phố, đông nguyệt dục trừ; Kim nhật Trường An, xuân minh như họa). Vậy, lần xướng họa trước diễn ra vào cuối Đông năm Ất Mão (1735) ở Thăng Long và ông viết bài này vào đầu xuân năm Bính Thìn (1736). Trong bài lại nói đến “đạp thanh” (Tảo tiễn tầm phương chi ước; giai du tử dĩ đạp thanh), rồi lại nói đến “thiều quang chín chục” (Cửu thập thiều quang), “tam xuân (chi trạo)” (ba tháng xuân/ tháng 3 mùa xuân) thì có thể đoán rằng, lúc bấy giờ là “thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh/ Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân” [Đoạn trường tân thanh – Nguyễn Du]. Không khí này quả hợp với những gì được Đặng miêu tả trong tấm thiệp, như: “Phồn hoa tựa biển/ Rong chơi đầy thành/ Long não hương bay, theo lụa vòng đu sân bãi/ Mỡ rồng nối sáng, sênh ca đàn sáo lầu dài/ Giàu sang ồn ào trong bụi/ Phong lưu tấp nập chuyện vui/ Hoa lê về mộng, cửa cao đua ngắm bạc vàng/ Lá trúc trao li, vườn đẹp ganh phô rèm giải/ Công tử áo gấm, vó ngựa hoa qua lại nẻo dương xanh/ Vương tôn hoa thơm, gót hài lụa xuyên đường hạnh đỏ/ Năm ba tốp phố phường gió nhẹ bụi thơm/ Hồng trắng chen chen, nõn nà vạt mềm màu gấm/…” (Phồn hoa tự hải, du hí mãn thành; Long não hương phiêu, la ỷ thu thiên chi viện lạc. Li cao kế quỹ, sênh ca ti trúc chi lâu đài. Huyên huyên phú quý tùng trung, trật trật phong lưu lạc sự. Lê hoa hồi mộng, trường môn cạnh đổ kim tiền. Trúc diệp truyền bôi, danh uyển tranh khai trục mạc. Cẩm bào công tử, hoax u đạp khứ lục dương biên; Phương thảo vương tôn, la miệt bộ xuyên Hồng Hạnh khúc. Tam tam, ngũ ngũ, khinh phiêu cửu mạch chi hương trần; Bạch bạch, hồng hồng, nhuyễn thấn thiên kiều chi cẩm sắc).
Theo gia phả, năm Ất Mão (1735), Phan Kính theo lệ phải về Nghệ An dự kì thi Hương, rồi đỗ Hương cống. Năm Bính Thìn (1736), ông ra Thăng Long thi Hội (nhưng không đỗ)([9]). Vậy là, có khả năng Đặng Trần Côn viết thiệp mời ông đến thưởng xuân vào dịp này. Trong bức thiệp cũng có câu “vốn những bác thường hỏi cúc, tôi cũng nhớ rau thuần” (Bỉ thị quân sư điếu cúc, ngã diệc tư thuần). Câu này nói về lòng nhớ quê hương (lấy từ bài Thu hứng của Đỗ Phủ và điển Trương Hàn nhớ rau thuần, cá vược), có lẽ ám chỉ việc Phan Kính về quê (thi Hương) và đang ở quê. Từ đây, cũng có thể thấy, mối quan hệ giữa Đặng Trần Côn và Phan Kính đã hình thành từ trước đó khá lâu. Cũng theo gia phả cho biết, Phan Kính đã ra Thăng Long “du học” từ khoảng 1730 trở đi. Vì vậy, tình bạn giữa hai ông có lẽ nảy nở trong thời gian này. Phan Kính học với Nguyễn Tông Quai, Trần Văn Hoán, Lê Hữu Kiều, Hà Tông Huân,… Nhiều khả năng, Đặng Trần Côn cũng thụ nghiệp từ những “lò” đào tạo này và là bạn “đồng môn” của Phan Kính[10]. Như vậy, tình bạn của hai ông nảy nở từ thưở hàn vi (chưa thi đỗ Thám hoa) cho nên khá thân mật, sâu nặng, có khác mối quan hệ giữa ông với Nguyễn Huy Oánh và văn thân huyện La Sơn, một mối quan hệ nặng tính xã giao và có khoảng cách nhất định.
1.2. Tư liệu về mối quan hệ giữa Đặng Trần Côn với Nguyễn Huy Oánh
            Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), húy Xuân, tự Kính Hoa, hiệu Lựu Trai và Thạc Đình, quê làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An (nay là xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), đỗ Đình nguyên Thám hoa năm Mậu Thìn (1748), làm Chánh sứ sang nhà Thanh năm 1765, làm quan đến chức Thượng thư, tước Thạc Lĩnh bá. Nguyễn Huy Oánh là một học giả, một nhà văn nhà thơ, nhà giáo dục lỗi lạc ở thế kỉ XVIII. Tác phẩm của ông có: Ngũ kinh toản yếu, Tứ thư toản yếu, Hoàng hoa sứ trình đồ, Bắc dư tập lãm, Phụng sứ Yên Đài tổng ca, Sơ học chỉ nam, Quốc sử toản yếu, Thạc Đình di cảo, Tiêu Tương bách vịnh, Huấn nữ tử ca,v.v… Phần lớn các tác phẩm này vẫn còn được lưu giữ cho đến nay cho thấy một tầm vóc “đại gia” ở Nguyễn Huy Oánh([11]).
            Tiểu sử và sự nghiệp của Nguyễn Huy Oánh đã được giới nghiên cứu chú ý sâu trong khoảng 20 năm trở lại đây (từ thập kỉ 90 của thế kỉ XX). Tuy nhiên, khi khảo sát các tư liệu có liên quan đến Nguyễn Huy Oánh, các nhà nghiên cứu lại chưa chú ý lắm đến mối quan hệ giữa Nguyễn Huy Oánh và Đặng Trần Côn. Có lẽ, chỉ có tác giả Lại Văn Hùng có đề cập qua về mối liên hệ này trong công trình Dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu, nhưng với thái độ khá dè dặt[12]. Mối quan hệ này được thể hiện qua một bài “tặng tự” có tiêu đề Hạ Nguyễn Quý Hầu cập đệ gia môn vinh thịnh tự (Tựa mừng Nguyễn Quý hầu đỗ cao, gia đình vinh thịnh) do Đặng Trần Côn làm thay văn hội huyện La Sơn. Bài tựa chép trong sách Nguyễn thị gia tàng (Sách lưu giữ trong gia đình họ Nguyễn). Sách Nguyễn thị gia tàng là sách của gia đình dòng họ Nguyễn Huy, do Nguyễn Huy Vinh (1770 - 1818) biên soạn vào khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, chép thơ văn, hành trạng của một số tác giả dòng họ Nguyễn Huy cũng như thơ văn, bi, tự của các tác giả đương thời chúc mừng Nguyễn Huy Oánh thi đỗ, đi sứ, thượng thọ, trí sĩ, khởi phục, cha mẹ thượng thợ,v.v… Sách hiện được lưu giữ tại dòng họ Nguyễn Huy (Trường Lưu). Bài văn của Đặng Trần Côn nằm trong số những bài văn chúc tụng như vậy. Bài văn được viết để mừng Nguyễn Huy Oánh đỗ Đình nguyên Thám hoa năm 1748. Lạc khoản chép rõ: “Ngày 14 tháng tiệc tùng, năm tiệc tùng, niên hiệu Cảnh Hưng, các quan viên và văn hội trong huyện cùng chúc mừng” (Cảnh Hưng diên niên diên nguyệt thập tứ nhật bản huyện quan viên văn hội đồng hạ), lại chép: “Huấn đạo Đặng Trần Côn, người làng Nhân Mục Cựu, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, hiệu là Dao Cầm Lãn Phu thảo “tờ hoa” (Lan khế, Sơn Nam Thường Tín Thanh Trì Nhân Mục Cựu, Huấn đạo Đặng Trần Côn tự hiệu Dao Cầm Lãn Phu thảo). Cuối bài văn có đoạn viết: “Như vậy, văn hội quan viên huyện nhà, nói với nhau rằng: đọc sách mà được Tiến sĩ, đó là việc đẹp, ứng thí mà đỗ khôi nguyên, đó là tiếng thơm. Chúng ta là bạn đồng đạo, lấy văn chương để họp bạn bè, tùng bách tốt tươi, đều chung đúc cái tình, nhân trình bài văn để chúc mừng’; [họ bèn] nhờ tôi làm bài tựa. Tôi nghe tiếng lớn của ông đã lâu, nay nhân hỏi lịch sử gia đình, biết lai lịch tổ tiên, cứ theo sự thực mà kể ra thành bài, cũng là muốn làm rõ một gia đình vẻ vang, nhân núi mà chọn đá, không như việc thêm thắt trung cáo (?), chỉ là cầm gấm mà thêm hoa mà thôi” (). Thông thường, người viết trướng mừng phải biết rất rõ về người được mừng, thậm chí có quan hệ qua lại mật thiết. Nhưng ở đây, cũng chưa có gì chắc chắn về mối quan hệ trực tiếp giữa hai ông. Chúng tôi ngờ rằng, ở đây có vai trò môi giới của Phan Kính. Vì ta biết, Phan Kính là bạn thân tri kỉ của Đặng Trần Côn. Phan Kính lại là cậu của Nguyễn Huy Oánh. Đương thời, ngay trong trấn Nghệ An, có rất nhiều danh sĩ (Vũ Diễm, Nguyễn Nghiễm, Phan Kính,v.v…). Vì sao, văn hội huyện La Sơn lại nhờ Đặng Trần Côn mà không phải là những người khác (như Nguyễn Nghiễm đã từng viết trướng mừng Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, chẳng hạn). Phải chăng Phan Kính đã giới thiệu Đặng Trần Côn? Cũng có thể là lúc bấy giờ, mặc dù không đỗ đạt cao nhưng danh tiếng của Đặng Trần Côn đã rất lẫy lừng mà góp phần vào danh tiếng đó phải kể đến tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc bất hủ (được đoán định viết năm 1741 - 1742). Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Đặng Trần Côn và Nguyễn Huy Oánh có mối giao hảo trực tiếp, bởi lẽ Nguyễn Huy Oánh cũng từng “du học” Thăng Long nhiều năm, từng là môn đồ của những Lê Hữu Kiều, Hà Tông Huân,v.v… Dẫu sao đi nữa, có điều chắc chắn là họ biết về nhau rất rõ, cũng như, uy tín của họ Đặng đã được khẳng định trong giới. Đây là cơ sở cho mối liên hệ giữa hai nhân vật này và suy rộng ra là giữa Đặng Trần Côn với giới văn sĩ La Sơn nói riêng và Nghệ An nói chung.
Về cơ bản, nội dung bài tự không có gì đặc biệt. Đây là bài văn viết theo thể “tặng tự” (tựa để tặng), nội dung chúc mừng việc thi đỗ, vinh quy bái tổ, gia đình thịnh vượng. Bài văn chủ yếu để ca tụng dòng dõi, nguồn gốc, quá trình học hành, tu dưỡng và đỗ đạt của người được tặng (Nguyễn Huy Oánh). Qua bài tựa, người đọc hiểu thêm về gia thế, tiểu sử của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Đặng Trần Côn viết bài văn này thay cho quan viên và hội văn toàn huyện La Sơn (Hà Tĩnh), nên không có những cảm xúc, ấn tượng riêng mà thuần túy chỉ là một bài văn sáo ngữ, khuôn thức, đầy rẫy điển tích, từ chương. Mặc dù vậy, bài tựa cũng có giá trị nhất định trong việc tìm hiểu mối quan hệ giữa các văn nhân đương thời, đặc biệt là giữa Nguyễn Huy Oánh và Đặng Trần Côn. Cũng cần lưu ý, cuối bài tựa, Đặng Trần Côn có viết tặng một bài từ khúc (ông gọi là “khúc”) theo điệu “Cảm hoàng ân” như sau: “Lương ngọc thao tinh anh/ Tự sơn chi thạch/ Thổ xuất văn mang, đằng đẩu bích/ Bảng phóng thiên môn/ Bình địa nhất thanh tích lịch/ Kim nê tiệp tín thuyên phi/ Song từ dịch/ Côn hóa phàm lân/ Bằng thư kiện phiến/ Hách biến hồng vân bồi chỉ xích/ Hảo bật thần du/ Diễm Bột Bồng, tô thương xích/ Hoàn biểu huân danh/ Thùy trúc bạch (Ngọc tốt, giấu tinh anh/ Từ đá trong núi/ Nhả ra mầm văn, bốc lên Bắc Đẩu/ Bảng đặt cửa trời/ Đất bằng vang một tiếng sét/ Tờ hoa tin tốt bay nhanh/ Mẹ cha vui/ Cá con thành lớn/ Bằng dang cánh mạnh/ Bừng biến mây hồng, phò đấng bậc/ Giỏi giúp đạo vua/ Đẹp cõi tiên, cứu bách tín/ Công huân nêu cao/ Truyền sử sách”. Đây là tư liệu tốt để nghiên cứu lịch sử phát triển của từ khúc ở Việt Nam nói chung và nghiên cứu đời sống văn hóa, văn nghệ của trí thức đương thời.
2… Đến những vấn đề về mối quan hệ giữa Đặng Trần Côn với văn sĩ Nghệ An (qua mối quan hệ với Phan Kính và Nguyễn Huy Oánh)
2.1. Sự “tương kính” của những tài năng lớn
Từ trước đến nay, tư liệu về tiểu sử Đặng Trần Côn đã ít ỏi, tư liệu về mối quan hệ giữa ông với văn sĩ Nghệ An còn ít ỏi hơn (ngay cả khi người ta dùng đến giai thoại). Tuy nhiên, nếu như so sánh với những tư liệu về mối quan hệ giữa Đặng và văn sĩ các vùng khác (Sơn Tây, Hải Dương,…) thì dường như con số ít ỏi đó vẫn còn khả quan hơn: 2 tư liệu. Điều đó phải chăng nói lên cơ duyên của bản thân Đặng với văn hóa, văn học xứ Nghệ. Điều thú vị là cả hai đều quê ở huyện La Sơn, trấn Nghệ An cũ (nay là tỉnh Hà Tĩnh), đều đỗ Thám hoa (thủ khoa), thậm chí có quan hệ họ hàng (cậu - cháu). Xoay quanh đó còn là mối quan hệ giữa Đặng với văn thân bản huyện. Đây không phải quan hệ liêu thuộc, xã giao… mà hoàn toàn là mối quan hệ tương kính của những tài năng lớn.
Trong các văn bản viết cho Phan Kính và Nguyễn Huy Oánh, Đặng Trần Côn đều thể hiện một thái độ trân trọng, khâm phục trước tài năng và danh tiếng của của các vị. Về Nguyễn Huy Oánh, nhân chúc mừng ông đỗ Thám hoa, Đặng Trần Côn viết: “Tiến sĩ là sự chọn lựa rất cao. Người xưa nói: bảng vàng rồng hổ, khoa tướng văn, tướng võ, vốn chẳng quay lưng với bậc đại Nho; danh vọng lớn lao, sao mà gánh được. Mà quý hầu vinh dự được chọn khôi khoa, bởi nhờ hào quang đạo ấy. Người ta cho rằng: về phong thủy, La Sơn là thắng địa, về văn học, Lai Thạch là làng tiếng tăm. Ấy vốn là một thuyết. Nhưng mà cành đã sum suê, ắt gốc vững vàng; dòng chảy mà xa, ắt do nguồn sâu rộng. Tổ tông bồi đắp gốc nền, thực là không ngoa vậy” (Tiến sĩ thịnh tuyển dã. Tích nhân vị chi long hổ bảng, tướng tướng khoa, tự phi yêm bối hồng nho. Khôi hoằng tuấn vọng, hiệt khắc đương thử. Quýnh quý hầu bao nhiên khoa tuyển, dĩ vi tư đạo chi quang. Độc giả quy chi: phong thủy, La Sơn vi thắng địa; văn học, Lai Thạch vi danh hương. Thử cố nhất thuyết. Nhi kì chi mậu giả, kì bản cố; kì lưu viễn giả, kì nguyên thâm. Tổ tông tích lũy ci cơ, tín bất vu dã). Ông cũng tỏ niềm hi vọng vào tiền đồ của bậc đại khoa: “Huống chi, hiện nay thiên tử cầu bình trị, bậc tài tuấn cưỡi gió, sự gặp gỡ lạ như ôm cột đồng, huýt phượng, thời hằng cổ mới gặp lại, đã là sự nghiệp lớn lao của Vệ Hoắc, Xuyến Lân, ngàn năm là đây, sĩ quân tử do khoa mục mà tiến, đã được các bậc thượng nhân coi trọng, công hầu, văn võ, có thể thăng tiến vượt bực, mà tranh khôi đoạt giáp, càng được một thời ca tụng; vốn dĩ, không gì là không vượt lên trên loại tầm thường, theo chọn nhụy hoa. Cái gọi là trạng nguyên cập đệ, sự vinh tiến vốn đã định. Đến như sự giàu có muôn chung chín đỉnh; cái quý kết đoàn ngựa xe, cũng đều nằm sẵn trong phúc phận. Điều mong mỏi ở quý hầu, đã tuyển chọn trong khoa giáp, ắt như tiếng Phùng Kinh chấp chính, như tiếng Vương Tằng, Tống Tường [làm] tể tướng, rực rỡ như sao Cảnh Tinh, Khánh Vân; vang lừng như ngọc phác, vàng ròng; lanh canh tiếng Can Tương, Mạc Da; sừng sững làm Thái Sơn, Kiều Nhạc; khiến cho trăm ngàn năm sau công luận đều khen ngợi. Huyện ta có người, danh thơm phúc trạch, trường tồn cùng núi cùng non. Trong trời đất, há chỉ dừng lại ở sự khoe sáng ở một huyện, thừa đẹp ở một thời mà thôi đâu!” (Phương kim, thiên tử cầu trị, anh năng thừa phong, phụng đống xủy phượng chi kì phùng, hằng cổ tái kiến, Vệ Hoắc, Xuyến Lân chi vĩ liệt, thiên tải tư thời. Sĩ quân tử do khoa mục tiến, kí vi thượng nhân sở trọng, công hầu tướng tướng, khả giai nhi thăng. Nhi tranh khôi đoạt giáp, vưu vi nhất thời chi kiều sở. Do lai mạc bất bạt xuất đẳng di, lạp thủ hoa yếu. Sở vị Trạng nguyên cập đệ vinh tiến tố định. Kì ư cửu đỉnh vạn chung chi phú, kết tư liễn ngự chi quý, nãi giai phận trung chi sở cố hữu. Sở vọng ư ngô hầu giả, kí đăng khoa giáp chi tuyển, tất như Phùng Kinh chi danh chấp chính, Vương Tằng Tống Tường chi danh tể tướng. Hoàng hoàng nhiên vi Cảnh Tinh, Khánh Vân. Tương tương nhiên vi hồn kim, phác ngọc. Tranh tranh nhiên vi Can Tương, Mạc Da. Ngôi ngôi nhiên vi Thái Sơn, Kiều Nhạc. Sử ức niê công nghị hàm xưng ngô huyện chi hữu nhân. Huân danh phúc trạch dữ tư sơn tư thạch trường lưu thiên địa gian. Khởi chỉ khoa cù ư nhất huyện, xỉ mĩ ư nhất thời nhi dĩ tai). Dĩ nhiên, đây là sự ca tụng có tính chất xã giao, nghi thức, “viết hộ”; nhưng trong đó không phải không có sự ngưỡng phục, trân trọng. Và nếu đọc kĩ hơn nữa, ta còn thấy cả sự ngậm ngùi của tác giả về sự “tố định” (an bài), “cố hữu” (vốn có) nghiệt ngã của khoa cử, trường ốc mà ông chính là nạn nhân. Nhưng đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác không ảnh hưởng gì đến thái độ của họ Đặng với vị tân Thám hoa.
Về Phan Kính, Đặng cũng thể hiện sự trọng thị rất cao, chẳng hạn: “Có lòng hòa hợp, năm xưa mong được biết chàng Kinh/ Trong tiệc rửa mũ, ngày hôm ấy chờ mong đón Lí/ Vẫn chiêm ngưỡng ánh Bắc Đẩu ở Xương Lê; được giao thiệp cùng Từ Nhụ ở Thục Châu” (Hữu hoài lai thích, tích niên khát nguyện thức Kinh; Đương tịch trạc anh, thử nhật triếp hi ngự Lí/ Trường ngưỡng Xương Lê chi Đẩu Bắc, đắc giao Từ Nhụ vu Thục Châu); hay: “Bác làu thuộc năm xe, nuốt dài ba đảo/ Học sâu như biển, kình nghê vùng vẫy trận văn/ Lời sắc hơn dao, phù dung tơi bời ngọn bút/ Nhọc chi đề trụ, họ tên Tư Mã cả thành hay/ Đâu phải đập đàn thơ phú Tử Ngang ai cũng quý/ …” (Công bối kí ngũ xa, trường thôn tam đảo. Học thâm vi hải, côn ngạc dược vu văn lan; Từ lợi như đao, phù dung tỏa vu tiêm mạt. Vô lao đề trụ, thành trung chi Tư Mã tính danh; An dụng toái cầm, nhân gia bảo Tử Ngang biên trật…). Qua lời xưng tụng Phan Kính, người ta thấy rõ sự đánh giá cao văn sĩ Nghệ An của Đặng, đặc biệt là câu: “Trộm nghĩ, dưới gốc Giang Châu nên nhiều văn hay Trương Hạo/ Chính nghĩ trước hoa Ngọc Nhụy, hẳn có sách quý Nghiêm Công/…” (Thiết niệm Giang Châu thụ hạ, ưng đa Trương Hạo giai chương; Chính tư Ngọc Nhụy hoa tiền, tất hữu Nghiêm Công nhã tập). Xem Nghệ An (hay Lai Thạch) là “Dương Châu” của Đại Việt, quả là sự đánh giá rất cao văn tài nơi đây. Điều này phù hợp với giai thoại về “Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc” (Bút ngõ Cấm Chỉ, học trò Thiên Lộc) vẫn được lưu hành đương thời như là bằng chứng của sự xác lập uy tín của kẻ sĩ Nghệ An trong giới sĩ phu Thăng Long nói riêng và Bắc Hà nói chung.
Ngược lại, thái độ của các văn sĩ Nghệ An đối với Đặng Trần Côn thế nào? Không có một minh chứng trực tiếp (thiết chứng) bằng “hồi âm”, nhưng có thể thấy được sự trọng thị tương ứng dành cho danh sĩ tài hoa này. Bản thân sự giao du giữa các ông là một bàng chứng quan trọng. Sự thân mật trong việc mời/ được mời “thưởng xuân” của Đặng Trần Côn/ Phan Kính là một bằng chứng. Hai người có dùng thư thiệp, thơ từ tặng đáp, tỏ rõ sự trân trọng ngay từ lúc còn chưa đỗ đạt. Điều đó còn được thể hiện rõ hơn ở trường hợp bài trướng mừng của Đặng cho Nguyễn Huy Oánh. Khi Phan Kính đỗ Thám hoa, người đứng ra viết trướng mừng cho quan viên trong huyện là Nguyễn Nghiễm, đỗ Hoàng giáp, lúc ấy đang làm việc ở Viện Hàn lâm, tước Xuân Lĩnh bá. Còn khi Nguyễn Huy Oánh đỗ Thám hoa, người được nhờ là Đặng Trần Côn, đỗ Hương cống, giữ chức Huấn đạo. Điều đó thể hiện uy tín của Đặng Trần Côn trong mắt các văn sĩ Thiên Lộc, Nghệ An đương thời. Bởi lẽ, đương thời không thiếu những ông Tiến sĩ, Hoàng giáp, Bảng nhãn, Thám hoa,…có thể viết trướng mừng, nhưng văn hội La Sơn đã chọn một ông Hương cống - học vị thấp, Huấn đạo - chức quan nhỏ. Đành rằng ở đây có thể có những mối liên hệ cá nhân, nhưng nếu không có uy tín thực sự, Đặng đã không có cơ hội chấp bút. Đó chính là sự đánh giá cao tài năng, phẩm hạnh mà không cần bằng cấp, học vị, chức tước của các văn sĩ đương thời và văn sĩ Nghệ An đối với Đặng Trần Côn. Cho nên, cơ sở của của sự giao hảo ở đây là cái tài, sự tương kính là rất vững chắc. Sự tương kính đó hẳn đã có một quá trình được thử thách, trải nghiệm mà ở đây, quá trình gặp gỡ, giao lưu, học tập ở mảnh đất Thăng Long đóng vai trò quan trọng. Mối quan hệ giữa Đặng và Phan là một ví dụ tiêu biểu.
2.2. Lấy “tình” làm sợi giây giao cảm, làm nền tảng giao lưu
            Nổi bật trong mối quan hệ giữa Đặng Trần Côn với văn sĩ Nghệ An mà tiêu biểu là Phan Kính và Nguyễn Huy Oánh là cái “tình”. Cái “tình” vừa là yêu cầu muôn thuở trong quan hệ bằng hữu, vừa là hiện tượng có tính lịch sử cụ thể, phản ánh một quan niệm mới của thời đại, “tình” của những bậc tài tử, phong lưu. Đây là điều mà Đặng thường nhấn mạnh ở các bài văn liên quan. Trong bài văn mừng Nguyễn Huy Oánh, do tính chất “viết hộ” và tính chất của một bài văn “chúc tụng”, Đặng Trần Côn không có cơ hội thể hiện nhiều tình cảm, quan niệm của cá nhân ông. Tuy nhiên, ta vẫn thấy ông nhấn mạnh đến cái “tình” như là tài sản của giới văn nhân. Mượn lời các sĩ phu đất La Sơn, Đặng khẳng định: “Chúng ta là bạn đồng đạo, lấy văn chương để họp bạn bè, tùng bách tốt tươi, đều chung đúc cái tình” (Ngã đẳng đồng đạo vi bằng, dĩ văn vi hữu, tùng mậu bách duyệt; tình ư sở chung). Quan niệm này phản ánh không khí “chủ tình” trong đời sống tinh thần, trong tư tưởng của con người đương thời. Truy nguyên sâu xa hơn, theo Trần Nho Thìn, nó có dấu ấn từ quan niệm của Vương Nhung thời Ngụy Tấn: “Bậc thánh mới quên được tình, bậc ngu không hiểu tới tình, tình chung chú vào đâu, chính là chung chú vào bọn chúng ta vậy”([13]). Có thể nói, Đặng Trần Côn là một trong những tác giả đầu tiên đề cập đến chủ trương này trong văn học trung đại Việt Nam, mà lại đề cập đến trong một tác phẩm văn học chức năng. Do đó, những lời chúc tụng của Đặng dành cho vị Thám hoa tân khoa không hoàn toàn chỉ là nghi thức, xã giao mà còn có sự chân thành của cảm xúc khi ông nhận lời thảo “tờ hoa” (lan khế). Có lẽ, đây cũng là một nguyên nhân khiến văn hội La Sơn chọn Đặng Trần Côn để thay mặt họ viết trướng mừng người con ưu tú của quê hương mình. Nhấn mạnh “sự chung đúc cái tình” là một nội dung khá độc đáo trong lời chúc tụng. Đây cũng chính là tuyên ngôn trong sự giao đãi của Đặng Trần Côn với các văn sĩ đương thời, trong đó có các văn sĩ Nghệ An tiêu biểu là Phan Kính và Nguyễn Huy Oánh.
            Ở bức thiệp gửi Phan Kính, Đặng có nhiều điều kiện để bộc lộ quan niệm, tình cảm của mình hơn bởi đây là bài văn có tính chất riêng tư, có tính chất thù tạc bạn bè gần gũi. Do đó, ông nhiều lần nhấn mạnh đến chữ “tình”, chẳng hạn: “Đất thánh hôm nay, ngàn thưở đất trời xuân tới/ Cõi đời ngày đẹp, gái trai lứa trẻ tình vui” (Hoàng châu kim nhật, xuân hồi thái cổ chi càn khôn/ Nhân thế giai thần; tình động thiếu niên chi sĩ nữ); “Vẫn hay cảnh đẹp dương xuân, đâu chẳng văn chương trời đất/ Nên tình cao trăng khuyết, giục thêm tài tử ngâm nga” (Cố tri dương xuân yên cảnh; vô phi thiên địa văn chương/ Cố tuyết nguyệt cao tình; mỗi dưỡng ngâm vu tài tử); “Tình vừa đằm thắm/ Vật vốn thanh cao” (Tình phương ngô giá/ Vật thị thanh cao); “Khe hoa ngoài ngõ/ không hay tình tứ thăm nom” (Hoa khê gia ngoại/ Vô tri thám bệnh chi tình); “Ngàn vàng mau nhận, đến lúc sớm mai/ Trăm trận đùa nhau, say rồi mới lại/ Ngõ hầu, nhiều tình vui khách/ So thanh nhã một vài chung” (Thứ đa tình hoan bá; hiệu nhã chí vu sổ chung),v.v… Như vậy, sợi dây kết nối những bậc văn sĩ ở hai miền đất xa xôi là chữ “tình”. Vì vậy, bức thiệp chan chứa cái tình của Đặng với người bạn phương xa: “Hoa chào bạn rượu, trước làm dáng say/ Liễu gặp người thơ, mơ thêm mắt biếc/ Nghe oanh bờ quanh, nhớ tri kỉ mà ngâm dài/ Ngắm trăng lầu vắng, thương mĩ nhân chừ chẳng ngủ/ Muốn thăm ông Tạ non Đông, vẫn nhớ chàng Lưu Huyền Quán/ Đấu rượu quả cam, tự mình sẵn có/ Non cao nước chảy, thảy thuộc người nao/ Khúc hát lấy ít kẻ họa theo làm giỏi/ Điệu đàn lấy có người tri âm làm vui/…” (Hoa phùng tửu hán, tiên tác túy dung; Liễu ngộ thi nhân, bội khai thanh nhãn. Văn oanh khúc ngạn, tư tri kỉ dĩ trường ngâm. Đối nguyệt nhàn lâu, cảm mĩ nhân hồ bất mị. Nghĩ phỏng Đông Sơn chi Tạ phó, nhưng hoài Huyền Quán chi Lưu lang. Đấu tửu song cam, tự tương dữ ngã. Cao sơn lưu thủy, tẫn thuộc hà nhân? Kì khúc dĩ quả họa vi cao; nhi cầm dĩ tri âm vi thiểu). Có thể nói, động lực để Đặng cầm bút viết bức thiệp gửi “Phan hữu” mời thưởng xuân là cái tình chan chứa đó. Và vì vậy, nội dung sinh hoạt, giao hảo cũng khá “diễm tình”: có thơ, có từ, có đàn, có rượu, và hình như có cả “yến yến hường hường” như sau này ta thấy rõ trong thơ văn thế hệ Nguyễn Công Trứ. Nó phản ánh một nếp sinh hoạt phong lưu của các văn sĩ đương thời mà chúng ta còn ít để ý đến.
2.3. Lấy văn chương để họp bàn bè”
Trong bài tựa mừng Nguyễn Huy Oánh, Đặng Trần Côn đã cho biết một không khí phổ biến đương thời: “các quan viên trong văn hội huyện nhà nói với nhau rằng: đọc sách mà được Tiến sĩ, đó là việc đẹp, ứng thí mà đỗ khôi nguyên, đó là tiếng thơm. Chúng ta là bạn đồng đạo, lấy văn chương để họp bạn bè, tùng bách tốt tươi, đều chung đúc cái tình” (bản huyện quan viên văn hội đẳng tương vị viết: độc thư nhi thủ Tiến sĩ, mĩ sự dã. Ứng cử nhi trạc khôi nguyên, thịnh danh dã. Ngã đẳng đồng đạo vi bằng, dĩ văn hội hữu, tùng mậu bách duyệt, tình hồ sở chung). Quả vậy, “lấy văn chương để họp bạn bè” là một tập quán phổ biến lúc bấy giờ.
            Trong bức thiệp gửi Phan Kính, Đặng dùng điển tích nhưng để nói lên sự thực: “Cầu Mát buông mái, bờ hoa, khách văn xúm xít/ Hồ gương xuân sắc, quyến luyến chàng tình/ Hăm bốn cầu thành, Đỗ Mục đưa thơ/ Mười hai lần trọn, Đông Pha viết sách” (Hoa chử trạo đầu, phú liên từ khách. Kính hồ xuân sắc, vận luyến tình lang. Nhấp tứ kiều, thành Đỗ Mục chi thiên; Thập tam lâu, truyền Đông Pha chi thập. Cố tri dương xuân yên cảnh, vô phi thiên địa văn chương; Cố tuyết nguyệt cao tình, mỗi dưỡng ngâm vu tài tử. Nhi cầm tôn định giá, đa sách hứng vu phương kì hĩ). Đó là “nghề” đồng thời cũng là thú chơi tao nhã của kẻ sĩ đương thời. Không ở đâu, sự giao hảo lại tốt bằng có một nhịp cầu đó là văn chương, chữ nghĩa. Đây là nét tập quán của các trí thức thời trung đại. Song, ở mỗi thời có những nét riêng. Có thể tìm thấy nét riêng ở thời Đặng và các văn sĩ Nghệ An bằng việc trả lời câu hỏi: thứ văn chương, chữ nghĩa được dùng để giao hảo là loại nào? Đặc điểm của chúng ra sao? Có thể thấy ngay 2 nét vừa đối lập nhưng vừa thống nhất: một là thứ văn chương khoa cử và hai là thứ văn chơi. Chúng đối lập ở mục đích (vụ lợi, quan phương/ vô tư, giải trí cá nhân) nhưng thống nhất ở phong cách (phô trương, hoa mĩ, cường kí “tầm chương trích cú”). Các văn sĩ đương thời tìm đến nhau trước hết vì mục đích học hỏi, trao đổi (những vấn đề liên quan đến học hành, thi cử), nhưng sau đó sẽ là tìm kiếm tri âm, tri kỉ và giải phóng cái tôi. Điều đó tất yếu đưa đến cách lựa chọn trên. Hai bài văn của Đặng viết gửi hai văn sĩ Nghệ An mang hai đặc điểm nổi bật đó. Một bài chúc tụng chuyện thi cử, một bài mời gọi bạn tri âm. Nhưng trong bản thân mỗi bài cũng hoà lẫn hai nét trên. Đọc những bài văn Đặng viết có thể nhận ra ngay kiểu văn “từ chương” đầy rẫy điển tích, điển cố, văn thi liệu. Điều này cũng thống nhất với phong cách của Đặng trong sáng tác (Chinh phụ ngâm khúc, Bích Câu kì ngộ (?),v.v…). Chẳng hạn, nói về Chinh phụ ngâm khúc, “Xét về hình thức thì nó là sản phẩm của lối học cường kí, học thuộc, nhớ lâu của văn chương cử tử và không khác mấy so với thứ văn chương mà các nhà nho đã phê phán ở trên. Nhưng điều lạ và đáng chú ý là với những “cú được trích”, những “chương được sưu tầm” chắp nhặt đó Đặng Trần Côn đã thổi vào nó một linh hồn và sức sống mới (…) Thành tựu của Đặng Trần Côn không thể phủ định được rằng nó cũng có những quan hệ trực tiếp với cách học và cách rèn luyện văn chương khoa cử. Vấn đề là khi mục tiêu sáng tạo và ý thức về sự sáng tạo thay đổi, những vấn đề lớn lao khác và những điều kì diệu khác cũng có thể diễn ra”[14]
 Có thể nói, kiểu văn trường ốc, thi cử; cũng là kiểu văn “phô diễn” cầu kì của các danh sĩ đương thời. Đọc thơ văn Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, ta cũng thấy phong cách tương tự. Đây cũng là một biểu hiện cho hiện tượng “lấy văn chương để họp bạn bè”. Những cuộc tụ họp, thưởng thức văn chương, chính là nơi để họ phô diễn tài năng, khẳng định sức học. Hình thức nhờ người có văn tài, có danh tiếng viết trướng mừng người thi đỗ cũng nằm trong thị hiếu đó.
Bên cạnh đó, ở thế kỉ XVIII, chúng ta thấy nổi lên hiện tượng dùng từ khúc để giao lưu, chúc tụng, thù tạc mà Đặng Trần Côn và các văn sĩ Nghệ An là một ví dụ. Trong bức trướng mừng Nguyễn Huy Oánh thi đỗ, Đặng Trần Côn có làm bài từ theo điệu Cảm hoàng ân. Điều đáng chú ở đây không phải là nội dung bài từ, vì nó cũng không có gì đặc biệt, mà ở hiện tượng dùng từ chúc tụng. Trong Nguyễn thị gia tàng, ta cũng thấy có hiện tượng dùng từ để tiễn Nguyễn Huy Oánh về trí sĩ. Đó là bài từ viết theo điệu Nguyễn lang quy của môn sinh Nguyễn Trọng Hằng (người Ý Yên, Nam Định). Thạc Đình di cảo lại xếp bài này vào những bài từ của Nguyễn Huy Oánh. Song nếu nhìn rộng ra về “thể loại từ thời Lê Trung hưng” thì hiện tượng đó không phải là hiếm gặp. Đây lại là một hiện tượng có tính phổ biến đương thời[15].
Gần đây, người ta đã phát hiện ra một số bài từ Đặng Trần Côn làm khi còn trẻ (năm 1735) xướng họa với những người bạn của mình, mà nội dung của chúng khá là “diễm tình” cho thấy thị hiếu văn chương của ông. Trong bức thiệp gửi Phan Kính, Đặng cũng nhắc lại cuộc vui ấy và còn hé lộ cho biết, ông (cùng bè bạn) đã đến thăm Phan Kính và có tặng nhau bài từ theo điệu Thanh ngọc án - một từ điệu xuất hiện khá phổ biến lúc bấy giờ. Vậy là, từ khúc đã trở thành một thú chơi, thù tạc tao nhã đương thời. Nhưng sáng tác từ khúc lúc bấy giờ không còn là hiện tượng hiếm nữa. Nguyễn Huy Oánh cũng để lại khá nhiều bài từ (tất nhiên không phải với nội dung “diễm tình”). Vì vậy, ở đây cũng có sự tương đồng nhất định về thị hiếu văn chương mà có phần chắc rằng, tạo nên nét tương đồng đó chính là nhờ không khí hội tụ văn chương, học thuật, tài năng ở kinh đô Thăng Long; sự hội tụ của các văn sĩ Thăng Long với các văn sĩ từ khắp nơi trong cả nước trong không khí vừa “sục sôi” học thuật (những khi nghiêm túc) vừa “phóng túng hình hài” (những lúc vui chơi). Sự hội tụ đó mang tính chất “đô thị” và “thị dân” khá rõ.
2.4. Hội tụ và phân li
Trong các tư liệu được phát hiện về mối quan hệ giữa Đặng Trần Côn với Phan Kính và Nguyễn Huy Oánh, có một điều đáng chú ý là: chỉ thấy Đặng Trần Côn viết về/ gửi cho hai văn sĩ Nghệ An mà không thấy ngược lại. Đây là sự ngẫu nhiên/ mất mát của tư liệu hay còn có nguyên cớ gì khác? Phan Kính, Nguyễn Huy Oanh đã “đáp” lại họ Đặng thế nào? Điều này khó biết chắc được nếu như không có tư liệu mới. Nhưng phải chăng, sự khuyết thiếu đó cũng bộc lộ một sự “lệch pha”/ khác biệt trong quan niệm, tư tưởng của mỗi bên, nếu không muốn nói quá rằng: Đặng là người cô đơn trong những mối quan hệ đương thời([16]), trong đó có các mối quan hệ với các văn sĩ Nghệ An. Điều này được soi chiếu thêm từ tiểu sử, sự nghiệp văn chương của mỗi người.
            Con đường khoa cử của Đặng Trần Côn khá ngắn, và vì vậy, quan lộ của ông cũng chỉ dừng lại ở chức Ngự sử đài Chiếu khán/ khám hay chức Tri huyện/ Huấn đạo. Phan Kính đỗ Thám hoa, làm đến Đốc đồng, bôn ba khắp nơi, có thể gọi là cũng có một sự nghiệp “kinh bang tế thế” nhất định. Nguyễn Huy Oánh, đỗ Thám hoa, làm đến Thượng thư (thậm chí được mời làm Tham tụng, nhưng từ chối). Điều này có lẽ phần nào tạo ra khoảng cách giữa họ, mà rõ nhất là sự khác biệt trong văn chương. So sánh sự nghiệp của những tác giả này Vũ Ngọc Khánh và Chương Thâu có nhận xét thú vị: “Nguyễn Huy Oánh, thua Phan Kính một tuổi (thực ra là hơn Phan Kính 2 tuổi – NTT), lại có tình cậu - cháu, đỗ Thám hoa sau Phan Kính năm năm, trở thành một nhà giáo lỗi lạc, một học giả xuất sắc, chủ nhân một thư viện tư gia lớn nhất toàn quốc. Phan Kính đã không theo con đường này (…) Rồi Đặng Trần Côn nữa! Có những thư từ để lại, cho biết giữa Phan Kính và Đặng Trần Côn đã có mối tình đồng điệu tri âm, đã cùng sống những ngày bên tiệc thưởng trăng, bên lầu người đẹp. Ấy vậy mà sau này Đặng Trần Côn đã thành danh sĩ, để lại cho đời những trang Chinh phụ ngâm sống với thời gian. Phan Kính đã không làm như thế. Con người kẻ sĩ trong Phan Kính là con người có chí hướng riêng, có cách phấn đấu của riêng mình, không giống ai cả (…) Trước sau, ông vẫn là một con người nghiêm túc, một dạng ‘sĩ hạnh’ trong giới Nho lâm. Rõ ràng ở nơi ông tập trung đủ phong độ của một kẻ sĩ mẫu mực. Kẻ sĩ đó cần cù học tập, có ý chí tự cường, có trình độ uyên bác, giành bảng khôi nguyên hơn hẳn mọi người. Kẻ sĩ đó thực sự là có học vấn, có kinh luân, ra tướng võ, vào tướng văn và ở đâu cũng hoàn thành trách nhiệm một cách xuất sắc. Đồng thời đó cũng là con người biết giữ gìn tư cách. Không chạy theo thời thượng, không tìm cách để ngoi lên địa vị, cũng không ồn ào khoe khoang. Thiết thực khiêm cung trong đời thường và trong cả hướng đi của suốt cuộc đời hoạt động”([17]). Nhận xét về Phan Kính thực ra cũng đúng với Nguyễn Huy Oánh. Có thể nói, Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh là những tấm gương về sự cần cù, nỗ lực, kiên trì phấn đấu để thành danh và “hành đạo” theo mẫu hình “mô phạm” của nhà Nho truyền thống, nhà Nho xứ Nghệ. Khi thất thế hay bất lợi thì thường lui về ẩn dật, giữ khí tiết thanh cao, coi thường danh lợi, nhưng vẫn chuẩn mực “độc thiện kì thân”. Ngược lại, Đặng Trần Côn lại tiêu biểu cho mẫu hình nhà Nho tài tử, không thiếu tài năng, không thiếu sự cần cù, nhưng có quan niệm sống phóng túng, phong lưu. Sách Tang thương ngẫu lục đã nhận xét khá xác đáng về Đặng như sau: “tính thích rượu, đềnh đoàng, phóng túng. Trong khoảng trường ốc, văn chương ông tiếng lừng thiên hạ”([18]). Đó chính là lớp nhà Nho tài tử: “Hoàn cảnh xã hội mới tạo nên lớp nhà Nho này, để họ sớm có ý thức về cá nhân mình, thông cảm được với ước mơ giải phóng tình cảm lâu đời bị dồn nén vì lễ giáo và vì những bất công ngang trái. Cuộc sống cũng có những thú vui cầm kì thi tửu nhưng là theo một hướng khác, không phải theo khuôn phép trang nhã của nhà Nho mực thước, mà theo phong cách ít nhiều tự do phóng khoáng của những nhu cầu tự thể hiện mình. Lớp người này ở các thế kỉ trước chưa xuất hiện, mà vào cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỉ XVIII cũng chưa phải là nhiều. Phải chờ ít lâu nữa, độ vài ba chục năm sau mới có những Phạm Thái say sưa, Nguyễn Huy Tự tài hoa, Nguyễn Du thắm thiết, rồi những Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng, Cao Bá Quát ngang tàng. Chứ lúc này, chỉ với Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều và sau nữa Nguyễn Khản, cũng đã thấy sự báo hiệu của một luồng gió mới”([19]). Quả là, đương thời, những người như Đặng còn quá ít, hoặc có nhưng “vô danh”, “nhỏ bé” trong lịch sử nên ít được ghi nhận, trừ Đặng đã vượt lên được sự nghiệt ngã của lịch sử bằng văn chương tài tử, phóng túng khác người. Tính cách phóng túng, tài tử đó được thể hiện rõ trong các tác phẩm của Đặng Trần Côn: các bài từ xướng họa với bạn bè, Chinh phụ ngâm khúc, Bích Câu kì ngộ (?),v.v… Trong bức thiệp gửi Phan Kính, Đặng Trần Côn cũng thể hiện rõ phong cách đó: “Hội may gặp gỡ, bỏ lỡ khó tìm/ Sống nổi lợi danh hỏi được bao nả/ Hôm nay chẳng biết việc ngày mai, giàu sang rồi sao với mình?/ Năm đi há không năm trở lại/ Thú vui quên điều già tới/ Hàn huyên một lời, xa cách dài chia/ Đen trắng mái đầu giục người li biệt/ Yêu hoa nên dậy sớm, thú vui cần kịp thời/ Nguyên Hiến, Thạch Sùng/ Cùng về gò mả/ Bá Di, Đạo Chích, thảy đều hư không/ Cúi ngẩng cõi đời, xưa nay huyền ảo/ Thị phi miệng tiếng, khinh trọng đáng chi/ Cớ sao trời đất giàu cho muôn vật còn e sẻ mỉa/ Ví xem khắp mười hai châu tiên đẹp, cùng với hạc chơi” (Chiêu yêu hảo hội, thố quá nan phùng. Danh lợi phù sinh, vi nhàn nhược kỉ. Kim nhật bất tri minh nhật sự, phú quý nại ư ngã hà. Hành niên khởi bất thiếu niên quy, than ngu vong kì lão chí. Hàn huyên nhất dạ, cách thiên trường tạm phân. Thương bạch nhị mao, thôi nhân hữu tiện biệt. Ái hoa chính đương tảo khởi,  hành lạc thứ thả cập thì. Nguyên Hiến, Thạch Sùng, đồng quy trủng mộ; Bá Di, Đạo Chích, tổng thị hư không. Phủ ngưỡng nhân gian, cổ kim giai huyễn. Thị phi khẩu giác; khinh trọng hà quan. Nại hà dĩ thiên địa số vạn vật chi tư, do hiềm yến tiếu. Nhược hữu lãm Tiên châu thập nhị chi thắng, thượng bạn hạc hành). Trong bức thư, ta thấy thấp thoáng hình ảnh của “mĩ nhân”, của vương tôn, công tử, văn nhân, tài tử, của hoa, rượu, sáo đàn, sênh phách, từ khúc,... như: “Xanh xanh Chương Đài lá liễu, há nên một bẻ tặng người nào/ Rờ rỡ Vũ Lăng cánh đào, khá cùng lại giữ nhau đường trước/ Sớm thỏa cái hẹn tìm thơm, cùng dặm xanh với du khách/ Cùng lên đài cao trăng sáng, giúp nhặt thắm với giai nhân/ Nối hội vui Nam Sơn, nghiêng li trong Bắc Hải/ Dưới mái thương hương, cười vào giấc mộng La Phù/ Bên hoa dục tiệc, chia soạn văn chương Kim Cốc/ Thả cành bướm sáng mùa xuân, trêu Hằng Nga đêm trăng sáng/ Sáo Triệu đàn Tần lần lượt, chen kẽ câu ca/ Bạc vàng xinh đẹp tràn đầy, ngại chi say khướt?/ Đừng lo sẻn rượu, Tương Tư tự có cừu hoa/ Sao hận túi suông, Thái Bạch há không ngựa quý/ Ngàn vàng mau nhận, đến lúc sớm mai/ Trăm trận đùa nhau, say rồi mới lại…” (Thanh thanh Chương Đài liễu, khởi dung nhất chiết vu tha nhân; Chước chước Vũ Lăng đào, ưng khả dĩ tái lưu vu tiền lộ. Tảo tiễn tầm phương chi ước, giai du tử dĩ đạp thanh; Đồng đăng oánh nguyệt chi đài, ủng giai nhân nhi thập thúy. Tục Nam Bì chi nhã hội, khuynh Bắc Hải chi thanh tôn. Mai hạ lân hương, tiếu nhập La Phù chi mộng. Hoa biên xúc tịch, phân tài Kim Cốc chi chương. Tứ hồ điệp vu xuân riêu, lộng Hằng Nga vu nguyệt tịch. Triệu cầm Tần tranh chi thứ, dụng gián ca trần. Trình du Hán diễm chi tiền, hà phương túy đảo. Mạc ưu tửu kiệm, Tương Như tự hữu hồ cừu; Hà hận nang không, Thái Bạch khởi vô hoa mã. Thiên kim hạnh nặc, chí tất dĩ triều; Bách chiến tương phù, quy kì ư túy…). Dĩ nhiên, đây là những hình ảnh mang tính ước lệ, khuôn thức (chẳng hạn, “giai nhân” có thể chỉ người bạn tri âm), nhưng đâu phải không có những nhân tố thực tế nào đó trong cuộc “hành lạc”. Tư tưởng này phù hợp với tư tưởng trong những bài từ mới phát hiện của Đặng Trần Côn làm cùng văn hữu. Tư tưởng của ông quả rất khác với các nhà Nho khác trong giai đoạn mà Nho học đang thực sự được “vận động cải cách”, “chấn hưng”, “phục hồi” như Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Nghiễm,v.v…Vì vậy, dễ hiểu sự xuất hiện của những yếu tố “phi truyền thống”, “phi Nho giáo” trong các sáng tác của Đặng Trần Côn thể hiện thái độ chán ghét chiến tranh (nội bộ) qua tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc và một số bài từ. Phan Huy Chú đã nhận xét ông “nhân đầu đời Cảnh Hưng, việc binh nổi dậy người ta đi đánh phải lìa nhà, ông cảm thời thế mà làm ra” khúc ngâm trên. Trong các bài từ mới phát hiện, Đặng Trần Côn cũng viết nhiều về thân phận của người chinh phu – chinh phụ trong chiến tranh([20]). Trái lại, những người như Phan Kính hay Nguyễn Huy Oánh đều là những ông quan tận tụy, trung thành với triều đình Lê Trịnh. Các ông đã “tham tán”, “hiệp đồng” cho nhiều chiến dịch quân sự của chúa Trịnh với tinh thần hăng hái, ý thức trách nhiệm cao. Điều này dẫn đến sự khác biệt căn bản trong sáng tác của các tác giả này mà điểm cốt yếu là: văn chương hành đạo, tải đạo/ văn chơi, văn tả tình, tự tình. Cũng chính vì vậy, chỗ đứng trong lịch sử văn học của họ cũng khác nhau khá nhiều. Do đó, quan hệ giữa Đặng với các văn sĩ tiêu biểu của Nghệ An cũng chưa đem lại luồng gió mới, chưa có sự cộng hưởng rộng rãi. Nói khác đi, khoảng cách vùng miền, khí chất, thiên hướng thẩm mĩ vẫn còn khá đậm ở đầu thế kỉ XVIII. Tuy nhiên, nó đã báo hiệu, chỉ một thế hệ sau thôi, những Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Khản, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện, Phan Huy Ích, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,v.v… đã ra đời, thấm nhuần những nét đặc trưng của văn hoá Thăng Long, tiếp tục phát triển hướng đi mà Đặng Trần Côn đã “khai phá” (nhất là trên lĩnh vực văn học), khiến cho sự giao lưu văn hoá, văn học giữa Nghệ An và Thăng Long trở nên khăng khít hơn; nét khác biệt văn hoá, văn học vùng miền; “trung tâm” và “ngoại vi” cũng giảm đi. Nói một cách khác, họ đã đem lại sự kết tinh, thành tựu tuyệt vời cho văn hoá, văn học Thăng Long, nếu không muốn nói rằng, lúc này, họ đã có tác động ngược trở lại vô cùng to lớn đối với văn hoá, văn học Thăng Long. Ảnh hưởng, tiếng vang của Nguyễn Du([21]), Hồ Xuân Hương([22]),v.v… ở Thăng Long chính là một minh chứng hùng hồn.
            Tóm lại, qua khảo sát tư liệu về quan hệ giữa Đặng Trần Côn với Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, chúng ta thấy được một mối quan hệ khá điển hình giữa văn sĩ gốc Thăng Long và văn sĩ Nghệ An giữa thế kỉ XVIII. Mối quan hệ đó được gây dựng dựa trên sự tương đồng, đồng điệu về nhiều mặt, nhưng cũng hàm chứa bản sắc riêng biệt của mỗi vùng tạo nên khoảng cách nhất định mà cần phải có thời gian và những điều kiện lịch sử, xã hội, văn hoá phù hợp mới có thể dần dần rút ngắn, thậm chí trộn lẫn và hòa nhập. Nhưng dù thế nào, chúng ta vẫn thấy thấp thoáng đằng sau những biến cố hay những xu hướng đó hình bóng, dấu ấn sâu sắc của không gian địa-văn hoá Thăng Long với tư cách là nơi cởi mở, hội tụ tinh hoa, anh tài của các miền khắp cả nước trong đó nổi bật là Xứ Nghệ, vào lòng nó để tạo nên chính bản sắc văn hoá, văn học đa diện của kinh thành. Đồng thời, nó cũng cho thấy đóng góp to lớn của văn hoá, văn học Xứ Nghệ trong sự hình thành cái gọi là văn hoá, văn học Thăng Long “ngàn năm văn vật”./.
[Bài đăng Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 180/ 2010]
                                                                                    Hà Nội, tháng 04 năm 2010.


[1] Hoàng Xuân Hãn, Chinh phụ ngâm bị khảo, Nxb Văn học, H, 1993, tái bản.
[2] Vũ Ngọc Khánh, Chương Thâu, Phan Kính – con người và sự nghiệp, Nxb Khoa học xã hội,
[3] Bùi Hạnh Cẩn, Chinh phụ ngâm và Chinh phu ngâm, Nxb Văn hóa thông tin, H, 1999. Bản dịch (và phiên âm) bức thiệp được chúng tôi sử dụng ở đây là của Bùi Hạnh Cẩn, có sửa chữa đôi chỗ cần thiết.
[4] Bùi Hạnh Cẩn, Tlđd, trang 27.
[5] Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHv.1352.
[6] Lê Tùng Lâm, “Phát hiện một số tác phẩm mới thuộc thể từ thời Lê Trung hưng”, Thông báo Hán Nôm học năm 2008, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, H, 2009, trang 570.
[7] Bùi Hạnh Cẩn, Tlđd, trang 27.
[8] Lê Tùng Lâm, Tlđd, trang 570.
[9] Vũ Ngọc Khánh, Chương Thâu, Tlđd, trang 21.
[10] Hoàng Xuân Hãn, Tlđd.
[11] Lại Văn Hùng (cb), Tuyển tập thơ văn Nguyễn Huy Oánh, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2006; Lại Văn Hùng (cb), Kỉ yếu Hội thảo danh nhân văn hoá Nguyễn Huy Oánh, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2008.
[12] Lại Văn Hùng, Dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
[13] Trần Nho Thìn, Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, trang 420 - 432.
[14] Nguyễn Kim Sơn, Vận động cải cách văn thể, tâm thái sĩ phu, và động hình của văn chương Việt Nam cuối thế kỉ XVII, thế kỉ XVIII, trong Nghiên cứu văn học Việt Nam: những khả năng và thách thức, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2009, tr.237.
[15] Phạm Văn Ánh, Thể loại từ thời Lê Trung Hưng, Luận văn Thạc sĩ, Trường ĐHKHXH & NV Hà Nội, 2007.
[16] Giai thoại cho biết, Đặng có gửi thơ xin gặp Đoàn Thị Điểm, nhưng bà từ chối vì cho Đặng còn “trẻ ranh”. Chắc còn nguyên nhân khác! Một lối sống phóng túng như Đặng hẳn chưa được nhiều người đương thời (và cả sau này) chấp nhận.
[17] Vũ Ngọc Khánh, Chương Thâu, Tlđd, trang 40.
[18] Tùng Niên, Kính Phủ, Tang thương ngẫu lục, trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập 2, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1997, trang 153.
[19] Vũ Ngọc Khánh, Chương Thâu, Tlđd, trang 35.
[20] Lê Tùng Lâm, Tlđd.
[21] Xem Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Du và Thăng Long: xem xét từ cảm quan thẩm mĩ, Hà Nội, 2009; Hoài Nam, Nguyễn Du với kinh thành Thăng Long, Tạp chí Người đại biểu nhân dân, ra ngày 30.IX.2009; Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Du và Thăng Long, Hội nghị Thông báo Hán Nôm học 2009.
[22] Quan hệ giữa Hồ Xuân Hương và Thăng Long chưa có bài nghiên cứu cụ thể, nhưng thiết nghĩ đây là đề tài lí thú và có triển vọng. Xem thêm Đào Thái Tôn, Hồ Xuân Hương - tiểu sử văn bản và quá trình huyền thoại hoá, Nxb Hội nhà văn, 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét