Tinh tuyển chư gia luật thi (TTCG) là bộ thi tuyển thứ hai sau Việt âm thi tập (VATT) trong quá trình hình thành hệ thống các thi tuyển ở nước ta. Nó có vị trí và ý nghĩa khá quan trọng trong việc sưu tầm và lưu giữ các thi phẩm của dân tộc thời trung đại. Chính vì vậy, từ lâu nó đã được để tâm khảo sát, nghiên cứu. Tuy nhiên, do sự mất mát, thiếu sót về tư liệu lẫn những nhầm lẫn trong khâu xử lý mà vấn đề văn bản học của bộ thi tuyển này vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ chúng ta hiện không có trong tay một văn bản TTCG đầy đủ và tin cậy, có khả năng gần với bản gốc nhất. Hiện chúng ta chỉ còn hai văn bản đều không đầy đủ và thiếu độ tin cậy nhất định. Thứ nhất là bản chép tay mang ký hiệu A. 574 (gọi là bản A). Thứ hai là bản in mang ký hiệu A. 2657 (gọi là bản B). Cả hai đều có những hạn chế của nó. Bản chép tay tuy có phần phong phú về tư liệu (chép được nhiều thơ của nhiều tác giả) nhưng là bản sao nên mang những đặc tính cố hữu của dạng văn bản này là sự tuỳ tiện và tính "vô phương kiểm chứng", cần có sự dè dặt trong những nhận định. Bản in có độ tin cậy cao hơn nhưng cũng không làm cách nào xác định dược niên đại thực sự của nó. Hơn thế, nó lại chỉ còn lại một phần, hết sức dở dang và ngắn ngủi. Chính những khó khăn đó đã dẫn đến những kết quả khảo sát, nghiên cứu hết sức khác nhau.
Nổi bật là khảo sát, nghiên cứu của học giả Trần Văn Giáp và GS. Nguyễn Huệ Chi. Cụ Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam và Tìm hiểu kho sách Hán Nôm đã cho kết quả nghiên cứu như sau:
- Bản A có 362 bài thơ của 11 tác giả. Trong đó phần thơ đời Lê có 152 bài của 4 tác giả.
- Bản B có 219 bài thơ của 4 tác giả (cũng là 4 tác giả đời Lê như trên). Bản này thêm được 67 bài thơ đời Lê.
Từ đó, cụ Trần bác bỏ ghi chép của Lê Quý Đôn (15 quyển) mà nghiêng về giả thiết của Phan Huy Chú (5 quyển).
GS. Nguyễn Huệ Chi trong phần "Khảo luận văn bản" của bộ Thơ văn Lý Trần đã tiến thêm được một bước dài nữa, khi đưa ra được những kết quả rõ ràng hơn như sau:
- Bản A: 12 tác giả Trần, Hồ và Lê Sơ với 409 bài.
- Bản B: 4 tác giả Lê Sơ với 219 bài.
- Tổng hợp hai bản A và B lại ta được một bản TTCG có thể gồm 5 quyển với 472 bài thơ của 12 tác giả. Điều thú vị, theo tác giả là con số 472 bài thơ trùng với sự miêu tả của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí "5 quyển…13 tác giả, 472 bài thơ". GS. Nguyễn Huệ Chi cũng nghiêng về ý kiến như học giả Trần Văn Giáp, tán đồng ghi chép của Phan Huy Chú.
Tuy nhiên, số tác giả lại không trùng khiến cho tác giả loay hoay không biết lý giải thế nào cho ổn thỏa. Ông đã nghĩ đến tác giả thứ 13 là Nguyễn Sĩ Cố (2 bài). Nhưng vẫn loay hoay với con số 63 bài chênh lệch giữa bản chép tay (B) và bản ghi chép của Phan Huy Chú. Điều làm chúng tôi băn khoăn là không biết ông đã làm thế nào mà tổng hợp được từ hai bản A và B con số 472 bài thơ. Nếu theo cách tính đó thì bản B phải có đúng 63 bài chép khác bản A để bổ sung vào con số 409 bài của nó cho đủ 472 bài. Con số đó có không và chính xác là bao nhiêu ? Giải đáp câu hỏi này buộc chúng tôi phải khảo sát lại toàn bộ 2 văn bản hiện còn.
Kết qủa khảo sát thật bất ngờ!
- Bản A: đúng 409 bài thơ của 12 nhà thơ. Trong đó đời Trần Hồ (quyển 1): 257 bài của 8 nhà thơ; đời Lê (quyển 2): 152 bài của 4 nhà thơ.
- Bản B: 223 bài của 4 nhà thơ đời Lê [Nếu tính cả 2 bài thơ của Nguyễn Trãi chắc chắn đã bị rách ở tờ đầu bản này thì con số là 225 bài]. [Xem phụ lục]
Vấn đề ở đây không đơn giản là thấy bản B chép nhiều hơn bản A hiệu số 71 bài thơ (223 - 152) [nếu tính cả 2 bài rách mất của Nguyễn Trãi thì con số là 73] mà phải xem con số trùng nhau giữa hai văn bản là bao nhiêu từ đó tìm ra số các bài mà chỉ bản B mới có còn bản A thì không. Cũng phải nghĩ đến khả năng bản A có các bài mà bản B không có (ở phần thơ đời Lê). Khả năng này không được các nhà nghiên cứu trước đây tính đến (có lẽ vì họ nghĩ bản A sao chép bản B thì chỉ có bỏ sót chứ không có thêm vào hoặc dôi ra). Thực tế khác hẳn. Kết quả so sánh chi tiết cho thấy:
- Bản A không chép 73 bài (cụ thể xem ở phụ lục II dưới đây) có ở bản B.
- Bản B không có 3 bài có chép ở bản A, đó là: Du hồ, Hoài lộc, Tặng quốc tử tế tửu Nguyễn công trí chức [vinh quy]. [Ngoài ra, còn 2 bài của Nguyễn Trãi, nhưng là do sách rách 2 tờ đầu bản in, chứ không phải trong bản in không có]. Rất có thể, 3 bài này được chép từ các nguồn khác (chúng tôi có tìm thấy 3 bài này trong Việt âm thi tập (1 bài) và Toàn Việt thi lục (cả 3 bài)) không nằm trong cơ cấu của sách. Đây là một điều khá thú vị.
Khi tiến hành so sánh chúng tôi cũng thấy:
- Bản B có niên đại cổ hơn (dựa vào chất giấy, tên tuổi Lý Tử Tấn vẫn được giữ họ Nguyễn ).
- Bản A có niên đại muộn hơn (chẳng hạn tên Nguyễn Tử Tấn đã được đổi lại thành Lý Tử Tấn).
- Trật tự các tác giả và các bài thơ ở bản A và bản B không khác nhau nhiều lắm (chẳng hạn, phần chép thơ Nguyễn Trãi giữa 2 văn bản giống nhau hoàn toàn,…). Bao giờ, ta cũng giành sự ưu tiên cho bản in, vì nó đã được cố định hoá và phát hành rộng rãi nên nó có thể có trước.
Từ đó, có thể nêu giả thiết bản A đã chép lại một văn bản cùng dòng với bản B (tất nhiên là có sửa chữa, sai lệch,…). Nhưng hãy xem bản A sao chép lại một văn bản cùng dòng với bản A như thế nào ?
Bản B không còn đầy đủ, nên ta không thể so sánh một cách toàn diện được. Nhưng căn cứ vào những gì hiện còn có thể nêu nhận định: Người chép đã không trung thành hoàn toàn với nguyên bản (được giả định là cùng dòng với bản B). Thể hiện ở chỗ:
- Người chép đã sửa Nguyễn Tử Tấn thành Lý Tử Tấn…Từ 5 quyển [bản B chỉ còn gần 2 quyển 4, 5] chia lại thành 2 quyển (I và II).
- Người chép đã chép sót một số lượng khá lớn các bài thơ có trong nguyên bản theo giả thiết (tính riêng phần thơ đời Lê: sót 73/ 223 bài chiếm 32,7 %).
- Người chép có thể đã tự ý thêm vào một số bài thơ bên ngoài mà mình biết vào phần của một vài tác giả nào đó (cụ thể với tác giả Nguyễn Mộng Tuân, người chép đã thêm vào 3/ 54 bài được chép, chiếm 5,6 %). Ở đây, cũng có thể nghĩ đến khả năng ở bản in đã bị rách một tờ nào đó có chép 3 bài thơ nêu trên (lưu ý là 3 bài này trong bản A được chép liền nhau trong gần 2 tờ, nếu căn cứ vào dung lượng mỗi trang in của bản B, thì rách một tờ là đủ mất đi 3 bài như trên). Chỉ có điều, nếu vậy thì thật khéo là 3 bài lại nằm “gọn” trong một tờ!
- Người chép tự ý đổi tên bài thơ: ví dụ đổi tên bài Thuỵ khởi thư hoài thành Thuỵ khởi mạn thuật và nhập nó vào một bài có tên đúng là Thuỵ khởi mạn thuật để trở thành chùm Thuỵ khởi mạn thuật ( nhị thủ).
Nhận định này sẽ cho chúng ta một căn cứ quan trọng để tin rằng phần chép thơ đời Trần Hồ của bản chép tay không hẳn đã đúng hoàn toàn. Và khi tổng hợp hai văn bản lại để có được một văn bản tương đối hoàn chỉnh cần hết sức lưu ý đến điều này để lý giải sự chênh lệch của bản tổng hợp đó với mô tả của Phan Huy Chú.
Bây giờ ta sẽ tổng hợp hai văn bản này lại. Tạm lấy bản A làm bản nền (vì số lượng tác giả tác phẩm nhiều hơn, bao quát hơn, một phần trùm lên bản B), ta chỉ việc cộng thêm các tác phẩm bản A không có mà bản B lại có. Bản A có 409 bài, cộng với số tác phẩm chỉ bản B có (73 bài) ta được tất cả 482 bài của 12 tác giả.
So với mô tả của Phan Huy Chú thì số tác giả thiếu 1, trong khi số bài thơ lại thừa 10 bài. Sự chênh lệch không đáng kể, có thể chấp nhận được đối với các tư liệu xưa. Từ đó, chúng ta có thể tạm tin cậy được 2 văn bản hiện còn (tổng hợp lại) là gần với sự miêu tả của Phan Huy Chú. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể lý giải được sự sai lệch này. Có 2 khả năng:
1, Nguyên nhân là do người chép đã làm sai lệch con số thực tế với ghi chép của Phan Huy Chú (nếu tin vào ghi chép của ông).
Với hiện tượng người chép có thể chép thêm từ bên ngoài vào 3 bài thơ của Nguyễn Mộng Tuân, ta có thể lý giải được con số 6 bài thơ (và rất có thể là nhiều hơn, chúng ta cũng không thể biết được con số thừa chính xác vì bản B bị rách mất mấy tờ đầu và tờ cuối không thể đối chiếu được, con số 6 chỉ là con số trên thực tế) nhiều hơn sự mô tả của Phan Huy Chú là kết quả của việc làm đó. Nhưng cụ thể là bài nào thì chúng ta không thể biết được, chỉ biết rằng đó là các bài thơ đời Trần.
Với hiện tượng người chép lại bỏ sót một số lượng tác phẩm khá lớn chỉ riêng ở phần thơ đời Lê (223 bài), ta có thể phỏng đoán rằng với phần thơ đời Trần Hồ cũng có hiện tượng đó. Chỉ có điều, sự bỏ sót ở phần thơ đời Lê không làm mất đi một tác giả nào (có lẽ một phần vì may mắn ngẫu nhiên, một phần vì số lượng tác phẩm của các tác giả đời Lê nhiều hơn, trung bình 55,75 bài / tác giả so với thời Trần Hồ, trung bình 32,12 bài / tác giả , đặc biệt có tác giả chỉ có 1, 2 bài) trong khi có thể sự bỏ sót ở phần thơ đời Trần đã làm biến mất một tác giả nào đó trong bản chép tay (nếu đúng thế thì người này quả là đen đủi!). Việc tìm lại nhà thơ bị mất này (nếu đúng) không phải là một công việc đơn giản. Nhưng theo chúng tôi có thể chính GS. Nguyễn Huệ Chi đã tìm ra nhà thơ này nhưng chưa dám khẳng định vì lấn cấn chuyện số bài của ông quá ít (2 bài). Chúng tôi nghĩ rằng, có thể chính việc số bài của ông quá ít mới khiến ông bị bỏ quên. (Ta hãy nhớ lại, gần đây thôi, ngay trong văn bản này Lê Bá Quát với vỏn vẹn 4 bài đã không được vị học giả cần mẫn, cẩn thận như Trần Văn Giáp nhắc đến trong các công trình thư mục học của mình). Chúng tôi còn nghĩ đến khả năng là chính việc người chép đưa một số tác phẩm bên ngoài vào cũng có thể góp phần đẩy các tác phẩm "bản địa" ra khỏi bản chép.
2, TTCGLT có thể có nhiều hơn 5 quyển (nếu ta nghi nghờ ghi chép của Phan Huy Chú).
Chúng ta hãy nhớ lại, Lê Quý Đôn đã ghi TTCG gồm những 15 quyển và như thế chắc chắn số bài thơ phải nhiều hơn con số 472 mà Phan Huy Chú ghi chép. Có thể nghĩ rằng, đến thời Lê Quý Đôn, TTCG vẫn còn đầy đủ, toàn vẹn (nhiều hơn 5 quyển) nhưng đến thời Phan Huy Chú, ông chỉ có trong tay một bộ TTCG 5 quyển, 472 bài. Với việc tổng hợp từ 2 bản A, B hiện còn (không đầy đủ) với con số vượt qua con số ghi chép của Phan Huy Chú những 10 bài (trong khi số tác giả vẫn chưa đến con số 13), có thể đặt vấn đề TTCG còn dài hơn những gì họ Phan mô tả
Như vậy, cùng với việc thống kê lại chính xác số bài thơ hiện còn của hai văn bản, đồng thời phát hiện thêm sự xuất nhập của bản chép tay (nhất là số bài thơ đưa từ bên ngoài), chúng ta đã tạm có thể lý giải được phần nào tình hình văn bản phức tạp của TTCG và hình dung được diện mạo của nó ít nhất là vài ba thế kỷ trở lại đây. Từ đó, chúng ta xác định được vị trí, giá trị của hai văn bản hiện còn. Đồng thời, tiếp tục có hướng tìm tòi, để ý phát hiện thêm những vấn đề còn tồn tại của chúng. Những gì chúng tôi nêu ra mới chỉ là giả thiết, là câu hỏi để mọi người cùng quan tâm tìm cách giải đáp. Chúng tôi tin rằng, đến một lúc nào đó, nếu điều kiện tư liệu cho phép, cùng với sự dày công khảo sát của các nhà nghiên cứu, chúng ta hoàn toàn có thể khôi phục được văn bản TTCG sao cho gần với diện mạo ban đầu nhất, phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu di sản văn hoá truyền thống của chúng ta./.
Hà Nội 28/ 07/ 2004.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét