Minh đô thi vựng (明 都 詩 彙) là bộ thi tuyển quan trọng của Việt Nam thời Trung đại. Tuy nhiên, dường như sách chưa được in ra mà vẫn tồn tại dưới dạng chép tay. Vì vậy, công trình này chưa được định bản và trong quá trình truyền bản không tránh khỏi hiện tượng tam sao thất bản. Hiện nay, giới nghiên cứu chỉ mới biết tới 3 dị bản của công trình này hiện tàng trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mà cả ba bản đều không đầy đủ, tình hình văn bản khá phức tạp, đó là các bản: A.2424; A.2171; VHv.2392. Gần đây, thật tình cờ và may mắn, chúng tôi đã tìm thấy thêm một dị bản MĐTV ngoài 3 bản trên. Sau đây, chúng tôi xin được giới thiệu khái quát về văn bản này.
Dị bản này từ lâu đã nằm trên giá sách tại tư gia ông Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm(3). Được biết chúng tôi quan tâm đến sách này, ông đã vui lòng cho mượn và cho phép được khai thác. Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn thiện ý của ông! Cũng vì thế chúng tôi tạm gọi dị bản này là bản Nguyễn Xuân Diện (NXD) để phân biệt với ba dị bản nêu trên.
Sách rách đầu rách cuối, một số tờ đã mủn nát. Sách chép tay trên giấy dó cũ khổ 21x13 cm, khâu gáy, bìa đóng bằng giấy bản cứng, màu hồng. Bìa sách đề “Minh đô thi tập” 明 都 詩 集, nhưng trong ruột sách lại chép “Minh đô thi vựng” (明 都 詩 彙) (tờ 50a), dưới còn có cước chú bằng chữ nhỏ: “Hà Thanh Bùi gia (Liên Khê cư sĩ Cơ Phủ) biên tập” (河 清 裴 家 蓮 溪 居 士 幾 甫 编 輯). Theo chúng tôi, bìa sách chắc do người sau viết vào, nên chúng tôi dựa vào tên được viết ở trong ruột sách. Hơn nữa, theo kết quả chúng tôi đã công bố trong bài Giới thiệu bài Tự tự Minh đô thi vựng của Bùi Nhữ Tích mới phát hiện (Thông báo Hán Nôm học năm 2007), cái tên Minh đô thi vựng mới là tên đúng của sách này. Sách gồm 78 tờ (156 trang), mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng khoảng 20 chữ, viết chân phương dễ đọc, có phê điểm bằng mực son, thỉnh thoảng có chú thích (cước chú, hoặc chú trên trán sách) về tiểu sử tác giả hoặc lai lịch các tác phẩm. Sách không có dấu hiệu kiêng húy, không ghi niên đại, tên người sao chép, địa điểm sao chép, xuất xứ văn bản,v.v…Trong văn bản thấy xuất hiện một số địa danh như: tỉnh Sơn Tây, v.v...Theo suy đoán của chúng tôi, sách này sớm nhất cũng chỉ xuất hiện từ cuối thế kỉ XIX trở về sau.
So sánh với 3 bản Minh đô thi vựng hiện có ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi thấy bản NXD khá giống với bản A.2424, từ cước chú: “Hà Thanh, Bùi gia Liên Khê cư sĩ Cơ Phủ biên tập” (tờ 50a) đến trật tự ghi chép các tác giả, số bài thơ của từng tác giả (tuy có đôi chỗ xuất nhập, lẫn lộn) [xem Phụ lục 1]. Tất nhiên, so với bản A.2424, ta cũng thấy hiện tượng bản này rách một số tờ ở giữa sách, khiến cho trình tự chép bị đứt quãng, thiếu hụt (chẳng hạn như trường hợp chép thơ Đặng Minh Khiêm - Đàm Thận Huy) [xem Phụ lục 2]. Số tác giả và số bài thơ của bản NXD cũng không đầy đủ, phong phú bằng bản A.2424. Từ đây, có thể suy đoán hai khả năng: bản NXD chép lại bản A2424 hoặc 2 bản này có cùng một nguồn gốc (tức là cùng chép từ một nguồn khác). Như vậy, riêng với bản A.2424, chúng ta có thêm một dị bản để nghiên cứu so sánh.
Đặc biệt, giữa văn bản Minh đô thi vựng (NXD) (tờ 50a) có ghi: “Minh đô thi vựng quyển chi tứ” (Minh đô thi vựng quyển IV). Sau đó là dòng ghi tổng số bài chép: “chấn vựng nhất bách bát thập thủ” (tập hợp 180 bài). Đây là một thông tin cực kì quan trọng. Bởi vì nó cung cấp cho ta cơ cấu và lai lịch của sách. Từ thông tin trên có thể suy ra, phía trước chính là quyển III. Như vậy, bản NXD bao gồm 2 quyển III và IV (dĩ nhiên là không trọn vẹn do bị rách đầu rách cuối). Vậy đây không phải là một công trình trọn vẹn mà chỉ là một phần (quyển III, IV) trong một bộ sách gồm nhiều quyển.
Từ đây, chúng ta có thể quay trở lại xem xét vị trí của bản Minh đô thi vựng A.2424. Bản này, theo như ghi chép bên trong, gồm 2 quyển Thượng và Hạ. Theo Trần Văn Giáp, bản A.2424 có thể là bản của Bùi Ngạn Cơ “nhân sách của cha mà làm gọn lại, thành 2 quyển thượng và hạ”(). Theo chúng tôi, với những tư liệu mới tìm thấy, điều này ít có khả năng xảy ra. Bản A.2424 rất giống với bản NXD, mà bản NXD được chép là quyển III, IV, vậy A.2424 cũng chính là dị bản của 2 quyển III, IV (chỉ có điều bị đổi thành quyển “Thượng” và quyển “Hạ”) chứ không phải sách toát yếu bộ Minh đô thi vựng. Vậy A.2424 cũng không phải công trình trọn vẹn mà chỉ là một phần của công trình đó.
Cũng theo bài viết chúng tôi đã công bố, số quyển của Minh đô thi vựng nhiều khả năng là 8 quyển, trong đó bản VHv.2392 đóng góp cho chúng ta quyển VII, VIII (đúng như ghi chép bên trong bản này).
Vậy, dị bản mới phát hiện cho thấy bản NXD và bản A.2424 đóng góp cho chúng ta quyển III, IV của bộ Minh đô thi vựng. Đây là kết luận quan trọng để có thể hình dung quá trình truyền bản của công trình và góp phần tiến tới phục nguyên văn bản Minh đô thi vựng trong khả năng có thể.
Như vậy, việc phát hiện 1 dị bản Minh đô thi vựng mới (bản NXD) và bài Tự tự Minh đô thi vựng (trước đây) đã góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề văn bản học của công trình này. Nhưng đây không phải là trọng tâm của bài thông báo. Chúng tôi sẽ còn trở lại các vấn đề văn bản học của Minh đô thi vựng một cách chi tiết, đầy đủ hơn trong thời gian sắp tới./.
Hà Nội, tháng 12 năm 2008.
N.T.T
Chú thích
(2) Xin xem Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H, 1971; Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - nguồn tư liệu văn học, sử học, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H, 1972.
(3) Chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn ông Nguyễn Xuân Diện (Phó Giám đốc Trung tâm thư viện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã cung cấp và cho phép chúng tôi sử dụng văn bản này trong bài viết của mình.
(4) Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam, tài liệu đã dẫn, trang 117.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét