I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thi thoại là một thể tài lí luận phê bình thơ ca khá đặc sắc trong các nền văn học dân tộc có sử dụng chữ Hán hoặc chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử văn học cũng như tư tưởng thi học của các dân tộc này. Mặt khác, thi thoại cũng là một hiện tượng văn học, văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, ở Việt Nam do số lượng thi thoại quá ít nên việc nghiên cứu thi thoại như một hiện tượng như vậy chưa được chú ý nhiều lắm. Bởi vậy, bài viết này xin được bước đầu tìm hiểu tình hình thi thoại ở Việt nam thời Trung đại ngõ hầu góp phần bù đắp phần nào sự thiếu khuyết đó.
II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
1. Vài nét về thể tài thi thoại
Thi thoại bắt nguồn từ văn học Trung Hoa. Ở Trung Hoa, theo nhiều nhà nghiên cứu, khởi nguyên của thi thoại có thể truy ngược tới Chung Vinh (đời Lương) với tác phẩm Thi phẩm, nhưng sự hình thành thi thoại với tư cách một thể loại chuyên biệt, có tên gọi và đặc trưng thể loại riêng thì phải đến thời Tống với tác phẩm “mở đường” là Lục Nhất thi thoại (Âu Dương Tu, Tống),v.v... Kể từ đó, thi thoại Trung Hoa phát triển rất rầm rộ và mạnh mẽ. Theo một số thống kê chưa đầy đủ, ở Trung Hoa hiện còn khoảng hơn 150 bộ thi thoại, trong đó có nhiều bộ rất nổi tiếng như: Thương Lang thi thoại (Nghiêm Vũ, Tống), Thăng Am thi thoại (Dương Thận, Minh) Ngư Dương thi thoại (Vương Sĩ Trinh, Thanh), Tuỳ Viên thi thoại (Viên Mai, Thanh), v.v… Sau khi ra đời, thi thoại nhanh chóng có ảnh hưởng ra các nước “đồng văn” như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam,... Ở các nước này, thi thoại từng bước được biên soạn và dần đóng một vai trò nhất định trong nền văn học các quốc gia đó. Vậy thi thoại là gì?
Theo Phan Khôi: “Thi thoại là một lối trứ thuật chuyên nói về chuyện làm thi. Trong một quyển thi thoại thường góp nhặt những bài những câu thi hay và thường kèm theo ít nhiều lời bình, cốt để lưu truyền những câu đắc ý của tao khách phong nhân mà mong thi giới nhờ đấy cũng có phần phát đạt” [6; 35]. Hoặc: “Thi thoại là sách nói về chuyện làm thơ. Đại để nó là một thứ sách thuộc về loại sách phê bình văn học. Trong các sách thi thoại xưa của người Tàu không phải là tinh phê bình thơ mà thôi, cũng có bao hàm các chuyện khác, như là nhắc lại những dật sự của thi nhân, hoặc nêu ra những điển cố trên văn đàn; nhưng tóm lại thì cái tính chất phê bình nhiều hơn, nên người ta cho vào loại sách phê bình” [6; 42].
Như vậy, về mặt nội dung, thi thoại thường thiên về trình bày tri thức, quan niệm sáng tác của tác giả (tức không chỉ có phê bình, tiếp nhận). Hứa Ngạn Chu thời Nam Tống tổng kết: “thi thoại là để, biện luận về cú pháp, đầy đủ [chuyện] xưa nay, ghi những phẩm cách lớn, chép những việc lạ, đính chính lại những sai lầm” (thi thoại giả, biện cú pháp, bị cổ kim, kỉ thịnh đức, lục dị sự, chính ngoa ngộ dã) [Hứa Ngạn Chu thi thoại]. Về mặt hình thức, có thể nói, thi thoại thuộc về văn xuôi tự sự mà cụ thể hơn là thuộc thể kí. Kí là thể loại hết sức mở, đa dạng về hình thức và phong cách nên thi thoại cũng vậy. Nó có thể bao gồm nhiều tiểu loại khác nhau: hồi kí, nhật kí, bút kí, tùy bút, du kí, kí sự, kí khảo cứu, kí nghị luận,... Về mặt ngôn ngữ, lời văn: thi thoại dung hợp trong nó cả vận văn, tản văn và biền văn... nên cũng rất linh hoạt về bút pháp. Thi thoại thường chia ra thành các luận đề, về sau là các “điều” hay các “thoại”. Mỗi “thoại” trình bày một “mẩu chuyện” hay một vấn đề nào đó tương đối trọn vẹn, độc lập. Vì vậy, quy mô của thi thoại hoàn toàn tự do, tùy thuộc vào số lượng và độ dài các thoại; có thi thoại chỉ vài nghìn chữ (như Thương Lang thi thoại), có thi thoại đến mấy chục vạn chữ (như Tùy Viên thi thoại)...
2. Tình hình Thi thoại Việt Nam thời trung đại
Nếu căn cứ vào tên gọi tác phẩm thì thi thoại ở Việt Nam thời Trung đại ra đời muộn và số lượng khá ít ỏi . Cho đến nay, chúng ta vẫn phải ghi nhận rằng Thương Sơn thi thoại của Miên Thẩm là cuốn thi thoại duy nhất. Tuy nhiên, nếu quan niệm một cách rộng rãi hơn, căn cứ vào đặc trưng của thể loại này, thiết nghĩ, tình hình sẽ khả quan hơn. Hẳn, thi thoại Việt Nam cũng phải có một quá trình hình thành và phát triển nhất định dưới thời Trung đại.
a. Giai đoạn “manh nha” của thi thoại Việt Nam trung đại
Thi thoại Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ bao giờ? Theo Nguyễn Đăng Na, thế kỉ XV là thế kỉ đánh dấu sự xuất hiện của thi thoại Việt Nam với Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446). Theo ông, “trước Hồ Nguyên Trừng tự sự loại này chưa hề xuất hiện… Có thể nói, người đầu tiên viết thể tài thi thoại ở Việt Nam là Hồ Nguyên Trừng. Ông đã dành cho thể này 13/31 thiên, với tỉ lệ gần 42%” [8; 32 - 33]. Đó là những mẩu chuyện “cực ngắn”( ) viết về các giai thoại trong đời sống thơ ca thời Trần Hồ, kèm theo đó là những lời bình luận tinh tế của họ Hồ. Nếu tách riêng 13 thiên này ra khỏi Nam Ông mộng lục thì chúng ta có một tập thi thoại nho nhỏ.
Có được đóng góp đó có lẽ phần lớn là nhờ hoàn cảnh đặc biệt của họ Hồ. Ông viết Nam Ông mộng lục ở Trung Quốc. Nỗi niềm hoài vọng quê nhà, hoài vọng quá khứ là động lực chính để ông viết tập sách này và những mẩu chuyện thơ ca có sức thu hút đặc biệt. Đó cũng là cách để ông ngầm nêu lên lòng tự hào về truyền thống lịch sử, văn hiến, thơ ca của dân tộc mình. Cũng phải chú ý đến không – thời gian mà họ Hồ sống. Thời Minh ở Trung Hoa có thể nói là thời đại phục hưng văn hóa Hán sau gần 200 năm nội loạn và bị ngoại bang thống trị. Sự phục hưng đó diễn ra về mọi mặt trong đó có thi ca. Xu hướng đó kéo theo sự xuất hiện của rất nhiều nhà lí luận thơ ca như: Lí Phan Long, Vương Thế Trinh, Tạ Trăn, Viên Hoằng Đạo, Viên Trung Đạo, Dương Thận,…mà phương tiện phát ngôn quan trọng của họ là thi thoại. Thời Minh có khá nhiều thi thoại ra đời, như: Tứ minh thi thoại, Ngư Dương thi thoại, Thăng Am thi thoại,…Đây có lẽ cũng là một nguyên nhân quan trọng đưa họ Hồ đến với thể tài thi thoại, trong khi ở trong nước thể tài này vẫn vắng bóng trên văn đàn.
Trong nước, chúng ta chưa có thi thoại. Phê bình, ghi chép thơ ca đến thế kỉ XV mới thực sự được chú trọng, nhưng cũng chỉ dừng lại ở những bài tựa, bạt, dẫn, bình, luận, kí,v.v... Tuy nhiên, những tư liệu đó, một mặt, đánh dấu sự hình thành của hoạt động sưu tầm, ghi chép, phê bình thơ ca; mặt khác, tạo tiền đề cho phê bình thơ ca nói chung và thi thoại nói riêng ra đời và phát triển ở các thế kỉ tiếp sau.
Thế kỉ XVI, có hai tư liệu đáng chú ý, đó là: Kim Hoa thi thoại kí (Nguyễn Dữ) [1] và Huấn đồng thi tập tự (Phùng Khắc Khoan) [2].
Kim Hoa thi thoại kí nằm trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ (? - ?) ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVI. Từ thế kỉ XVIII, Lê Quý Đôn đã nhận xét: “Truyền kì mạn lục phần nhiều là ngụ ngôn, cho nên ít người tin. Nhưng Kim Hoa thi thoại [kí] nói là của Phù phu nhân thì có người thật” [2; 205]. Đây là một “truyện truyền kì” nhưng có dáng dấp thi thoại. Một là, lần đầu tiên đã xuất hiện hai chữ “thi thoại” (nói chuyện thơ) trong tiêu đề tác phẩm. Thứ hai, lồng vào cốt truyện hư cấu, Nguyễn Dữ đã dựng lại một đoạn đối thoại và phê bình thơ ca khá dài giữa các nhà thơ có thật trong lịch sử là Thái Thuận (1441 - ?), Ngô Chi Lan (? - ?), Phù Thúc Hoành (? - ?). Đoạn đối thoại và bình luận đó, là đoạn đối thoại, bình luận thơ trọn vẹn đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại. Tách riêng chúng khỏi câu chuyện, bỏ đi những yếu tố “hư cấu” ta được một “mảnh ghép” của thi thoại. Thậm chí, từ tiêu đề tác phẩm có thể nghĩ đến một cuốn Kim Hoa thi thoại mà những ghi chép của Nguyễn Dữ chỉ là một phần của nó. Thông tin đó dường như được chính Nguyễn Dữ hé lộ: “Câu chuyện như vậy có thể chép ra đến bốn năm nghìn chữ nhưng Tử Biên không thể nhớ hết” [2; 185]. Về điều này, Đặng Thị Hảo cũng có nhận xét khá xác đáng: “Tuy hình thức hoang đường, song có lẽ, nội dung câu chuyện đã được Nguyễn Dữ dựa trên một tư liệu thực nào đó về mối liên hệ giữa hai vợ chồng nữ sĩ với một số nhà thơ đương thời” [9; 28]. Tất nhiên, đây chỉ là phỏng đoán, còn cần có những “thiết chứng” tin cậy, thuyết phục để khẳng định giả thiết trên.
Bên cạnh đó, bài tựa Huấn đồng thi tập của Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) cũng có dáng dấp “chuyên luận” bàn về thơ. Lê Quý Đôn nhận xét: “Bài tựa trong thi tập nói về phép làm thơ, ông thuật lại đầy đủ những lời cổ ngữ, rất bổ ích cho việc xem xét, tìm tòi” [3; 210]. Bài tựa tập hợp khá nhiều ý kiến bàn về thơ (đặc biệt là về cách làm thơ của những tác giả nổi tiếng như Thượng Quan Nghi, Bạch Cư Dị, Chu Hi, Phạm Đức Ki, Hoàng Đình Kiên, Dương Tải, Phan Phần Chí,...) không giống với diện mạo của những bài tựa khác. Nó cũng thể hiện những quan điểm riêng của Phùng Khắc Khoan về thơ ca. Tuy nhiên, vì dưới hình thức một bài tựa cho nên, độ dài của văn bản này cũng hạn chế, chưa tạo ra bước đột phá đáng kể. Mặc dù vậy, Huấn đồng thi tập tự cho thấy mối quan hệ gần gũi, qua lại giữa các bài tựa, bạt, dẫn,... với thể tài thi thoại.
Thế kỉ XVII không để lại tư liệu nào liên quan. Sang thế kỉ XVIII, chúng ta có những tác phẩm của Lê Quý Đôn (1726 - 1783). Trong các tác phẩm đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai tư liệu: Thiên Văn nghệ sách Vân Đài loại ngữ [4] và thiên Thiên chương sách Kiến văn tiểu lục [3]. Thiên Văn nghệ có nhiều “điều” ghi chép những ý kiến bàn về thơ (đặc biệt là từ điều 41 đến 48) của tiền nhân, tuy nhiên đã có lồng vào đó một số ý kiến “bàn thêm” của tác giả. Trong Văn nghệ cũng ghi chép về các thi thoại Trung Hoa như Thương Lang thi thoại (Nghiêm Vũ, Tống), San Hô [câu] thi thoại (Trương Biểu Thần, Tống), Hứa Ngạn Chu thi thoại (Hứa Ngạn Chu, Tống),v.v... Có lẽ Lê Quý Đôn là người đầu tiên trích dẫn thi thoại Trung Hoa. Đáng chú ý hơn là thiên Thiên chương được viết dưới hình thức bút kí (“tiểu lục”). Thiên này với những ghi chép có tính chất “khảo cứu”, “phê bình” thơ ca có dáng dấp khá gần với hình thức thi thoại. Đặc biệt, trong Thiên chương, Lê Quý Đôn đã bộc lộ trực tiếp quan niệm cá nhân về thơ ca. Ông cũng dành một vài đoạn viết về thơ của chính mình (tuy còn sơ sài). Đây là đặc điểm thường thấy trong thi thoại các nhà (trình bày kinh nghiệm, quan niệm sáng tác của bản thân). Lối ghi chép thành các “điều” khá ngẫu hứng, tự do của hai tư liệu trên cũng rất gần với lối ghi chép thành các “thoại” của thi thoại. Nếu tách riêng phần viết về thơ ca ra, chúng ta cũng sẽ có được một tác phẩm thi thoại ngắn khá độc đáo với khoảng trên 20 “thoại”.
Đầu thế kỉ XIX, có 2 tư liệu đáng chú ý: Vũ trung tùy bút [5] của Phạm Đình Hổ (1768 - 1839), phần Thi văn trong Văn tịch chí, sách Lịch triều hiến chương loại chí [1] của Phan Huy Chú (1782 - 1840).
Vũ trung tùy bút là tập tùy bút có nội dung rất phong phú, trong đó có nhiều thiên khảo cứu sâu sắc về văn chương. Trong đó đáng chú ý là thiên Thể thơ. Đây là thiên nghiêng về khảo cứu công phu, uyên bác về diễn tiến của thơ ca các triều đại trước đó. Thiên Thể thơ tích lũy thêm kinh nghiệm phê bình, khảo cứu thơ ca, bộc lộ những quan niệm về thơ ca Việt Nam hết sức sâu sắc. Thiên Thể thơ gợi nhắc đến thiên Thi thể trong Thương Lang thi thoại của Nghiêm Vũ.
Phần Thi văn trong Văn tịch chí, sách Lịch triều hiến chương loại chí điểm các sách thi văn của nước ta qua các triều đại theo kiểu thư mục học. Tuy nhiên, trên thực tế, khác với Lê Quý Đôn trong Nghệ văn chí (sách Đại Việt thông sử), Phan Huy Chú đã làm một công việc vô cùng ý nghĩa là ghi chép, tổng kết và đánh giá lịch sử văn học cổ nước nhà một cách chi tiết. Bởi vậy, có ý kiến nhận xét phần Thi văn trong Văn tịch chí là “một cuốn lịch sử văn học sơ giản” [6; 45]. Trong cuốn “lịch sử văn học sơ giản” này, Phan Huy Chú dành phần lớn trang viết dành cho thơ ca (khoảng 91/ 106 đầu sách là các tập thơ). Phần viết về thơ ca này, ngoài một số ít các “điều” chỉ điểm tên tập thơ, tên tác giả, số quyển, số bài một cách khô khan, phần lớn các điều còn lại vừa có tính chất sưu tầm, khảo cứu vừa có tính chất phê bình, cảm thụ thơ ca khá sâu sắc. Phần này được viết theo phong cách của kí (khảo cứu, phê bình). Điều này khiến cho phần Thi văn viết về thơ ca có tính chất của thi thoại. Tuy nhiên, phong cách viết vẫn theo công thức nhất định, chưa thực sự đa dạng, ngẫu hứng theo kiểu của thi thoại. Nó cũng thiên về cảm thụ, “tiếp nhận” chứ chưa trình bày quan niệm, kinh nghiệm sáng tác của tác giả. Song le, về quy mô, đây cũng là phần viết về thơ ca dày dặn, phong phú nhất từ trước đến lúc bấy giờ (chiếm phần lớn 2 quyển 43, 44 với 91 “mục”). Có thể nói, phần Thi văn trong Văn tịch chí là bước chuẩn bị cho sự ra đời chính thức của thi thoại ở Việt Nam thời Trung đại.
b. Sự hình thành thi thoại Việt Nam trung đại với Thương Sơn thi thoại của Nguyễn Phúc Miên Thẩm.
Thi thoại Việt Nam chính thức ra đời vào giữa thời Nguyễn, nhưng cũng chỉ có một tác phẩm duy nhất còn lại với chúng ta hiện nay là Thương Sơn thi thoại của Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819 - 1870). Sự ra đời của Thương Sơn thi thoại vừa là một bước đột phá, bước ngoặt trong “lịch sử” thi thoại Việt Nam, nhưng cũng vừa là một tất yếu. Về đặc điểm cụ thể của tác phẩm chúng tôi đã có bài giới thiệu chi tiết [11], ở đây chúng tôi chỉ xin trình bày một vài nét lớn.
Tác phẩm bao gồm khoảng hơn 50 “thoại” (hay “điều”). Giá trị của Thương Sơn thi thoại thể hiện ở nhiều mặt. Trước hết, tác phẩm là một khối tư liệu về sáng tác thơ từ của các tác giả, chủ yếu là các tác giả Việt Nam trung đại, trong đó tập trung nhất là sáng tác của chính Miên Thẩm và những người đồng thời với ông. Thứ hai, Thương Sơn thi thoại là một công trình khảo cứu có giá trị về một số nguồn thi liệu, điển tích, từ ngữ,... trong sáng tác, đặc biệt là sáng tác thơ ca và từ khúc. Trước Miên Thẩm, có lẽ chỉ có Lê Quý Đôn làm được chút ít trong Vân Đài loại ngữ và Kiến văn tiểu lục. Miên Thẩm đã nối tiếp bước đi đó và bước đầu đạt được một số kết quả. Ông đã đứng ra tranh biện với cả học giả Trung Hoa về một số hiện tượng văn học. Chẳng hạn, ông biện luận về nhân vật có tên Lục Khải trong thơ, biện luận về nguồn gốc của điệu từ Quất chi; khảo luận về sự học tập, ảnh hưởng lẫn nhau trong từng câu thơ, bài thơ của các nhà thơ Trung Hoa và Việt Nam, khảo về hiện tượng họa vần (đồng âm), nối vần,... Giá trị nổi bật của Thương Sơn thi thoại là tư tưởng thi học. Trước Thương Sơn thi thoại, ở nước ta có rất ít công trình chuyên bàn về thơ. Các ý kiến bàn về thơ trước đó chủ yếu được lồng vào các lời bình, các bài tựa, bài khải, các ghi chép có tính sưu tập, khảo cứu... Đến Thương Sơn thi thoại, nhiều vấn đề về thơ ca đã được đề cập dưới nhiều giác độ, từ các giác độ giàu tính lí luận như quan hệ giữa thơ và nhạc, vấn đề âm luật thơ, vấn đề học tập tiền nhân, ý tượng thơ, hiện tượng nhập thần... đến những giác độ cụ thể thuộc phép làm thơ như sử dụng điển cố, dùng chữ, đặt câu, v.v... Có thể nói, những ý kiến bàn về thơ từ của Miên Thẩm trong Thương Sơn thi thoại tuy không hoàn toàn mới mẻ và phong phú nhưng có tính tập trung, tính tổng kết và cập nhật, góp phần bù đắp những khuyết thiếu về lí luận của nền thi học Việt Nam trung đại vốn không lấy gì làm dày dặn. Đây là giá trị quan trọng nhất của tác phẩm. Bởi vậy, hai học giả Trung Quốc là Vương Tiểu Thuẫn và Hà Thiên Niên đã đánh giá Thương Sơn thi thoại là “thành quả lớn của thi học cổ Việt Nam” [10]. Tiếc rằng, sau khi ra đời, tác phẩm không được phổ biến rộng rãi, nên không thấy có dấu ấn gì trong đời sống văn học đương thời.
Một vấn đề cần đặt ra là, nguyên nhân nào dẫn đến sự ra đời của Thương Sơn thi thoại ? Trả lời được câu hỏi này cũng đồng thời tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng có phần “nghèo nàn” của thi thoại Việt Nam Trung đại. Theo chúng tôi, có mấy nguyên nhân chính sau:
Về mặt chủ quan, như ta biết, thi thoại là sự tổng hợp giữa tính chất phóng túng, tài hoa và tính chất khảo cứu công phu, nghiêm túc; giữa kinh nghiệm sáng tác riêng của tác giả và tri thức thi học chung. Do đó, người viết thi thoại phải kết hợp được cả hai phẩm chất: tài hoa, tài tử của nghệ sĩ và uyên bác, cần mẫn của nhà nghiên cứu. Người viết thi thoại thường cũng phải là một nhà thơ tầm cỡ, có chủ thuyết riêng. Trước đó, như ta thấy, những trường hợp như vậy rất hiếm. Nam Ông mộng lục tuy có dáng dấp thi thoại nhưng mới chỉ là những “đoản thiên” rời rạc chưa được kết hợp lại thành một công trình dài hơi. Bản thân tác giả của nó, có lẽ cũng không đủ “nội lực” (hay kinh nghiệm nghệ thuật) để viết một cuốn thi thoại dài hơi. Việc ông sáng tác những mẩu thi thoại nọ chỉ là ngẫu nhiên, nằm trong một ý đồ nghệ thuật khác: viết về quá khứ, về những kỉ niệm nơi quê hương xa xôi. Còn các tác phẩm có “hình bóng” của thi thoại trong nước (như trên đã trình bày) thì sao? Các tác phẩm này thường thiên về hai cực, hoặc là những tác phẩm nặng tính khảo cứu (như: Tựa Huấn đồng thi tập, Thiên chương, Văn nghệ, Thể thơ, Loại thi văn,...) hoặc là những tác phẩm đậm tính chất hư cấu, sáng tác (Kim Hoa thi thoại kí) và thường là tri thức thi học chung, chưa thấy kinh nghiệm cá nhân, chưa có chủ thuyết. Các mặt đó chưa được kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn trong một chỉnh thể. Miên Thẩm là người đầu tiên kết hợp thành công hai mặt đó. Thương Sơn thi thoại vừa có chất tài hoa, nghệ sĩ vừa có tính uyên bác, công phu. Miên Thẩm lại là một nhà thơ có hạng. Gần như, với Miên Thẩm, làm thơ là một “nghề” thực sự suốt đời ông đeo đuổi, chứ không phải công cụ để thi cử, tiến thân. Hơn thế, ông còn là một trong những lãnh tụ của thi đàn đương thời, chủ soái của thi xã Tùng Vân nổi tiếng. Tài năng và kinh nghiệm thơ ca giúp Miên Thẩm dễ dàng làm chủ loại hình thi thoại. Thi thoại cũng đòi hỏi “cái Tôi” tác giả (cái tôi nghệ sĩ) phải có một trình độ “tự ý thức” khá cao. Đây là điều mà có lẽ đến thế kỉ cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX với sự trỗi dậy của ý thức cá nhân, của văn học nghệ thuật đích thực mới có thể xuất hiện. Làm thi thoại, các nhà thơ mới có thể bộ lộ rõ nhất quan niệm cá nhân độc đáo của mình. Miên Thẩm là trường hợp như vậy.
Về mặt khách quan, Sinh hoạt thơ ca rất nhộn nhịp trong cung đình nhà Nguyễn là một điều kiện quan trọng cho sự ra đời Thương Sơn thi thoại. Các Hoàng đế triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức,... rất sính thơ và cũng hay thơ. Mỗi ông vua có từ vài trăm đến vài ngàn bài thơ, kéo theo sự phụ hội, hưởng ứng của các văn thần, nho thần. Bởi vậy, hoạt động xướng họa thơ ca rất phong phú, đa dạng dưới thời Nguyễn. Các hoàng thân, văn thần triều Nguyễn cũng tích cực tham gia sáng tác, giao lưu văn nghệ. Tiêu biểu cho sinh hoạt thơ ca dưới triều Nguyễn chính là thi xã Tùng Vân (còn có tên là Mặc Vân) nổi tiếng, do chính Miên Thẩm sáng lập. Hoạt động của thi xã Tùng Vân là đề tài chính, chiếm một dung lượng lớn, được phản ánh trong Thương Sơn thi thoại. Ngoài ra còn khá nhiều các thi xã khác như: thi xã Bạch Mai, thi xã Bình Dương,... Một nhân tố quan trọng nữa thúc đẩy sự ra đời của Thương Sơn thi thoại có lẽ là sự ảnh hưởng của hệ thống thi thoại Minh Thanh nói riêng và văn hóa Trung Hoa nói chung. Những Ôn công thi thoại, Thăng Am thi thoại, Vương Ngư Dương thi thoại, Tùy Viên thi thoại,…gián tiếp hoặc trực tiếp được nhắc đến nhiều trong Thương Sơn thi thoại. Trước đó, không phải các nhà văn Việt Nam không tiếp xúc với thi thoại Trung Hoa (như Lê Quý Đôn chẳng hạn), nhưng có lẽ các nhà văn này chưa chú ý đúng mức đến hình thức độc đáo (và thiên về văn học nghệ thuật) này. Phải chăng vì thi thoại lúc bấy giờ vẫn bị xem là loại sách “không quan hệ gì đến chính sự cả”. Sự phân biệt giữa văn trước thuật và và văn nghệ thuật đương thời cũng chưa rõ ràng. Đến thời Nguyễn, ta thấy Phan Huy Chú đã có ý thức phân biệt rõ hai loại này và đề cao văn nghệ thuật. Quan niệm về thi thoại thời Nguyễn cũng vì thế mà thay đổi. Các tác giả thời Nguyễn cho đây là một thể tài quan trọng, hấp dẫn. Nhiều thi thoại Trung Hoa được đem ra thưởng thức, thảo luận, trích dẫn [12]. Thời Nguyễn, hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước cũng diễn ra khá sôi động. Nhiều nhà thơ Trung Hoa và Việt Nam đã gặp gỡ, trao đổi học thuật với nhau dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Không khí giao lưu, trao đổi học thuật sôi nổi đó có dấu ấn đậm nét trong thi thoại của Miên Thẩm. Thế kỉ XIX, cũng là thế kỉ mà văn khảo cứu rất phát triển. Hàng loại các công trình khảo cứu đã ra đời trong giai đoạn này, trong đó có những công trình khảo cứu về thơ ca (như Vũ trung tùy bút, Lịch triều hiến chương loại chí đã nêu trên). Đó cũng là một điều kiện quan trọng thúc đẩy thi thoại ra đời.
III. KẾT LUẬN
Sự hình thành của thi thoại Việt Nam trung đại là một quá trình lâu dài (ít ra là 4 – 5 thế kỉ); là sự tương tác, hội tụ các điều kiện chủ quan và khách quan, trong đó bối cảnh lịch sử văn hóa, giao lưu văn hóa đóng vai trò quan trọng nhất. Do đó, có thể xem, sự hình thành thi thoại Việt Nam trung đại là một hiện tượng văn hóa đáng chú ý, phản ánh phần nào đó không khí văn nghệ, học thuật của thời kì này. Sang thế kỉ XX, XXI, thi thoại Việt Nam tiếp tục phát triển với số lượng thi thoại ngày càng nhiều. Điều đó cho thấy sức sống của thể loại này trong nền văn học, văn hóa dân tộc. Nghiên cứu thi thoại Việt Nam thời hiện đại là công việc cần tiếp tục tiến hành trong tương lại để có thể dựng lại “lịch sử” của thi thoại Việt Nam một cách đầy đủ và toàn diện hơn./.
N.T.T
[Bài đăng Đặc san khoa học, ĐHSP Hà Nội, 2008]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (bản dịch), tập 1, Nxb Giáo dục, H, 2007.
[2] Nguyễn Dữ, Truyền kì mạn lục, (bản dịch), Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1991.
[3] Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Thiên chương (bản dịch), Nxb Khoa học xã hội, H, 1977.
[4] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ (bản dịch), tập 1, Nxb Văn hóa, H, 1962.
[5] Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút (bản dịch), Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1988.
[6] Phan Khôi, Chương Dân thi thoại, Nxb Đà Nẵng, 1998, Tiểu dẫn, trang 35
[7] Tạ Ngọc Liễn, Một sự nghiệp còn mãi, in trong Phan Huy Chú và dòng văn Phan Huy, Sở Văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình, 1983, trang 45.
[8] Nguyễn Đăng Na, Lời giới thiệu, Nam Ông mộng lục, Nxb Văn học, H, 1999
[9] Nhiều tác giả, Từ điển văn học, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, H, 1984, mục Ngô Chi Lan.
[10] Vương Tiểu Thuẫn và Hà Thiên Niên, Việt Nam cổ đại thi học đích thạc quả - Thương Sơn thi thoại, in trong sách Trung Quốc thi học (tập 9, Tưởng Dần chủ biên, Nhân Dân văn học xuất bản, 2004).
[11] Nguyễn Thanh Tùng, Vài nét về văn bản và giá trị của Thương Sơn thi thoại, TC Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H, số 3 năm 2007.
[12] Nguyễn Thanh Tùng, Vài nét về thuyết tính linh trong tư tưởng thi học Việt Nam trung đại, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1 năm 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét